;
Ngày chủ nhật mấy chị em tôi thường rủ nhau đi chùa, nếu khóa tu ‘Bát quan trai, hoặc tu ‘Một ngày an lạc’ ở chùa gần nhà không rơi vào ngày chủ nhật thì lại đi chùa xa. Vượt hơn 50 cây số với hai lần đổi xe buýt chúng tôi đã có mặt ở chùa Linh Sơn Pháp Ấn (thôn Khánh Thành, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) để tham dự khóa tu định kỳ vào ngày mùng 10 âm lịch hàng tháng.
Thấp thoáng những bóng áo nâu, áo lam với khuôn mặt hoan hỷ chắp tay xá chào “A Di Đà Phật”, chúng tôi nhận thấy đạo tràng càng ngày “càng trẻ hóa” nhờ số lượng thành viên là các bạn trẻ, đa số là người dân tộc Rắc-lay thuộc thôn Suối Lau cũng về tham dự.
Nhớ những ngày trước, khi chúng tôi – những sinh viên đi chùa, rất nhiều người vô cùng ngạc nhiên hỏi rằng: Tại sao còn trẻ mà đã đi chùa? Sao trẻ mà đã ăn chay rồi lấy chồng lấy vợ làm sao?...
Mãi đến sau này, khi rất nhiều chùa đã tổ chức những khóa tu đặc biệt dành cho các bạn trẻ, nhất là đối tượng học sinh sinh viên, cùng với sự lan tỏa của truyền thông, nhờ thế mà việc các bác các cô thấy những người trẻ thường đi chùa…bỗng trở nên gần gũi.
Buổi sáng sau khóa lễ niệm Phật kinh hành, đại chúng được nghe Thượng tọa Thích Quảng Thiện UV Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương GHPGVN, trụ trì chùa Tịnh Quang, Q.12 TP. Hồ Chí Minh chia sẻ Phật pháp.
Trước khi thuyết giảng, thượng tọa giảng sư đã làm một trắc nghiệm nhỏ đối với các bạn người dân tộc để xem các bạn có nghe và nói được tiếng kinh hay không bằng các câu hỏi: Con hãy giới thiệu tên mình? Hãy cho mọi người biết con đến chùa để làm gì? Thật là bất ngờ vì các bạn đều trả lời con đến chùa để tu.
Thượng tọa Thích Quang Thiện chia sẻ Phật pháp.
Những câu chuyện thời Đức Phật, những câu chuyện đời thường xoay quanh chủ đề làm sao để tu theo Phật cho hết khổ. Muốn như vậy các hành giả hãy tập ‘chết’ một ngày, hãy tắt nguồn điện thoại, phải quán tưởng lòng từ bi khi lễ lạy Bồ-tát Quan Thế Âm, phải luôn giữ chánh niệm và câu Phật hiệu Nam mô A-di-đà Phật, thầy giải thích vì sao khi về chùa phải đi nhẹ, nói nhỏ, thường niệm Phật; vì sao trong ao Thất bảo lại ghi tên người niệm Phật…
Trong giờ thọ trai và thời khóa tụng kinh vào buổi chiều, chúng tôi nhận thấy các ‘Phật tử nhí’ cũng trang nghiêm không kém gì người lớn.
Thượng tọa trụ trì Thích Minh Tâm cho biết, ngoài việc tổ chức các khóa tu dành cho người lớn, hàng năm vào ngày 12 tháng 6 âm lịch là khóa tu dành cho các bạn trẻ. Năm nào thầy cũng mời Đại đức Thích Lệ Minh, trụ trì chùa Thiện Mỹ và quý thầy cô trong CLB Hoằng Pháp trẻ (TP. Hồ Chí Minh) về hướng dẫn tu tập cho các em.
Thượng tọa Thích Minh Tâm (hình trái)
Khi thượng tọa trụ trì đề nghị chụp tấm ảnh lưu niệm chung với các bạn nhỏ đến dự tu hôm nay, có những em thấp bé hơn bạn mình nhưng không chịu đứng ở hàng trước, hỏi ra mới biết do nhà nghèo em chưa mua được áo quần lam để đi chùa, quần dài thì để đi học nên em phải mặc quần ngắn đến chùa.
Lại nhớ hình ảnh một số người đi chùa để ‘khoe thân’ mà mấy hôm trước các trang mạng đã đưa tin, chúng tôi thấy thương các em quá đỗi, tâm từ tánh thiện đã có sẵn trong các em “Nhân chi sơ tánh bản thiện”. Nếu được tiếp cận với môi trường Phật giáo, được gần gũi các thầy cô, được học hỏi về giáo lý Phật Đà, biết đâu sau này các em sẽ là những sứ giả của Như Lai.
Bạn gái Mang Thị Kiều, người dân tộc Rắc-lay tâm sự: Nhà em nghèo lắm, có đến 4 đứa em, cả nhà làm rẫy trồng sắn nhưng không đủ ăn, khi về chùa được ăn cơm ngon và no bụng nên rất thích đi chùa. Sau này nghe mấy thầy giảng dạy muốn hết khổ phải tu tập và làm việc thiện nên em đã cố gắng đi học. Hiện nay em là sinh viên năm thứ 2 của trường CĐSP Mẫu giáo TW2. Khi ra trường em sẽ đi dạy và làm nhiều việc thiện hơn nữa, như vậy là không phải mạng tội khi ăn cơm chùa phải không chị?
Thật sự xúc động khi nghe em chia sẻ, trong bối cảnh mà cái lễ, cái nền tảng đạo đức cần phải dạy ở lứa tuổi các em nhưng vì một lí do nào đó đã bị bỏ quên thì chuyện học sinh cãi lại thầy cô giáo, nói tục, hút thuốc, đánh bạn bè, thậm chí là hành hung giáo viên…không có gì khó hiểu. Tất cả những vấn đề trên đều ít nhiều liên quan đến khía cạnh của việc giáo dục đạo đức, nhân cách thì việc các bạn trẻ tìm đến chùa ngày chủ nhật thay vì đi chơi bên ngoài để được học những điều hay lẽ phải là điều đáng quý.
Nhìn lại ngôi chùa đang trong thời gian trùng tu xây dựng, chúng tôi thầm cầu nguyện Chư Phật gia hộ cho thầy trụ trì thân khỏe, tâm an; cầu nguyện Hộ pháp xoay chuyển để có nhiều thí chủ phát tâm ủng hộ cho công cuộc trùng tu chánh điện sớm được hoàn mãn.