;
1- Tình thương yêu
2- Tiền bạc
3- Hạnh phúc
4- Lòng tốt
5- Sự đổi thay
6- Sự giận dữ và xung đột
7- Lòng từ bi
8- Các thể dạng tâm thần
9- Nhân loại
10- Sự u mê
11- Thế giới nội tâm
12- Hòa bình
13- Sự liên hệ giữa con người.
14- Tôn giáo
15- Trí tuệ
16- Tự biến cải chính mình
17- Khổ đau
18- Tâm linh
19- Sự sống
20- Bạo lực
21- Các câu trích dẫn khác của Đức Đạt-lai Lạt-ma
Bài 3
Câu 44 đến 59
4) Các câu trích dẫn của Đức Đạt lai Lạt-ma về lòng tốt
Câu 44
Quyền năng đích thật và duy nhất mà chúng ta có là giúp đỡ kẻ khác.
(trích trong quyển Sages paroles du Dalai-Lama / Những lời trí tuệ của Đức Đạt-lai Lạt-ma, nxb Poche, 2002)
Câu 45
Giúp đỡ kẻ khác sẽ tạo ra cho chúng ta một cảm tính hạnh phúc,
làm cho tâm thức lắng xuống và những sự lo buồn nhẹ bớt đi.
Câu 46
Chủ đích chính yếu nhất trong cuộc sống của chúng ta là giúp đỡ kẻ khác.
Và nếu chúng ta không đủ sức giúp đỡ kẻ khác,
thì ít nhất cũng không được gây ra tổn thương cho kẻ khác.
Câu 47
Một người có đức tin hay không có đức tin không phải là điều quan trọng.
Điều quan trọng hơn là người ấy có phải là một người tốt hay không ?
. (trích trong quyển Sagesse ancienne, monde moderne, id)
Câu 48
Đối với con người, điều quan trọng là phải có một mục đích trong cuộc sống.
Mục đich đó phải là một cái gì hữu ích,
một cái gì đó nói lên được lòng tốt của mình.
Câu 49
Một nghị lực to lớn, mang lại sự tốt lành cho mình và cả kẻ khác,
chỉ có thể phát sinh từ một nghịch cảnh to lớn
Câu 50
Chúng ta có thể tin hay không tin một tôn giáo nào đó,
hoặc tin hay không tin chuyện tái sinh,
thế nhưng không có một ai lại không xem trọng sự thân thiện và lòng từ bi.
Câu 51
Tôi chỉ biết cố gắng thân thiện tối đa với khả năng của tôi.
Thế nhưng điều đó lúc nào tôi cũng làm được.
(lời phát biểu của Đức Đạt-lai Lạt-ma trước Quốc hội Hoa kỳ
tại Capitol Hill, ngày 7 tháng ba 2014)
Câu 52
Khi nào các ý định (intention / tác ý, chủ tâm) của chúng ta
vẫn còn mang tính cách ích kỷ,
thì các hành động của mình dù có tỏ ra thật tốt đi nữa,
thế nhưng điều đó không hề bảo đảm là các hành động đó của mình
mang tính cách tích cực và đạo đức.
(trích trong quyển Sagesse ancienne, monde moderne, id)
Câu 53
Mục đích chủ yếu nhất trong cuộc sống là giúp đỡ kẻ khác.
Và nếu bạn không giúp đỡ được kẻ khác,
thì cũng nên cố gắng không làm họ bị tổn thương.
(Câu này giống như câu 46, thế nhưng xin mạn phép vẫn giữ đúng theo bản gốc. Nếu người đọc phải đọc thêm một lần thứ hai thì thiết nghĩ cũng chẳng sao).
(trích trong quyển L’autre Action sur le monde, chapitre 3, interdépendance et responsabilité / Một cách hành động khác hơn đối với thế giới, chương 3, chủ đề: Sự tương liên và Trách nhiệm)
Câu 54
Nếu muốn mang lại một ý nghĩa nào đó cho cuộc đời mình
và hạnh phúc cho cuộc sống của mình,
thì hãy nên khởi sự một cách lành mạnh.
Hãy trau dồi các phẩm tính con người mà tất cả chúng ta đều có,
và hãy vùi lấp đi những ý nghĩ mờ ám và các xúc cảm tiêu cực.
Câu 55
Tạo ra những điều tồi tệ và tàn phá kẻ khác,
là cách tách mình ra khỏi các phẩm tính con người
để đến gần hơn với sức mạnh của sự sấu xa.
Câu 56
Những người hy sinh đời mình trong các lãnh vực
y tế, giáo dục, tâm linh, gia đình, xã hội,
hay bất cứ một lãnh vực nào khác cũng vậy,
đều sưởi ấm tim tôi.
Tất cả các xã hội con người đều gây ra hàng loạt các thứ khó khăn và khổ đau.
Làm tất cả những gì mà mình có thể làm được để xóa bỏ các khó khăn đó
đều xứng đáng được ngợi khen.
Theo quan điểm Phật giáo, thì không nên chỉ biết giúp một người nào đó vì bổn phận
mà nên xem đó là một sự vui sướng trong lòng,
tương tự như một số người thích làm vườn chẳng hạn.
Nếu giúp đỡ với lòng từ bi, với nụ cười trên môi và những lời khả ái,
thì nhất định chúng ta sẽ tạo được cho mình hạnh phúc.
Trên phương diện hành động thì không có gì khác biệt,
thế nhưng nếu một hành động được thực thi với niềm hân hoan trong lòng
thì nó sẽ mang lại những điều tốt đẹp to lớn hơn nhiều.
5) Các câu trích dẫn của Đức Đạt-lai Lạt-ma về sự đổi thay
Câu 57
Nếu không mở rộng lòng mình với sự đổi thay,
thì bạn sẽ không khỏi cảm thấy bất hạnh.
Câu 58
Mỗi năm một lần nên đến viếng một nơi nào đó mà bạn chưa hề bao giờ đến.
(Lời khuyên dạy trên đây là một cách cụ thể nói lên một ý nghĩa sâu sắc hơn:
hãy mở rộng lòng mình và sự hiểu biết của mình để nhận thấy
sự khác biệt với những gì mà mình bám víu,
sự xa lạ với môi trường mà mình đang sống,
hầu ý thức được sự chuyển động và đổi thay của thế giời,
Câu 59
Sự tranh biện (controversy, disputation) tự nó không phải là một điều tệ hại.
Thế giới sở dĩ tiến bộ là nhờ vào sự kình chống giữa các sức mạnh và nghị lực khác nhau.
Các cuộc tranh luận, các quan điểm đối nghịch nhau hàm chứa bên trong chúng
mầm mống đưa đến những khám phá mới.
Sự tranh biện là một cái gì đó thật tự nhiên;
điều quan trọng là cách mà chúng ta sống với nó và sử dụng nó
để mang lại sự tiến bộ.
(sự tranh biện là nền tảng của sự sinh hoạt trong các xã hội dân chủ,
sự tranh biện đó đôi khi có vẻ như mang tính cách bất trị và hỗn loạn,
thế nhưng sự sinh hoạt ở tình trạng thường xuyên chuyển động đó
chính là một cách cố gắng nhằm tạo ra một sự sinh hoạt hợp lý hơn
cùng một nền luật pháp uyển chuyển hơn cho xã hội.
Trái lại một sự sinh hoạt ngoan ngoãn, một sức mạnh và một nền luật pháp một chiều
chỉ tạo ra một xã hội bế tắc mà thôi)
Bures-Sur-Yvette, 20.08.21
Hoang Phong chuyển ngữ
(còn tiếp)