;
1) Lễ Thành Đạo là gì?
Lễ Phật thành đạo (08/12 âm lịch hàng năm) là một trong ba đại lễ quan trọng nhất của Phật giáo, kỷ niệm ngày Thái tử Tất Đạt Đa đắc thành Phật quả vô thượng chánh đẳng chánh giác, chấm dứt hoàn toàn đau khổ, là một bậc giác ngộ với trí tuệ siêu việt thấu suốt mọi điều trong vũ trụ và lòng từ bi bao la phủ trùm tất cả muôn vạn loài.
Kể từ đó, Đức Phật trở thành vị thầy của trời và người. Ai có thể thực hành theo những lời dạy cao quý của Ngài đều có thể chấm dứt đau khổ, đạt được niềm hạnh phúc an vui chân thật trong cuộc đời này.
2) Ý nghĩa lễ thành đạo?
Lễ kỷ niệm ngày Đức Phật thành đạo có ý nghĩa vô cùng lớn lao, làm tôn vinh sự kiện Đức Phật đắc đạo và thắp lên ánh sáng giác ngộ cho chúng sinh. Bên cạnh đó, sự thành đạo của Đức Phật còn có một ý nghĩa cực kỳ nhân văn đối với thế giới, bởi vì mở ra cho nhân loại cơ hội để thay đổi thân phận của chính mình. Từ một con người tầm thường, ích kỷ, lầm lỗi, bất toàn, họ có thể tu tập để đạt được sự giác ngộ và trở thành một con người cao cả, vị tha, đức hạnh và hoàn thiện. Đây là một điều chỉ duy nhất có trong đạo Phật.
Mở rộng ra, nếu ai cũng biết học tập theo lời dạy của Đức Phật, ai cũng biết hướng về ý nghĩa của lễ Thành đạo thì thế giới sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều. Con người sẽ đạo đức, trí tuệ hơn và nhân loại sẽ cùng nhau xây dựng một tinh cầu với tương lai đầy tiến bộ, văn minh, thịnh vượng, hòa bình và giác ngộ.
3) Vì sao Lễ thành đạo ít được phổ biến?
Trong dòng chảy của đạo Phật, lễ Phật đản có lẽ được nhắc đến nhiều hơn ngày lễ thành đạo. Lễ Phật đản không chỉ đánh dấu sự kiện Đức Phật ra đời, mà còn là dịp để tưởng niệm ngày Ngài giác ngộ và nhập Niết bàn.
Từ thời xa xưa, khi đường xá trắc trở, việc tụ họp chư tăng nhiều lần trong năm là rất bất tiện. Vì vậy, các bậc tôn túc đã chọn một ngày đặc biệt để tổ chức trọng thể ba sự kiện lớn lao ấy. Lâu dần, lễ Phật Đản trở thành biểu tượng quen thuộc, là ngày hội lớn nhất trong lòng người con Phật.
Ngày nay, khi việc đi lại trở nên thuận tiện, người Phật tử cần quay về với cội nguồn, tìm lại ý nghĩa thiêng liêng của ngày lễ thành đạo. Đó là thời khắc Đức Phật chứng ngộ dưới cội Bồ Đề, khai mở con đường đưa chúng sinh thoát khỏi bể khổ. Ngày thành đạo là khoảnh khắc thiêng liêng, khi cả Tam thiên Đại thiên thế giới rung động, hân hoan chào đón sự xuất hiện của một bậc chánh đẳng chánh giác, Người đã mang bánh xe Pháp xoay chuyển khắp cõi, đem lại ánh sáng giác ngộ và giải thoát cho muôn loài.
4) Ta nên làm gì để đón mừng ngày Đức Phật thành đạo?
Lễ Phật thành đạo là một trong những ngày lễ thiêng liêng bậc nhất, mang ý nghĩa sâu sắc đối với mỗi người con Phật. Đây là cột mốc huy hoàng, đánh dấu sự ra đời của con đường giác ngộ, nơi Đức Phật đã mở ra ánh sáng từ bi và trí tuệ, chỉ ra con đường dẫn lối giúp chúng sinh vượt sự mê mờ, lạc lối.
Để đón mừng ngày lễ trọng đại này, mỗi người có thể:
1. Chia sẻ về ý nghĩa lễ thành đạo đến bạn bè, người thân, giúp lan tỏa giá trị cao quý của ngày mà Đức Phật đạt quả vị giác ngộ.
2. Làm việc thiện lành – bố thí, cúng dường, giúp đỡ người khó khăn để dâng lên Đức Phật, bày tỏ lòng biết ơn đối với bậc Đạo Sư đã khai mở con đường giải thoát.
3. Hơn hết, hãy đến chùa trong ngày lễ, hòa vào không khí trang nghiêm, lắng lòng chiêm nghiệm giây phút Đức Phật thành Đạo dưới gốc Bồ đề. Đó là khoảnh khắc mà ánh sáng giác ngộ lan tỏa khắp Tam thiên đại thiên thế giới, mở ra con đường đưa chúng sinh đến bến bờ giải thoát, giác ngộ.
4) Tổ chức lễ thành đạo cần chương trình như thế nào?
Mỗi ngôi chùa sẽ có những chương trình tổ chức lễ thành đạo mang nét riêng. Về phần nghi thức tâm linh, thường sẽ bao gồm:
- Ngồi thiền buổi sáng – tái hiện lại khoảnh khắc thiêng liêng khi Đức Phật chứng ngộ dưới cội Bồ Đề.
- Tụng sám thành đạo – dâng lên lời ca ngợi và tri ân ngày Đức Phật đắc quả.
- Nhiều chùa còn tổ chức các hoạt động ý nghĩa như tụng kinh, thuyết pháp, và - âm nhạc đón mừng ngày thành đạo.
- Dâng hoa cúng dường – thể hiện lòng tôn kính và biết ơn sâu sắc đối với chư Phật, tưởng nhớ đến ngày Thành đạo.
Thông Huyền