;
Thật ra, yêu cầu tri thức khoa học đối với người tu sĩ Phật giáo nói chung có thể chứng minh được, căn cứ trên hai thực tế: Thực tế khách quan và sự nghiệp tu hành - hoằng hóa (tự giác giác tha).
I. Thực tế khách quan
1. Hiện thực pháp giới tính
Trong vũ trụ vạn hữu, không một hiện tượng nào không liên hệ với tất cả các hiện tượng khác. Đạo Phật không tách rời khỏi thế giới còn lại. Phật pháp không tách rời thế gian pháp, “Nhất thiết thế gian pháp vô phi Phật pháp.”
Chân lý này từng được nêu rõ trong kinh Phật. Kinh Hoa Nghiêm có giáo nghĩa “tương tức, tương nhập”. Tương tức có nghĩa là cái này là cái kia. Tương nhập có nghĩa là cái này nằm trong cái kia.
2. Quan niệm hiện đại về một Trí quyển (noosphere) bao quanh địa cầu, đó là “quyển” do tâm thức và trí tuệ (do tâm trí) của loài người tạo nên.
Tác động của con người vào tự nhiên đã làm biến đổi sâu sắc bộ mặt của hành tinh và các tầng quyển bao quanh nó, đến mức độ không còn nơi nào không mang dấu ấn hoạt động con người.
3. Khoa học và ứng dụng của nó là Kỹ thuật tác động trên con người:
- Tích cực: cho phép hiểu thế giới hiện tượng ngày càng sâu sắc và chính xác.
- Tiêu cưc: Môi trường sống bị tổn hại nghiêm trọng; chiến tranh, tội ác khi áp dụng khoa học - kỹ thuật vào mục đích xấu.
A.Einstein phát biểu rằng: “Tại sao cái nền khoa học ứng dụng nguy nga lộng lẫy ấy, - tiết kiệm sức lao động và làm cho đời sống được dễ dàng hơn, - lại mang đến cho chúng ta quá ít hạnh phúc như vậy? Câu trả lời là: Bởi vì chúng ta chưa học cách sử dụng nó theo lương tri. (Why does this magnificent applied science, which save work và makes life easier, bring us so little happiness? The simple answer runs: Because we have not yet learned to make sensible use of it. – Albert Einstein. Address, California Institute of Technology. The great Quotations, Science. p.854)”
4. Khoa học đã trở thành một trong những hoạt động có tốc độ phát triển nhanh nhất của loài người.
5. Khoa học là Tri thức, mà Tri thức là sức mạnh (Knowledge itself is power. – Francis Bacon).
6. Khoa học đẩy lùi dần mê tín, tà thuyết, tà đạo.
II. Sự nghiệp tu hành và hoằng hóa
1. Đạo Phật là đạo của trí tuệ. Khoa học là trí tuệ thế gian phù hợp với lý trí, không mâu thuẫn với Phật pháp, do vậy mà khi hoằng hóa người tu sĩ cần có những hiểu khoa học nhất định.
2. Nhìn chung, tăng sĩ có tri thức khoa học hiểu kinh điển sâu sắc hơn, đồng thời có thể dùng khoa học để lý giải, thuyết minh chân lý đạo Phật.
- Việc hoằng pháp của Giáo hội Phật giáo sẽ được dễ dàng và có hiệu quả hơn khi hàng tu sĩ có trình độ văn hóa và khoa học vững vàng.
- Cảm hóa tha nhân bằng đức, nhiếp phục họ bằng trí, và bắt đầu bằng thế trí, mà khoa học là thế gian trí tiêu biểu nhất.
3. Khoa học - Kỹ thuật cung cấp những phương tiện trợ duyên cho sự học hỏi và truyền bá chánh pháp.
- Về phương tiện tri thức, có các môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội; các nghành y học, tin học, giáo dục học v.v…
- Về phương tiện vật chất, như: video, cassette, máy vi tính.
4. Biết và sử dụng được một vài phương tiện kỹ thuật chưa đủ để có thể gọi là có tri thức khoa học.
III. Phật pháp và Khoa học
1. Phật pháp là Chánh trí, là Chân lý trong khi khoa học thì đang trên con đường đạt tới Chân lý. Do vậy mà cái biết của khoa học đã và đang tiến hóa theo thời gian, còn những điều đức Phật nói ra là Sự Thật hiển nhiên “như thị”, không có gì phải “xét lại”, như Albert Einstein, nhà bác học vĩ đại nhất của thiên niên kỷ đã nhận định: “Nếu có một tôn giáo nào thích ứng được với các nhu cầu khoa học hiện tại thì tôn giáo đó chính là Phật giáo. Phật giáo không cần duyệt
xét lại hầu cập nhật hóa với những khám phá khoa học mới đây. Phật giáo không cần từ bỏ quan điểm mình để theo khoa học, vì Phật giáo không những bao gồm cả khoa học mà còn vượt qua cả khoa học nữa.”
GS Phạm Phú Thành và ĐĐ Thích Minh Trí trụ trì chùa Phúc Lâm
2. Căn cứ trên biện chứng “giải thoát là tu trí (trí độ)” thì Phật pháp là “cái chuẩn”, là “thước đo” trình độ khoa học chứ không thể dùng khoa học làm thước đo Phật pháp, - như một số phật tử trí thức đã mắc phải sự nhầm lẫn này.
3. Khoa học khám phá những quy luật của thế giới vật chất, chứ tự nó không phải là phương tiện giải thoát con người khỏi phiền não và luân hồi sinh tử.
4. Tu sĩ Phật giáo cần có kiến thức khoa học để:
- được thêm thuận lợi khi hoằng pháp trong một thế giới mà khoa học ngày càng tiến bộ;
- điều chỉnh tình trạng tâm – sinh lý bản thân khi có vấn đề về bệnh lý.
Nhưng không thể cho đó là điều kiện tất yếu bởi vì giáo pháp của đức Thế Tôn đã hoàn toàn đầy đủ cho bất cứ chúng sinh nào - trong cuộc hành trình giải thoát - thực hiện đúng pháp môn Ngài dạy.
Quang Lộc - Phạm Phú Thành