;
>Côn Sơn Tự ngày Phật “trở về”
Ngôi chùa nhỏ, nằm khiêm tốn trong con hẻm nhỏ tại phường 17 quận Gò Vấp - TP HCM có cái tên rất khiêm nhường: Chùa Lá. Sở dĩ chùa có tên này vì ngôi chùa ra đời do một tay Hòa thượng trụ trì dựng lên đều bằng tranh tre, nứa lá. Chùa ra đời từ năm 1996.
Cú đá khiến dân anh chị kính nể
Thầy Huỳnh Kính (pháp danh Thích Thiện Tâm), quê ở Quảng Ngãi, vốn là dân học Tổng hợp Văn (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn hiện nay). Năm 1996, tốt nghiệp ra trường nhưng thầy Huỳnh Kính không theo con đường công danh, sự nghiệp. Thầy phát nguyện, theo con đường tu đạo và gom góp tiền bạc mua tranh tre về xây chùa, lấy tên là Giác Quang Diệp Thất.
Ngôi chùa nhỏ của thầy được mọc lên cũng không kém phần ly kỳ. Số là hồi đó dân giang hồ, anh chị tụ tập về khu đất hoang này rất đông. Ngôi chùa dựng lên, đám anh chị bỗng nhiên thấy mình mất đất "xưng hùng xưng bá" nên căm thầy lắm. Dân anh chị đâu có chừa, có ngán người tu hành, một vài "đại ca" đến đòi "xử" để thầy phải bỏ chùa mà đi. Nhưng bọn họ đâu ngờ ông sư có dáng người nhỏ con lại có bản lĩnh cao cường đến thế.
Hòa thượng Thích Thiện Tâm giới thiệu với du khách về bộ sưu tập đá độc đáo của mình.
Ban đầu, thầy lấy đạo pháp ra để thuyết phục nhưng bao nhiêu lời thuyết giảng về chuyện từ bi hỷ xả của thầy đều không hiệu quả. Thầy bèn quyết định tung vài chiêu võ để biểu diễn cho chúng ngán. Thầy gọi đám giang hồ cùng đàn em đến sân chùa, chỉ cây dừa trước sân rồi đố ai trong bọn chúng dùng chân đá cây dừa mà không bị thương.
Mấy tay anh chị ở đây té ra chỉ quen kéo bè kéo đảng, ỷ đông ăn hiếp người hiền lành chứ làm gì có bản lĩnh cao cường. Thầy bèn lấy hơi, xuống tấn và tung ra một cước khiến cây dừa rung bần bật. Thu chân về, sắc diện và hơi thở của thầy vẫn như không rồi quay lưng bước thẳng vô chùa, bước đi vẫn bình thường, cứ như thầy đá vào cái gối ôm. Bọn giang hồ le lưỡi, rụt cổ thán phục và từ đó, "thần phục" thầy một nước, hết dám đến chùa quấy rầy.
Ngoài việc tu học và rao giảng kinh Phật, Hòa thượng Thích Thiện Tâm còn là người thích ngao du sơn thủy, lang thang chốn núi rừng để cho tâm được thanh tịnh. Từ năm 2000, thầy bắt đầu thú vui sưu tầm đá cảnh. Đá mà thầy chọn, "lượm lặt" về phải là đá hoàn toàn thiên nhiên, không qua bàn tay chế tác của con người. Miệt mài với thú chơi tao nhã của mình, ngày qua ngày, bộ sưu tập đá của thầy mang về trưng bày, nhìn ngắm đã đầy hết các ngóc ngách trong chùa.
Những tác phẩm đá thiên nhiên của thầy dần dần lên đến con số trên dưới 500 và hấu hết đều được thầy đặt tên. Những cái tên mang đầy Phật tâm, hướng người thưởng lãm và Phật tử đến chùa vào cõi an nhiên tự tại, sống an tịnh, hồn nhiên như sông nước, mây trời.
Tác phẩm Bồ Tát. Ảnh: Tuấn Vương
Tâm nguyện lớn nhất của Hòa thượng Thích Thiện Tâm hiện nay không phải là vận động Phật tử, các nhà hảo tâm quyên góp đúc chuông, sửa chùa, mặc dù cái chùa nhỏ này đã xập xệ lắm rồi. Hòa thượng chỉ cần nguồn kinh phí và giấy phép để xây dựng một ngôi trường dành cho trẻ em mồ côi, cơ nhỡ, khuyết tật tại xã Phước Lý, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Có vậy thầy mới an lòng. |
Phần nhiều tác phẩm đá sưu tầm trưng bày tại Chùa Lá có kích cỡ nhỏ, khoảng trên dưới 50cm, có những cái tên rất Phật tính như: Thích Ca hành đạo, Trái tim Bồ Tát, Đạt Ma sư tổ, Phúc Lộc Thọ, Trên đỉnh Phù Vân, Hồn quê, Mẹ, Trái tim sỏi đá, Đất lành, Vọng nguyệt, Sắc xuân, Sửi nắng trôi song, Tung cánh... và một số chân dung đá tự nhiên các danh nhân như các nhạc sĩ Văn Cao, Trịnh Công Sơn, thi sĩ Bùi Giáng...
Nói về thú chơi của mình, Hòa thượng Thích Thiện Tâm cho biết: "Bằng con mắt của đạo pháp với cái tâm hướng về sự Chân-Thiện-Mỹ, tôi mang những hòn đá này về để sau những giờ kinh kệ, tôi ngắm từng tác phẩm cho lòng an nhiên. Mỗi lần ngắm, tôi lại thấy những tác phẩm có những vẻ đẹp khác nhau đến kỳ lạ. Ngắm hoài một tác phẩm nhưng thấy nó luôn mới, không nhàm chán bao giờ. Tôi cũng muốn Phật tử, chúng sinh đến chùa, nhìn ngắm những hòn đá để tâm hồn họ đằm thắm hơn, biết cái sự nhiệm mầu của thiên nhiên". Ngôi chùa nhỏ bỗng nhiên trở nên quá chật chội với hàng trăm tác phẩm đá cảnh. Hiện giờ thầy cho những tác phẩm của mình "quá cảnh" đến một đệ tử, mở quán cà phê ở quận 12, cho khách đến ngắm thỏa thích.
Đâu chỉ là chơi đá
Bộ sưu tập đá cảnh của Hòa thượng Thích Thiện Tâm đã được mang đi trưng bày ở nhiều nơi, nhiều lễ hội lớn nhỏ như: Ngày hội trái cây Nam Bộ, các kỳ Festival hoa Đà Lạt và cũng đã được đề nghị ghi nhận kỷ lục VN với tư cách là người có bộ sưu tập đá cảnh nhiều nhất.
Chân dung đá nhạc sĩ Văn Cao.
Ngôi chùa nhỏ bỗng nhiên trở nên chật chội với hàng trăm tác phẩm đá cảnh. Hiện giờ thầy cho những tác phẩm của mình "quá cảnh" đến một đệ tử, mở quán cà phê ở quận 12, cho khách đến ngắm thỏa thích. |
Nhiều người đã biết tiếng bộ sưu tập của thầy nhưng ít ai biết rằng, cái phòng nhỏ chừng vài chục m2 trước cửa chùa cũng chính là nơi thầy mở lớp dạy ngoại ngữ miễn phí cho sinh viên từ nhiều năm nay. Lớp học từ thiện của thầy mở ba lớp: sáng, chiều, tối và dạy tiếng: Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hoa hoàn toàn miễn phí. Thầy cô dạy các lớp này, thầy vận động từ các Phật tử hoặc bỏ tiền cúng dường để trả công đứng lớp. Đến nay, đã có hơn 1.000 sinh viên đã "tốt nghiệp" các khóa ngoại ngữ của Chùa Lá. Không những thế, Chùa Lá còn là một "tụ điểm" văn hóa nghệ thuật của không chỉ quận Gò Vấp mà còn thu hút nhiều văn nghệ sĩ khắp nơi đến góp vui.
Lý do tổ chức các đêm giao lưu văn thơ nhạc họa, thầy tâm tình: "Theo ý nghĩ của tôi, kinh kệ đạo pháp là một chuyện nhưng không có gì giải trí cho Phật tử, chúng sinh hay bằng những đêm văn nghệ. Họ đến chùa, cùng thưởng thức và giao lưu với các văn nghệ sĩ. Nghe lời ca, tiếng hát thì tâm hồn mình cũng nhẹ nhõm, bay bổng, hướng đến cái đẹp, cái thiện nhiều hơn. Bớt đi nhiều lo toan, ưu sầu của cuộc sống".
Theo Quốc Định - GĐ&XH