;
Sau khi đã tiễn Ông Táo về trời, theo quan niệm của người xưa; lúc bấy giờ các vị Thần linh cai quản gia đình đã đi vắng hết và ma quỷ sẽ rất dễ xâm nhập để quấy rối.
Do đó, việc đầu tiên trong ngày tiễn Ông Táo là người ta phải dựng cây nêu. Cây nêu được dựng vào ngày 23 tháng Chạp và hạ cây nêu vào ngày mùng 7 tháng Giêng. Nên Tết bắt đầu từ lúc dựng cây nêu cho đến lúc hạ cây nêu xuống mới là hết Tết.
Hình ảnh của cây nêu có liên quan đến Phật giáo của chúng ta. Đó là câu chuyện về cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa con người và ma quỷ. Cuối cùng, là được sự trợ lực của Đức Phật, Ngài dùng tấm áo cà sa để phủ lên ngọn cây. Lúc ánh mặt trời bắt đầu ngả về Tây, thì tất cả thế gian này đều được bao phủ trong bóng cà sa của Đức Phật, vì thế ma quỷ không có đất để ở, phải chạy ra biển Đông.
Chính vì vậy, ma quỷ mới xin với Đức Phật và loài người rằng; chúng đã từng ở đây với loài gười, từng ở cái đất này rồi cho nên chúng cũng có Tổ tiên và mong rằng Đức Phật cho phép trong những ngày Tết được về để thăm viếng Tổ tiên.
Đức Phật đã đồng ý. Đây là một điều rất là đạo lý. Dù là ma quỷ, dù có độc ác, và dù có bất hạnh khổ đau thế nào thì nguồn gốc Tổ tiên cũng không bao giờ mất được. Ma còn nhớ đến Tổ tiên, ngày Tết cũng còn muốn về với Tổ tiên nhà nó.
Huống hồ chúng ta là loài người, chúng ta lại quên cái gốc Tổ tiên của mình ư!? Đây là bài học, một đạo lý hết sức sâu sắc. Ngày nay tôi thấy có nhiều người chủ trương ngày Tết bỏ đi chơi, đi du lịch nước ngoài, rõ ràng là cần nhìn nhận và xem xét lại.
Chúng ta cũng nhận thấy, gần Tết là lúc mà mọi việc rất gấp rút, và thời điểm này cũng xảy ra nhiều tai nạn hơn những ngày bình thường.
Người xưa quan niệm rằng, lúc này các thần đi lên trời hết rồi, thì ở nhân gian cũng giống như nhà không có chủ, không có người cai quản, cho nên ma quỷ về và quấy phá gây ra nhiều điều tai ương. Do vậy, để tránh sự quấy phá ấy, người xưa đã dựng cây nêu, để nhắc rằng cái đất này là đất đã có chủ. Trên chủ ấy còn có “vị thần tối cao” nữa, mà “vị thần” ấy thống lĩnh cả tam thiên đại thiên thế giới đó là Đức Phật.
Vì vậy nên, trên các cây nêu ngày xưa có treo các khánh đất, khánh đá, khi mà gió thổi vào liền có tiếng rung để báo cho ma quỷ phải tránh xa, ở các cửa nhà thì dùng vôi bột vẽ cánh cung để ma quỷ không bước chân vào.
Trên cây nêu có treo miếng vải đỏ, để biểu tượng cho tấm áo cà sa của Phật, ngoài ra, còn treo các thứ khác nữa là đèn lồng với ngụ ý rằng: thắp đèn lên để xua ma quỷ, đồng thời để báo cho tổ tiên ông bà biết nhìn vào đó để thấy đường trở về, giống như đi biển, người ta có ngọn hải đăng.
Bởi ngày xưa, nhà cửa thấp, nên khi dựng cây nêu thì thường cao hơn cả mái nhà, từ xa đã trông thấy rồi, thì Tổ tiên có đi xa cũng sẽ biết đường mà về với con cháu. Điều đó cũng mang một ý nghĩa rất nhân văn rằng: những người đi xa thì tìm cách để trở về ăn Tết, sum họp với gia đình.
“Mèo đi xua thói xấu dứt sạch nguồn mê bồi quả giác;
Rồng đến đón điềm lành vun trồng cội đức nở hoa tâm.”
Thượng toạ Thích Tiến Đạt
Nhân Phúc ghi lại