;
>Chùa Hoằng Pháp: Chương trình diễu hành xe hoa Phật đản
Ban Trị sự Phật giáo một thành phố lớn vừa họp bàn kế hoạch tổ chức Đại lễ Phật đản, cũng là hoạt động tổ chức hưởng ứng Đại lễ Vesak 2014 được GHPGVN đăng cai tổ chức tại Ninh Bình. Trong đó, tại địa phương nói trên sẽ không có diễn hành xe hoa và thuyền hoa đã là hoạt động năm trước đó.
Tổ chức Đại lễ Phật đản tại địa phương thuộc thẩm quyền của Ban Trị sự Phật giáo địa phương đó. Tất nhiên, là tăng ni Phật tử sẽ chấp hành theo chỉ đạo của Ban Trị sự Phật giáo địa phương.
Tuy nhiên, việc bình luận sự kiện là điều mà mọi người đều có thể thực hiện. Xem đây là một tác động mạnh vào việc tổ chức Đại lễ Phật đản theo hướng không có lợi, rất cá biệt, hoàn toàn bất bình thường trong sự phát triển chung của Phật giáo cả nước, chúng tôi sẽ tiến hành viết một loạt bài bình luận về sự kiện này liên tục từ nay đến sau Đại lễ Phật đản.
Hoạt động xe hoa, thuyền hoa trong Đại lễ Phật đản bị cắt bỏ đã là quan trọng. Nhưng quan trọng hơn là cách tư duy để đi đến một quyết định như vậy, mà chúng tôi coi là một lát cắt vào Đại lễ Phật đản.
1)Vai trò và vị trí của xe hoa, thuyền hoa trong Đại lễ Phật đản
Trước hết, xin điểm sơ qua lý luận về tổ chức lễ hội. Nội dung mà chúng tôi dẫn lại ở đây là trích từ sách giáo khoaTiếng Việt 3, tập 2, sách giáo viên, nhà xuất bản Giáo dục (trang 143) để xác định rằng đây là kiến thức căn bản, phổ thông, được dạy từ cấp tiểu học.
Theo đó, lễ là “các nghi thức nhằm đánh dấu hoặc kỷ niệm sự kiện có ý nghĩa”, hội là kỷ niệm “cuộc vui tổ chức cho đông người dự theo phong tục hoặc nhân dịp đặc biệt”. Lễ hội là “hoạt động tập thể có cả phần lễ và phần hội”.
Đại lễ Phật đản là một lễ hội. Trong đó, phần lễ là nghi thức tôn giáo tổ chức trọng thể tại chùa và lễ đài Phật đản vào ngày rằm tháng tư và những ngày trong tuần lễ Phật đản. Phần hội gồm nhiều hình thức phong phú như văn nghệ, hoa đăng…, trong đó có diễn hành xe hoa, thuyền hoa.
Xe hoa Phật đản là hoạt động diễn hành truyền thống đã có tại các thành phố lớn như Sài Gòn, Huế… từ 50 năm nay, hiện đã phổ biến rộng rãi ở nhiều địa phương trên cả nước. Tin tức Phật sự mới đây cho biết ngay cả một tỉnh miền núi như Tuyên Quang cũng có tổ chức Phật đản.
Thuyền hoa Phật đản là hoạt động hội mới phát triển từ Vesak 2008 ở những tỉnh thành có sông hồ. Thuyền hoa Phật đản có rất nhiều dạng cố định, diễn hành, hộp đèn nổi được phát triển ở nhiều địa phương, mà thành phố Huế là một ví dụ nổi bật. Năm vừa rồi, TPHCM có thuyền hoa Phật đản với đủ 3 dạng thuyền: diễn hành trên sông, thuyền neo đậu cố định và hộp đèn nổi. Thuyền hoa Phật đản là một hình thức hội chào mừng Phật đản mới được sáng tạo nhưng được đông đảo quần chúng Phật tử hoan nghênh, đóng góp vào mỹ quan thành phố, góp phần hình thành không khí ngày hội mừng Phật đản.
Xe hoa thuyền hoa Phật đản được đề cập trong thông bạch hướng dẫn tổ chức Phật đản của Hội đồng Trị sự. Do đó, là một hoạt động được phép và được khuyến khích. Thực tế tổ chức trong nhiều năm ở nhiều địa phương đều được sự quan tâm, giúp đỡ, ủng hộ của chính quyền các cấp, xe hoa Phật đản trở thành một hoạt động hội truyền thống trong lễ hội Phật đản nhiều địa phương như Huế, TPHCM.
Trước năm 1964, lễ Phật đản chỉ được tổ chức trong nội thất chùa chiền. Sau Pháp nạn lịch sử 1963, từ năm 1964, lễ Phật đản mới được tổ chức dưới hình thức mít tinh, ở Sài Gòn có thêm phần hội là xe hoa Phật đản. Chỉ gián đoạn một thời gian sau năm 1975 vì khó khăn chung, đến nay, xe hoa Phật đản đã vào năm thứ năm mươi và là một bước tiến lớn trong việc tổ chức lễ hội Phật đản.
Trong bối cảnh nghi thức lễ Phật đản tôn giáo dạng mít tinh được tổ chức trong chùa như hiện nay, cũng như các hoạt động hội khác như hoa đăng văn nghệ đều được tổ chức trong khuôn viên chùa, thì xe hoa, thuyền hoa Phật đản là 2 hình thức riêng của hoạt động hội Phật đản được tổ chức trên đường phố, sông hồ,nơi công cộng ngoài không gian chùa.
Xe hoa, thuyền hoa Phật đản có thời gian tổ chức trong nhiều ngày, chạy qua nhiều địa phương, với tổng cự ly lên đến nhiều chục km qua các khu vực trung tâm các thành phố, thị trấn, vì vậy, có tác dụng tạo tác động lễ hội Phật giáo với không gian, thời gian mở rộng.
Vì vậy, nếu như các hình thức lễ và hội Phật đản tổ chức trong khuôn viên chùa chỉ có tác động nhiều nhất là vài ngàn lượt người/lễ hoặc hội, thì xe hoa, thuyền hoa Phật đản có thể tác động đến nhiều trăm ngàn người/lượt diễn hành.
Không có xe hoa, thuyền hoa Phật đản có nghĩa là lễ Phật đản sẽ thu hẹp lại vào khuôn viên chùa với số người tham dự lễ hội Phật đản có thể chỉ còn khoảng 10% so với khi có xe hoa, thuyền hoa Phật đản.
Có nghĩa là lễ hội Phật đản chỉ còn cơ bản phần lễ, với nghi thức tôn giáo. Phần hội chỉ còn vài hoạt động thu hút số người giới hạn (vài ngàn/lượt) như văn nghệ, hoa đăng.
Đóng vai trò chủ chốt trong phần hội của lễ Phật đản, xe hoa, thuyền hoa Phật đản có vị trí hết sức quan trọng trong việc đưa ngày lễ Phật đản đến với đông đảo quần chúng, tạo một không khí hoan hỷ cho địa phương.
Vì vậy, xe hoa, thuyền hoa Phật đản là một bước tiến lớn trong việc tổ chức đại lễ Phật đản tại Việt Nam. Xe hoa, thuyền hoa Phật đản là một thành quả của chấn hưng Phật giáo gắn liền với nhiều thành quả khác đạt được sau cuộc vận động giải trừ Pháp nạn 1963. Xe hoa, thuyền hoa Phật đản là một hình thức cúng dường vô cùng hoan hỷ, nhiều màu vẻ, sinh động nhân ngày Đức Phật đản sinh.
Xe hoa, thuyền hoa Phật đản là một trong sự thể hiện sống động Phật giáo Việt Nam hưng thịnh phát triển, gắn liền với mốc chuyển mình năm 1964 sau Pháp nạn lịch sử, đồng thời cũng là công cụ linh hoạt, hình tượng, giới thiệu Phật pháp đến với quần chúng rộng rãi.
Xe hoa, thuyền hoa Phật đản với lộ trình diễn hành là đường phố công cộng cũng là một biểu hiện tập trung và cụ thể quan hệ tốt đẹp và đặc biệt giữa Phật giáo và chính quyền. Ở đó, Phật giáo đã được sự ủng hộ giúp đỡ của chính quyền mọi địa phương và mọi cấp. Nhận thức được điều này thì sẽ thấy yêu cầu duy trì liên tục hoạt động xe hoa Phật đản.
Trong tương quan là những nơi có số lượng tín đồ Phật giáo đông đảo, việc tổ chức ngày càng hoàn thiện lễ hội Phật đản ở các thành phố như Huế, TPHCM, Hà Nội… có tác động thúc đẩy ngày càng nâng tầm chất lượng lễ Phật đản được tổ chức trên khắp các tỉnh thành cả nước. Việc cắt hủy, loại bỏ phần hội của lễ Phật đản ở các đô thị lớn có truyền thống tổ chức đương nhiên sẽ có tác động tiêu cực đến việc tổ chức Đại lễ Phật đản.
Lễ Phật đản tại Việt Nam đang trong tiến trình trở thành một ngày lễ tôn giáo lớn, chứ chưa hẳn trở thành một ngày lễ tôn giáo có ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng như lễ Noel. Do đó, xe hoa thuyền hoa Phật đản là một cố gắng lớn của liệt vị tôn đức lãnh đạo Phật giáo Việt Nam giữa thế kỷ XX nhằm thúc đẩy tiến trình đó. Xe hoa, thuyền hoa Phật đản là một sự mở rộng không gian của xe hoa Phật đản, nhằm đưa ngày lễ Phật đản từ khuôn viên chùa tỏa rộng ra những nơi công cộng, đường phố, sông hồ, bến thuyền. Xe hoa, thuyền hoa Phật đản giữ vai trò chủ đạo tạo nên một “các-na-van” Phật đản trên đường phố, làm hoan hỷ cho toàn thể cộng đồng dân cư nhân ngày Phật ra đời. Xe hoa, thuyền hoa Phật đản chính là phần hội của lễ hội mừng sinh nhật Đức Phật và hiện nay chưa hình thức nào có thể thay thế được.
Trên đây chúng ta đã tìm hiểu vai trò, tầm quan trọng của xe hoa, thuyền hoa Phật đản. Trong những bài sau chúng ta sẽ tìm hiểu hệ quả của việc cắt hủy, loại bỏ xe hoa thuyền hoa ra khỏi Đại lễ Phật đản.
Xin dùng câu tâm niệm của hàng đệ tử nhà Phật để kết thúc bài viết: “Phàm làm việc gì cũng phải nghĩ tới hậu quả của nó” (1).
MT
(1)Cung cấp thông tin riêng tư:Vinasat132@yahoo.com; facebook.com/cusiminhthanh