;
Ngày đại lễ Phật Đản năm 1963 (Phật lịch: 2507) là một dấu ấn đậm nét trong lịch sử Đạo Phật Việt Nam với
sự tác động qua lại giữa quyền lực chính trị thế tục và dòng hành hoạt tâm linh tôn giáo.
Phong trào đòi bình đẳng tôn giáo tại Việt Nam đã nổ ra sau cả trăm năm Đạo Phật bị Pháp và thế lực viễn chinh linh hồn khống chế. Thời hậu cận đại chính quyền đương thời đối xử bất công là giọt nước tràn ly của một chuỗi phản ứng có điều kiện trong thế cuộc nhân sinh: Có bất công thì có tiếng nói kêu gọi công bằng và có áp bức thì có đấu tranh đòi hỏi tự do và bình đẳng.
Cuộc tranh đấu Phật giáo phát khởi từ Huế năm 1963 hướng mục đích đòi hỏi tự do và công bằng tôn giáo là một phản ứng có điều kiện của một xã hội tự do và một thể chế chính trị chưa thoát khỏi bóng đè của quá khứ phong kiến.
Một ngày Phật Đản 62 năm trước
Ngày Phật Đản năm 1963. Theo thông lệ hàng năm, trại Tất Đạt Đa của Liên Gia Đình Phật Tử xã Hương Cần (gồm 7 đơn vị GĐPT là An Thuận, Cổ Lão, Hương Cần, Liễu Cốc Hạ, Nam Thanh, Triều Sơn Trung, Vân Cù) với số lượng gần 500 trại sinh từ ngành Oanh đến ngành Thiếu cùng dựng lều, cắm trại bên cạnh lễ đài chính thức, nơi tập trung đại lễ cho cả 7 Khuôn hội Phật giáo toàn xã cung nghinh hương án Phật, được long trọng rước từ chùa Làng về Lễ đài tại xã Hương Cần hành lễ.
Là Liên Đoàn trưởng của GĐPT Liễu Cốc Hạ, trẻ tuổi nhất trong liên đoàn, tôi nằm trong Ban Quản Trại và đuợc cử phụ trách điều khiển tổng quát sinh hoạt đời sống trại (Sơn Ca). Đây là một vinh dự thường được giao cho người huynh trưởng có bản lĩnh chuyên môn hoạt động thanh niên ngoài trời và tài ăn nói, điều khiển có bản lĩnh, kinh nghiệm.
Tôi vừa lo, vừa hồi hộp vì tương đối vẫn còn là “lính mới” trong nhiệm vụ cầm còi làm chim sơn ca thông tri điều khiển sinh hoạt toàn trại nầy. Đặc biệt cổng trại Tất Đạt Đa mọi năm vẫn dành chỗ cao nhất để treo cờ Phật giáo; nhưng năm nay, Ban Quản Trại thông tri lặng lẽ với nhau là nên treo thấp xuống vì có mấy anh chị huynh trưởng xì xào là: Ông, bác, chú… thôn trưởng làng tui “dặn rứa!”.
Nói một cách chân xác là ông thôn trưởng làng Liễu Cốc Hạ tôi, Nguyễn Văn Khởi, chưa nghe nói gì cả. Sau nầy tôi mới biết là có lệnh từ tỉnh đưa về, quận và xã đưa lên phải treo cờ Phật giáo theo cách “khác… mọi năm” nhưng lệnh chưa áp dụng đồng đều và chặt chẽ do chính quyền địa phương xã, thôn vẫn còn xa lạ với lệnh mới chưa được giải thích và áp dụng rõ ràng.
Đại lễ Phật Đản của 7 đơn vị các làng, xã Hương Cần chúng tôi năm 1963 đã khai diễn trang trọng theo tinh thần đơn vị làng xã như mọi năm. Theo yêu cầu của Ban Hướng Dẫn GĐPT Thừa Thiên Huế, bảy đơn vị GĐPT xã Hương Cần chúng tôi cử 7 đoàn sinh ngành Thiếu gồm 3 nữ và 4 nam lên chùa Từ Đàm để tham dự và phụ việc tại lễ đài trung tâm của Tỉnh Hội.
Gần cuối đêm văn nghệ sân khấu mừng Phật Đản được tổ chức trên cánh đồng làng mới gặt thì cả bảy em đoàn sinh hớt hãi đạp xe đạp từ Đài phát thanh Huế trở về (đường đi khoảng 40 phút), chạy vào khu vực ban quản trại. Các em thiếu nam thì vừa chạy vào đất trại, vừa thở hổn hển, nói với giọng kinh hoàng: “Chết, chết… người chết bị bắn, bị xe cán nhiều quá các anh chị ơi!” Các em thiếu nữ thì nói mếu máo bằng giọng đẫm nước mắt: “Mình Phật tử biết trốn mô đây, họ giết Phật tử cả rồi!”.
Lần đầu trong nếp sinh hoạt truyền thống tuổi trẻ Phật tử, không riêng ai mà tất cả anh chị em đều trải qua những phút hoảng loạn tinh thần. Không khí sinh hoạt trại như bị đông cứng hẳn lại. Cho đến khi cả bảy đơn vị GĐPT nhổ trại…rồi hát bài Dây Thân Ái chia tay: “Gang thép ta chia tay đừng buồn!” mà lòng lại buồn nặng trĩu. Hôm sau, tin tại chỗ đã cho biết rằng: Có 8 người, gồm Phật tử và trẻ em đã bị thiệt mạng trong vụ án thảm sát tại Đài Phát thanh Huế đêm 8-5-1963.
Cuộc Tranh đấu Bảo vệ Phật giáo đã bùng lên từ sau đêm thảm sát ấy mà Huế là nơi khởi phát và Thượng tọa Thích Trí Quang cùng các “ôn” (tiếng gọi thương kính của giới Phật tử Huế dành cho quý tu sĩ cao niên đạo cao đức trọng) với tài đức cao minh và tinh thần vô úy, dũng lược bất bạo động đã lãnh đạo Phong trào Tranh đấu Phật giáo từ Huế lan ra khắp các tỉnh thành miền Nam.
Thời gian trung bình là cả trăm năm cần thiết để lịch sử phê phán công bằng và nghiêm minh về một sự kiện lịch sử trọng đại như cuộc Tranh Đấu Phật Giáo vào những năm 1960. Phán xét lịch sử là một quá trình tổng lược mang tính khoa học nhân văn thường hội tụ các dữ kiện khách quan và chứng tích khảo chứng được nên nếu có chăng những ý kiến, phán xét vội vàng của cá nhân hay nhóm phái chỉ có tính cách góp ý và tham khảo. Đấy là tài liệu, chưa đạt đủ tính chất dữ liệu hay đạt tầm sử liệu. Bởi vậy, trong hơn 60 năm qua, những bài viết ở tầm quan sát, nhận định, suy diễn…thường mang nhiều dấu ấn chủ quan và cảm tính không đáng tin cậy.
Thế hệ nhập cuộc 62 năm trước, nay có còn chăng là lơ thơ dăm cụ già thế hệ bát tuần nhớ nhớ quên quên.
Có thể nói chứng tích huyết lệ trong ngày Phật Đản tại Huế, những ngọn lửa từ bi vị pháp thiêu thân, công đức của chư Tăng Ni và tinh thần dấn thân của Phật tử để bảo vệ Đạo Pháp chỉ trong vòng nửa năm mà sức mạnh tổng hợp vượt thời gian tính bằng. Tứ chúng Phật tử đã biến lòng yêu Đạo, thương đời và tha thiết với dòng sinh mệnh của Đạo pháp, Dân tộc được thể hiện bằng sự hy sinh, tin yêu và hy vọng.
Phong trào tranh đấu Phật giáo từ Huế đã nhanh chóng lan tỏa khắp nhiều tỉnh thành. Những bậc tu hành thanh tịnh, cư sĩ, Phật tử và đại chúng đủ các giới, từ giáo sư đại học đến đội ngũ khuân vác, làm thuê; tử tiểu thương Đông Ba và các chợ quanh Huế đến các lực lượng sinh viên học sinh và đoàn thể quần chúng đã liên tục xuống đường, tuyệt thực, biểu tình phản đối trong tinh thần khiêm nhẫn, tuyệt đối bất bạo động đối mặt với sự trấn áp đầy bạo lực của các lực lượng cảnh sát và quân đội với vòi rồng, lựu đạn cay, dùi cui, ma trắc…
Sau lưng bề mặt phơi bày ra ánh sáng là thế giới tối tăm của những nhà tù địa ngục Chín Hầm tại Huế, nhà giam lô cốt các xã, quận và mật vụ địa phương sẵn sàng đàn áp phong trào tranh đấu.
Lửa Từ Bi – Trái Tim Bất Diệt
Những ngày tháng tiếp theo, cùng với dòng thác lũ tham gia đấu tranh của Tứ chúng hàng trưởng thượng, tuổi trẻ Phật tử trong hệ thống GĐPT Việt Nam và sinh viên học sinh dấn thân vào phong trào bất chấp hiểm nguy.
Tham gia phong trào tranh đấu gần một tháng, tôi bị bắt hai lần: Lần đầu bị chính quyền bắt về xã Hương Cần; rồi lần sau bị mật vụ bắt giam vào lô cốt quận Hương Trà tại Bao Vinh. Sau khi được thả và điểm mặt theo dõi, tôi không được phép rời làng lên Huế tham gia tranh đấu. Gặp dịp nghỉ Hè, mẹ và chị tôi bắt buộc tôi phải vào Sài Gòn tạm lánh mặt.
Vào Sài Gòn, tôi được ở lại nhà bà chị Cả tại số 36/5, đường Cao Thắng Sài Gòn (ngày nay là đường Cách Mạng tháng 8), đây là địa điểm chỉ cách ngã tư Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt, nơi Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu chỉ một quãng đường ngắn đi bộ.
Một buổi sáng, đứa cháu gái đi chợ về báo tin: “Cậu ơi! Không biết họ đang làm chi mà ngoài đường mình mấy Sư Cô và mấy Thầy Chùa đứng đông lắm. Cậu ra coi cho biết. Tôi đang là con chim trốn bão, nay nghe tin gió lộng thì lòng bỗng rộn lên nên liền chạy nhanh ra đường.
Theo dòng người đến hướng ngã tư Phan Đình Phùng, Lê Văn Duyệt. Chưa đến nơi, đã nghe một rừng âm thanh huyên náo mà tiếng còi hú của xe cảnh sát là nghe rõ nhất. Mùi lửa cháy, mùi xăng dầu, mùi mồ hôi người bay vào mũi.
Giữa luồng sóng người kẻ chaỵ lui, người chạy tới, tôi chỉ kịp nhìn thấy bóng áo vàng, nâu, Lam của tu sĩ Phật giáo và người dân xúm xít quanh điểm tụ với ánh lửa đang còn cháy. Tôi không cố chen chân ra tới điểm lửa có đông người đang vây quanh, nhưng có tiếng còi báo động của xe cảnh sát đang tới. Đám người lạ tìm đường đạp lên nhau mà chạy.
Tôi chỉ nghe tiếng người nói to với nhau gần như la hét: “Kinh quá bà con ơi! Ông Thầy tu bị đốt cháy. Lửa đã thiêu ông ta rồi. Tội quá! Không biết vì sao lại ra ngồi giữa đường mà bị đốt cháy không biết nữa…?!” Thật ra, tuy theo mẹ đến chùa từ nhỏ, nhưng tôi chưa bao giờ được học, được nghe đến hai chữ “Tự Thiêu” trước đó, nên tôi chạy trong đám đông với tâm lý hoang mang cho rằng, chính quyền, cảnh sát đem một vị thầy Chùa ra xử thiêu thay vì lệnh xử chém đầu như mấy ông vua ngày xưa để trừng phạt Phật giáo Tranh đấu.
Sau đó, trở về hỏi han và tìm hiểu, tôi mới biết thêm được rằng đây là một vụ Tự Thiêu. Trong truyền thống lâu đời của đạo Phật, hạnh nguyện thiêu thân được xem là một hình thức cúng dường tối thượng vì người hành giả không tiếc thân mạng, đem thân ngũ uẩn vô thường này hiến dâng cho Tam Bảo.
Đây không phải là tự sát trong tuyệt vọng (theo ý ngĩa tự tử thông thường), mà là tự nguyện hy sinh với tâm đại từ bi và trí tuệ viên mãn, nhằm thức tỉnh thế gian, đánh động lòng người hoặc cầu nguyện cho hòa bình, giải thoát cho tất cả. Trong kinh điển, Phật từng dạy rằng cúng dường thân thể với tâm Bồ Tát thì phước đức hơn cả việc dâng cúng trân bảo, châu báu bởi đây là biểu tượng vô ngã và xả ly, tinh thần xả bỏ cả thân mạng để cứu độ chúng sanh.
Kinh Pháp Hoa có viết:
“Dược Vương Bồ Tát lại hiện thần thông, thiêu thân mình trong lửa suốt mười hai trăm năm để cúng dường Đức Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức…” (Kinh Pháp Hoa – Phẩm 23, bản dịch HT. Trí Tịnh)
Những ngày tiếp theo, Sài Gòn sôi động sau khi truyền thông quốc tế loan tin và hình ảnh thiêu thân cúng dường (Burning the body as offering), báo Đông Phương đưa tin "cúng dường tối thượng" (最上供養) của Thầy Quảng Đức. Cuộc tranh đấu Phật giáo không còn chỉ là “một cuộc xuống đường tại Huế” mà đã thắp sáng tinh thần của con người khắp nơi. Tổng thống Ngô Đình Diệm vào cuộc với “Ủy Ban Liên Bộ” để làm việc với “Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo”.
Trong suốt 10 ngày pháp thể của Thầy Quảng Đức quàn tại chùa Xá Lợi là thời gian khá căng giữa tinh thần đối kháng thường trực của đại chúng và lực lượng trấn áp của chính quyền. Ngày 20-6-1963, tin Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo và nhiều tăng, ni, Phật tử sẽ dự lễ hỏa táng tại An dưỡng địa Phú Lâm làm cho không khí Sài Gòn sôi động thêm.
Sáng sớm tôi cùng ông anh chuẩn bị sẵn sàng đến nơi hỏa táng nhưng Sài Gòn lại im ắng như trong tình trạng thiết quân luật, chúng tôi không thể đi đâu xa hơn khu vực quanh nhà. Chiều gần tối cùng ngày, chúng tôi đến chùa Xá Lợi. Từ ngoài cổng đã đọc được bảng thông báo lịch viếng thăm “Trái Tim Bất Diệt của Hòa thượng Thích Quảng Đức” đặt tại tiền đình chùa Xá Lợi.
Cũng phải khá vất vả mới chen chân được vào nơi đặt xá lợi. Trên kệ thờ gọn, nhỏ, trong bình tủy tinh trong suốt là một trái tim bằng nắm tay. Vết cháy xém nâu, vàng để lộ ra nhiều phiến và đường thịt màu tái hồng và đỏ tươi; màu đỏ tái hồng tự nhiên quá làm cho đôi mắt nào dán vào cũng thành nhòa lệ: Trái Tim Bất Diệt! Đã 62 năm rồi mà tôi vẫn còn mường tương và xúc động như mới hôm qua!
Từ đó, cứ mỗi năm đến mùa Phật Đản, cái tâm thức nhỏ bé và nhạy cảm của tôi vẫn dấy lên cảm xúc về Lửa Từ Bi và Trái Tim Bất Diệt.
Những ngày tha hương ở Mỹ tôi càng đi vào học hỏi lãnh vực Tâm Lý thì lại càng tin tưởng một cách đầy hiện thực sự mong manh tan biến như sương khói và tính vĩnh hằng bất diệt của vũ trụ và hạt bụi khi quán niệm thể tánh – Tánh Không, Tuyệt Đối, Trung Đạo – của diệu hữu và vô cùng. Trong muôn nghìn thứ lửa, có ngọn lửa vô hình vô ảnh tồn tại và phóng chiếu tự trong chính thân tâm gọi là “Nội Hỏa” hay lửa Tam Muội.
"Tam Muội" (三昧) phiên âm từ tiếng Phạn samādhi, nghĩa là "chánh định" hay "trạng thái thiền định sâu sắc". Lửa Tam Muội có thể hiểu là ngọn lửa xuất phát từ sức mạnh thiền định cực kỳ thuần khiết, không phải lửa vật lý thông thường nên còn được gọi là “Nội Hỏa”.
Nó không sinh, không diệt, tự tại không nhiên nên cũng không có đối thể hay ngoại lực có khả năng đốt cháy hay hủy diệt. Trái tim của Bồ Tát Quảng Đức trải qua bao nhiêu ngày thiền định và tưới tẩm trong Nội Hỏa nên ngọn lửa trần gian chỉ là heo may thoáng mát thì làm sao đốt cháy hay hủy diệt được.
Cách thế giới phương Tây lý giải "lửa Tam Muội", tự tinh túy, cũng không khác với lửa Tam Muội. Các học giả phương Tây theo tôn giáo học so sánh "lửa Tam Muội" với "lửa tinh thần" (spiritual fire) trong các truyền thống huyền bí (Mysticism); chẳng hạn như lửa của Chúa Thánh Thần (Holy Spirit) trong Kitô giáo: ngọn lửa không đốt cháy vật chất, mà biểu tượng cho sự thanh tẩy tâm linh và sự hiện diện thiêng liêng. Ngọn lửa đó có ba năng lực là: Chuyển hóa (Heraclitus), Trừng phạt (Hỏa ngục) và Tận tẩy (Ki tô).
Một số nhà tâm lý học hàng đầu như Carl Jung, xem "lửa Tam Muội" như ẩn dụ cho năng lượng nội tâm mạnh mẽ mà một người đạt được khi tập trung ý thức cao độ -- một trạng thái "hợp nhất" toàn bộ tâm thức, làm bùng cháy để thắp sáng năng lực siêu việt bên trong -- mà không gì dập tắt hay làm lụi tàn được. Đó cũng chính là Lửa Từ Bi - Bất diệt.
Bồ Tát Quảng Đức sau bao năm tu trì, bao ngày chú nguyện, bao công phu sớm tối Thiền tịnh nên tự châu thân và định tánh của Thầy đã phát sinh lửa Tam Muội, nguồn nội hỏa bùng phát rực rỡ trong trái tim của Thầy, khiến trái tim đã hóa thành bất diệt. Lửa Tam Muội đã khiến trái tim Thầy Quảng Đức thành kim cương bất hoại mà lửa thường không thể đốt nổi".
Sáu mươi hai năm nhìn lại, người huynh trưởng tuổi đôi mươi một thời nay đã là “lão giả an chi” bát tuần nhớ nhớ quên quên. Tuổi nhân gian thì đang về bến mà tuổi vòng quay thì vẫn ở trên thuyền. Quá hạnh phúc còn được nhớ chuyện… ngày xưa trong mùa Phật Đản. Nguyện cầu Hồng ân Tam Bảo vẫn mãi là ngọn lửa Từ Bi thắp sáng nguồn tâm an vui và tưới tẩm tình người.
Sacramento, Cali; Mùa Phật Đản 2025
Trần Kiêm Đoàn
(Nguồn: Trích bài viết Kỷ Niệm Phật Đản LQ)