;
Xin kính trả lời và cũng là tiếp tục câu chuyện về việc tự cắt hủy, xóa bỏ, loại trừ triệt tiêu xe thuyền rước Phật trong mùa Phật đản năm nay.
Xét thành tựu của PGVN từ sau năm 1981, thì CHÍNH XE, THUYỀN RƯỚC PHẬT LÀ MỘT TRONG NHỮNG THÀNH TỰU LỚN.
Tại Sài Gòn, xe rước Phật có từ năm 1964, cách nay đúng 50 năm. Khi đó, chưa có thuyền rước Phật.
Sau năm 1975, lễ Phật đản chỉ còn hình thức lễ mít tinh tập trung, không còn xe rước Phật.
Sau đổi mới 1986, quan điểm đối với hoạt động tôn giáo ngày càng cởi mở. Các tôn giáo đều thỉnh nguyện khôi phục những hoạt động đã có từ trước năm 1975, trong đó có Phật giáo.
Đến thập niên 1990, Phật giáo TPHCM được khôi phục xe rước Phật. Đồng thời, các tỉnh thành cũng đều tổ chức xe rước Phật với nhiều hình thức và quy mô, được chính quyền hỗ trợ.
Lễ Phật đản nhờ đó đã được mở rộng, từ quy mô chỉ vài ngàn người dự lễ tập trung ở lễ đài, đến quy mô nhiều trăm ngàn người có dịp kính ngưỡng Đức Phật sơ sinh khi xe rước Phật chạy trên các đường phố chính của những tỉnh thành trên cả nước. Lễ Phật đản được khôi phục mức độ đã có trước năm 1975 ở các địa phương phía Nam, nhất là TPHCM. Còn ở phía Bắc, nhiều tỉnh thành đã bắt đầu tổ chức xe rước Phật như một thông lệ nhân mùa Phật đản.
Như vậy, viết về đề tài xe rước Phật chính là viết về thành tựu của PGVN hiện đại.
Thành tựu đó được củng cố và nhân rộng trong những năm sau đó với việc phát triển số lượng, nâng cao chất lượng xe rước Phật. Nhiều tỉnh thành cũng mở rộng lộ trình rước Phật.
Thành tựu nói trên đã lên đến đỉnh cao khi trong những năm gần đây:
- Nhiều tỉnh thành có sông hồ bắt đầu triển khai thuyền rước Phật, bổ sung vào hình thức xe rước Phật, với nhiều hình thức: hộp đèn nổi cố định, thuyền trang trí Phật đản cố định, thuyền rước Phật lớn có người lưu thông trên sông hồ.
- Nhiều cá nhân Phật tử tự trang trí ô tô, xe máy chào mừng Phật đản bằng cờ, hoa, đèn, băng rôn tham gia đoàn xe rước Phật.
Như vậy, với những hoạt động được thêm vào như trên, lễ Phật đản đã được nâng cao tính quần chúng rộng rãi, là một lễ hội ngày càng phát triển.
Xu thế phát triển lễ hội Phật đản đã hình thành như trên là một thành tựu vượt bậc của PGVN và vẫn đang trong thế tiến tới, thu hút ngày càng đông người biết đến Đại lễ Phật đản, tham dự Đại lễ Phật đản.
Trước đà tiến đáng hoan hỷ như vậy, đột nhiên, năm nay, năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc, bất ngờ, tại thành phố khai sinh nghi thức xe rước Phật, xe, thuyền rước Phật bị Giáo hội Phật giáo địa phương tự cắt hủy, xóa bỏ, loại trừ, triệt tiêu.
Lên tiếng về sự việc tự cắt hủy, tự xóa bỏ, loại trừ, triệt tiêu xe thuyền rước Phật trong mùa Phật đản như chúng tôi là việc làm bảo vệ thành quả mà GHPGVN đã đạt được. Cũng vậy, cắt đột ngột, tự cắt ngang một hoạt động nghi thức Phật đản đã có lịch sử truyền thống 50 năm, đã được chính quyền hỗ trợ tạo thuận lợi tổ chức trong hơn 20 năm trở lại đây, là việc xâm hại đến thành tựu của PGVN hiện đại.
Trong khi đó, nhiều tỉnh thành trên cả nước vẫn duy trì và phát triển xe, thuyền rước Phật tức là đang tiếp tục phát huy thành tựu PGVN hiện đại.
Trong phản hồi dẫn trên, bạn đọc Nguyễn Thái Bình có nhắc nhở “Hãy có chánh kiến”. Chánh kiến là nhìn nhận sự việc một cách chân thực, đúng đắn, trung thành với sự thật, “Chơn thật biết là chơn thật, Phi chơn biết là phi chơn” (Kinh Pháp cú).
Tâm mong muốn duy trì một nghi lễ truyền thống của Đại lễ Phật đản, mang lại niềm vui Phật đản cho số đông thể hiện sự hân hoan đón mừng ngày Đức Phật ra đời, chắc chắn, là tâm Chánh kiến, và sẽ là ngược lại, nếu chỉ coi xe rước Phật chỉ là một kiểu xe cổ động, muốn làm thì làm, muốn dẹp thì dẹp, tự ý cắt ngang bước phát triển thành tựu của PGVN.
Tôi đồng ý với bạn đọc là phải nói và nói nhiều về thành tựu của PGVN từ sau năm 1981.
Nhưng cũng phải nói một cách tích cực, tức là phải bảo vệ, giữ gìn, quý trọng và phát huy những thành tựu mà PGVN hiện đại đã đạt được chứ không thể nói suông, chấp nhận sự tự hủy hoại những thành tựu đã đạt được.
Xây đắp thành tựu luôn luôn phải đi đôi với viêc giữ gìn, phát triển, nâng cao thành tựu. Thành tựu không phải chỉ là cái đạt được, mà là cái phải duy trì, thúc đẩy những bước tiến mới. Có như vậy, thì đó mới là thành tựu căn cơ, vững chắc, làm nền tảng cho những thành tựu tiếp theo.
Xin cũng nói rõ ở đây, chúng tôi chỉ nói về trường hợp một vài giáo hội địa phương. Rất nhiều tỉnh thành vẫn tổ chức hoành tráng xe, thuyền rước Phật. Hai quá trình kế thừa, phát triển thành tựu đã đạt được và tự cắt hủy, triệt tiêu thành tựu đã đạt được đang diễn ra song song, đòi hỏi cái nhìn và tiếng nói trách nhiệm của người Phật tử.
Thông tin riêng: vinasat132@yahoo.com hoặc www.facebook.com/cusiminhthanh