;
Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ truyền thông thời đại, như đã trao tận tay Phật giáo Việt nam (PGVN) vô vàn những thuận duyên mà từ thời chấn hưng rực rỡ chư Tổ đức không hề mơ tới sẽ có được như vậy. Thế nhưng để nắm bắt được những thuận duyên ấy và để ứng dụng triệt để vào công cuộc hóa đạo thì dường như vẫn chưa là đáp án đúng nghĩa nhất.
Ở đây không thể phủ nhận có một vài website Phật giáo trong và ngoài nước đã làm được điều mà bài viết này rất muốn được xem đó là tấm gương soi chung, vì đã rất thành công trong việc phổ biến Phật pháp, kinh điển và thông tin nghị luận, góp phần không nhỏ vào công cuộc hoằng pháp và chấn hưng Phật giáo trong muôn thưở. Nhưng rất tiếc đó vẫn là một số ít, còn lại trong số nhiều là chuyện lo ngại nhiều hơn phấn khởi.
PGVN với trong xu thế phát triển của công nghệ thông tin, ngay từ đầu đã có những nhân tố kiệt xuất, nhanh nhẹn tận dụng nền công nghệ thông tin tiên tiến này, làm lóe lên rất nhiều hoài bảo cao đẹp về một viễn cảnh PGVN xán lạn, huy hoàng; trong đó còn có một tâm nguyện mang hơi thở mạng mạch truyền thừa hai ngàn năm là làm sao để PGVN thoát khỏi bóng đêm, bước ra đứng giữa muôn đời dõng dạc với thế nhân về lịch sử, thế đứng của mình trước nhiều thế lực vô minh đen tối. Và cũng…thế nhưng ! Kết quả sau nhiều năm tháng dấn thân học hỏi còn lại vẫn chỉ là “tiếp tục học hỏi” ! Những nguồn sở học quý giá đó dần dà lại trôi nghiêng về phía những con sông hẹp, cá biệt còn là những con rạch dật dờ giữa hai nguồn nước ô nhiễm và sông cái nước lợ.
Trên mặt bằng thông tin truyền thông (TTTT), sự hiện diện của rất nhiều website Phật giáo rất dễ làm chóa mắt những chú nai tơ thẩn thờ đứng bên bìa rừng và ngắm nhìn thích thú. Chỉ có những ai biết chọn lọc cách đọc, biết đong vừa sở học của chính mình và nhất là biết đến nội tình của chính hệ TTTT, mới nhận ra cái nào nên đọc, cái nào phe nhóm và cái nào trá hình lợi dụng để công kích PGVN.
Vì sao vậy? Khi phần lớn nó được điều hành bởi một vài tư duy cục bộ, trước nhất cho tông phái mình, chùa mình, đạo tràng mình, phe nhóm mình. Từ đó phát sinh ra hệ quả tất yếu là phài có một ban bệ riêng, sẵn sàng phản pháo lại bất kỳ ai có ý kiến ngược về mình. Và điều này đã và đang xảy ra. Cho nên không khó khăn lắm để thấy ra là tại sao có những vấn đề xảy ra mang tính chất chung của PGVN, đặc biệt những vấn đề tiêu cực, ảnh hưởng đến thanh danh PGVN mà phần lớn các trang website này không hề hoặc không dám mạnh dạn lên tiếng. Phải chăng vì không đụng chạm đến tông phái mình, chùa mình, đạo tràng mình, phe nhóm mình? Đây sẽ là một vấn nạn làm suy yếu tiềm lực PGVN trong tương lai bằng chính phương tiện TTTT tiên tiến của thời đại.
Nếu như các chùa, đạo tràng có một website riêng để phục vụ cho chính nhu cầu tu học hoặc thông tin nội bộ là việc không có gì sai trái, nhưng nếu một website nào đó mang một danh từ chung quá lớn, thí dụ như “Phật giáo của chúng ta”,“Phật Giáo Ngàn Năm”...vv mà lại chỉ gò bó thông tin nội bộ và những tác tệ như vừa nói trên là điều cần nên xem lại.
Có quá nhiều website Phật giáo và cũng có quá nhiều mục đích khác nhau thay vì cùng nhau hoạch định, ý thức về một mục đích chung là hóa đạo và bảo vệ PGVN. Điều này đã biến những cây bút cộng tác viên trở thành con rối, điều khiển theo ý mình, mặc dù họ viết và gởi bài hoàn toàn không có nhận lãnh một xu nhuận bút nào. Nếu khi cây bút đó không làm vừa lòng thì không thèm sử dụng bài viết nữa, hoặc nếu một ai đó có chân trong website Phật giáo X, A, N v..v… nào đó. Với những cây bút sắc bén, luôn đi đầu trong lãnh vực phát hiện và đấu tranh với tiêu cực trong PGVN, mong muốn được đưa ra ánh sáng để cùng nhau tìm lối thoát và loại trừ cái xấu, những cây bút này là đối tượng rất dễ lọt vào tầm ngắm nhất. Chúng ta đều thấy rõ, viết về đề tài tin tức, thông tin thì có rất nhiều, rất thừa thải là đằng khác, nhưng đề tìm những cây bút viết về mảng đấu tranh, phát hiện cái xấu thì hiện nay TTTT của PGVN đếm chưa hết năm ngón tay! Họ là những người hộ pháp lẻ loi! Lẽ ra họ phải được trân trọng hay ưu ái hơn chứ? Họ đâu có mắc bệnh tâm thần mà thả ngòi bút quàng xiêng khi chung quanh đó còn có biết bao nhiêu luật lệ báo chí, nhắc nhở chuyện truyền thông đại chúng? Biết Viết ắt phài biết Lách, họ thừa tư duy để hiểu hơn ai hết điều đó. Chính những cây bút này giúp chúng ta làm sáng tỏ thêm câu danh ngôn nước ngoài “Thế giới khổ đau không phải do kẻ tạo ác gây ra mà do những người lương thiện im lặng”. Không phải là vô lý khi trong một phiên họp tất niên năm vừa qua, một vị Đại Đức đã mạnh dạn phát biểu rằng TTTT PG chưa làm hết vai trò của mình là đi tiên phong trong các vấn đề nhạy cảm, lên tiếng kịp thời trong các vụ việc đau lòng, gây tổn hại thanh danh PGVN. Và vị Đại đức này cho rằng những sự lên tiếng thời gian qua là do các cây viết cá nhân bức xúc nêu lên…! Câu nói này, theo thiển ý chủ quan cá nhân, dường như ẩn chứa hai nghĩa đen và bóng nhưng dù nghĩa nào, thú thật đến giờ vẫn còn khiến người viết cảm thấy nhói lòng. Có xấu hổ lắm không khi trước một vụ việc nào đó, người ta e ngại, hoặc vì một lý do nào đấy không dám lên tiếng, đợi đến khi sự việc có kết quả ngã ngũ rõ ràng từ những cây bút lẽ loi này thì y như rằng tất cả đều đua nhau đăng tải và như muốn dành lấy chiến tích về mình! (hoặc ý nói mình có tham gia mà!).
Đó là chưa nói đến tính cục bộ vùng miền khá lộ liễu.
Mới vừa rồi, những vụ lùm xùm ở chùa Lộc Uyển Lâm Đồng; vụ “Đường Tăng cởi mô tô dạo phố”; Vụ “Thầy chùa hát đám cưới”…vv ai lên tiếng?
Nhưng thôi, người viết xin nói đến một vụ cũng nóng hổi, MỚI HÔM NAY 22/4/2015, dù là nhẹ hơn nhiều là toàn bộ cầu thủ bóng đá Hà Nội & TT đồng loạt “xuống tóc” để lấy hên dành chiến thắng trước cậu em út non choẹt Hoàng Anh Gia Lai ngày 25/4 sắp tới. Chuyện đó là bình thường thôi nhưng với một hình ảnh của cầu thủ tiền vệ Duy Mạnh như thế này có ý gì? Duy Mạnh đang cố ý dè bỉu ai đó trong lúc đùa cợt? Và ai sẽ là ngưới lên tiếng trước tiên?
Như vậy, với nền công nghệ thông tin hiện đại đâu phải PGVN không có nhân tố bắt kịp hay tận dụng hiệu quả. Chính những tư duy nhỏ hẹp, xé tan manh mún lý tưởng phụng sự chung, đã biến tất cả trở về con số không trong khi PGVN hiện nay đang rất cần hơn bao giờ hết một mặt trận TTTT hữu ích.
Nhớ trước đây, khi đất nước còn oằn mình dưới làn đạn của Phú Lang Sa, nhà chí sĩ yêu nước Nguyễn Đình Chiều đã dõng dạc tuyên chiến với cái xấu và tôn vinh những ngòi bút thật sự là một ngòi bút có giá trị :
“Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm
Đâm mấy thằng gian bút chẵng tà”
Quảng Hiệp
Đồng ý với tác giả, nhưng tôi thiết nghĩ, có chuyện nên nói và cần phải nói và có chuyện cũng không cần phải nói, chỉ cần dư luận với hàng trăm nghìn cặp mắt nhìn nhận thì tất nhiên sự kiện đó sẻ được phơi bày.Quý vị cũng đã từng nói"Dấn thân và hy hiến"nếu có phải hy sinh vì đạo pháp cũng cam lòng, thế nhưng có những chuyện trong thế giới phật giáo này đã và đang xảy ra, áp bức, ngăn chặn, và biết bao điều bất hợp lý vi phạm đến quyền con người, quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, quyền tự do hội họp v.vv thì tất cả...Đồng thinh lặng..thật chua sót.
Nhuận Thành
Bài viết kịp thời và thú vị! Ngày xưa tôi rất ít quan tâm đến TT Phật giáo, nhưng bắt đầu để ý từ vụ chùa Thanh Lương Phú Yên đến nay. Gọi là truyền thông nhưng TT Phật giáo hình như rất cục bộ... Thiếu tinh thần dũng cảm trong các sự kiện nhạy cảm. Đơn độc, lẻ loi, lạc lõng đó là cách nhìn của cá nhân tôi. Mong GHPGVN cần cổ vũ cho những websiste, những trang tin dám nói lên sự thật bảo vệ Đạo pháp, bảo vệ tu sĩ và hình ảnh PGVN.
Hoàn Tuệ
Thực tế hiện nay TT Phật giáo vẫn đang ở giai đoạn "hái lượm" chứ chưa được "gieo trồng" nên tình trạng vừa yếu vừa thiếu nhân sự cho lĩnh vực này là điều hiển nhiên. Việc chậm chân, e dè thậm chí là "im lặng đáng sợ" trong các sự kiện ồn ào, nhạy cảm càng chứng tỏ tổ chức TT Phật giáo chưa chạm đến được mục đích yêu cầu của truyền thông. Ngoài chuyên môn nghiệp vụ người làm TT Phật giáo còn phải viết với tâm của Bát chánh đạo. Không thể xem việc xây mới một ngôi chùa ngang với việc ra thêm 1 chi nhánh, 1 cửa hàng trong chuỗi cửa hàng để thu lợi nhuận về kinh tế!. Hay việc vận động mạnh thường quân phát tâm làm chùa là đi ăn xin, trụ trì lo xây chùa không hướng dẫn đạo tràng là con chuột bò trên miệng bao mà không vào được gạo! Thậm chí lấy danh nghĩa TTTT của tỉnh để người viết cổ súy cho việc buộc 1 sư cô phải ra khỏi chùa trong vụ tranh chấp chùa...ở LĐ. Một trong các chức năng của truyền thông là giáo dục tư tưởng, cổ vũ hành động nhờ đặc thù được tiếp cận thông tin và sự hiểu biết công tâm khách quan của người cầm bút, người đọc có được thông tin chính xác đầy đủ. Tiếc thay thực trạng hiện nay của TTTT Phật giáo thì nhân tài như lá mùa thu còn có người tranh thủ lúc "nhập nhoạng" để thực hiện những toan tính cá nhân với động cơ không trong sáng thì làm TT kiểu đó chỉ là để kiếm cơm, kiếm danh và làm ô nhiễm tâm người đọc!
Thích 1 Trả lời 5/4/2015 11:49:25 AM