;
Trước áp lực của kẻ mạnh sát nách luôn quấy nhiễu lấn lướt, nhà nước Việt Nam đã bao lần tế nhị né tránh, dù là bằng lời nói để khỏi mích lòng lân bang, thế nhưng, kẻ thiếu ý thức cứ nghĩ là dân tộc Việt hèn nhát sợ sệt, nên cứ đánh phá, cướp bóc, giết chóc ngư dân, không những gây khốn đốn cuộc sống ngư dân, mà còn cướp đoạt quyền lợi trên biển của dân tộc Việt, tuồn hàng độc hại và phá hoại kinh tế đất nước ta dưới nhiều hình thức không lương thiện.
Hơn ai hết, Trung quốc thừa hiểu Vesak tuy thuộc lãnh vực tôn giáo, nhưng uy tín phủ trùm cả lãnh vực chính trị và giao tế của dân tộc Việt hiện nay. 95 đoàn các quốc gia tham dự, trên một ngàn đại biểu quốc tế có mặt, trong đó không những các nước trong khu vực mà có cả những quốc gia xa xôi như Phi châu. Đặc biệt có Hiệp Hội Phật giáo Trung quốc đã phát biểu với tinh thần hài hòa không kém các đại biểu của Lào, Campuchea, Srilanka, và những quốc gia yêu chuộng hòa bình khác. Với tinh thần tương ái và hòa bình như thế, Trung Quốc lại tỏ ra thiếu hiểu biết khi thiết lập giàn khoan trong hải phận Việt Nam và hung hăng tấn công tàu cảnh sát biển Việt Nam như một thái độ khinh bỉ và xem thường quốc tế, họ coi Liên Hiệp quốc chỉ là con cọp giấy. Dĩ nhiên với mục đích làm mờ nhạt tinh thần Vesak do Phật giáo Việt Nam chủ trì.
Việt Nam chưa chính thức là đồng minh của các cường quốc, tuy có bang giao với những quốc gia trong khu vực. Việc thiết lập ngoại giao với Ấn Độ trên nhiều lãnh vực, nhất là tôn giáo, Trung quốc thừa hiểu việc Việt Nam bắt tay với kẻ thù của Trung Quốc như thế là ngón chọt lét ngang hông khá khó chịu. Vì thế, Trung Quốc không ngại ngùng ngang nhiên bỉ mặt Việt Nam mà họ không dám đối xử như thế với Malaysia, Indonesia, Nhật, Nam Triều Tiên…
Vả lại biển Đông, tuy Mỹ hứa sẽ đứng sau lưng các đồng minh, nhưng Mỹ cũng đang bị chi phối bởi áp lực của Putin có ý đồ xâm lăng Ucraina. Thừa ván cờ nước đôi của Mỹ nên Trung Quốc tha hồ lấy Việt Nam làm thí điểm để dằn mặt các nước trong khu vực và thăm dò phản ứng của Mỹ mà thực ra Mỹ không có lý do để can thiệp cho Việt Nam. Kế hoạch gặm nhấm của loài “chuột chù” xem như Việt Nam khó có lý do phản ứng mạnh và các quốc gia cũng không muốn can dự khi quyền lợi của những quốc gia đó chưa bị đe dọa.
Sinh mạng của dân tộc đã đến lúc không cho phép tương nhượng một cách lịch sự mà bao năm qua Việt Nam đã thể hiện. Thể hiện một sách lược không mang lại kết quả thì ắt phải thay đổi sách lược để tồn tại cho một tinh thần dân tộc. Tinh thần hiếu hòa với lân bang, ông cha ta từng thể hiện, nhưng không vì thế mà phải hy sinh quyền lợi của dân tộc. Các đời vua Lý và Trần đã từng cảnh báo tính tham vọng của các quốc gia lớn, thì thế hệ con cháu không lý do gì mà phải hy sinh quyền lợi và sinh mạng của một dân tộc cho những khẩu hiệu mạ vàng bao phủ lớp ruột đất sét bẩn thỉu.
Vesak là lễ hội của một tôn giáo hiếu hòa đã được Liên Hiệp Quốc cổ súy, Việt Nam thực hiện tinh thần của Liên Hiệp Quốc về chiến lược phát triển Thiên niên kỷ, không chỉ phát triển hòa bình, môi sinh, giáo dục và nhiều mặt tích cực, ngay cả các mặt tiêu cực cũng phải năng động giảm thiểu, trong đó cần ngăn chận ý đồ bất thiện của người anh em bất hảo ngang ngược để chung sống hòa bình trên ngôi làng hành tinh quá nhỏ bé hiện nay.
Riêng Phật giáo Việt Nam, từng “đồng hành cùng dân tộc” thì không lẽ gì đứng ngoài cuộc khi dân tộc đang chung sống với những kẻ bất thiện đối với dân tộc. Phật giáo chỉ tồn tại khi dân tộc tồn tại, vì thế không lý do gì Phật giáo vẫn nhởn nhơ trước sự đau khổ của dân tộc, và vận mệnh của dân tộc đang là “chỉ mành treo chuông”. Vesak không chỉ là lễ hội cho quần chúng và nghị trường cho các bài diễn văn mượt mà; Vesak phải đi vào thực tế mà Liên Hiệp Quốc đã chủ trương. Vì thế, Phật giáo Việt Nam đăng ký có nghĩa xác định trách nhiệm của Phật giáo đối với dân tộc hiện nay.
08/5/2014