nguoiphattu.com Bát và Y là hai vật dụng truyền thống của chư Phật ba đời. Giá trị thực dụng của hai vật này chỉ tương đương với chén cơm và manh áo mà thôi. Còn giá trị tinh thần của Y Bát mới thật cao quý. Do những giá trị đó mà Y Bát trở thành pháp khí, thường được gọi chung và với những từ sau: Đạo Y Bát, Giáo lý Y Bát, Giới Y Bát, Hạnh Y Bát, Truyền Y Bát, Thọ Y Bát, Hành trì Y Bát…
Tìm hiểu về phép đi khất thực của đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam ---------------- Y khất sĩ bức họa đồ thế giới, Vẽ muôn ngàn đường lối bước vân du. Bát khất sĩ bầu càn khôn võ trụ, Chứa muôn loài vạn vật một tình thương… Đem
hai tâm đức vô trụ xứ và đại từ bi để diễn giải, bài kệ trên đã lột tả
được những vẻ đẹp cao thượng của Y và Bát, vốn là hai vật dụng truyền
thống của chư Phật ba đời. Trong bộ Chơn Lý, nơi bài Y Bát Chơn Truyền,
Tổ sư Minh Đăng Quang đã thuyết minh về những giá trị cao thượng của hai
vật dụng Y và Bát chơn truyền đúng như Chánh pháp. Qua đó, đức Tổ sư
cảnh giác chúng ta rằng, nếu không được chơn truyền, nếu chỉ như y bát
của bọn khất cái, thì hai vật dụng này không còn xứng đáng là pháp khí
nữa. Thiếu giá trị đạo đức, Y Bát khất cái tuy là dễ sắm nhưng trở nên
xấu xa và chỉ đáng được thương hại, đáng làm trò cười cho người đời. Còn
nơi bài Luật Khất Sĩ, đức Tổ sư đã nêu ra những quy định về Y Bát, về
cách truyền trao và thọ trì 2 pháp khí căn bản này. Đồng thời, trong các
bài Bài Học Sa-di, Giới Bổn Tăng Khất Sĩ, 114 Điều Luật Nghi Khất Sĩ…
cũng có một số phần dạy về cách dùng y và bát. Sau đây là những điều cần
biết về Y và Bát của Phật giáo Khất Sĩ.
I. Bát Khất Sĩ: ---------------- Bát
của hàng Tỳ-kheo (khất sĩ) và Sa-di (tập sự khất sĩ) giống nhau, đều
bằng đất, hông tròn 6 tấc, miệng rộng, đốt đen, có nắp bằng nhôm trắng.
Còn bát của hàng tập sự xuất gia (gọi tắt: “Tập sự”) bằng nhôm trắng,
không sơn. Ngày nay, ngoài Bát đất, Tăng, Ni khất sĩ còn dùng cả bát
bằng gỗ, bằng nhựa trắng hoặc nhựa đen. Các loại Bát này đều được sơn
đen bên ngoài và cả bên trong, riêng Bát đất thì bên trong thường tráng
men. Đáy Bát bằng, tự đứng được, không cần cái kiềng để đỡ như Bát
của Phật giáo Nam tông. So với Bát của Phật giáo Bắc tông thì bát Khất
Sĩ to gấp đôi. Với chu vi khoảng 0,6m và cao khoảng 0,12m, Bát Khất Sĩ
vừa phải để sử dụng mà lại gọn vì không cần thêm một cái kiềng.
Để
mang Bát cần phải có túi đựng bát. Túi Bát bằng vải màu vàng, tròn vừa
với Bát, có 2 nắp phủ, có quai đeo rộng 1 tấc và dài đến ngang thắt lưng
khi mang túi lên vai. Túi Bát được may bằng 8 miếng vải nhỏ xung quanh,
trông như một hoa sen 8 cánh xinh đẹp được làm nên bởi những người hộ
pháp thuần thành…
Chư Tăng khất sĩ mang túi Bát bên vai phải,
phía trong y thượng. Chư Ni khất sĩ mang túi bát xéo từ vai trái qua
hông bên phải và ở phía ngoài Y thượng. Bát của chư Ni trông khiêm tốn
hơn Bát của chư Tăng vì chúng nhỏ hơn một chút, mặc dù Tổ sư không quy
định như thế. Các vị khất sĩ không ai cố ý làm cho cái Bát của mình đẹp
hơn, tốt hơn Bát của vị khất sĩ khác. Để phân biệt, bên ngoài mỗi Bát đã
thường được viết hoặc dán tên chủ nhân của nó lên, ngoài ra không được
trang trí thêm gì cả.
Bát là vật dụng để Tăng, Ni khất sĩ đi khất
thực và thọ trai hàng ngày. Theo thực tế mà nói, thì Bát chính là chén
cơm của vị khất sĩ. Với cái bát chơn truyền, vấn đề đời sống của vị khất
sĩ đã được giải quyết ổn thỏa một phần từ mấy ngàn năm nay. Ai cũng
biết rằng các khất sĩ không làm kinh tế, không sản xuất. Trong xã hội,
phận sự của vị khất sĩ là:
Cấy cày, trồng tỉa, đua bơi… Ấy là phận sự của người cư gia. Bậc giải thoát lìa xa nghệ nghiệp, Được nhẹ mình độ tiếp chúng sanh, Hạnh tu khất sĩ lữ hành Mỗi ngày khất thực, trì bình giáo khuyên. Mượn pháp ấy làm duyên tế độ Cho thế trần được chỗ gieo nhơn…
Sống
trong cuộc đời, vị khất sĩ có thể làm tròn phận sự của mình là nhờ có Y
Bát chơn truyền. Y Bát đã hỗ trợ, đã bảo vệ người biết sử dụng chúng.
Thật vậy, trong điều kiện đời sống chung của cộng đồng được sung túc,
vật chất dồi dào, thì một nhà sư trì Bát là cách hữu hiệu để ổn định đời
sống tu tập và phụng sự, giữ gìn được sức khỏe, không bị sa ngã theo
những khoái lạc ăn uống của cuộc đời.
Ngược lại, trong thời đói
khổ, cái Bát này cũng không làm người tín chủ phiền hà, mà các nhà sư
cũng không thấy thiếu thốn bởi đã quen với sự bất túc rồi…
II. Y Khất Sĩ: ------------- Y
tức là y phục. Y phục trong nhà đạo hàm ẩn những giáo pháp nên gọi là
Pháp y. Pháp y của Phật giáo có hơn 12 tên khác nhau như Y công đức, Y
giải thoát, Y phước điền, Y hoại sắc, Y phấn tảo, Y hoa sen, Y từ bi…
Pháp y của Phật giáo có hơn 5 màu khác nhau như màu xanh dương, màu đen,
đỏ, vàng… và đều không chính sắc. Khi đến thời mạt pháp thì Y của chư
Tăng có màu trắng tinh.
Pháp Y Khất Sĩ thường được gọi là Y
Ca-sa, Y bá nạp hay Y phấn tảo. Y Ca-sa là Y hoại sắc, Y bá nạp là Y có
cả trăm mảnh, Y phấn tảo là y được may từ những giẻ bỏ rồi nhuộm lại một
màu như Y của Sơ Tổ Ma-ha Ca-diếp. Trong ba tên này, pháp Y Khất Sĩ có
tên gọi phổ biến là Y Ca-sa.
Pháp Y Khất Sĩ được Tổ sư Minh Đăng
Quang chế định gồm ba loại là Y thượng, Y trung và Y hạ. Y hạ che thân
dưới, Y trung che thân trên, còn Y thượng mặc trùm bên ngoài khi có việc
hàng ngày. So sánh bộ tam Y của Phật giáo Khất Sĩ với Phật giáo Ấn Độ
(theo mô tả của Hán tạng), cùng Phật giáo Bắc tông và Phật giáo Nam tông
tại Việt Nam ngày nay, chúng ta thấy sự tương ứng như sau: - Y thượng - Y Tăng-già-lê - Đại Y cửu điều - Saṅghāṭi - Y trung - Y Uất-đa-la-tăng - Thượng Y thất điều - Uttarasaṅga - Y hạ - Y An-đà-hội - Nội Y ngũ điều - Antaravāsaka[3]
Với
bộ tam Y truyền thống của nhà Phật này, các khất sĩ thường sử dụng cả
ba Y, bên Phật giáo Nam tông thỉnh thoảng mới dùng đến Y Saṅghāṭi, còn
bên Phật giáo Bắc tông thường chỉ sử dụng 1 Y.
1. Y thượng: ------------- Y
thượng bá nạp bằng vải cũ hay vải vụn đâu lại. Không được dùng vải vụn
đủ màu sặc sỡ, phải dùng vải vụn có những gam màu lợt như vàng, trắng,
hồng may rồi nhuộm thành màu vàng sậm. Không được dùng các loại vải làm
bằng tơ, lông cừu…(Như nón len thì sao?)
Y thượng khổ 3 x 2m, có
bìa dọc 0,1m, bìa ngang 0,15m. Y thượng Tỳ-kheo phải may bá nạp. May Y
bá nạp sao cho không bị dùn sau khi thành Y là cả một nghệ thuật. Để may
được một Y thượng bá nạp cần có 8m vải khổ 1,2m. Y Sa-di thì vải
nguyên, cũng có bốn bìa tương tự như trên và chỉ cần hơn 5m vải khổ 1,2m
là đủ may.
2. Y trung: ----------- Y trung vải nguyên, khổ
2 x 0,7m, không may bìa. Mỗi bên hông của Y trung kết một nút quai
thắt. Ngày nay, các Y trung đều kết ba nút quai thắt và chỉ ở một bên. Y
trung của chư Ni giống như áo giới của hàng tập sự xuất gia. Y trung
chư Ni dài 1m, kích 0,7m, tay 0,85m, ống tay 0,2m, có đinh, lai và bâu
0,02m, dùng nút thắt, phải may có xương sống và vai vuông.
3. Y hạ: -------- Y hạ vải nguyên, khổ 2 x 1m, may dính lại thành ra vuông 1m, bìa trên 0,1m, bìa dưới 0,05m.
Tam
Y phải cùng một màu vàng sậm. Tổ sư quy định một bộ tam Y của chư khất
sĩ gồm một Y thượng, một Y trung mới và một Y trung cũ, một Y hạ mới và
một Y hạ cũ, tổng cộng một bộ có năm Y. Tổ sư cấm dùng hai Y trung mới
hay hai Y hạ mới, cũng cấm có ba bộ Y trung hạ. Đồng thời, ngài khuyến
khích chư Tăng khất sĩ dùng bộ tam Y chỉ có ba Y thì càng tốt! Thực tế
cuộc sống ngày nay, đa phần các vị khất sĩ có hai Y thượng và ba bộ Y
trung hạ, vị chi là có tám Y; lại có thêm 1,2 cái áo để mặc làm công quả
hoặc mặc khi đau bệnh... Đây là do những yêu cầu khách quan của cuộc
sống, nên Tăng đoàn cũng đã mặc nhiên chấp nhận.nguoiphattu.com
Về cách mặc Y,
chư Tăng khất sĩ lum Y thượng khi ra ngoài Tịnh Xá, đắp Y kẹp khi tiếp
khách hoặc làm lễ, cũng có thể gấp Y thượng choàng qua vai trái khi thọ
trai hoặc khi cần cho đỡ trống trải ngực, Y trung thì choàng qua khỏi
đầu và cánh tay phải, còn Y hạ thì mặc xếp đến nửa ống chân. Chư Ni khất
sĩ chỉ dùng một cách đắp Y thượng là đắp Y kẹp, nhưng cách đắp khác bên
Tăng một chút là mép Y không vắt lên vai trái mà xếp và cầm nơi tay
trái như cách đắp Y của chư Tăng, Ni Phật giáo Bắc tông. Y hạ chư Ni mặc
dún rút, cao đến ngang mắc cá chân.
Bộ tam Y Khất Sĩ đã có những cách tân như sau: ------------------------------------------------------- - Y hạ may dính lại, không còn là một tấm chăn, tiện dùng cho cả hai phái nam nữ, tế nhị khi sử dụng trong xã hội hiện đại này. -
Y trung chư Tăng khất sĩ được chế nhỏ lại hơn bốn lần so với Y
Uất-đa-la-tăng của Phật giáo Ấn Độ và có nút quai thắt. Thời Phật giáo
Nguyên thủy, Y Uất-đa-la-tăng và Y Tăng-già-lê vốn bằng nhau. Do chế Y
trung nhỏ lại nên cần chế nút. Nhằm giữ lấy nét đơn sơ và tôn nghiêm của
các pháp Y, những nút này đã được Tổ sư sáng tạo ở hình thức nút quai
thắt bằng vải se lại.
- Y trung chư Ni khất sĩ được cách tân
thành một cái áo dài, vừa phủ đầu gối, kín cổ và ngực, rất tiện dùng cho
các vị sư cô. Cái áo dài này gọn, không lướt thướt. Nó lại không bóp eo
và xẻ hông nên người mặc nó không lộ hình như người đời.
- Y
thượng may bá nạp chứ không may điều. Việc này không quan trọng, nhưng
nó đưa ra được một hình tướng khác, giúp phân biệt được các vị sư Khất
Sĩ với các vị sư Nam tông, mà hình tướng này vẫn là trong truyền thống
Phật giáo và rất tôn nghiêm.
Khất sĩ là một giới trong nhiều
thành phần xã hội của nhân loại. Đời sống của người khất sĩ là cắt ái
(từ bỏ tâm quyến luyến người thân), ly gia (rời khỏi nhà thế tục) và
cũng không đứng vào phạm vi tôn giáo. Do cắt ái ly gia nên đời sống khất
sĩ không phải là đời sống gia đình phổ biến của nhân loại. Do cũng
không đứng vào phạm vi tôn giáo nên đời sống khất sĩ là đời sống giải
thoát. Vậy khất sĩ là một thành phần xã hội đặc biệt, tổ chức Khất Sĩ là
một tổ chức nhà đạo thuần túy. Khất sĩ đã xuất hiện tại Ấn Độ từ khoảng
thế kỷ VI trước Tây lịch, với một đời sống đơn giản và thanh khiết về
ăn, mặc, ở, bệnh. Tổ sư Minh Đăng Quang gọi đời sống này là đời sống Tứ Y
pháp của Y Bát.
III. Hành trì Y Bát: ------------------- Như
đã nói, Bát và Y là hai vật dụng truyền thống của chư Phật ba đời. Giá
trị thực dụng của hai vật này chỉ tương đương với chén cơm và manh áo mà
thôi. Còn giá trị tinh thần của Y Bát mới thật cao quý. Do những giá
trị đó mà Y Bát trở thành pháp khí, thường được gọi chung và với những
từ sau: Đạo Y Bát, Giáo lý Y Bát, Giới Y Bát, Hạnh Y Bát, Truyền Y Bát,
Thọ Y Bát, Hành trì Y Bát…
- Đạo Y Bát: Là Đạo ăn xin, Đạo khất
sĩ. Các nhà sư xin vật chất để nuôi thân và đem đạo đức để xây dựng cuộc
đời. Các nhà sư đi xin là để thể hiện một đạo lý: Xin vốn là lẽ sống
của tất cả chúng sanh muôn loại, nhưng tiếc thay ai cũng nghĩ về những
gì mình đang có như thân thể, nhà cửa, tri thức…là “Của ta… Do ta…”, do
đó mới sống trái với công lý của võ trụ.
- Giáo lý Y Bát: Giáo lý
trung đạo, thậm thâm, vi diệu của chư Phật ba đời. Giáo lý Y Bát có ba
pháp vắn tắt là Giới Định Huệ. Giới là những hành vi chuẩn mực của thân
và khẩu. Định là thanh tịnh ý nghiệp. Huệ là diệu dụng của tâm, là những
thấy biết đúng chân lý do ba nghiệp trong sạch mà khai mở được.
-
Giới Y Bát: Tức là Giới khất sĩ, là 10 giới hay 250 giới (giới đủ). Từ
nơi Giới, vị khất sĩ kiêm tu Định Huệ. Tổ sư Minh Đăng Quang khẳng định:
trì Giới thôi vẫn chưa được trọn là khất sĩ, cần phải kiêm tu Định Huệ.
- Hạnh Y Bát: Là hạnh khất sĩ: ---------------------------------- Hạnh khất sĩ – phép tu theo Phật Lẽ sống chung vạn vật chúng sinh Không phân xã hội, gia đình Không phân chủng loại, hữu tình, vô tri… Bậc giải thoát đoạn ly thế sự Hiệp thành đoàn Tăng lữ du phương…
-
Truyền Y Bát: Tức là truyền Giới khất sĩ, truyền Đạo khất sĩ, truyền
Đạo Phật… Trong một đại lễ truyền giới của Phật giáo, các giới tử đều
phải có Y Bát, nếu thiếu thì dứt khoát không được thọ Giới. Vậy Y Bát là
hiện thân, là đại diện cho Giới pháp của chư Phật. Một người đã được
Tăng đoàn truyền Y Bát thì sẽ được công nhận là một nhà sư. Cũng như các
nền Phật giáo khác, Phật giáo Khất Sĩ đã có những quy định cụ thể về
việc thâu nhận người xuất gia, cho thọ giới Sa-di, Tỳ-kheo… Việc này sẽ
được bàn rõ trong một phần khác.
- Thọ Y Bát: Tức là thọ Giới khất sĩ, xem như được vào Đạo khất sĩ… - Hành trì y bát: Là hành trì Giới khất sĩ, Đạo khất sĩ. ----------------------------------------------------------- Trong
Chơn Lý, Tổ sư Minh Đăng Quang ví Y là pháp, Bát là đạo. Bởi Y dùng để
che thân, mà thân đạo được che bằng Kinh, Luật, Luận, tức là được che
bằng Pháp bảo. Còn Bát dùng để chứa đựng, nên Bát như bầu đạo đức, như
tâm đại từ đại bi dung chứa và trưởng dưỡng muôn loài. (Khi có cái ngã
lớn như núi non, thì chẳng còn chỗ cho ai ngoài Ta; đi đâu cũng chỉ có
Ta, làm gì cũng chỉ có Ta mà thôi.) Chính vì thế, Tổ sư cũng dạy rằng:
tất cả đạo lý và quả linh đều có sẵn trong Y Bát!
Y Bát là tài sản tinh thần cao quý của chư Tăng khất sĩ
Những cách sử
dụng Y Bát như rửa Bát, giặt Y, ôm Bát khất thực, đắp các kiểu Y… là
những việc đơn giản không cần dạy nhiều. Nói đến hành trì Y Bát là nhấn
mạnh về những tư cách đạo đức, về việc học đạo và tu hành của người đang
dùng Y Bát. Người dùng Y Bát tức là một nhà sư, cần có những bổn phận
sau:
Làm Tăng ôm Bát, đắp Y Vâng hành pháp báu, giữ trì giới nghiêm Năng nghiên cứu, xét tìm chơn lý Gắng tham thiền huệ trí phát sanh, Sáng tâm, tỏ tánh đành rành Tinh chuyên nhập định đắc thành thần thông, Màn huyền bí bên trong hé mở Máy nhiệm mầu lộ hở lần ra…
Nương
theo phẩm Tịnh Hạnh trong Kinh Hoa Nghiêm, Tổ sư Minh Đăng Quang đã dạy
những bài kệ mẫu để các nhà sư chú nguyện trong tâm theo tùy trường hợp
sử dụng Y, Bát như sau:
GIỞ BÁT: ---------- Như, bình bát của Như Lai Tôi nay đặng mở bày, Nguyện dâng tất cả chúng Đồng ba vòng trống vắng.
THẤY BÁT KHÔNG; --------------------- Như, bằng thấy bát không, Cầu cho chúng sanh Trọn vẹn trong sạch, Trống không phiền não.
THẤY BÁT ĐẦY; ----------------- Như, bằng thấy bát đầy, Cầu cho chúng sanh Đựng đầy, tròn đủ Tất cả pháp lành.
CHỊU CỦA; ------------ Như, thí của và pháp Đều không khác nhau, Sự thí rốt ráo Viên mãn, tròn đủ.
Khi
khất thực đầy Bát đậy nắp lại bỏ vào túi Bát không nhận nữa và quay về
Tịnh Xá hoặc tìm một gốc cây, chỗ thanh vắng :Chú nguyện và độ ngọ.(
Trước khi thọ thực phải ngồi bán già hoặc kiết già tụng niệm và quán
tưởng gồm 10 phần sau):
1. Cúng dường Tam Bảo: ---------------------------- Cầu xin cho lễ cúng dường nầy, Đến với Đức Như Lai, xin Phật chứng - minh. Cầu xin cho lễ cúng dường nầy, Đến với Chư Bồ Tát, xin Tăng chứng - minh. Cầu xin cho lễ cúng dường nầy, Đến với chư Phật - Pháp - Tăng, xin Tam Bảo chứng - minh.
2. Khuyến Khích. ------------------ Những
ai hết lòng, ân cần cung cấp, thức ăn vật uống cho chư đệ tư Phật, và
làm phải cho mọi người, cao thượng hơn lòng bỏn sẻn và tánh tư vị, thì
sẽ hưởng được sự vui sướng thanh nhàn, đời đời kiếp kiếp ở cảnh thượng
thiên; Mấy người ấy sẽ chứng đủ các quả đạo lành, sẽ được hân hạnh về
đạo lý, sự khoái lạc hoàn toàn,các vị ấy sẽ sanh lên cõi trời, để hưởng
sự sung sướng và nhàn lạc luôn luôn.nguoiphattu.com 3. Chứng Minh: ----------------- Tín chủ cúng dường Phật Pháp Tăng, Chứng minh công đức nhờ Tam Bảo. Chú tâm nguyện độ thiện duyên nầy, Tín chủ đời đời thêm phước báu. *** Sở cầu sở ý đều thành tựu, Tín nhớ hạnh y nguyện trở về. Nay mới gieo nhân nhân chánh giác, Sau này chứng quả quả Bồ Đề. *** Đây thể lòng từ Phật Pháp Tăng, Vì tâm thành kính biết ăn năn. Đem cho tín chủ phước thanh tịnh, Xin lấy cho mình nghiệp khó khăn. *** Tín chủ từ đây đặng nhẹ nhàng, Bến mê thoát khỏi chốn lầm than Tiêu diêu khoái lạc y Tam Bảo, Đắc quả kiếp nầy thành Phật Đạo.
4.Cầu Nguyện: ---------------- Phước cúng dường nầy của tín chủ, Tam nghiệp thanh tịnh định huệ tu. Tánh cũ tự mình gồm chứa đủ, Tây phương an dưỡng hưởng thiên thu. *** Phước cúng dường nầy của chư linh , Dứt tiêu tội chướng thoát vô minh. Sám hối ăn năn tâm niệm Phật, Tây Phương cực lạc đắc siêu sinh. *** Phước cúng dường nầy của bá tánh, Cầu an tai nạn đặng muôn lành. Phát nguyện tu hành thành chánh giác, Tây phương tịnh độ chỗ vãng sanh.
5. Chú Nguyện: ----------------- Chú tâm nguyện độ, cả thảy chúng sanh, Kẻ thác siêu thăng, người còn thơ thới. Biển ái yên lặng, sông mê trong sạnh, Pháp giới chúng sanh, đồng tròn quả trí. Nguyện khắp tín thí, ruộng phước thêm gieo, Có tình, không tình đều thành Phật Đạo. **** Kính lạy cõi Tăng Già Tây phương giải thoát.(1 lần) Kính lạy cửa Khất Sĩ đường Như Lai.( 1 lần ) Kính lạy chư Phật - Pháp - Tăng mười phương ba đời. (3 lần).
6. Thọ Bát: ----------- Bát cơm tín chủ biết bao công Đức hạnh đầy vơi tự xét lòng. Thỏa miệng thích tình tham quấy bỏ, Nuôi thân hành đạo thuốc lành dùng. Toan vun chánh Pháp cho thành tựu, Nguyện dứt ác duyên thoáng sạch không. Nguyện các việc lành làm tất cả, Nguyện xin độ tận chúng sanh chung.
7. Lục Hòa: ------------ Thân cùng nhau hòa hiệp ở chung Miêng không tranh đua cãi lẫy Ý ưa nhau không trái nghịch Giới Luật đồng cùng nhau tu chung Kiến thức riêng chỉ giải cho nhau lợi quyền chia đồng với nhau...
8. Sau Khi Độ Cơm Xong: ---------------------------- Nguyện Cầu cả thảy chúng sanh, đồng đặng đủ đầy tròn xong Phật sự. (3 lần).
9. Thuyết Pháp, đọc Kinh, hay tụng bài kệ: ------------------------------------------------ .......( Tùy theo vị chứng minh dẫn dắt)....
10. Chú Nguyện: ------------------ Chú tâm nguyện độ mười phương, Kẻ âm siêu thoát, người dương nhẹ nhàng. Cõi đời biển ái lặng trang, Sông mê trong vắt, sóng an, nước bình. Khắp cùng Pháp giới chúng sanh, Gieo mầm giống huệ, viên thành quả chơn. Nguyện cầu tín thí công ơn, Phước điền rộng đức, huệ sơn cao tài. Hữu tình nhơn vật các loài, Vô tình bụi, đất , đá, cây bao đồng. Thảy đều đắc quả thành công, Cả nên Phật đạo hiện trong kiếp nầy.
Kính lạy cõi Tăng già - Tây phương giải thoát.(1 Lần) Kính lạy cửa Khất Sĩ đường Như Lai (1 lần ) Kính lạy chư Phật - Pháp - Tăng mười phương ba đời (3 lần).
RỬA BÁT; ----------- Như, đem nước rửa bát này Như cam lộ cõi trời Cúng cho các quỷ, thần Đặng no đủ tất cả.
MẶC Y I: ---------- Như, bằng mặc áo trên, Cầu cho chúng sanh Đặng căn lành quý Đến pháp bờ kia.
MẶC Y II: ------------ Như, khi mặc hạ y, Cầu cho chúng sanh Mặc những căn lành Đủ lòng hổ thẹn.
MẶC Y III: ----------- Như, sửa áo buộc dây, Cầu cho chúng sanh Buộc tóm căn lành Chẳng cho tản mất.
Lần
chú nguyện như trên là một lần phát tâm Bồ-đề. Mỗi một lần phát khởi ý
thức cao thượng là thêm một lần tinh tấn dứt ác hành thiện. Nếu ai hằng
khởi tâm như thế thì công đức thật bất khả tư nghì. Bồ-Tát
Văn-Thù-Sư-Lợi đã cho biết công năng của những câu chú nguyện như thế
này là giúp cho các Bồ-Tát thành tựu được tất cả các công đức thắng
diệu.
Qua bài Y Bát Khất Sĩ, chúng ta đã tìm hiểu về danh tướng
cùng pháp lý của bình Bát và bộ tam Y Khất Sĩ. Đến đây, chúng ta có thể
kết luận rằng:
- Y bát Khất Sĩ trong căn bản là kế thừa theo truyền thống của đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni và chư Phật đã lập ra. - Trong hiện thực thì Y Bát Khất Sĩ có danh tướng và pháp lý rõ ràng, trong sáng, tôn nghiêm. - Những pháp chế về y bát Khất Sĩ của Tổ sư Minh Đăng Quang đã giúp cho Giáo pháp Khất Sĩ có căn bản vững chắc. -
Trải qua 60 năm, từ những pháp chế ban đầu, Y Bát Khất Sĩ đã được thực
tế cuộc sống thẩm định rồi định hình như đã mô tả ở trên.nguoiphattu.com
Ngày
nay, có một số Tăng, Ni Khất Sĩ sử dụng Y quốc tế, là loại Y điều của
Phật giáo Nam tông. Không hiểu những vị này có lòng tự trọng hay không
mà lại làm như thế? Lại có một vài nhà sư dùng Bát bằng sắt, sơn đen bên
ngoài. Thiết nghĩ, chúng ta không nên tùy tiện đối với Y Bát của Tổ,
Thầy đã trao truyền. Tuy tư tưởng Khất Sĩ rất cởi mở, như bộ Chơn Lý đã
thể hiện, nhưng có những điều chúng ta không thể không giữ lấy những
chuẩn mực. Như thế, con đường quang minh mà chư Phật chư Tổ đã khai sáng
sẽ được các khất sĩ không ngừng tiếp bước:
Ôm Bát đất sống chung cùng vạn loại, Khoác Y vàng hòa thân với hàm linh, Mượn tiếng xin để tế độ chúng sinh, Đem gương Phật cho người gieo giống Phật.