;
Xá lợi Phật ở đâu mà nhiều thế? Xá lợi đựng trong các tháp to, tháp nhỏ, hộp lớn, hộp bé. Có hộp đựng to đùng như chiếc thùng, bên trong dễ đến vài chục kg xá lợi.
Trong lịch sử Việt Nam, có lẽ chưa bao giờ, giới Phật tử lại mộ thỉnh xá lợi Phật về thờ tại gia nhiều như bây giờ. Phong trào này bắt đầu rộ lên ở các tỉnh phía Nam từ hơn 10 năm trước, và bây giờ, lan rộng ra các tỉnh miền Bắc. Điều đó, đã khiến nhiều người, trong đó, có cả các vị xuất gia, hỏi nhau đầy nghi ngại: Không biết xá lợi Phật ở đâu ra mà nhiều thế? Là xá lợi thật hay giả?
Một sự thật rất đáng báo động về thị trường mua, bán xá lợi Phật ở tại Việt Nam (dưới hình thức tặng, thỉnh và cúng dường) ngày càng phát triển rầm rộ. Và càng đáng báo động hơn khi thời gian gần đây, rộ lên thông tin, một số cơ sở hỏa táng, trước khi thực hiện, nhân viên hỏi: Có muốn lấy xá lợi không? Muốn lấy nhiều hay ít? Thích xá lợi xanh, màu hồng hay màu trắng???
KỲ 1: HÀNG VẠN NGƯỜI DỄ DÀNG CHIÊM BÁI XÁ LỢI TÓC PHẬT Ở BẢO TÀNG XÁ LỢI PARAMI VÀ THỈNH HÀNG TẤN XÁ LỢI PHẬT.
Tháng 4 năm 2019, tôi có đưa cha mẹ nuôi người Bỉ - ông bà Bert – Jet thăm xứ sở chùa tháp Myanmar. Tôi book tour 6 ngày 5 đêm của một công ty du lịch uy tín trong nước. Thăm một loạt các ngôi chùa, tu viện nổi tiếng, tôi đặc biệt ấn tượng với chùa Vàng Shwedagon ở thủ đô Yangon. Bởi đó không chỉ là ngôi chùa cổ có tuổi đời hơn 2.500 năm được dát phủ bên ngoài hơn 60 tấn vàng cùng hàng ngàn viên kim cương, đá quý, ngọc lục bảo của đất nước Myanmar trên đỉnh tháp vàng mà đây còn là nơi đang bảo quản 8 sợi tóc của Đức Phật Thích Ca – quốc bảo của đất nước Myanmar.
Đủ màu sắc, đủ kích cỡ, đủ hình dáng, có viên to như nắm đấm, có viên lớn như hòn gạch.
Vì là quốc bảo vô cùng quý hiếm nên 8 sợi tóc của Đức Phật được bảo quản vô cùng nghiêm mật. Hầu hết người dân Myanmar và cả những chính khách, những nhân vật nổi tiếng trên thế giới, khi đến viếng thăm chùa, cũng không được chiêm bái. Duy nhất 1 lần, vào ngày 1/4/2018, để trùng tu phòng đựng xá lợi, hộp tráp đựng xá lợi tóc Đức Phật được đưa ra khỏi phòng dưới sự giám sát của Thủ hiến Yangon U Phyo Min Thein cùng một số tu sĩ Phật giáo cấp cao và những người quản trị chùa. Xá lợi tóc linh thiêng được trưng bày cho công chúng tại một phòng cầu nguyện gần đó. Đây là cơ hội hiếm hoi để các Phật tử chiêm ngưỡng thánh tích linh thiêng. Song điều đó đã khiến các nhà bảo tồn lo lắng: nhỡ điều gì tồi tệ có thể xảy ra với “di sản quốc gia” này trong quá trình trưng bày và rước kiệu.
Bà Daw Moe Moe Lwin - Giám đốc Quỹ Di sản Yangon cho biết: xá lợi được lưu giữ trong các thánh tích Phật giáo thường được đặt trọng các hộp làm bằng nhiều vật liệu như đất sét, đá, pha lê và kim loại quý. Sau đó, chúng được đặt trong nhiều hộp đựng lớn hơn. Điều đó sẽ giúp tăng sức bảo quản đối với một bảo vật quý. Cuối cùng, hộp chứa xá lợi sẽ được đặt vào các bảo tháp nhằm tăng tính thẩm mỹ.
Việc bảo quản xá lợi tóc Đức Phật tại Myanmar cũng giống như bảo vệ chiếc răng của Đức Phật tại Sri Lanka. Xá lợi răng này đặt trong một căn phòng bảo vệ hết sức nghiêm ngặt tại chùa Răng Thánh ở Kandy. Nơi đây chỉ mở cửa cho những tín đồ và khách du lịch trong thời gian cúng dường hoặc cầu nguyện.
Nhưng theo bà Daw Moe Moe Lwin: “Ngay cả khi bạn ở trong phòng, bạn cũng không thực sự nhìn thấy chiếc răng. Nó được giữ trong một chiếc quan tài bằng vàng, trong đó có sáu chiếc quan tài có kích thước giảm dần”. Vì thế, tại Myanmar, để giải quyết những lo ngại về việc bảo quản xá lợi tóc Đức Phật, họ đã có một kế hoạch được cân nhắc vô cùng kỹ lưỡng.
Vì được bảo quản vô cùng nghiêm mật và cẩn trọng nên tôi cùng hàng triệu du khách đến viếng thăm chùa, đương nhiên, không được chiêm bái, đảnh lễ xá lợi tóc của Phật. Cũng bởi thế nên tôi đã giật mình và đầy nghi ngại khi ngày cuối cùng ở Yangon, hướng dẫn viên (HDV) du lịch nói: sẽ đưa chúng tôi đến thăm Bảo tàng xá lợi Phật Thone Wain.
Ở đó, chúng tôi sẽ được Ngài Tăng Thống (danh xưng dùng để tôn vinh vị tăng sĩ lãnh đạo tinh thần Phật giáo của một quốc gia hoặc một giáo hội Phật giáo) tụng kinh cầu nguyện hồi hướng ban phước, được chiêm bái xá lợi Phật, đặc biệt được chiêm bái xá lợi tóc, đồng thời được thỉnh xá lợi cầu may do đích thân Đức Tăng Thống làm lễ trao. “Chi phí giọt dầu thỉnh xá lợi do quý khách tự túc” – Hướng dẫn viên dặn thêm.
Khi đoàn chúng tôi đến bảo tàng xá lợi, Ngài Tăng Thống đang làm lễ cho một đoàn khách du lịch khác nên chúng tôi phải chờ. Trong lúc chờ đợi, tôi lặng lẽ đi thăm quan một vòng. Tôi giật mình. Trời ơi! Xá lợi Phật ở đâu mà nhiều thế? Xá lợi đựng trong các tháp to, tháp nhỏ, hộp lớn, hộp bé. Có hộp đựng to đùng như chiếc thùng, bên trong dễ đến vài chục kg xá lợi.
Đủ màu sắc, đủ kích cỡ, đủ hình dáng. Có viên to như nắm đấm. Có viên lớn như hòn gạch. (Quý vị xem các bức ảnh bên dưới do chính tay tôi chụp, trừ 2 bức hình chụp cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng Ngài Tăng Thống và bức hình chụp sư Thích Trúc Thái Minh cùng thượng tọa U Wepulla do đệ tử chùa Ba Vàng đăng tải trên các trang mạng. Và clip do Liên hiệp HTX Việt Nam quay năm 2020).
Đúng như lời giới thiệu của cậu HDV, mở đầu, đoàn chúng tôi được nghe Ngài Tăng Thống tụng bài kinh cầu nguyện và hồi hướng phước đức theo truyền thống Phật giáo nguyên thủy. Sau đó, Ngài mở chiếc tháp nhỏ, nhặt ra 2 chiếc xá lợi tóc Phật rồi đặt lên trên lòng chiếc đĩa sứ trắng. Tôi thấy, trong lòng đĩa hơi ướt vì có nước.
(Quý vị xem kỹ trong clip ngắn bên dưới).
Vài giây sau, cả 2 chiếc xá lợi tóc bắt đầu ngọ nguậy rồi chuyển động tứ phía. Khán phòng vài chục người trước đó vốn im ắng, thanh tịnh, giờ, bỗng ồn lên tiếng “Nam mô A Di Đà Phật. Nam mô A Di Đà Phật”. Nhiều người nhổm hẳn lên, nhoài người về phía chiếc đĩa, vừa chắp tay lạy lia lịa, miệng vừa khấn to. Có người vì quá xúc động, bật khóc tu tu. Vừa khóc, vừa khấn.
Màn chiêm bái xá lợi tóc diễn ra chừng vài phút. Mọi người vội vã thỉnh xá lợi Phật về nhà để thờ. Nhiều người còn thỉnh giùm cho những người thân. Vội vã bởi cậu HDV nhắc nhở khẩn trương để đoàn khách du lịch khác còn vào. Trước khi đón nhận túi đựng xá lợi, ai cũng hoan hỉ cúng dường tiền. Tiếng là giọt dầu nhưng tôi thấy mọi người cúng khá nhiều tiền. Mặt mũi ai cũng xúc động, hoan hỉ.
Trên đường về khách sạn, trong tôi cứ thao thiết mấy câu hỏi:
1. Ngài Tăng Thống là một vị lãnh tụ Phật giáo, đức cao, đạo trọng – một người rất nổi tiếng. Gặp Ngài sẽ vô cùng khó. Nhưng trái với suy nghĩ ấy, thực tế, tôi, những người trong đoàn du lịch cùng tôi, và rất, rất nhiều đoàn khác nữa, đều dễ dàng gặp Ngài, hơn thế, còn được nghe Ngài tụng kinh ban phước bằng cách hết sức đơn giản: book tour của các công ty lữ hành.
2. Câu hỏi tiếp theo: Tôi nghĩ, một người tu hành nổi tiếng đức cao đạo trọng như Ngài Tăng Thống sẽ vô cùng bận rộn với công việc thuyết pháp, giảng đạo, hướng dẫn tu tập cho hàng ngàn, hàng vạn đệ tử trong và ngoài nước giống như nhiều vị chân tu khác mà tôi đã từng có duyên được gặp gỡ và học đạo. Nhưng trái với suy nghĩ ấy, thực tế, tôi thấy Ngài rất thảnh thơi, nhàn tản. Cả ngày Ngài làm những công việc hết sức giản dị, bình thường. Đó là ngồi tụng kinh ban phước cho khách du lịch (không chỉ riêng Phật tử) khắp nơi trên thế giới và nhặt 2 chiếc xá lợi tóc, bỏ vào chiếc đĩa cho họ chiêm bái. Và nhận tiền cúng dường của khách.
3. Một câu hỏi nữa: 8 xá lợi tóc Phật mà đất nước Myanamr xem là quốc bảo đang được bảo quản một cách vô cùng nghiêm mật và vô cùng cẩn thận ở chùa Vàng Shwedagon, tôi tin là thật, mặc dầu chưa một lần được chiêm bái. Vậy 2 xá lợi tóc mà tôi cùng rất, rất nhiều người được chiêm bái ở Bảo tàng xá lợi Phật Thone Wain có đúng là xá lợi tóc Phật không? Và nếu đúng, sao Bảo tàng lại bảo quản một cách sơ sài như vậy? Hai bảo vật quốc gia mà sao Ngài Tăng Thống lại dùng một tay nhặt trong chiếc tháp rồi đặt vào chiếc đĩa sứ trắng giản dị như vậy? Không hề có sự cung kính. Và khách du lịch khắp cả thế giới lại dễ dàng được chiêm bái mà không có một lớp kính ngăn nào để bảo vệ quốc bảo?
Câu hỏi về nguồn gốc của 2 xá lợi tóc được trưng bày ở Bảo tàng xá lợi Phật Thone Wain càng xiết mạnh tâm não tôi hơn khi gần một năm sau, tôi nghe tin: Ngày 5/2/2020, đích thân Ngài Tăng Thống làm lễ hiến tặng 1 chiếc xá lợi tóc Phật cho Đại đức Thích Giác Hiếu, Trụ trì Chùa Tùng Am, Gia Lộc, Hải Dương để đem về Việt Nam.
Vậy Đại đức Thích Giác Hiếu là ai mà Ngài Tăng Thống lại dễ dàng trao tặng cả một quốc bảo như vậy? Và sau khi tặng một chiếc xá lợi tóc cho Đại đức Thích Giác Hiếu rồi thì Bảo tàng xá lợi Phật Thone Wain còn có 1 chiếc hay vẫn còn 2 chiếc? hay còn nhiều chiếc nữa?
4. Về xá lợi xương Phật được trưng bày ở đây cũng khiến tôi rất nghi ngại. Tôi thấy đoàn khách du lịch nào đến thăm quan cũng đua nhau thỉnh xá lợi về nhà thờ. Nhiều người còn thỉnh giúp người thân, bạn bè. Với số lượng các đoàn mỗi ngày đông như vậy thì một tháng, một năm, và nhiều năm, số lượng xá lợi xương mọi người thỉnh là bao nhiêu? Tôi nghĩ dễ đến hàng tấn, thậm chí nhiều tấn. Vậy xá lợi xương Phật ở đâu ra mà nhiều thế?
5. Khi hàng loạt những câu hỏi trên, tôi chưa tìm ra câu trả lời thì thời gian vừa qua, xảy ra vụ lùm xùm đầy tai tiếng làm dậy sóng cả nước về cái gọi là xá lợi tóc Phật được trưng bày ở chùa Ba Vàng. Và để xử lý khủng hoảng truyền thông, làm dịu dư luận, đệ tử chùa Ba Vàng đã trưng lên trên mạng những bức ảnh, trong đó, có 2 bức tôi đặc biệt chú ý.
Bức thứ nhất chụp cảnh cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhận xá lợi Phật từ tay của Ngài Tăng Thống trao tặng tại Bảo tàng (không ghi rõ năm nào?). Nhờ dòng chú thích ghi trên tấm ảnh, tôi mới biết, pháp tự của Ngài Tăng Thống mà tôi đã từng gặp hồi tháng 4 năm 2019 là Hòa thượng U Kittavara và Bảo tàng xá lợi Phật Thone Wain còn có tên là Bảo tàng xá lợi Parami? (Từ nay, tôi xin gọi theo cách sư Thái Minh gọi là Bảo tàng xá lợi Parami).
Tôi vào Google, seach tên Ngài “U Kittavara” và vô cùng bất ngờ khi thông tin về Ngài vô cùng ít ỏi.
Bức thứ 2, chụp cảnh sư Thái Minh cùng Hòa thượng U Wepulla tại Bảo tàng xá lợi Parami nhân chuyến thăm của sư Thái Minh vào tháng 12 năm 2023. Qua chú thích trên tấm ảnh, tôi mới được biết, Ngài Tăng Thống, Hòa thượng U Kittavara đã viên tịch năm 2020 và Hòa thượng U Wepulla chính là đệ tử của Ngài. Chính Hòa thượng U Wepulla là người đã đích thân mang quốc bảo xá lợi tóc Phật đến trưng bày ở chùa Ba Vàng, tạo nên cơn địa chấn những ngày qua. Và thế là, trong tôi, lại xuất hiện thêm những câu hỏi mới:
- Xá lợi tóc Phật mà Hòa thượng U Wepulla cất công mang từ Myanmar sang trưng bày ở chùa Ba Vàng là “một trong 8 sợi tóc mà Đức Phật tự tay nhổ trên đầu mình, trao cho 2 thương buôn người Myanmar từ 2.600 năm trước” như chùa Ba Vàng quảng cáo, (hiện đang được bảo quản nghiêm mật ở chùa Vàng Shwedagon) hay đó là một trong những sợi tóc mà tôi cùng hàng triệu khách du lịch trên khắp thế giới đã dễ dàng được chiêm bái tại Bảo tàng xá lợi Phật ở Yangon từ nhiều năm trước?
Nếu đúng là 1 trong 8 sợi tóc của Đức Phật đang được giữ gìn ở chùa Vàng Shwedagon thì tại sao công tác bảo quản và trưng bày tại chùa Ba Vàng lại quá xuề xòa như vậy? Nhất là khi suốt mấy ngày, cả vạn người xếp hàng dài đến bái lạy mà chẳng có lớp ngăn cách nào với xá lợi? Nhỡ ai đó, vì một lý do nào đó, giật, cướp hay đơn giản đánh rơi xá lợi xuống đất thì sao?
- Đặc biệt, khi xem lại clip do chùa Ba Vàng quay và đưa lên mạng, phát hiện ra một điều bất thường: 1 vị sư trẻ Myanmar bưng bình nước, Hòa thượng U Wepulla nhúng 1 tay vào rồi rẩy rẩy lên "xá lợi tóc" trước mặt sư Thích Trúc Thái Minh. Tôi và nhiều người tự hỏi: Tại sao một vị hòa thượng lại hành xử thiếu cung kính với xá lợi tóc của Phật – quốc bảo của Myanmar giống như sư phụ của Thầy – Hòa thượng U Kittavara, như vậy? Hơn thế, tại sao lại phải làm ướt xá lợi tóc Phật, giống như hồi tháng 4/2019, tôi thấy cái đĩa sứ trắng mà Hòa thượng U Kittavara đặt 2 xá lợi tóc cũng ướt? Làm ướt như vậy để làm gì?
Quá nhiều câu hỏi được đặt ra mà tôi vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Rất mong đông đảo quý vị, những người hiểu biết, trí tuệ và nhiều trải nghiệm, vui lòng giải đáp giùm tôi. Tôi vô cùng biết ơn!
Ngài Tăng Thống tụng bài kinh cầu nguyện và hồi hướng phước đức theo truyền thống Phật giáo nguyên thủy. Sau đó, Ngài mở chiếc tháp nhỏ, nhặt ra 2 chiếc xá lợi tóc Phật rồi đặt lên trên lòng chiếc đĩa sứ trắng. Vài giây sau, cả 2 chiếc xá lợi tóc bắt đầu ngọ nguậy rồi chuyển động tứ phía... (Ảnh cắt từ video clip)
PS: Một số người cung cấp thông tin: Waki Group là một doanh nghiệp được thành lập từ năm 1995, có chuỗi bảo tàng và showroom xá lợi ở Myanmar, Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc, Indonesia... kinh doanh rất phát đạt. Mỗi showroom chứa hàng tấn xá lợi đủ loại từ răng đến tóc. Và đều có các nhà sư quản lý. Ông chủ của Waki Group – người khai sinh ra ngành kinh doanh xá lợi này, là doanh nhân gốc Hoa. Xá lợi tóc thỉnh về, trưng bày ở chùa Ba Vàng có giấy chứng nhận của tập đoàn Waki.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả - một nhà báo Phật tử