;
NHÂN DUYÊN CỦA GIÀU VÀ NGHÈO
Một thời, Thế Tôn ở Sàvatthi, tại tinh xá ông Anàthapindika. Có thanh niên Subha Todeyyaputta đi đến đảnh lễ, bạch Thế Tôn:
Thưa Thế Tôn, do nhân gì, duyên gì giữa loài người với nhau, chúng tôi thấy có người tài sản nhỏ, có người tài sản lớn?
Này Thanh niên, hãy nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ nói:
Ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông không bố thí, cúng dường cho Sa môn hay Bà la môn các đồ ăn uống, y phục, xe cộ, ngọa cụ, y dược, đèn đuốc, nhà cửa… Do nghiệp ấy, sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú và đoa xứ. Nếu được sanh vào loài người, người ấy phải chịu nghèo hèn, có tài sản nhỏ.
Nhưng ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay đàn ông có bố thí và cúng dường cho Sa môn hay Bà la môn các đồ ăn uống, y phục, xe cộ, ngoạ cụ, y dược, đèn đuốc, nhà cửa… Do nghiệp ấy, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy được sanh vào thiện thú, thiên giới. Nếu sanh vào loài người, người ấy được giàu sang, có tài sản lớn.
(ĐTKVN, Trung Bộ III, kinh Tiểu nghiệp phân biệt [trích], VNCPHVN ấn hành, 1992, tr.478)
LỜI BÀN:
Bố thí và cúng dường là những nhân lành để tạo hoa trái phước báo giàu sang cho đời này và những đời sau. Do vậy, những người khá giả, có tài sản lớn trong hiện đời là biểu hiện cụ thể, rõ rệt nhất của phước báo bố thí và cúng dường. Ngược lại, những người không tu tập hạnh bố thí và cúng dường thì không có phước báo nên hiện tại rất nghèo hèn, có tài sản ít ỏi dù quanh năm lam lủ, lao nhọc.
Trong các đối tượng thọ nhận bố thí và cúng dường thì các bậc Sa môn, những người tu hành là xứng đáng nhất. Bởi lẽ, nhân cách của họ đã đạt đến sự toàn thiện, đầy đủ đức hạnh phước báo trang nghiêm. Các ngài là ruộng phước điền tối thượng để chúng sanh gieo trồng phước đức. Cố nhiên, không vì thế mà người bố thí và cúng dường chỉ hướng đến những vị đạo cao đức trọng mà bỏ quên những kẻ nghèo hèn. Chính sự phát tâm bố thí rộng rãi, không phân biệt, không chấp thủ mới là đỉnh cao của bố thí và tạo ra phước báo vô lượng.
Tuy nhiên, không ít người vẫn thắc mắc về những hiện thực có tính chất phi nhân quả như những kẻ bất nhân, làm ăn phi pháp, tạo nghiệp bất thiện nhưng vẫn sống giàu sang, có nhiều thế lực và tài sản lớn. Nên biết rằng, sự giàu sang ấy là dư báo của bố thí và cúng dường trong những tiền kiếp của họ chứ không phải do làm ăn phi pháp trong đời này mà có được. Đồng thời những người hiền lành, làm ăn lương thiện mà vẫn đói nghèo là do họ thiếu phước báo bố thí và cúng dường chứ không phải vì thật thà, lương thiện mà bị thua thiệt, đói nghèo.
Bố thí và cúng dường là pháp tu căn bản quyết định phước báo trong đời này và đời sau. Đặc biệt là ai cũng thực thực hiện được pháp tu này. Vì nếu không có tài sản để bố thí và cúng dường thì phát tâm tuỳ hỷ thí, phước đức của hai người vẫn bằng nhau. Do vậy, hãy bố thí và tuỳ hỷ thí để cải thiện phước báo của chính mình được đầy đủ, giàu sang và có tài sản lớn như lời Phật đã dạy.
HAI HẠNG NGƯỜI ĐÁNG ĐƯỢC CÚNG DƯỜNG
Một thời, Thế Tôn ở tại Sàvatthi, vườn ông Anàthapindika. Rồi gia chủ Anàthapindika đi đến đảnh lễ và bạch Thế Tôn:
Có bao nhiêu hạng người, bạch Thế Tôn, đáng được cúng dường ở đời? Và chỗ nào cần phải bố thí và cúng dường?
Này gia chủ, có hai hạng người đáng được cúng dường ở đời: Hữu học và Vô học. Đối với hai hạng người này xứng đáng được cúng dường ở đời. Và này gia chủ, ở đây (tinh xá Kỳ Viên) cần phải bố thí và cúng dường.
“Hữu học và Vô học; cả hai ở trong đời; đều đáng được cúng dường; đối với người dâng cúng; phải giữ thân chánh trực; cả lời nói, ý nghĩ; phước điền người dâng cúng; đây thí có quả lớn”.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 2, phẩm Tâm thăng bằng, phần Đất, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.121)
LỜI BÀN:
Bố thí là mở rộng tấm lòng, ban phát cho những người nghèo khổ thực phẩm, quần áo, thuốc men… hay tạo sinh kế cho người cơ nhỡ, thất nghiệp. Cúng dường là dâng cúng phẩm vật lên những bậc tu hành phạm hạnh với lòng kính trọng, tâm nguyện chí thành. Tất cả những phước báo tốt đẹp trong hiện tại và tương lai đều nhờ vào sự gieo trồng phước đức bố thí và cúng dường này.
Được cúng dường những bậc giới đức, phạm hạnh càng cao thì phước báo càng lớn. Gia chủ Anàthapindika (Cấp Cô Độc), đệ tử ngoại hộ trụ tín của Thế Tôn, không chỉ cúng dường Phật và chư Tăng mà còn cúng dường hết thảy các Sa môn, Bà la môn. Nhưng khi muốn xác định hạng người nào xứng đáng được cúng dường nhất thì Thế Tôn khẳng định đó là hai hạng Hữu học và Vô học. Vì đây là những Thánh giả đã từng bước đoạn tận phiền não, tham ái, chứng đắc quả vị từ Tu đà hoàn, Tư đà hàm đến A na hàm (Hữu học) và đặc biệt những vị Thánh A la hán (Vô học) hoàn toàn đoạn tận kiết sử, thoát ly sanh tử, phước trí trang nghiêm là ruộng phước tối thượng ở đời. Thế Tôn còn xác định trụ xứ cần phải cúng dường chính là những đạo tràng tu tập của chư Tăng như các tinh xá, chùa viện. Vì đó là nơi sản sinh ra những bậc Thánh Hữu học và Vô học mà không nơi nào có thể thành tựu được.
Song hành với việc xác định đúng địa điểm và đối tượng cúng dường, người Phật tử phải trang nghiêm tự thân bằng cách tu tập hướng đến thanh tịnh ba nghiệp. Theo tuệ giác Thế Tôn, người cúng dường cần phải chuyển hóa ba nghiệp thân miệng ý cho thanh tịnh thì phước báo mới thật sự tròn đầy. Đây chính là như pháp cúng dường tức thực hành viên mãn cả hai phương diện trên sẽ tạo ra phước báo vô lượng cho thí chủ.
NGƯỜI CÀY RUỘNG
Một thời, Thế Tôn ở Magadha, tại làng Ekanàlà. Lúc bấy giờ là thời gian gieo mạ, Bà la môn Kasi Bhàradvàja sắp đặt khoảng năm trăm lưỡi cày, đang phân phát đồ ăn cho nhân công thì Thế Tôn đi đến.
Bà la môn Kasi Bhàradvàja thấy Thế Tôn đang đứng khất thực, thấy vậy liền nói:
Này Sa môn, tôi cày và gieo mạ, sau khi cày và gieo mạ, tôi ăn. Còn ông, ông có cày và gieo mạ không, nếu không thì lấy gì ông ăn?
Này Bà la môn, Ta cũng có cày và gieo mạ, sau khi cày và gieo mạ, Ta ăn.
Nhưng chúng tôi không hề thấy cái ách, cái cày, cái lưỡi cày, cây gậy hay các con bò của ông. Ông nói là nông phu nhưng không hề thấy ông cày cấy. Hãy nói cho chúng tôi biết là ông thực sự có cày cấy.
Này Bà la môn: Lòng tin là hạt giống, khổ hạnh là mưa móc, trí tuệ đối với ta là cày và ách mang, tàm quý là cán cày, ý căn là dây cột, chánh niệm đối với ta là lưỡi cày, gậy đâm… đưa ta tiến dần đến, an ổn khỏi ách nạn, đi đến không trở lui, chỗ ta đi không sầu. Như vậy cày ruộng này, đưa đến quả bất tử, sau khi cày ruộng này, mọi đau khổ được thoát.
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ I, chương 7, phẩm Cư sĩ, phần Cày ruộng, VNCPHVN ấn hành, 1993, tr. 377)
LỜI BÀN:
Không phải ngày nay mà từ thời Thế Tôn tại thế, đời sống thánh thiện, cao cả của người xuất gia chưa hẳn được đại đa số dân chúng hiểu rõ để tán thán và tôn vinh. Thỉnh thoảng hoặc đây đó vẫn phảng phất những quan điểm lệch lạc rằng tu sĩ là những thành phần lười biếng lao động, ăn bám và là gánh nặng của xã hội. Quan niệm thiển cận của Bà la môn Kasi Bhàradvàja là một điển hình.
Thế Tôn đã khẳng định rõ lập trường rằng Ngài và những đệ tử xuất gia của Ngài là những người lao động chân chính. Thành quả lao động của Thế Tôn là hoàn thiện tự thân, giải thoát giác ngộ đã ảnh hưởng tích cực đến xã hội, góp phần hướng thiện giúp ổn định và phát triển xã hội.
Tuy không cày ruộng và gieo mạ nhưng Ngài vẫn là một nông phu thực thụ vì đã cày xới đất tâm, gieo trồng hạt giống Thánh nhân và gặt hái được hoa trái giải thoát. Vì thế, dâng cúng vật thực cho Thế Tôn và những đệ tử giới đức, đạo hạnh là nghĩa vụ đồng thời là phương thức vun bồi, nâng cao phước báo tự thân của hàng Phật tử. Tuy nhiên, hàng đệ tử xuất gia nếu không hoàn thiện sứ mạng của mình thì rõ ràng không xứng đáng và không có quyền thọ nhận bất cứ sự dâng cúng nào.
Ngày nay, khi người xuất gia ngày một đông, sự dâng cúng của tín đồ ngày càng hậu hĩ thì trách nhiệm của chư Tăng lại càng nặng nề thêm. Pháp thoại giữa Thế Tôn và Bà la môn Kasi Bhàradvàja vẫn còn nóng hổi tính thời sự, là bài học quý báu để Tăng tín đồ Phật tử suy gẫm nhằm sống và tu tập ngày một tinh tấn hơn.
10-XỨNG ĐÁNG LÀ RUỘNG PHƯỚC
Một thời, Thế Tôn trú ờ Sàvatthi, tại khu vườn ông Anàthapindika, gọi các Tỷ kheo:
Này các Tỷ kheo, thành tựu sáu pháp này, Tỷ kheo đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là phước điền vô thượng ở đời. Thế nào là sáu?
Ở đây, này các Tỷ kheo, khi mắt thấy sắc, không có ưa thích, không có ghét bỏ, trú xả, chánh niệm tỉnh giác. Khi tai nghe tiếng… khi mũi ngữi hương… khi lưỡi nếm vị… khi thân xúc chạm… khi ý biết pháp, không có ưa thích, không có ghét bỏ, trú xả, chánh niệm tỉnh giác.
Thành tựu sáu pháp này, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là phước điền vô thượng ở đời.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ III, chương 6, phẩm Đáng được cung kính, phần Đáng được cung kính [1], VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.9)
LỜI BÀN:
Thường thì hàng Phật tử, vâng lời Phật dạy, luôn kính lễ và cúng dường hàng xuất gia, bởi chư Tăng là ruộng phước tối thắng để mọi người gieo trồng phước đức. Thế nhưng, trong chư Tăng không hẵn ai cũng nhận thức đúng như Pháp, như Luậtvề điều ấy, vẫn còn không ít người mới bước vào đạo quan niệm sai lạc rằng việc cúng dường là “pháp nhĩ hiệp cúng” (Cảnh sách) mà không lo tự hoàn thiện mình, như Tổ Quy Sơn đã từng cảnh tỉnh.
Thực ra, để làm ruộng phước đích thực cho tín thí không phải là điều khó song cũng chẳng dễ dàng, đó là hộ trì sáu căn đồng thời đây cũng là nhiệm vụ, trọng tâm tu tập của hàng xuất gia. Khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần, nếu không hộ trì thì tham sân si ác nghiệp được tạo ra nhưng nếu có chánh niệm tỉnh giác, không nắm bắt, không chạy theo thì ba nghiệp thanh tịnh. Chính sự tịnh nghiệp này mới có khả năng tạo ra phước đức cho tín chủ; những người gieo trồng, vun bồi cội phước.
Hộ trì chứ không đóng kín các giác quan, vẫn sống trong cuộc đời với đầy đủ sắc màu, vẫn thấy nghe hay biết đầy đủ nhưng thực sự làm chủ để không vướng mắc. Thương hay ghét, thích và không thích cũng đều kẹt. Sự an nhiên hay các căn được hộ trì là ở chỗ vượt lên sự thấy biết theo nghiệp bình thường để thấy biết với tâm chánh niệm tỉnh giác. Chính tâm “trú xả”, buông bỏ, không dính mắc khi đối duyên xúc cảnh là tác nhân chính yếu để hình thành nhân cách của bậc Thánh, nền tảng của mọi phước điền.
Hàng ngày, người xuất gia đều thọ nhận sự cung kính và cúng dường, đó là vay, là nợ. Phải làm gì để trả số nợ ấy luôn là điều ưu tư hàng đầu của hàng sơ tâm xuất gia. Theo tuệ giác Thế Tôn, người tu chỉ cần hộ trì vững chãi sáu căn. Khi sáu căn được hộ trì, nghiệp mới được đoạn giảm, phước đức càng tăng thêm, không chỉ xứng đáng là ruộng phước cho hàng Phật tử mà còn là cơ sở để người xuất gia bước lên những Thánh vị, đạt được giải thoát và an lạc.
KINH DOANH THÀNH CÔNG
Một thời Thế Tôn trú ở Kosambi, vườn Ghosita, rồi Tôn giả Sàriputta đi đến đảnh lễ và bạch Thế Tôn:
Bạch Thế Tôn, do nhân gì, duyên gì có người buôn bán thất bại, không thành tựu như ý muốn? Có người buôn bán thành tựu như ý muốn và thành tựu ngoài ý muốn?
Này Sàriputta, có hạng người đi đến vị Sa môn, hứa hẹn giúp đỡ nhưng không cho như đã hứa. Người ấy, sau khi mạng chung đi đến chỗ này, dẫu có buôn bán gì cũng đi đến thất bại, không thành tựu như ý muốn.
Nhưng ở đây, này Sàriputta, có hạng người đi đến vị Sa môn hứa hẹn giúp đỡ, và người ấy đã cho như đã hứa. Sau khi mạng chung, người ấy đi đến chỗ này, dẫu buôn bán gì cũng thành tựu như ý muốn.
Ở đây, này Sàriputta, có hạng người đi đến vị Sa môn hứa hẹn giúp đỡ, và người ấy đã cho nhiều hơn như đã hứa. Người ấy sau khi mạng chung, đi đến chỗ này, dẫu buôn bán gì cũng được thành tựu ngoài ý muốn.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, Chương IV, phẩm Không hý luận, phần Buôn bán, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.708)
LỜI BÀN:
Hàng Phật tử tại gia, ngoài việc tu học còn có một nhiệm vụ khác vô cùng quan trọng là lo kiếm sống. Không ít người trong hàng Phật tử kiếm sống bằng công việc kinh doanh, buôn bán lương thiện. Tuy nhiên, không hẵn ai cũng buôn bán thành công dù tận lực với công việc.
Trong bối cảnh kinh doanh đầy biến động như hiện nay, chỉ xét riêng về những người làm ăn chân chính, có nhiều người phất lên nhanh chóng nhưng cũng có không ít người ngậm đắng nuốt cay vì công việc trì trệ, thậm chí lỗ lã và dẫn đến tán gia bại sản.
Để lý giải cho thành công của mình, đa phần những doanh nhân đều cho rằng họ biết nhìn xa trông rộng, nắm bắt được quy luật thị trường và có chút phần may mắn. Đối với những doanh nhân làm ăn thất bại thì tiếc nuối tìm cơ hội khác, vì mình đâu kém ai nhưng sự đời vốn “mưu sự tại người nhưng thành sự tại trời”.
Ít ai ngờ rằng, công việc kinh doanh của họ trong hiện tại thành công hay thất bại có liên hệ mật thiết với phước báo mà họ đã gieo trồng trong quá khứ. Chính điều này đã lý giải rõ ràng điều mà ngành kinh tế học không lý giải nỗi, đó là cơ may thị trường.
Vì thế, người con Phật khi “làm chơi mà ăn thiệt” thì không vội tự mãn; khi “làm thiệt mà ăn chơi” thì chẳng nên chán nản, bi quan. Bởi trong kinh doanh, ngoài năng lực, nhạy bén, biết chớp thời cơ, nắm bắt cơ hội thì may mắn vẫn là yếu tố quan trọng, đôi khi mang tính quyết định. May mắn ấy, theo Phật giáo chính là phước báo của mỗi người.
Phước báo được tô bồi, vun đắp bởi nhiều đời, làm nhiều điều thiện. Ảnh hưởng mạnh nhất là sự tạo phước bằng cách trợ duyên cho người thành tựu giới đức có điều kiện tu tập. Do vậy, hãy xây dựng phước báo cho mình trong đời này và đời sau bằng cách phát nguyện hộ trì người tu hành và thực hiện đúng như những gì mình đã phát nguyện.
2- KHÔNG KINH DOANH PHI PHÁP
Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ kheo:
Này các Tỷ kheo.
Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Này các Tỷ kheo, có năm nghề buôn bán mà người cư sĩ không nên làm. Thế nào là năm?
Buôn bán đao kiếm, buôn bán người, buôn bán thịt, buôn bán rượu và buôn bán thuốc độc.
Năm nghề buôn bán này, này các Tỷ kheo, người cư sĩ không nên làm.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, pham Nam cư sĩ, phần Người buôn bán, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.646)
LỜI BÀN:
Kinh doanh, buôn bán là một trong những nghề nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao, có nhiều cơ hội để thành công trở nên giàu có nhưng đồng thời cũng dễ dàng chuốc lấy thất bại. Vì lẽ, sự biến động về thị trường, giá cả và cạnh tranh rất dữ dội, trong khi quyết định đầu tư đôi lúc chỉ xảy ra trong tích tắc. Dù thương trường luôn là chiến trường nhưng từ xưa cho đến nay, kinh doanh buôn bán vẫn là một nghề hấp dẫn vì “phi thương bất phú”, không lao vào kinh doanh thì khó mà giàu lên được.
Tuy nhiên, không phải ai cũng dùng công sức và trí tuệ của mình để làm ăn chân chính, kinh doanh hợp pháp với hoài bão đem lại hạnh phúc cho tự thân và góp phần cải thiện, nâng cao đời sống xã hội. Để kiếm tiền nhanh chóng, chạy theo siêu lợi nhuận, không ít người đã táng tận lương tâm, làm ăn phi pháp, gây ra biết bao tai họa. Những phi vụ đen về vũ khí, hạt nhân; các đường dây buôn bán phụ nữ; những hoạt động buôn bán ma tuý, rửa tiền có tính đa quốc gia của các tập đoàn, băng nhóm tội phạm đã trở thành mối hiểm hoạ, đe dọa an ninh và sức khoẻ của nhân loại trên toàn cầu.
Không phải đến tận ngày nay nhân loại mới báo động đỏ, tấn công không khoan nhượng với các loại tội phạm kinh tế, mà ngay từ thời Thế Tôn, Ngài đã lên án, tuyên chiến và khai tử đối với loại tội phạm cực kỳ nguy hiểm này. Người Phật tử, vâng lời răn dạy của Thế Tôn không nên và không được buôn bán đao kiếm, buôn bán người, buôn bán thịt, buôn bán rượu và buôn bán thuốc độc.
Ngày nay, nhân loại đang sống trong thời đại văn minh và tiến bộ, song những thủ đoạn làm ăn bất chính của các tập đoàn, băng đảng tội phạm lại càng tinh vi hơn, đặc biệt cực kỳ nguy hiểm vì mang tính toàn cầu. Hơn ai hết, người con Phật luôn ý thức sâu sắc về sự nguy hại của những hoạt động kinh doanh phi pháp, chạy theo lợi nhuận mà không màng đến hậu quả để làm ăn lương thiện nhằm xây dựng hạnh phúc, an vui bền vững cho bản thân và xã hội. Kiên quyết đấu tranh với các hình thức kinh doanh bất chính, phi nhân và phi nghĩa là hành động thiết thực của người Phật tử, sống theo lời Phật dạy.
LÀM GIÀU
Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại khu vườn ông Anàthapindika. Rồi gia chủ Anàthapindika đi đến, sau khi đảnh lễ và ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với gia chủ Anàthapindika.
Này gia chủ, có năm lý do để gầy dựng tài sản. Thế nào là năm?
Ở đây, này gia chủ, vị Thánh đệ tử được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn, thâu góp với sức mạnh của bàn tay, kiếm được do đổ mồ hôi, thâu được một cách hợp pháp. Tự mình làm an lạc, hoan hỷ. Làm cho cha mẹ, vợ con, người phục vụ, người làm công được an lạc, hoan hỷ. Đây là lý do thứ nhất để gầy dựng tài sản.
Lại nữa, này gia chủ, vị Thánh đệ tử kiếm được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn... Vị này làm cho bạn bè, thân hữu an lạc, hoan hỷ. Đây là lý do thứ hai để gầy dựng tài sản.
Này gia chủ, vị Thánh đệ tử kiếm được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn... Các tai hoa để trở thành trắng tay bị chặn đứng và vị ấy giữ tài sản được an toàn cho vị ấy. Đây là lý do thứ ba để gầy dựng tài sản.
Lại nữa, này gia chủ, vị Thánh đệ tử kiếm được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn... Vị ấy có thể hiến cúng cho bà con, cho khách, cho hương linh đã chết; hiến cúng cho vua và chư thiên. Đây là lý do thứ tư để gầy dựng tài sản.
Này gia chủ, vị Thánh đệ tử kiếm được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn... Vị ấy tổ chức cúng dường các vị Sa môn, Bà la môn. Sự cúng dường tối thượng này đưa đến phước báo vô lượng ở cõi người, cõi trời. Đây là lý do thứ năm để gầy dựng tài sản.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Vua Munda, phần Trở thành giàu [lược], VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.374)
LỜI BÀN:
Đề cập đến Phật giáo, xưa nay đa phần đều nghĩ về khuynh hướng ly dục, muốn ít và thanh bần. Ít ai ngờ rằng, Thế Tôn từng khuyến khích hàng đệ tử phải cố gắng làm giàu. Hãy gầy dựng tài sản, làm giàu với năm mục đích cao thượng.
Làm cho cá nhân và xã hội trở nên giàu có, thịnh vượng là khát vọng của nhân loại. Thế nhưng, con đường để trở thành giàu có không phải ở đâu và lúc nào cũng chân chính, là thành quả lao động khó nhọc từ khối óc và bàn tay. Vì thế, người Phật tử vâng lời Thế Tôn dạy, làm giàu chân chính bằng sự nỗ lực, cố gắng; bằng tất cả trí tuệ và sức lực; bằng các phương thức lao động, kinh doanh hợp pháp. Đồng thời, việc tạo ra của cải vật chất với mục đích cao cả là đem lại sự an vui và hạnh phúc cho mình và tha nhân.
Người Phật tử làm giàu trước hết nhằm đem lại hạnh phúc cho tự thân, gia đình và các nhân công, người phục vụ. Kế đến, đem tài sản của mình làm ra cho bà con, thân hữu, bè bạn và tha nhân được an vui, hạnh phúc. Mặt khác, biết cách bảo vệ thành quả lao động đồng thời không lãng phí và đầu tư vào những công việc không đem lại lợi ích cho con người. Ngoài ra, người Phật tử phải biết đem tài sản do mình làm ra để xây dựng các công trình văn hoá, nhớ về cội nguồn, cúng tế ông bà, tổ tiên và bố thí cho các vong hồn đói khát. Sau cùng, người con Phật phải biết hướng về các vị bô lão, những người có đời sống đạo đức, phạm hạnh như Sa môn để cúng dường đồng thời học theo đức hạnh của các ngài nhằm xây dựng phước báo tốt đẹp cho tự thân trong đời này và đời sau.
Làm giàu với năm mục đích cao thượng như trên, người con Phật đã góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, công bằng, tiến bộ và văn minh.
GIÀU LÊN DỄ SANH TẬT
Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi. Rồi vua Pasenadi nước Kosala đi đến, bạch Thế Tôn:
Ở đây, bạch Thế Tôn, trong khi con đang ngồi yên tịnh một mình, tư tưởng này khởi lên nơi con: “Ít thay là những người trong đời này, sau khi được tài sản phong phú, dồi dào lại có thể không bị lôi cuốn, không bị chìm đắm, không bị say mê trong các dục và không có những hành vi không tốt đẹp đối với các người khác. Trái lại, thật là nhiều thay, những người trong đời này, sau khi được tài sản phong phú, dồi dào lại có thể bị lôi cuốn, bị chìm đắm, bị say mê trong các dục và có những hành vi không tốt đẹp đối với các người khác”.
Thật sự là như vậy, thật sự là như vậy, thưa Đại vương: “Loài người bị đắm say; Trong tài sản, trong dục; Họ tham lam, điên dại; Trong các dục ở đời; Không ý thức rõ ràng; Đã quá độ mê say; Chẳng khác gì con nai; Không thấy đặt bẫy sập; Về sau họ khổ đau; Chịu quả báo ác nghiệp”.
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ I, chương 3, phẩm 1, phần Thiểu số [lược], VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.170)
LỜI BÀN:
Thường thì chúng ta hay quy kết cho đói nghèo là nguyên nhân chủ yếu của các tệ nạn xã hội. Thế nhưng khi con người và xã hội giàu có lên cũng không hẳn là giảm bớt đi những tệ nạn ấy, đôi khi lại còn trầm trọng hơn.
Giàu lên bằng sự làm ăn chân chính là điều ai cũng mong muốn. Khi chia tay với cái đói nghèo, sánh vai cùng khấm khá, giàu sang nhưng chớ ảo tưởng rằng ta đã thành công, đang neo thuyền đời nơi bến bờ hạnh phúc. Thực tế cho thấy không phải hễ “có tiền thì mua tiên cũng được”. Sự đổi đời, giàu lên nhanh chóng dễ dàng tạo ra chênh vênh, lúng túng thậm chí lệch lạc trong nhận thức cũng như hành động và đem đến không ít bất hạnh trong đời.
Khi trong tay có tiền, nếu không biết làm chủ bản thân, tư tưởng hưởng thụ bất chính bắt đầu trỗi dậy. Không ít các trò đua đòi chưng diện xa hoa, ăn chơi trác táng và tệ hại hơn là quan niệm sống hưởng thụ, trụy lạc, sa đọa bắt đầu từ đây. Bằng chứng là những con nghiện, các “anh hùng xa lộ”, những dân chơi “lắc” thâu đêm suốt sáng ở vũ trường v.v… hiện nay phần lớn đều là người giàu hoặc con cái nhà giàu.
Đó là chưa kể đã giàu lại mong muốn giàu thêm. Có tiền sanh ra đủ tật: ăn nhậu, bài bạc, chơi bời, chim chuột… và để bù cho những khoản chi vì các tật xấu ấy nên mới có tham quan, hối lộ, bòn rút của công hoặc không có chức quyền thì trộm cướp, buôn lậu, lừa đảo. Và hậu quả là không ít gia đình tan vỡ hạnh phúc vì cái giàu, tù tội và hối hận vì sự ham giàu, mất niềm tin với cuộc sống dù cho giàu có, dư dật.
Như vậy, giàu có về vật chất là điều cần đạt được nhưng phải song hành với sung mãn về đạo đức, tinh thần. Mất cân đối giữa giàu sang về vật chất và tinh thần là hiểm họa. Do vậy, cùng làm giàu vật chất và thăng hoa tinh thần là mục tiêu của tất cả những người con
CÓ MẮT MÀ NHƯ MÙ
Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, dạy các Tỷ kheo:
Có ba hạng người, này các Tỷ kheo, có mặt ở đời. Thế nào là ba? Người mù, người một mắt, người có hai mắt.
Này các Tỷ kheo, thế nào là người mù? Ở đây, có người không có mắt để có thể thâu hoạch được tài sản chưa thâu hoạch, làm tăng trưởng tài sản đã thâu hoạch; không có mắt để có thể biết được pháp thiện và pháp bất thiện, có tội và không có tội, pháp thuộc thành phần đen và trắng. Này các Tỷ kheo, đây gọi là hạng người mù.
Và này các Tỷ kheo, thế nào là hạng người có một mắt? Ở đây, có người có mắt để có thể thâu hoạch được tài sản chưa thâu hoạch, làm tăng trưởng tài sản đã thâu hoạch; nhưng không có mắt để có thể biết được pháp thiện và pháp bất thiện, có tội và không có tội, pháp thuộc thành phần đen và trắng. Này các Tỷ kheo, đây gọi là hạng người có một mắt.
Và này các Tỷ kheo, thế nào là hạng người có hai mắt? Ở đây, có người có mắt để có thể thâu hoạch được tài sản chưa thâu hoạch, làm tăng trưởng tài sản đã thâu hoạch; và có mắt để có thể biết được pháp thiện và pháp bất thiện, có tội và không có tội, pháp thuộc thành phần đen và trắng. Này các Tỷ kheo, đây gọi là hạng người có hai mắt.
Này các Tỷ kheo, có ba hạng người này có mặt ở đời.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 3, phẩm Người, phần Mù lòa, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.229)
LỜI BÀN:
Trên đời, trừ những người tật nguyền, hầu hết mỗi người đều có đôi mắt sáng. Tuy nhiên, để thực sự có đôi mắt sáng đúng nghĩa tức biết nhìn lại chính mình đồng thời để nhìn rõ đục trong giữa dòng đời thì không phải ai cũng có. Do vậy, có khá nhiều người đầy đủ cả hai mắt mà cũng như mù hoặc chột nên phải rèn luyện và tu dưỡng thật nhiều mới đem lại ánh sáng đích thực cho đôi mắt của chính mình.
Theo tuệ giác Thế Tôn, một người thực sự có hai mắt khi người này biết làm ăn chân chính, đem lại sự no ấm, thịnh vượng cho gia đình và xã hội đồng thời biết phân biệt rõ ràng xấu tốt, thiện ác và họa phúc. Làm giàu một cách chính đáng bằng cách tuân thủ pháp luật, các nguyên tắc đạo đức và nhất là biết chia sẻ những thành quả lao động với cộng sự và những người kém may mắn hơn mình.
Nhưng nếu chỉ biết làm giàu, nghĩ đến cái lợi trước mắt mà quên đi hậu quả thì như người chột, vì đôi mắt của hạng người này chỉ nhìn thấy lợi mà thôi. Không thấy được điều ác, bất thiện để tránh né hoặc từ bỏ thì dẫu có chút thành công nhưng chỉ mang tính nhất thời. Tuy vậy, hạng người này vẫn còn khá hơn hạng người có mắt mà như mù, những người không có khả năng tự xây dựng đời sống no ấm cho chính mình và chẳng nhận ra những điều xấu ác, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Do vậy, vâng lời Phật dạy, mỗi người con Phật phải nỗ lực tu dưỡng để có đôi mắt sáng tức thành tựu chánh kiến, bằng cách xây dựng đời sống vật chất và tinh thần ngày một phát triển, thăng hoa.
6-SỰ NGHÈO KHỔ
Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetanava, dạy các Tỷ kheo:
Sự nghèo khổ, này các Tỷ kheo, là một sự đau khổ cho người có tham dục ở đời. Khi một người nghèo khổ không có sở hữu, sống túng thiếu, phải mắc nợ, phải chấp nhận tiền lời, khi thời hạn đến nếu không trả được tiền lời bị người ta hối thúc, bị theo sát gót, bị truy tìm và bị người ta bắt trói.
Này các Tỷ kheo, như vậy, nghèo khổ là một sự đau khổ cho người có tham dục ở đời. Mắc nợ cũng là một sự đau khổ cho người có tham dục ở đời. Tiền lời cũng là một sự đau khổ cho người có tham dục ở đời. Bị hối thúc, cũng là một sự đau khổ cho người có tham dục ở đời. Bị theo sát gót, bị truy tìm cũng là một sự đau khổ cho người có tham dục ở đời. Bị bắt trói cũng là một sự đau khổ cho người có tham dục ở đời.
Cũng vậy, này các Tỷ kheo, ai không có lòng tin trong các thiện pháp, không có lòng hổ thẹn trong các thiện pháp, không có lòng sợ hãi trong các thiện pháp, không có tinh tấn trong các thiện pháp, không có trí tuệ trong các thiện pháp; người này, này các Tỷ kheo, được gọi là người nghèo khổ, không có sở hữu, sống túng thiếu trong Pháp và Luật của bậc Thánh.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ III, chương 6, phẩm Dhammika, phần Nghèo khổ, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.117)
LỜI BÀN:
Đã nghèo lại gặp eo, dẫn đến túng thiếu, nợ nần, rồi lãi mẹ đẻ lãi con, nếu không trả được tiền lời thì bị hối thúc, bị truy bắt thực sự là một bất hạnh, đau khổ cho người nghèo. Chẳng ai muốn lâm vào nghèo khó nợ nần, cũng không người nào muốn bị các chủ nợ bức bách nhưng hoàn cảnh bắt buộc như thế thì cũng đành ngậm cay, nuốt đắng, chịu mọi tủi nhục, đau khổ mà thôi.
Thân nghèo thường đi với phận hèn, vì nghèo nên phải túng, cái khó lại bó cái khôn, hoàn cảnh ấy lại càng làm cho khổ đau hơn đối với những người có nhiều mong cầu, tham vọng. Khi mà hiện thực xã hội thiên về thực dụng, coi trọng vật chất, ma lực đồng tiền có thể biến điều không thể thành có thể thì thân phận của những kẻ nghèo hèn lại càng bi đát hơn.
Đối với những người đã phát nguyện xả phú cầu bần thì tiền bạc, tài sản đối với họ không quan trọng. Không ai chê cười người tu mà nghèo kiết xác cả, có chăng chỉ là trường hợp ngược lại. Tài sản và sự giàu có của người tu thuộc về tinh thần, suốt một đời phấn đấu để đạt được một gia tài chơn không mầu nhiệm, không có gì mà thực sự có tất cả.
Theo tuệ giác của Thế Tôn, cái nghèo nàn, túng thiếu của người học Phật chính là xu hướng tìm cầu sự sung túc vật chất theo kiểu thế gian vốn dĩ phù vân, hư giả. Biểu hiện cụ thể của sự “nghèo túng” là không có lòng tin, không có hổ thẹn, không biết sợ hãi, không siêng năng, thiếu hẵn trí tuệ.
Vì thế, để thực sự giàu có, sung mãn trong Pháp và Luật của bậc Thánh, người con Phật phải trau dồi, trưởng dưỡng lòng tin; phải biết hổ thẹn với mọi người và với chính mình đặc biệt là biết sợ đối với các bất thiện pháp; tinh cần, siêng năng, nỗ lực tu học và phụng sự chúng sanh dưới sự soi sáng của tuệ giác. Chính lòng tin, hổ thẹn, sợ hãi với ác pháp, tinh cần và trí tuệ mới là tài sản, làm nên sự giàu có đích thực của những người đệ tử Phật.
BUÔN BÁN PHÁT TÀI
Một thời, Thế Tôn trú tại Bàranàsi, chỗ Vườn Nai, gọi các Tỷ kheo:
Thành tựu với ba chi phần, này các Tỷ kheo, người buôn bán không bao lâu đạt được về tài sản lớn mạnh và rộng lớn. Thế nào là ba?
Ở đây, này các Tỷ kheo, người buôn bán có mắt, khéo phấn đấu và xây dựng được cơ bản.
Thế nào là người buôn bán có mắt? Ở đây, này các Tỷ kheo, người buôn bán biết các thương phẩm. Vật này mua như vậy, bán như vậy, sẽ đưa lại tiền lời như vậy.
Thế nào là người buôn bán khéo phấn đấu? Ở đây, này các Tỷ kheo, người thương gia khéo léo mua và bán các thương phẩm.
Và thế nào là người thương gia xây dựng được cơ bản? Ở đây, này các Tỷ kheo, người buôn bán được các gia chủ hay con các gia chủ, được các nhà giàu, có tiền bạc lớn, có tài sản lớn biết đến như sau: Người buôn bán này là người có mắt, khéo phấn đấu, có đủ sức cấp dưỡng vợ con, và thường trả tiền lời cho chúng ta. Chúng ta trao hàng hóa cho người này: Này bạn thương gia, hãy lấy tiền này, xây dựng tài sản để nuôi dưỡng vợ con và thường thường trả tiền lời cho chúng tôi. Như vậy, này các Tỷ kheo, là người buôn bán xây dựng được cơ bản.
Thành tựu với ba chi phần này, này các Tỷ kheo, người buôn bán không bao lâu đạt đến tài sản lớn mạnh và rộng lớn.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 3, phẩm Người đóng xe, phần Người buôn bán [trích], VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.207)
LỜI BÀN:
Người xưa thường nói “phi thương bất phú”, nghĩa là không kinh doanh buôn bán thì khó mà giàu mạnh. Tuy nhiên để gặt hái thành công, làm giàu một cách chính đáng bằng nghề buôn bán, theo tuệ giác của Thế Tôn cần hội đủ ba yếu tố nền tảng: Có mắt, khéo phấn đấu, và xây dựng được cơ bản.
Có mắt, tức nghiệp vụ chuyên môn, biết rõ về nhu cầu thị trường, đặc điểm hàng hóa và hiệu quả kinh tế của các thương vụ. Ngoài chuyên môn thì tầm nhìn chiến lược, kinh nghiệm buôn bán và sự phấn đấu bền bỉ để đạt được mục tiêu (khéo phấn đấu) cũng góp phần quan trọng đem lại hiệu quả kinh doanh. Đặc biệt là phải có uy tín, tức xây dựng được cơ bản, trong kinh doanh buôn bán chữ tín luôn được đặt lên hàng đầu. Chữ tín bao gồm uy tín doanh nghiệp, chất lượng sản phẩm, trách nhiệm của nhà sản xuất đối với người tiêu dùng và luôn đảm bảo mục tiêu lợi ích song phương.
Theo kinh nghiệm của Thế Tôn, những doanh nghiệp, doanh nhân nào “thành tựu với ba chi phần này, không bao lâu sẽ đạt đến tài sản lớn mạnh và rộng lớn”. Và đây chính là tiêu chí cơ bản cho những doanh nhân Phật tử áp dụng để kinh doanh buôn bán thành công, lợi mình và lợi người.
CHỦ NHÂN & NGƯỜI LÀM
Người Phật tử giàu nghèo quán niệm cúng dường kinh doanh phật tử phật tử tại gia đạo phật và kinh doanh