;
Đi khắp nơi để truyền bá đạo Phật, xây dựng rất nhiều chùa nhưng lại không làm trụ trì của bất cứ nơi đâu, mãi đến lúc về cõi tây phương cực lạc vị Hòa thượng ấy đã để lại cho đời xá lợi “đài hoa sen tám cánh”.
Xá lợi hình đài sen tám cánh của Đại lão Hòa thượng Thiện Huê khi vãng sanh.
Xây 7 ngôi chùa nhưng không làm trụ trì
Câu chuyện kỳ lạ của Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Huê, viện chủ của chùa Niệm Phật (ấp Phú Hưng, xã An Sơn, TX. Thuận An, Bình Dương) lúc viên tịch để lại nhiều xá lợi, từng khiến dư luận khắp miền Đông Nam Bộ một thời xôn xao. Để lý giải những bí ẩn về thân thế, cuộc đời tu hành khổ hạnh của Hòa thượng, phóng viên đã lặn lội trở lại chùa Niệm Phật tìm gặp những nhân chứng.
Chùa Niệm Phật ẩn hiện sau những rặng dừa, nằm ngay bên cạnh bờ nam sông Sài Gòn thơ mộng, hiền hòa. Con đường nhỏ dẫn vào chùa rợp bóng mát. Không gian chùa chiền vẫn giữ được vẻ thanh tịnh. Người ta kính cẩn, vái lạy trước ngôi tự thờ xá lợi của Đại lão Hòa thượng Thiện Huê, rồi nhắc nhau ngày giỗ mẹ và sống cho đúng đạo làm người như lời răn dạy của Hòa thượng khi ngài còn ở dương gian.
Đại đức Thích Minh Pháp, trụ trì chùa Niệm Phật, cũng là đệ tử của Đại lão Hòa thượng. Đại đức Minh Pháp vừa bị tai nạn gãy chân, bận bịu những phận sự trong chùa nhưng vẫn dành cho chúng tôi một khoảng thời gian để kể về duyên nghiệp tu hành của sư phụ Thiện Huê.
Chân dung Đại lão Hòa thượng cả đời đi truyền bá đạo Phật, xây chùa.
Đại đức cho biết: “Trong suốt cuộc đời tu hành, Hòa thượng không giữ chức vụ gì trong Giáo hội. Mặc dù sau năm 1975, Hòa thượng được đề cử tham gia lãnh đạo Giáo hội nhưng thầy đã từ chối, chỉ âm thầm lặng lẽ làm phật sự với tâm nguyện, và tấm lòng của người nhà Phật vì mọi người, dìu dắt chúng sanh trở về con đường tốt đẹp. Hòa thượng như cánh chim đầu đàn không mỏi, cả đời người đã đi khắp các nơi để truyền bá pháp môn niệm Phật, cứu nhân độ thế”.
Theo lời kể của Đại đức Minh Pháp, Hòa thượng Thích Thiện Huê, thế danh Nguyễn Văn Lăng, sinh năm Quý Hợi (1923), tại phường Phú Cường, TX. Thuận An, tỉnh Bình Dương. Ngài sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu có, phúc hậu và sùng tín đạo Phật. Vì vậy, ngay từ nhỏ Văn Lăng đã ước nguyện rũ bỏ trần tục, gửi tâm nơi cửa chùa.
Nhân duyên đến với cõi Phật từ bi bác ái của cậu bé Văn Lăng chính thức từ lúc cậu vừa tròn 12 tuổi. Lúc đó, Văn Lăng đã gặp được minh sư là cố Hòa thượng Giác Ngọc. Cậu đã phát tâm xuất gia theo thầy để học đạo, chuyên tâm tu luyện tại chùa Linh Sơn Tiên Thạch trên đỉnh núi Bà Đen (Tây Ninh).
“Cho đến khi người thầy vãn sanh về thế giới tây phương thì sư Thiện Huê đã hạ sơn xuất trần để đi học giáo pháp và truyền bá giáo nghĩa đạo Phật. Từ dải đất miền Trung nắng như đổ lửa, núi rừng Tây Nguyên đến bưng biền Nam Bộ đều in dấu chân của Đại lão Hòa thượng”.
Tuy đến với phật gia rất sớm, khổ luyện, tầm sư học đạo và truyền bá pháp môn niệm Phật nhưng chỉ đến khi gặp Hòa thượng Thích Trí Tịnh (hiện làm Phó pháp chủ kiêm Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam - GHPGVN) thì Văn Lăng mới được ban pháp hiệu là Thiện Huê. Đại đức Minh Pháp nhớ lại: “Trong hành trình truyền bá Phật pháp, Hòa thượng đã cho xây chùa, tạc tượng, đúc chuông… ở khắp các nơi. Những tu viện, tịnh xá quy mô như “Liên Trì Tịnh Xá” ở núi Thị Vải được lập để cho tăng ni, tu sĩ quy tụ tu hành.
Bằng pháp môn niệm Phật, cùng tài năng, đức độ của mình, Hòa thượng đã cảm hóa được những người lầm lỗi cải tà quy chính. Dưới sự chỉ dẫn, rặn dạy của thầy nhiều người đã gửi thân nơi cửa Phật”.
Ngôi chùa đầu tiên được Hòa thượng Thiện Huê xây dựng đó là chùa Niệm Phật, vào năm 1951. “Tên hiệu “chùa Niệm Phật” là do chính Hòa thượng Thích Trí Tịnh đặt để nói lên nghiệp tu hành của thầy. Lúc đó, Hòa thượng cũng bắt đầu thu nhận môn đệ và mở các khóa tu pháp môn niệm Phật”.
Sư Thiện Huê xây tất cả 7 ngôi chùa, có những ngôi chùa trở thành danh lam thắng cảnh ở Việt Nam, nghệ thuật kiến trúc Phật giáo tiêu biểu như “Niết Bàn Tịnh Xá” ở Vũng Tàu, nhưng Hòa thượng lại không làm trụ trì của bất kỳ một ngôi chùa nào mà bản thân đã dựng lên. Thầy trao quyền trụ trì cho môn đệ xuất sắc nhất, còn bản thầy lại tiếp tục đi tới những vùng đất mới để truyền bá đạo Phật, hành thiện cứu người.
“Hòa thượng còn rất giỏi y thuật dân gian và chữa bệnh bằng khí công. Đi đến đâu, bên cạnh việc truyền đạo, người còn chữa bệnh cho những người nghèo khổ. Vì vậy, ngoài pháp danh, người trong thiên hạ thường gọi thầy với cái tên thân mật là “Thầy Niệm Phật”. Hành trình của Hòa thượng Thiện Huê giống như tổ sư Đạt Ma hàng nghìn năm trước đây”, Đại đức Minh Pháp trầm ngâm nhớ lại.
Chùa Niệm Phật, nơi lưu giữ xá lợi của Đại lão Hòa thượng.
Điềm lành báo những hạt xá lợi
Khi bước vào tuổi 70, sức khỏe không còn được như trước, những chuyến hành trình thuyết giảng đạo Phật, cứu độ chúng sinh của người mới dừng lại. Lão Hòa thượng quay về ngôi chùa đầu tiên mà mình đã dựng lên để tu luyện pháp môn mà cả đời theo đuổi.
Như lời của Đại đức Minh Pháp, sư Thiện Huê là người cởi mở, chân thành, tha thiết. Khi ở chùa Niệm Phật dù công việc phật sự rất nhiều nhưng lúc nào lão Hòa thượng cũng quan tâm đến mọi người. “Thầy xuống bếp nấu cơm cho phật tử ăn, dù khi đó tuổi đã trên 70. Chúng đệ mời Hòa thượng lên phòng nghỉ, nhưng thầy đã gạt đi, ngài ôn tồn bảo: “Đó là việc của thầy, không cần các con lo, mà hãy lo việc tu hành của các con đi”. Và đi kèm theo đó là những lời khuyên giữ tâm trong sáng.
Đối với phật tử, Hòa thượng ít dùng “khẩu giáo” mà thầy có cách dạy mọi người bằng “thân giáo”, đó là những câu nói thực tế nhưng lại hàm chứa ý nghĩa cao siêu cho mọi người khắc sâu vào tâm trí”, Hòa thượng Thiện Huê dùng chính đức độ để cảm hóa mọi người.
Đại đức nhớ lại, sư phụ dù tuổi cao sức yếu nhưng thầy vẫn ngồi ăn cùng mâm với đại chúng. Ngay cả những ngày sư Thiện Huê bị ốm. Lúc đó, Đại đức và mọi người khuyên Hòa thượng ăn chế độ riêng để phù hợp tuổi tác và sức khỏe. Tuy nhiên, Hòa thượng không nghe.
“Chính lối sống bình dị, gần gũi ấy đã xóa mọi khoảng cách giữa thầy với phật tử. Vì vậy, trong tâm trí của mọi người Hòa thượng như hiện thân của bậc hiền nhân trong cuộc đời tạm giả”, Đại đức tâm sự.
Hòa thượng Thiện Huê bước sang tuổi 80, người thực hiện việc trùng tu chùa Niệm Phật, nhưng việc xây cất mới hoàn thành được 80% thì ngài bị lâm bệnh nặng phải đưa vào bệnh viện điều trị. Các bác sĩ sau khi thăm khám cho biết, Hòa thượng bị bệnh ung thư gan trong thời kỳ cuối. Đó là năm 2002. Bác sĩ tiên lượng Hòa thượng còn sống tối đa là 3 tháng, nhưng 7 tháng sau ngài mới về cõi Tây phương. Đây là điều làm các bác sĩ từng điều trị cho Lão Hòa thượng phải ngạc nhiên.
Khi ấy, dù biết mình không còn sống được bao lâu nữa nhưng sự Thiện Huê vẫn an nhiên niệm Phật. Sau thời gian nằm viện, Hòa thượng xin về chùa an dưỡng không nằm viện nữa, ngài nói với chúng đệ tử: “Về chùa khi nào Phật rước thì hay, thầy không muốn chết ở trong bệnh viện”.
Hòa thượng Thiện Huê về chùa hôm trước thì hôm sau (ngày 12/7/2001 – âm lịch) là ngày giỗ của cụ bà thân mẫu.
Sáng sớm hôm ấy, ngài đã đích thân đi chợ mua thực phẩm và xuống bếp nấu thức ăn để cúng giỗ mẹ mình. Lễ Vu Lan năm ấy, tuy cơn đau bạo bệnh hoành hành nhưng ngài vẫn an nhiên lên chánh điện cử hành làm lễ. Cho đến tối ngày 24/7, Hòa thượng đã trút hơi thở cuối cùng, ra đi một cách nhẹ nhàng.
Kể lại những điềm báo về Lão Hòa thượng để lại xá lợi, Đại đức nói: “Điều kỳ lạ là lúc lâm bệnh thì hai gò má của thầy hóp vào nhưng khi về cõi vĩnh hằng thì hai gò má lại từ từ căng đầy thịt, những nếp nhăn đã biến mất. Nhục thân của Hòa thượng sau 8 tiếng mới nhập kim quan nhưng thân thể của ngài vẫn mềm mại, hồng hào và khuôn mặt tròn trịa, toát lên vẻ bao dung nhân từ. Đặc biệt hơn nữa là lúc tẩm liệm để nhập kim quan, chúng tôi thấy ở ngực thầy vẫn còn hơi ấm và hơi ấm này rất khác lạ với hơi ấm bình thường”.
Biết đây là điềm lành, chúng đệ tử trong chùa đã tiến hành lễ hỏa thiêu nhục thân của Lão Hòa thượng. Khi thu góm tro cốt mọi người phát hiện ra rất nhiều xá lợi, hình dạng và màu sắc khác nhau của sư Thiện Huê để lại. Trong đó, xá lợi xương là nhiều nhất. Có rất nhiều xá lợi hình tròn nhỏ bằng hạt cải với đủ mầu sắc óng ánh dính chặt thành một chuỗi dài trên mảnh xương như một chuỗi hạt ngọc trai.
Đặc biệt, có một viên xá lợi hình đài hoa sen tám cánh cỡ bằng ngón tay cái, màu trắng như hoa tuyết. Trên mỗi cánh hoa sen là chữ Tam, ý nghĩa là Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng; chứng tỏ rằng đây là điều kỳ diệu trong cuộc đời tu hành của Đại lão Hòa thượng hết lòng vì chúng sinh.
*Tựa đề do BBT đặt lại.
Nguyễn Khoái
Nguồn:http://baophapluat.vn/giao-duc/bi-an-xa-loi-dai-sen-tam-canh-cua-dai-lao-hoa-thuong-o-binh-duong-235226.html