;
Hỏi
Tôi được biết có Niệm Phật Đường ở địa phương kia, hằng năm vào dịp Lễ Vu Lan, đều phát tâm kêu gọi mọi người hùn phước thực hiện lễ phóng sanh các con vật hữu duyên. Người chủ niệm Phật đường đặt mua các loại cá, rùa, vịt con, chim bồ câu, chim sẻ, thỏ trắng, từ tiệm buôn, cả tháng trước ngày làm lễ phóng sanh, để họ có đủ thời gian đi tìm bắt các con vật hữu duyên cho đủ số lượng đặt hàng.
Vì bị nhốt trong các chậu, các lồng nhỏ hẹp chật chội nhiều ngày, không được săn sóc, không được cho ăn uống, lại bị phơi nắng lâu trong suốt buổi lễ, cho nên nhiều cá, chim bị nóng, chết ngộp trước khi được thả ra. Khi được thả ra, các con chim còn khoẻ bay nhanh đi xa mất dạng. Những con chim bị què, bị gảy cánh không bay được, tội nghiệp vô cùng! Những con vịt con chạy tung tăng quanh quẩn liền bị các trẻ nhỏ bắt được, đem về nhà, chẳng biết số phận sau đó ra sao?!
Thảm thương hơn nữa là các con thỏ trắng, là loại thỏ được nuôi đầy đủ, quen sống trong chuồng, không phải tự kiếm ăn, bây giờ lại bị người ta làm lễ phóng sanh rồi đem thả trong rừng! Trông các con thỏ trắng được thả ra (hay bị thả vô rừng) run rẩy, co cụm lại một đống, không biết chạy đi đâu để sống cho qua đêm nay.
Không biết người ta làm như vậy có phải đúng nghĩa là phóng sanh hay không?
Kính mong quí Thầy chỉ dạy để Phật tử được biết điều nào nên làm, điều nào nên tránh, theo đúng chánh pháp.
Đáp:
Việc phóng sanh theo tinh thần Phật giáo nhằm mục đích trưởng dưỡng tâm từ bi đối với mọi loài chúng sanh. Nếu vừa giữ giới không sát sanh, ngăn ngừa việc ác, lại vừa phóng sanh, làm thêm việc thiện, thì phước đức và công đức gấp bội.
Việc phóng sanh chỉ có ý nghĩa ba la mật khi chỉ vì lòng thương xót các loài vật đang lâm nạn, chứ không phải vì cầu phước cho chính mình hay cho thân nhân, hay vì phô trương. Do đó, không nhất thiết phải mang các loài vật đó đến chùa làm lễ qui y hay cầu an hay cầu siêu.
Nghĩa là tùy duyên, chúng ta gặp các con vật đang bị bắt nhốt trong chậu, trong lồng, chờ đem đi làm thịt, chúng ta bỏ tiền ra mua, rồi thả ra liền, càng sớm càng tốt, để cứu mạng sống của chúng trong nhứt thời.
Mọi việc làm xuất phát bởi
tâm từ bi,
lòng trắc ẩn,
thương người thương vật đều đáng tán thán,
khen ngợi và khuyến khích.
Tuy nhiên, đôi khi vì danh lợi, vì phô trương, vì thiếu hiểu biết chánh pháp, chúng ta tưởng đâu việc đó là Phật sự, nhưng hóa ra là ma sự, tưởng đâu phóng sanh có phước, hóa ra vô tình sát hại sanh mạng các con vật đáng thương kia. Vì muốn phóng sanh nhằm tạo phước mà người phóng sanh lại vô tình thúc đẩy những người khác giăng lưới bắt chim cá, tự họ gây tạo nghiệp chẳng lành!
Chúng ta nên đến đâu để phóng sanh? Phóng sanh loài nhỏ, chúng sẽ bị loài lớn ăn thịt. Phóng sanh loài lớn, chúng sẽ bị con người giết thịt. Nếu là cá thì có người câu hay thả lưới, nếu là chim, thì có người dùng súng bắn, hay dùng lưới vây bắt.
Ở các chợ bán chim, bán cá ngày nay, phần lớn là do người ta nuôi ở các ao cá, vườn chim. Những động vật này căn bản không thích ứng với môi trường thiên nhiên, phóng sanh chúng cũng như là sát sanh chúng vậy.
Hơn nữa, giống chim, loài cá đều có cách sống và thói quen của chúng. Có những loài cá phải sống trong những môi trường thích hợp nhất định như chất nước, độ sâu. Nếu mua giống cá sông, đem thả vào biển, hay mua giống cá biển, đem thả vào sông, tất cảđều thành vấn đề. Nếu thả vào rừng loại chim nuôi ở vườn, chúng sẽ không sống được, sẽ bị đói hoặc bị các động vật khác ăn thịt.
Trong các trường hợp như vậy, thử hỏi có cần phóng sanh hay không, có nên phóng sanh hay không?
Tóm lại, mục đích của chúng ta là trưởng dưỡng tâm từ bi. Số phận của động vật được phóng sanh ra sao tùy thuộc vào phước duyên và nghiệp báo của chúng. Miễn là khi phóng sanh, chúng ta chỉ cần tận tâm, tận lực và thành tâm cầu cho chúng được thoát nạn và thoát kiếp trong các đường đau khổ địa ngục, ngạ quỉ và súc sanh.
Ban Biên Tập PHTQ.CANADA