;
Cuốn sách chỉ là một đoản văn vỏn vẹn 2480 chữ, gồm cả đầu đề. Nhưng nó có ảnh hưởng sâu rộng dài lâu đến tâm hồn tôi và vô số những người khác. Tôi nghĩ, dù bạn có ngưỡng mộ thầy Nhất Hạnh hay không thì lòng bạn cũng rung động khi đọc cuốn sách. Ông viết cuốn sách “Để dâng mẹ, và để làm quà Vu Lan cho những người nào có diễm phúc còn mẹ”.
Trước khi viết đoản văn này vào năm 1962, ông chưa biết đến Ngày của mẹ (Mother’s Day) theo tục phương Tây. Một hôm, ông cùng thầy Thiên Ân đi đến một nhà sách ở Tokyo (Nhật Bản). Một cô sinh viên bạn của thầy Thiên Ân hỏi nhỏ thầy này một câu gì đó, rồi cài lên áo thầy Nhất Hạnh một bông hoa màu trắng.
Ông bỡ ngỡ không hiểu, nhưng nghĩ đây là một tục lệ gì đó. Thầy Thiên Ân giải thích với ông, hôm đó là Ngày của Mẹ. Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng. Ông nhìn lại bông hoa trắng trên áo mà thấy tủi thân, vì ông cũng là kẻ mô côi như bất cứ đứa trẻ mồ côi vô phúc nào. Từ đó ông nghĩ rằng “mình có thể bắt chước, áp dụng trong ngày báo hiếu Vu Lan”. Và ông đã viết đoản văn này.
Ông nói, người nhà quê Việt Nam không ưa nói cách cao kỳ. Nói rằng bà mẹ già là một kho tàng của yêu thương, của hạnh phúc thì cũng đã là cao kỳ rồi. Người dân quê đã diễn tả được tình mẹ một cách giản dị vừa đúng mức: "Mẹ già như chuối Ba Hương, như xôi nếp một, như đường mía lau”.
Ông viết : “Thương mẹ không phải là một vấn đề luân lý đạo đức. Anh mà nghĩ rằng tôi viết bài này để khuyên anh về luân lý đạo đức là anh lầm. Thương mẹ là một vấn đề hưởng thụ. Mẹ như suối ngọt, như đường mía lau, như xôi nếp một.Anh không hưởng thụ thì uổng cho anh. Chị không hưởng thụ thì thiệt cho chị. Tôi chỉ cảnh cáo cho anh chị biết mà thôi. Để mai này anh chị đừng có than thở rằng: “Đời ta không còn gì cả”.
Một món quà như mẹ mà còn không vừa ý thì họa chăng có làm Ngọc Hoàng Thượng Đế mới vừa ý, mới bằng lòng, mới sung sướng. Nhưng tôi biết Ngọc Hoàng không sung sướng đâu, bởi Ngọc Hoàng là đấng tự sinh, không bao giờ có diễm phúc có được một bà mẹ”.
Ông khuyên những người còn mẹ: “Chiều nay khi đi học về, hoặc khi đi làm việc ở sở về, em hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và thật bền. Em sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi em sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ để trông thấy mẹ, và để biết rằng mẹ đang sống và đang ngồi bên em. Cầm tay mẹ, em sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Em hỏi: “Mẹ ơi, mẹ có biết không?” Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên, và sẽ hỏi em, vừa cười vừa hỏi: “Biết gì?” Vẫn nhìn vào mắt mẹ, vẫn giữ nụ cười trầm lặng và bền, em sẽ hỏi tiếp: “Mẹ có biết là con thương mẹ không?” Câu hỏi sẽ không cần được trả lời.
Cho dù người lớn ba bốn mươi tuổi, cũng có thể hỏi một câu như thế, bởi vì người là con của mẹ. Mẹ và em sẽ đều trở thành bất diệt và ngày mai, mẹ mất, em sẽ không hối hận, đau lòng”. Và cuối cùng : “Đóa hoa màu hồng tôi cài trên áo anh rồi đó. Anh hãy sung sướng đi”.
Tôi cũng xin tặng một bông hồng cho những người còn mẹ.
HOÀNG HẢI VÂN (Vu lan 2024)