nguoiphattu.com Chỉ có con người mới có thể có đầy đủ tình cảm, trí tuệ và ý chí (Bi, Trí, Dũng). Chỉ có con người mới có khả năng siêu việt mọi ràng buộc, vượt thoát mọi thống khổ, dục vọng và khoái lạc để tự trở thành” đóa sen” bất nhiễm tinh khôi một khi quyết chí xuất trần thượng sĩ, thung dung trên bước đường tu đạo Thất Bồ đề phần
Hỏi: Em là một sinh viên ở tỉnh xa. Có một lần nghe một người bạn thân theo đạo Phật nói rằng khi Đức Phật sinh ra bước bảy bước thành bảy hoa sen. Xin mạo muội hỏi chuyện này có thật hay chỉ là huyền thoại? Nếu như có điều gì xúc phạm xin lượng thứ cho vì em chưa hiểu về đạo Phật và chính bạn của em cũng không lý giải rõ ràng.
Một điều cần thắc mắc nữa là khi bước bảy bước, Đức Phật có nói câu gì nghe có vẻ như tự cao quá, có người bảo bảy hoa sen đó thể hiện cho đời của Đức Phật được tính từ ông cố, như vậy có đúng không?
Trả lời: Lịch sử Phật giáo ghi: "Vừa sinh ra, Thái tử đã đi bảy bước, dưới mỗi bước chân nở một đóa sen nâng gót. Đến bước cuối cùng, tay chỉ trời, tay chỉ đất, Ngài dõng dạc cất cao tiếng sư tử hống: Trên trời dưới trời, Ta là bậc tôn quý hơn cả...”.
Sen, tượng trưng cho sự tinh khôi bất nhiễm.
Bảy bước, con số chỉ vũ trụ ( thời gian phân 3 + không gian có 4 chiều= 7). Con số 7 còn là con số biểu tượng trình tự tu chứng, là bảy cấp tiến đến giác ngộ: Thất Bồ đề phần. Chưa thấy chỗ nào nói đó là biểu thị đời thứ 7 tính từ Phật quá khứ Tỳ Bà Thi, vì nếu thêm một Đức Phật nữa đản sinh sau này lẽ nào phải bước thêm một hoa sen nữa?
Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn (trên trời dưới trời, Ta là bậc tôn quý hơn cả”. Con người “tối linh ư vạn vật”. Bởi chỉ có con người mới có thể có đầy đủ tình cảm, trí tuệ và ý chí (Bi, Trí, Dũng).
Chỉ có con người mới có khả năng siêu việt mọi ràng buộc, vượt thoát mọi thống khổ, dục vọng và khoái lạc để tự trở thành” đóa sen” bất nhiễm tinh khôi một khi quyết chí xuất trần thượng sĩ, thung dung trên bước đường tu đạo Thất Bồ đề phần.
Thái tử Tất Đạt đã gióng lên tiếng chuông thức tỉnh những cái ta còn đang ngủ quên miên man trong giấc trần tục, hãy nhìn lại giá trị đáng tôn xưng vào bậc nhất mà ngay cả cõi trời (thiên thượng) hay súc sanh (thiên hạ), không chúng sanh nào có được.
Đó là huyền thoại trong những huyền thoại về Phật Thích Ca, một huyền thoại vốn không phải là huyền thoại lại được hiểu theo huyền thoại để thích ứng với trí óc hạn hẹp, phân chia, cố chấp, tị hiềm của số người. Với chúng ta, những người học đạo, Đức Phật không là gì cả, và nếu có chăng chỉ là bậc thầy sáng suốt trong các vị thầy, đã qua rồi trên 25 thế kỷ.
Song dấu chân Ngài đến bây giờ vẫn còn hiện thực để dẫn bước bao kẻ mê lầm. Cho dẫu đời Ngài nếu là huyền thoại thì cũng là một huyền thoại của muôn đời để đi vào huyền sử.