;
Trước thực trạng đó, BTS GHPGVN TP.HCM đã chủ trương mở lớp bồi dưỡng cho hơn 600 Tăng Ni trẻ, cũng như các vị trụ trì và sắp trụ trì những kiến thức tổng quan về giới luật và nghi lễ thiết thực đối với người tu sĩ.Đây là một trong những nỗ lực của chư tôn đức lãnh đạo BTS PG TP, nhằm tạo tiền đề để thống nhất những nghi lễ căn bản, nghi thức trong các sự kiện đại lễ như Vu lan - Báo hiếu, kính mừng Phật đản, v.v… tại các tự viện trên địa bàn thành phố.
Nói về mục đích của Ban Tổ chức, TT.Thích Lệ Trang, Phó ban Nghi lễ T.Ư, Trưởng ban Nghi lễ PG TP, một trong những vị giáo thọ chính của khóa học chia sẻ:
- Khi tổ chức khóa học này, bản thân chúng tôi cũng như Ban Tổ chức đều mong muốn trang bị cho Tăng Ni có những kiến thức về nghi lễ, cũng như hiểu biết ý nghĩa của việc mình đang làm. Một số vị Tăng sĩ tương lai là trụ trì khi thực hiện các nghi lễ Phật đản,
Vu lan, lễ kỳ an hội hay lễ vía chư Phật và Bồ-tát v.v… cần có nội dung, chứ không chỉ hình thức. Khóa học cũng đào sâu về nghi lễ cho Đại lễ Phật đản sắp tới, không chỉ đơn thuần là nghi lễ tán tụng mà trong đó cũng cần có nội dung, để mọi người hiểu thêm về giá trị hiện sinh của đạo Phật. Qua đó, mọi người nhận thấy Đức Phật đản sinh trong từng giây, từng phút ở mỗi chúng ta.
Chúng tôi cũng chia sẻ đối với Tăng Ni trong khóa học, nên có những lời khai thị trước khi buổi lễ diễn ra, để hướng dẫn cho mọi người biết việc họ đang làm, hay những bài pháp thoại ngắn sau khóa lễ, là một việc làm mà hầu hết chúng ta bỏ ngỏ không quan tâm.
Tu sĩ chúng ta phải “hữu nhất phân nhiệt, phát nhất phân quang”, nghĩa là mình có bao nhiêu năng lượng thì hãy thắp bấy nhiêu ánh sáng, để giúp cho Phật tử có được chánh kiến, hiểu và làm đúng theo lời Phật dạy, để có một đời sống an lạc, hạnh phúc và thánh thiện ngay ở hiện tại mà không chạy theo những trào lưu, cũng như ngoại duyên bên ngoài. Tôi nghĩ đây không chỉ là trọng trách của riêng ngành nghi lễ, mà là của tất cả người tu sĩ...
* Ngày nay công tác nghi lễ cả nước nói chung và ở thành phố nói riêng vẫn chưa có sự thống nhất, theo Thượng tọa nguyên nhân do đâu?
- Theo chúng tôi, thống nhất ở đây là thống nhất về văn bản, còn giọng điệu mỗi vùng miền thì nên giữ lại, vì đây là bản sắc riêng của mỗi nơi, mỗi truyền thống. Nhưng khi thực hiện nghi lễ đại chúng như Phật đản, Vu lan ở những nơi tập trung, thì cần có một văn bản thống nhất để thực hiện cho nhịp nhàng và đồng bộ. Thiết nghĩ, chư vị tôn túc lãnh đạo Giáo hội cũng cần có những quy định chung để hướng dẫn việc tổ chức và sử dụng văn bản thống nhất, để bảo tồn những giá trị văn hóa riêng của Phật giáo VN.
* Được biết trong nhiều năm qua, Ban Nghi lễ GHPGVN TP đã chủ trương thực hiện công tác Việt hóa nghi lễ Phật giáo, xin Thượng tọa cho biết công tác đó đã tiến hành như thế nào, vì sao hiện nay chưa phổ biến?
- Thực ra, công việc này đã trình cách đây nhiều năm, chúng tôi đã gởi bản thảo đến chư tôn đức Ban Nghi lễ T.Ư cũng như Ban Nghi lễ các tỉnh, thành để họ đóng góp ý kiến và đi đến thống nhất. Để có một giáo trình hoàn chỉnh về nghi lễ từ sơ cấp, trung cấp, cao cấp và chuyên sâu cho các vị trụ trì có thể hành trì và hướng dẫn Tăng Ni và Phật tử, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được sự hưởng ứng và hồi đáp. Riêng ở thành phố, đã cho lưu hành nghi thức tụng niệm Việt hóa, đã tái bản nhiều lần và phổ biến nhiều đạo tràng tụng niệm.
* Qua những phản ánh về tòa soạn Giác Ngộ, nhiều ý kiến cho rằng tình trạng nghi lễ Phật giáo hiện tự phát không kiểm soát được, một số Tăng trẻ đắp y đàn, đội các loại mão trong các pháp sự, xin Thượng tọa cho biết có quy chuẩn nào đối với các vị thực hành pháp sự, về pháp đàn tràng, độ tuổi chủ trì các pháp sự hay không? Có những quy định hay ràng buộc gì đối với người thừa hành các pháp sự như chẩn tế, bạt độ v.v… mà trong các khoa nghi quy định?
- Sách Thiền đường của Tổ Tâm Thông có dẫn trong quyển “Vân Thê pháp vựng đạo tràng” về 32 điều bất tường (không tốt đẹp - PV), đại khái như: tuổi trẻ làm pháp sư, gia trì thí thực, trụ trì… là bất tường.
Bất tường vì tinh hoa phát tiết quá sớm không phải là cái kế lâu dài trong tùng lâm. Đây là những vị có học tập, có tu trì mà còn như vậy, huống hồ là không có tông chỉ, giáo nghĩa, thì chỉ là chuốc lấy hậu họa, chiêu cảm nghiệp báo mà thôi. Sư cụ chùa Từ Thoàn đã từng dạy: “ăn cơm dương gian, làm việc âm phủ không đơn giản chút nào”!
Vì vậy, những Tăng sĩ muốn hành trì pháp thí thực này cần phải nghiên cứu cho tinh tường, luyện tập cho thuần thục, Hiển, Mật phải viên thông, nhất là phải được những vị có tu tập, có hiểu biết ở lĩnh vực chuyên môn này ấn chứng, hứa khả, như vậy mới có thể kham năng đại vị cô hồn thuyết giới.
TT.Thích Lệ Trang chủ trì khóa lễ tụng kinh tại lễ húy kỵ cố Thượng tọa Thích Minh Phát
* Hiện nay, khoa nghi mà hầu hết các nơi sử dụng đều là tiếng Hán, ngay cả một số người thừa hành vẫn không hiểu hết những ý nghĩa của các câu, chữ trong đó, Thượng tọa có nhận định gì về việc này?
- “Thâm nhập thiển xuất”, hiện nay hầu hết các tài liệu nghiên cứu về Phật giáo Bắc truyền đều nằm trong Hán tạng, tôi không đề cao chữ Hán nhưng vẫn khuyến khích Tăng Ni trẻ nên học chữ Hán, nếu không biết thì sẽ nói không đúng. Vì thế, để hiểu văn bản thì trước mình cần phải am tường ngôn ngữ trong văn bản. Một người hiểu điều họ đang làm, đương nhiên họ sẽ thực hiện đúng.
* Thượng tọa có lời khuyên nào dành cho các Tăng, Ni trẻ, khi chủ hành các pháp sự, cũng như thực hiện những nghi lễ thông dụng cầu an, cầu siêu?
- Lời khuyên thì không có, chúng tôi chỉ có ước mong đối với Tăng Ni trẻ, đã là người phát tâm đi tu thì phải biết tội phước và sợ nhân quả. Cần có chánh kiến việc mình làm, cũng như những kiến thức tổng quan về các nghi lễ mà mình đang thực hiện, có như vậy, thì mới có thể đăng đàn tác pháp.
Quảng Hậu thực hiện
Nguồn: http://giacngo.vn/vanhoa/phatgiao/2016/05/31/7AD4D0/