;
Cư sĩ Minh Thạnh (CS MT): Kính bạch Hòa thượng (HT), HT có nhận xét gì về những cây bút cư sĩ trong hoạt động truyền
thông Phật giáo Việt Nam?
Hòa thượng Thích Thiện Tâm (HT TTT): Trong lĩnh vực thông tin truyền thông Phật giáo Việt Nam, một nhiệm vụ được coi là đương nhiên ở vị trí hàng đầu, đó là huy động các lực lượng có thể để hoạt động thông tin truyền thông Phật giáo đạt hiệu quả cao nhất. Ở đây, chúng tôi xin bàn luận về việc nâng cao hiệu quả tập họp, quản lý, khai thác đối tượng các cây bút cư sĩ.
Trước hết, chúng ta xét đến năng lực, vai trò, vị trí của các cây bút cư sĩ. Thực tế hiện nay, đối với hoạt động truyền thông Phật giáo Việt Nam, các cây bút cư sĩ là lực lượng có nhiều năng lực, có vai trò và vị trí quan trọng và khá đặc biệt.
Về năng lực, nhiều vị cư sĩ có khả năng viết tốt, kỹ năng tiếng Việt thực hành vững, có kiến thức rộng, do có năng khiếu và được đào tạo thế học khá bài bản. Nhiều trường hợp một số các cây viết hoạt động mạnh, bài viết đạt mức số lượng và chất lượng khá, phát hiện, đề cập, lý giải và đề ra hướng giải quyết đối với nhiều vấn đề của Phật giáo Việt Nam hiện nay. Với năng lực như vậy, một số cây bút cư sĩ Phật giáo đương nhiên có vai trò, vị trí quan trọng trong hoạt động thông tin truyền thông Phật giáo Việt Nam. Nếu ngành thông tin truyền thông Phật giáo quản lý, tạo môi trường thuận lợi, thường xuyên tác động thúc đẩy việc đóng góp bài viết, thì cống hiến của các cây bút Phật giáo cư sĩ sẽ rất lớn, ảnh hưởng tích cực đến cục diện thông tin truyền thông Phật giáo.
Tuy nhiên, khi nói về vai trò, vị trí các cây bút cư sĩ Phật giáo, chúng ta cần chú ý đến khía cạnh quản lý, môi trường và tác động.
Trong thực tế, nhìn chung, Giáo hội Phật giáo Việt Nam không quản lý người tín đồ.
Vì vậy, cơ bản, những cây bút cư sĩ vẫn là những tác giả hoạt động độc lập; khác với những tác giả tu sĩ, về cơ bản vẫn thuộc quyền quản lý tăng sự của giáo hội. Đây là một điểm cần hết sức chú ý và là nội dung chính của bài viết này: Làm sao quản lý và từ đó nâng cao hiệu quả của các cây bút cư sĩ Phật giáo trong hoàn cảnh hiện nay?
CS MT: Kính bạch HT, HT nhận xét gì về việc đưa một số cây bút cư sĩ vào nhân sự Ban thông tin truyền thông?
HT TTT: So với các ban ngành Giáo hội Phật giáo Việt Nam, có lẽ Ban thông tin truyền thông là ban có nhân sự cư sĩ đông đảo. Điều này cho thấy Ban thông tin truyền thông đã sớm có tầm nhìn đối với việc quản lý và tạo điều kiện phục vụ đối với các cây bút cư sĩ Phật giáo. Với chức vụ Ủy viên Ban thông tin truyền thông, một số tác giả cư sĩ đã chịu sự quản lý về danh nghĩa của Ban thông tin truyền thông, việc liên lạc giữa giữa Ban thông tin truyền thông và người viết đã bước đầu được thực hiện. Trang web Ban thông tin truyền thông đã đăng tải một số bài viết của các tác giả cư sĩ Phật giáo thành viên của Ban. Việc khởi đầu như vậy là tích cực, rất có lợi cho sự nghiệp phát triển hoạt động thông tin truyền thông Phật giáo.
CS MT: Kính bạch HT, cần phải làm gì để nâng cao hiệu quả quản lý và khai thác các cây bút cư sĩ?
HT TTT: Vấn đề đặt ra là làm sao Ban thông tin truyền thông Giáo hội Phật giáo Việt Nam thực sự quản lý và thúc đẩy hơn nữa hoạt động thông tin truyền thông từ giới cư sĩ Phật giáo, chứ không chỉ quản lý trên danh nghĩa.
Trước hết, không phải tất cả những cây bút cư sĩ Phật giáo có khả năng đóng góp vào hoạt động thông tin truyền thông Phật giáo đã là nhân sự Ban thông tin truyền thông. Như vậy, Ban thông tin truyền thông vẫn chưa quản lý được hết số tác giả cư sĩ bằng hình thức thành viên ban. Thiết tưởng, trong nhiệm kỳ sau, việc này cần được chú ý bằng những hình thức nào đó thích hợp, để mở rộng số lượng tác giả cư sĩ tham gia Ban thông tin truyền thông, cũng có nghĩa là chịu sự quản lý của Ban thông tin truyền thông.
Đối với những tác giả cư sĩ là nhân sự Ban thông tin truyền thông, việc quản lý mới chỉ là trên danh nghĩa. Thức tế, mối liên hệ giữa các tác giả cư sĩ Ủy viên Ban thông tin truyền thông với Ban vẫn còn sơ sài, chưa thể nói là quản lý thực chất. Một số cư sĩ Ủy viên Ban thông tin truyền thông cho biết một năm có liên hệ vài lần qua điện thoại và giấy mời họp cũng như qua vài cuộc họp. Ngoài ra không có gì hơn. Trang web ban thông tin truyền thông thỉnh thoảng có đăng một số bài, nhưng với một số tác giả, tỷ lệ này là rất nhỏ trên tổng số bài viết của họ. Liên hệ về mặt chuyên môn là hết sức mờ nhạt, có thể nói là nếu trừ đi các cuộc họp, hội nghị bồi dưỡng…, đã không có sự quản lý chặt chẽ, quan hệ mật thiết đối với các cây bút cư sĩ.
Trong hoàn cảnh internet phát triển như hiện nay, nhìn chung những cây bút cư sĩ vẫn hoạt động độc lập. Họ tự viết theo những đề tài chủ đề họ lựa chọn, tự phổ biến bài viết trên mạng qua blog cá nhân, facebook. Được biết, việc tự đăng bài là quan tâm hàng đầu của số cư sĩ này. Số bạn đọc truy cập vào bài viết tự đăng được coi là khá đông đảo và giao lưu giữa các tác giả cư sĩ và các bạn đọc thực hiện chủ yếu quan blog, facebook cá nhân, một số trang web độc lập, có nghĩa là ngoài Ban Thông tin Truyền thông.
Web độc lập, blog, facebook cá nhân Phật giáo như thế có tác dụng 2 mặt. Chúng vừa đóng góp cho hoạt động thông tin truyền thông Phật giáo Việt Nam nói chung, lại vừa cạnh tranh bạn đọc với trang web Ban Thông tin Truyền thông. Đây là một thực tế cần ghi nhận và nó là một điểm yếu trong quản lý nhân sự thông tin truyền thông Phật giáo Việt Nam.
Một số bạn đọc đọc bài theo tên tác giả đã tìm đến nhưng trang web độc lập, blog và web cá nhân. Do không chịu sự quản lý thiền môn và hành chính giáo hội, bài viết của các tác giả cư sĩ thường tự do, nhiều bài nhanh nhạy, linh hoạt, hấp dẫn, do vậy có sức thu hút cao đối với bạn đọc. Trong bối cảnh đó, một số blog và facebook cá nhân đã trở thành điểm phát hành độc quyền các bài bình luận thời sự Phật giáo riêng của tác giả.
Một số tác giả cư sĩ còn liên hệ phỏng vấn thường xuyên các vị hòa thượng, thượng tọa, nên đã tạo uy tín nhất định trong việc truyền thông cá nhân. Như đã nói, thế là họ vừa đóng góp cho truyền thông Phật giáo nói chung, lại vừa cạnh tranh với thông tin truyền thông Phật giáo chính thức. Tiếng nói của họ vừa chung lại vừa riêng, vừa đóng góp lại vừa cạnh tranh.
Để giải quyết mâu thuẫn này, nâng cao hiệu quả quản lý và khai thác các cây bút cư sĩ Phật giáo, theo tôi cần nhằm vào khâu phổ biến các bài viết của nhóm đối tượng này.
Ban Thông tin Truyền thông có nắm được việc phổ biến các bài viết của các tác giả cư sĩ, có giữ vai trò cổng thông tin liên lạc của các tác giả đó với bạn đọc, thì các tác giả cư sĩ mới thực sự là người của Ban Thông tin Truyền thông. Còn nếu như hiện nay, các tác giả cư sĩ vẫn là người hoạt động độc lập, chỉ chịu sự quản lý trên danh nghĩa, không đi vào quản lý thực tế. Việc các tác giả cư sĩ tự viết bài, tự đăng bài khiến vị thế của họ luôn ở thế độc lập, còn việc tham gia ban thông tin truyền thông chỉ như là sự liên kết hội đoàn. Ý tôi là muốn có sự quản lý mật thiết hơn.
Như vậy, về nghĩa vụ thông tin cần phải tác động đến các tác giả cư sĩ ở 2 khâu: viết bài và đăng bài.
- Về viết bài: Ban Thông tin Truyền thông cần chủ động giao đề tài, đặt bài, đưa yêu cầu nghiên cứu, gợi ý hướng viết. Đây là bước quan trọng để nâng cao việc quản lý các tác giả cư sĩ, đưa việc quản lý vào thực chất, có chiều sâu. Muốn thế, cần phát triển lực lượng biên tập viên các cơ quan thông tin truyền thông của giáo hội.
- Về đăng bài: Cần xóa thế các tác giả cư sĩ tự phát hành độc quyền bài viết trên web độc lập, blog và facebook cá nhân. Chúng ta không thể cấm việc tự đăng bài của họ, nhưng sẽ có thể làm cho các trang blog, facebook cá nhân không còn là nơi phát hành độc quyền bài viết của các tác giả cư sĩ, bằng cách tổ chức đăng tất cả các bài viết của các tác giả cư sĩ bằng hình thức thích hợp.
Sẽ có những bài viết không thể hợp để đăng trên trang chính thức của Ban Thông tin Truyền thông. Vì vậy, nói hình thức thích hợp ở đây là nói đến khả năng tổ chức trang web bán chính thức, quy tụ tất cả bài viết với nhiều nội dung, đề tài, chủ đề, đa dạng trong cách nêu vấn đề và cách giải quyết, sinh động, cởi mở, thông thoáng, phóng khoáng, dung chứa rộng rãi, có sức thu hút bạn đọc cao, kể cả động chạm đến những vấn đề nhạy cảm.
Việc phương tiện của Ban Thông tin Truyền thông đóng vai trò quan trọng trong mối liên hệ tác giả - bạn đọc sẽ khiến Ban Thông tin Truyền thông phát triển ảnh hưởng của mình đối với cả tác giả lẫn bạn đọc.
Giữ quyền đăng bài tác giả, mức độ quản lý của Ban Thông tin Truyền thông đối với tác giả sẽ gia tăng, tạo thế quản lý thực thụ, chấm dứt việc quản lý hình thức.
Đối với bạn đọc, Ban Thông tin Truyền thông có thêm phương tiện thu hút bạn đọc, từ đó gia tăng ảnh hưởng.
Việc đăng bài không nên hạn chế (trừ trường hợp đặc biệt), vì hạn chế thì sẽ quay về lại tình trạng người viết tự đăng bài, người đọc tìm đọc bài trên blog độc lập, facebook cá nhân, bỏ qua phương tiện của Ban Thông tin Truyền thông. Dưới bài viết được đăng tải trên trang web bán chính thức hay không chính thức nội dung thể hiện quan điểm riêng của cá nhân tác giả.
Tuy nhiên, việc đăng bài vẫn có định hướng, quản lý, do có một tỷ lệ thích đáng các bài viết theo sự chỉ đạo của Ban Thông tin Truyền thông. Các bài này được ban thông tin truyền thông đặt các tác giả cư sĩ viết theo yêu cầu nội dung của Ban Thông tin Truyền thông đưa ra, có thể mang nội dung tranh luận đối với các bài viết có vấn đề (nhưng vẫn được đăng). Sao cho, trên các phương tiện, dù chỉ là bán chính thức của Ban Thông tin Truyền thông, sự chỉ đạo nội dung từ Ban Thông tin Truyền thông vẫn được thực hiện. Ngoài ra, các bài viết như thế sẽ được biên tập lại.
Như thế, sự liên hệ mật thiết giữa Ban Thông tin Truyền thông và nhân sự thành viên là tác giả cư sĩ sẽ được thực hiện, mà đó là quản lý đi vào thực chất, đi vào chiều sâu, và cũng là nâng cao hiệu quả khai thác các cây bút cư sĩ phục vụ hoạt động thông tin truyền thông Phật giáo Việt Nam.
MT
Phản hồi riêng đối với các bài tranh luận đặc biệt: vinasat132@yahoo.com, vi-vn.facebook.com/cusiminhthanh, ĐT: 0915553610.