;
Một niềm tin phổ biến hiện nay là bất cứ ai sau khi hoả thiêu mà xương cốt trở thành những viên hình cầu đều được coi là bậc A-la-hán, đặc biệt là trong số Phật tử Myanmar.
Hình minh họa
Niềm tin này vượt ra ngoài cộng đồng cư sĩ và ngay cả trong cộng đồng tu sĩ cũng đồng ý về điểm này, nghĩa là một người là bậc A-la-hán khi xương cốt còn lại sau hoả thiêu có hình cầu. Do bởi loại niềm tin này mà thậm chí nó có thể xảy ra trong số xương cốt của cư sĩ hay tu sĩ chưa bao giờ biết đến ngay cả từ thiền minh sát (vipassana-bhavana).
- Nếu điều này diễn ra thì cần phải ứng xử ra sao. Nó có phù hợp với lời dạy của Đức Phật không?
- Đức Phật đã tuyên bố như thế nào về xá-lợi xương của vị A-la-hán sau khi viên tịch Niết-bàn?
- Các bậc thiền sư lỗi lạc khác nói gì về điều này?
Trên thực tế, điều này có thể dẫn đến sự hiểu biết sai lầm nếu không phù hợp với lời dạy của Đức Phật. Tuy nhiên, người ta không chỉ tin vào chuyện này ở Myanmar mà còn ở các cộng đồng Phật tử khác của truyền thống Theravada. Do đó, đây là chủ đề nghiên cứu quan trọng trong các cộng đồng Phật giáo.
Xá-lợi được dịch là dhātu trong tiếng Pāḷi. Để được coi là xá-lợi thì đó phải là những phần thân thể còn lại của một vị A-la-hán sau khi hỏa táng. Ngoài từ dhātu đứng riêng, còn có từ sarīra ghép với dhātu để chỉ những viên ngọc xá-lợi theo phần phân chia xá-lợi kim thân (Sarīradhātuvibhājanaṃ) của Đức Thế Tôn sau Đại Bát-niết-bàn (Mahāparinibbāna). Khi Đức Thế Tôn được hỏa táng, tất cả đều bị đốt cháy ngoại trừ xá-lợi xương. Kinh Đại Bát-niết-bàn, Trường bộ, nói về Xá-lợi của Đức Phật như sau:
“Từ lớp da ngoài (da mỏng) hay lớp chân bì (da dày bên dưới) hay thịt, gân hay dịch cơ thể nơi kim thân Đức Thế Tôn đã bị thiêu rụi, không còn tro hay muội than (masi) nào được nhìn thấy. Chỉ còn lại xá-lợi xương. Ví như khi bơ hay dầu bị đốt cháy, không còn tro hay muội than nào được nhìn thấy, cũng vậy, từ lớp da ngoài cho đến dịch cơ thể nơi kim thân của Đức Thế Tôn đã bị thiêu rụi, không còn tro hay muội than (masi) nào được nhìn thấy. Chỉ còn lại xá-lợi xương.” [1]
Tất cả các bộ phận cơ thể bị thiêu rụi ngoại trừ các thành phần xương. Về ngọc xá-lợi xương của Đức Phật (sarīradhātu), Chú giải Sumaṅgalavilasinī giải thích thêm bằng việc đưa ra kích thước của xá-lợi xương và cả màu sắc của xương. Xá-lợi được phân loại thành hai loại là:
1. Xá-lợi gốc (Vipakiṇṇa-dhātu)
Ở đây nói đến những phần xương chưa cháy sau khi hỏa thiêu. Tất cả bao gồm bảy phần, bảy mảnh lớn hơn, cụ thể là phần mặt trước phía trên của hộp sọ, hai xương đòn và bốn răng hàm trên.” [2]
2. Xá-lợi đã biến đổi (Avippakiṇṇa-dhātu)
Những phần xá-lợi này của Đức Phật đã thay đổi hình dạng sau khi hỏa thiêu. Những xá-lợi này kể đến sự phân chia xá-lợi giữa tám vương quốc (nơi chốn) ở Ấn Độ cổ đại. [3]
Hơn nữa, Chú giải của Kinh Đại Bát Niết Bàn có giải thích kích thước của xá-lợi xương của Đức Phật. Theo đó, “trong số xá-lợi thì viên nhỏ nhất có kích thước bằng một hạt cải; viên lớn hơn có kích thước bằng một hạt đậu thận vỡ đôi.” [4] Thật vậy, những xá-lợi này là xá-lợi đã biến đổi, kích thước không lớn là bao.
Tại sao xá-lợi của Đức Phật lại chia thành hai loại? Có phải là ngẫu nhiên không? Thực ra, không phải như lý do được nêu trong Chú giải của Kinh Đại Bát Niết Bàn, mà Đức Phật đã quyết định phân chia xá-lợi của Ngài (trong tám vương quốc), với lời chú nguyện rằng: “Ta sẽ đạt Đại Bát Niết-bàn sau khi tại thế trong một thời gian ngắn. Giáo lý của Ta vẫn chưa được truyền bá khắp mọi nơi. Vậy nên, khi ta đạt Đại Bát-niết-bàn, nếu ai lấy một xá-lợi dù nhỏ như hạt cải rồi dựng bảo tháp ở trú xứ của mình và coi sóc bảo tháp ấy thì sẽ được tái sinh lên thiên giới.” [5] Như vậy, có lý do để phân chia xá-lợi thành hai loại.
Hơn nữa, màu sắc của xá-lợi Phật cũng là những sắc màu kỳ diệu. Theo Chú giải của Kinh Đại Bát-niết-bàn (Mahāparinibbana Sutta): “xá-lợi như những nụ hoa nhài, như những viên ngọc trai được đánh bóng, như vàng.” [6] Sau đây là những hình ảnh về xá-lợi Phật được sưu tầm từ Relicsofbuddha.com.
Sumanamakuḷasadisā= như nụ hoa nhài
Dhotamuttasadisā = như ngọc trai được đánh bóng
Suvaṇṇasadisā = giống như vàng
Màu sắc xá-lợi của Đức Phật như vậy dường như có lý do nào đó. Lý do đó có thể là gì? Đức Phật sở hữu ba mươi hai hảo tướng đại nhân và tám mươi tướng phụ. Đức Phật là độc nhất vô nhị theo vô số cách và nhiều điều không thể tưởng tượng được đã xảy ra ở Ngài. Do bởi sự thành tựu viên mãn các Ba-la-mật (Pārami) của Ngài trải qua vô lượng kiếp luân hồi cho nên một số điều đặc biệt có thể xảy ra không giống bất kỳ vị A-la-hán nào khác. Cũng như vậy, xá-lợi của Đức Phật có sắc màu diệu kỳ.
Bốn nhân vật xứng đáng được dựng bảo tháp để tôn thờ, đó là Đấng Như Lai, Độc Giác Phật, bậc A La Hán và vị chuyển luân vương (Cakkavatti) được Đức Phật nói đến trong Kinh Đại Bát Niết Bàn (D.II, 117). Ngoài bốn nhân vật đó, dường như không có gợi ý nào khác cho việc dựng bảo tháp.
Thật vậy, không đòi hỏi gì nhiều ở việc tôn thờ chư Phật, Độc Giác Phật và A La Hán do những phẩm hạnh vô song khác nhau từ bậc A La Hán đến Độc Giác Phật và cuối cùng là bậc Vô thượng Chánh Đẳng Giác Phật. Bằng cách suy niệm về những ân đức của các Ngài, chẳng hạn như, chư vị là những bậc đáng tôn kính, tự mình giác ngộ hoàn toàn, những phẩm hạnh không tỳ vết, thì người ta có thể tích lũy công đức và sẽ đưa đến thành tựu bến bờ tốt đẹp.
Còn vị vua chuyển luân xứng đáng với việc được dựng bảo tháp là sao? Kinh Đại Bát Niết Bàn nêu rằng: “Đây là bảo tháp của vị vua công minh đã cai trị theo các nguyên tắc công minh.” [7] Bất kỳ ai xây dựng bảo tháp và tỏ lòng tôn kính, họ sẽ đạt được bến bờ tốt đẹp.
Vì vậy, bốn nhân vật này xứng đáng để xây dựng bảo tháp sau khi họ qua đời. Thậm chí ngày nay, chúng ta có thể thấy các quốc gia Phật giáo Nguyên thủy (Theravāda) xây dựng bảo tháp cho chư tăng, ni và thậm chí đến cả con trai và con gái cũng xây dựng bảo tháp thờ cha mẹ kính yêu của họ.
Thảo luận trên chủ yếu chỉ liên quan đến xá-lợi của Đức Phật. Còn xá-lợi của các vị A-la-hán như đề cập trong kinh điển thì sao. Thật vậy, có vô số các vị A-la-hán đã đạt được vô dư Niết-bàn (parinibbāna) trong thời Đức Phật còn tại thế và sau khi Ngài nhập Đại Bát Niết-bàn (Mahāparinibbāna). Chúng ta có thể thấy trường hợp xá-lợi của vị đại thần Santati sau khi chứng quả vị A-la-hán, vị ấy đã leo lên bảy ngọn cây thốt nốt để đảnh lễ Đức Phật bằng cách “thiêu rụi thịt và máu của mình, xá-lợi của vị ấy đã rơi xuống như những đoá hoa nhài”. [8] Màu sắc đó có thể là màu trắng như xương người bình thường.
Trong thời gian ở Myanmar, tôi nghe nói khá nhiều vị Trưởng lão (Sayadaws) đã qua đời mà những Phật tử Myanmar cho rằng họ đã là A-la-hán, đơn giản là do các xá-lợi xương chuyển thành hình cầu và thậm chí ở dạng tinh thể. Có thực là do họ đã đạt được quả vị A-la-hán không? Trong trường hợp như vậy thì ngài Trưởng lão đáng kính Mahasi U Sobhana đã nói rằng: “Phật tử Miến Điện thường tin rằng xá-lợi của các vị A-la-hán có hình cầu giống như xá-lợi của Đức Phật. Điều này không đúng. Chỉ có xá-lợi của Đức Phật mới giống như những viên bi nhỏ do bởi ý chí của Ngài.” [9] Tôi nghĩ rằng không có mô tả nào như vậy về màu sắc đối với xá-lợi của các vị A-la-hán trong văn học Phật giáo.
Chú giải của Kinh Đại Bát Niết-bàn (Mahāparinibbāna Sutta) chỉ đưa ra màu sắc, kích thước và hình dạng của xá-lợi của Đức Phật. Ngoài ra, kinh điển chỉ so sánh như hoa nhài, xá-lợi rơi xuống sau khi thiêu rụi cơ thể của họ. Hơn nữa, ngài Mahāsi Sayadaw đã tuyên bố: “khi chúng tôi đến Calcutta để nhận và chuyển xá-lợi của hai vị Thượng thủ Thinh Văn về Miến Điện, chúng tôi thấy chúng chỉ giống như xương người bình thường.
Không còn nghi ngờ gì nữa, xá-lợi của các vị A La Hán khác cũng không gì hơn xương người.” [10] Xá-lợi của hai vị Thượng thủ Thinh văn được đưa từ Anh sang Ấn Độ, sau đó Chính phủ Ấn Độ trao tặng lại cho Myanmar như một món quà. Những xá-lợi đó hiện được lưu giữ tại Chùa Kaba-Aye (Chùa Hòa bình Thế giới) ở Quận Mayangone tại Yangon, Myanmar.
Hơn nữa, trong thời đại gần đây, nhiều xá-lợi của các vị Trưởng lão mà người dân Myanmar coi là A-la-hán đã biến thành nhiều màu sắc khác nhau như đỏ, xanh lá cây, sáng bóng, v.v.
Trường hợp xương của ngài Mogok Sayadaw có một trong những màu sắc đó là một ví dụ. Không chỉ vậy, người ta còn tuyên bố khi một đệ tử của ngài Mogok Sayadaw là thiền sư Ghosita Sayadaw qua đời thì họ đã tìm thấy xá-lợi sau khi hỏa táng. Tại sao lại như vậy? Tại sao xương lại chuyển thành hình dạng giống như xá-lợi? Có lẽ, phải có lý do nào đó? Xá-lợi A-la-hán theo giáo thọ sư Mahā Boowa Ñāṇasampanno cho biết: “thân xá-lợi (sarīra-dhātu) mà một vị A-la-hán để lại sau khi viên tịch là một trong những điều bí ẩn không thể diễn tả được về tính thuần khiết của tâm trí, một hiện tượng kỳ diệu đến nỗi dường như vượt qua các định luật của khoa học hiện đại. Do nhiệt độ cực cao của ngọn lửa, các mảnh xương thu thập được sau khi hỏa táng một vị A-la-hán thường có đặc tính xốp”. [11] Hơn nữa, người ta nghe nói rằng Đại đức Janakābhivaṃsa cũng đồng thuận về tính chất tinh thể của xá-lợi A-la-hán (dhātu). Ngoài ra, cho rằng một vị A-la-hán không muốn để lại bất kỳ xá-lợi nào sau khi hỏa táng có lẽ được ngài Đại đức Nandamālābhivaṃsa, Hiệu trưởng Đại học Phật giáo Nguyên thủy Quốc tế (Yangon) thêm vào trong bài pháp thoại (?..) của ông.
Hơn thế nữa, người ta cũng thường tin rằng khi một thiền sư (đặc biệt là một vị tu sĩ) qua đời mà thi thể của vị ấy vẫn nguyên vẹn thì là một vị A-la-hán. Thi hài của cố Trưởng lão Sun Lun Sayadaw U Kovis được lưu giữ tại Myintgyan ở miền trung Myanmar thuộc Phân khu Mandalay thuộc loại này. Thật vậy, theo Phật tử Myanmar thì ngài Sun Lun Sayadaw là một trong số những vị A-la-hán nổi tiếng ở Myanmar.
Ngoài ra, những Phật tử ở Bangladesh tin rằng một trong những thiền sư danh tiếng nhất ở Rangamati, Rangamati Hill Tract ở Bangladesh là cố Trưởng lão Bana Bhante là một vị A-la-hán. Nhóm khác không tin cố Trưởng lão Bana Bhante là một vị A-la-hán thậm chí nói rằng, "những người sùng bái ông không hỏa táng thi thể của ông vì họ sẽ không nhận được xá-lợi của ông" vì điều đó sẽ chứng minh ông có phải là một vị A-la-hán hay không. Quả thật, với tôi, việc ông có phải là một vị A-la-hán hay không thì không phải là vấn đề lớn, tuy nhiên, tôi rất kính trọng ông vì hạnh đầu đà và sự nỗ lực hết mình của ông để giải thoát.
Bên cạnh đó, tôi có nghe nói về thi thể của một thiền sư từ sư Computer Bhante ở Tainkhali, Bandarban Hill Tract ở Bangladesh. Một lần ông đến thăm Thái Lan (có lẽ là một tu viện nào đó gần Bangkok) ông đã đến viếng thăm thi thể một vị sư Phật giáo mà Phật tử Thái Lan và các đệ tử của vị ấy tin rằng vị ấy là một vị A-la-hán.
Trong khi sư Computer Bhante ngồi thiền gần thi thể đang phân huỷ thì một con ma trần truồng xuất hiện. Theo ông, vị sư quá cố đã trở thành một vị địa cư thiên (bhūma-deva) và canh giữ xác chết trước đây của mình. Trong khi thiền định, vị phi nhân đó đã đến và làm phiền ông nhiều lần. Sau đó, ông gọi người bạn của mình rời khỏi tu viện đó ngay lập tức. Ông nói rằng nếu ông nói sự thật về đời sống vị địa cư thiên của vị sư quá cố mà các tín đồ của ông coi là một vị A-la-hán thì sẽ khiến họ nghĩ đến việc đuổi sư Computer Bhante ra khỏi tu viện mất. Theo ông, cho dù xác chết có thể tồn tại lâu hơn mà không bị phân hủy thì vẫn không cấu thành một vị A-la-hán.
Có thể suy đoán rằng nếu một số xá-lợi xương chuyển sang màu sắc khác nhau là do tiêu thụ một số hóa chất trong suốt cuộc đời. Nếu đúng như vậy thì một số xương, thịt, gân chuyển sang hình dạng và màu sắc khác nhau có sự đồng thuận hợp lý với niềm tin của Ngài Mahāsi Sayadaw.
Để kiểm tra trình độ khác, người ta phải có trình độ học vấn tương đương, nếu không thì làm sao mà một người có thể kiểm tra môn hình học lớp X đối với học sinh lớp X. Tương tự như vậy, để xác chứng một vị A-la-hán, một người cần phải có trí tuệ của một vị A-la-hán chứ không chỉ biết các phẩm chất của quả vị A-la-hán. Đặc biệt, ở Chittagong Hill Tracts, ít nhất một người trở thành (A-la-hán) trong vòng hai tuần. Bất kỳ ai độc cư trong rừng, người ta sẽ tuyên bố họ là bậc thánh. Trên thực tế, điều này chỉ đơn giản là do thiếu hiểu biết về giáo lý của Đức Phật (pariyatti).
Nếu không thì họ có thể đánh giá được ai là một hành giả giỏi hay một hành giả gian dối. Bởi vì có một số tu sĩ ở Bangladesh hành thiền cho người khác thấy để có được nhiều đồ cúng dường, lợi lộc và danh tiếng thông qua việc hành thiền và thực hành hạnh đầu đà (dhutaṅga). Thật vậy, điều đó đi ngược với lời dạy của Đức Phật. Ý định duy nhất của Ngài hướng tới mục tiêu duy nhất là diệt trừ tham ái.
Mặc dù đã có thảo luận ngắn về xá-lợi trong bài viết này, nhưng bằng cách nào chúng ta có thể biết đó là xá-lợi quả thực là một điều khó đánh giá. Thời đại gần đây, xá-lợi có nhiều màu sắc khác nhau của các vị Sayadaw ở Myanmar dường như là do một số điều kiện khác ngoài việc chứng đạt quả vị A-la-hán. Hơn nữa, không phải lúc nào mà xác chết của ai đó không thối rữa cũng là của một vị A-la-hán. Bởi vì chúng ta không thể so sánh giữa xá-lợi của một A-la-hán với xá-lợi của Đức Phật bởi Đức Phật có xá-lợi chuyển sang nhiều màu sắc khác nhau do sự thành tựu viên mãn những phẩm hạnh hoàn hảo vô song của Ngài.
GHI CHÚ:
[1] Mười bài kinh trong Dīgha Nikāya (Kinh Trường Bộ) (Yangon: Bộ Tôn giáo, 2010), 298-299.
[2] Mười bài kinh trong Dīgha Nikāya (Kinh Trường Bộ) (Yangon: Bộ Tôn giáo, 2010), 299.
[3] Xá-lợi của Đức Phật được phân chia cho tám nơi là Magadha, Vesālī, Kapilavatthu, Allakappa, Rāmagāma, Veṭṭhadīpa, Pāvā và Kusinārā.
[4] Yang-Gyu An biên dịch. Những ngày cuối cùng của Đức Phật: Chú giải của luận sư Buddhaghosa về Kinh Đại Bát Niết-bàn, Mahāparinibbāna Sutta (Oxford: The Pali Text Society, Oxford, 2005), 206.
[5] Bhagavā pana – ''ahaṃ na ciraṃ ṭhatvā parinibbāyāmi, mayhaṃ sāsanaṃ tāva sabbattha na vitthāritaṃ, tasmā parinibbutassāpi me sāsapamattampi dhātuṃ gahetvā attano attano vasanaṭṭhāne cetiyaṃ ka tvā paricaranto mahājano saggaparāyaṇo hotū''ti dhātūnaṃ vikiraṇaṃ adhiṭṭhāsi. DAII., 195. Yang-Gyu An., biên dịch. Những ngày cuối cùng của Đức Phật: Chú giải của luận sư Buddhaghosa về kinh Đại Bát Niết-bàn, Mahāparinibbāna Sutta (Oxford: The Pali Text Society, Oxford, 2005), 206.
[6] Idāni vippakiṇṇattā sarīrānīti vuttaṃ sumanamakuḷasadisā ca dhotamuttasadisā ca suvaṇṇasadisā ca dhātuyo avasissiṃsūti attho. DAII., 195.
[7] Mười bài kinh trong Dīgha Nikāya (Kinh Trường Bộ) (Yangon: Bộ Tôn giáo, 2010), 274.
[8] Sarīre aggijālā uṭṭhahitvā maṃsalohitaṃ jhāpesi, sumanapupphāni viya dhātuyo avasissiṃsu. Dhp.A.II,52.
[9] U Aye Maung biên dịch, Kinh Sallekha (Yangon: Tổ chức Buddha Sāsana Nuggaha, 2000), 37.
[10] U Aye Maung biên dịch, Kinh Sallekha (Yangon: Tổ chức Buddha Sāsana Nuggaha, 2000), 37.
[11] Giáo thọ sư Ācariya Mahā Boowa Ñāṇasampanno, Đại đức giáo thọ sư Ācariya Mun Bhūridatta Thera: Một Tiểu sử Tâm linh (Udorn Thani: Rừng Pháp của Wat pa Banna Taad, 2003), 485.
Tỳ-khưu Ariyajyoti Hang Pham (Khemā Tường Nhiên) dịch Việt
* Nguồn: Ariyajyoti Bhikkhu, Relics (dhātu) according to the Buddhist Texts (2015).