;
Đức Đạt-lai Lạt-ma
1- Tình thương yêu
2- Tiền bạc
3- Hạnh phúc
4- Lòng tốt
5- Sự đổi thay
6- Sự giận dữ và xung đột
7- Lòng từ bi
8- Các thể dạng tâm thần
9- Nhân loại
10- Sự u mê
11- Thế giới nội tâm
12- Hòa bình
13- Sự liên hệ giữa con người.
14- Tôn giáo
15- Trí tuệ
16- Tự biến cải chính mình
17- Khổ đau
18- Tâm linh
19- Sự sống
20- Bạo lực
21- Các câu trích dẫn khác của Đức Đạt-lai Lạt-ma
Bài 6
Câu 117 đến 141
10) Các câu trích dẫn của Đức Đạt-lai Lạt-ma về sự u mê
Câu 117
Cuộc chiến chống lại sự u mê (vô minh )
phải mang lại chiến thắng trong từng ngày,
và sau hết nó phải mở ra cho mình một tầm nhìn
không một chút mờ ám nào.
(chiến thắng u mê là cách mang lại cho mình sự sáng suốt
giúp mình nhìn vào thế giới và cả chính mình một cách minh bạch hơn.
Sự tu tập là một cuộc chiến trong từng ngày.
Cuộc chiến đó khởi đầu từ bên trong tâm thức mình.,
và cũng sẽ diễn ra bên trong cái tâm thức đó của chính mình)
Câu 118
Chống lại u mê (vô minh) cũng là cách chống lại khổ đau.
U mê là cội nguồn tạo ra các thứ độc tố và tình trạng lú lẫn tâm thần.
Câu 119
Tôi nghĩ rằng tất cả mọi thứ khổ đau đều phát sinh từ sự u mê (vô minh).
Con người sở dĩ gây ra khổ đau cho nhau là để tìm kiếm
hạnh phúc và sự thỏa mãn cho cá nhân mình.
Thế nhưng niềm hạnh phúc đích thật chỉ hiện lên với mình
từ sự an bình và thỏa mãn bên trong nội tâm mình.
Các cảm tính đó chỉ có thể đạt được
bằng cách trau dồi lòng vị tha, tình thương yêu, lòng từ bi
và bằng cách loại bỏ các sự u mê, đần độn, tham lam trong tâm thức mình.
11) Các câu trích dẫn của Đức Đạt-lai Lạt-ma về thế giới nội tâm
Câu 120
Sự nguôi ngoai (appeasement) có sẵn từ bên trong mỗi con người của tất cả chúng ta.
(tâm thức mình với thời gian có thể làm nhẹ bớt khổ đau, oán hờn,
và cũng có thể làm phai nhạt cả đam mê)
Câu 121
Chúng ta hàm chứa từ bên trong chính mình cái tốt cũng như cái xấu.
Câu 122
Không nên để cho thái độ của kẻ khác tàn phá sự an bình trong nội tâm mình.
Câu 123
Nếu muốn kiến tạo hòa bình cho thế giới
thì trước hết phải tạo ra sự an bình bên trong chính mình.
Câu 124
Sự bất hạnh luôn phát sinh từ những gì mà mình cảm thấy như là một sự ức chế nào đó
bên trong thân xác mình, bên trong tâm thức mình.
(sự bất hạnh phát sinh từ các sự đau đớn trên thân xác
và các sự đè nén hay nhịn nhục bên trong tâm thức)
Câu 125
Sự an bình trong nội tâm chỉ có thể bị tàn phá bởi các kẻ thù từ bên trong nội tâm.
Đối với hận thù cũng vậy, các kẻ thù bên ngoài hoàn toàn bất lực.
(Các kẻ thù có thể tiêu diệt được hận thù là tình thương yêu và sự dung thứ,
Tất cả các thứ ấy - từ hận thù, kẻ thù của hận thù, cho đến tình thương yêu, sự dung thứ -
nhất loạt đều là sản phẩm của tâm thức mình)
Câu 126
Quan tâm đến kẻ khác để quên đi các khó khăn của mình
là cách mang lại cho mình sức mạnh nội tâm, sự tự tin, lòng can đảm
và một cảm tính an bình thật mênh mông.
Câu 127
Dầu cho vóc dáng bên ngoài của bạn có như thế nào đi nữa,
hoặc người khác nghĩ gì về bạn, thì cũng cứ mặc,
điều quan trọng hơn cả là tự mình phải là nhân chứng của chính mình.
Điều đó có nghĩa là thỉnh thoảng phải tự mình xét đoán mình thật nghiêm chỉnh,
từ bên trong tâm thức mình.
Câu 128
Hạnh phúc và sự thăng bằng nội tâm thật chủ yếu để giúp nhân loại sống còn.
Thiếu các yếu tố đó thì cuộc sống của con cháu chúng ta
sẽ có thể lâm vào cảnh bất hạnh, tuyệt vọng và ngắn ngủi.
Sự tiến bộ vật chất tất nhiên sẽ góp phần mang lại hạnh phúc ở một mức độ nào đó
và một cuộc sống tiện nghi hơn.
Thế nhưng bấy nhiêu đó chưa đủ.
Nếu muốn đạt được hạnh phúc ở một mức độ sâu xa hơn,
thì chúng ta không thể xem nhẹ việc phát triển nội tâm.
Theo tôi thì ý niệm căn bản về giá trị con người
phải bắt kịp đà phát triển ngày nay trong lãnh vực vật chất.
(Trích trong quyển Mon autobiographie spirituelle, id)
12) Các câu trích dẫn của Đức Đạt-lai Lạt-ma về hòa bình
Câu 129
Hòa bình phải được tạo dựng từ bên trong tâm thức mình.
Câu 130
Mọi người đều nói đến hòa bình,
thế nhưng hòa bình không thể nào thiết lập được từ bên ngoài,
nhất là khi tâm thức mình vẫn còn chất chứa đầy ắp hận thù
Câu 131
Nên giải quyết các sự xung đột bằng lý trí hơn là bằng sức mạnh,
cách hành xử đó sẽ giúp mình cảm thấy các hành động của mình đúng đắn hơn.
Cảm tính đó sẽ tạo ra cho mình một sự hài lòng thật sâu xa.
Câu 132
Hòa bình chỉ mang ý nghĩa đầy đủ của nó
tại những nơi nào mà nhân quyền được tôn trọng,
tại những nơi mà con người tìm được miếng ăn,
tại những nơi mà cá nhân con người và cả xứ sở đều được tự do.
Câu 133
Khi nào sự bình lặng (an bình) chưa ngự trị bên trong chính mình,
thì khi đó mình sẽ không thể nào tạo được sự an bình trong khi tiếp xúc với kẻ khác,
do đó cũng sẽ không có một sự tương giao thân thiện nào có thể xảy ra giữa các cá thể,
và hòa bình cũng sẽ không thể nào được thiết lập giữa các quốc gia.
Câu 134
Trách nhiệm toàn cầu là yếu tố không thể thiếu sót đối với sự tồn vong của nhân loại,
và cũng là nền móng tốt nhất để xây dựng nền hòa bình trên toàn thế giới.
(lời tuyên bố của Đức Đạt-lai Lạt-ma tại Đại hội thượng đỉnh về Địa cầu tại Rio, năm 1992)
Câu 135
Địa cầu không cần đến những người thành công [trong cuộc sống].
Hành tinh này chỉ mong chờ trong tuyệt vọng những người chữa trị bệnh tật,
những kẻ thuật lại lịch sử (giúp chúng ta nhận thấy lỗi lầm của quá khứ để ý thức bổn phận và trách nhiệm mình trong hiện tại) và những người hăng say trong mọi lãnh vực (hết lòng với công việc của mình).
Câu 136
Quảng bá một nền văn hóa cho tương lai nhân loại, dựa vào sự đối thoại và phi bạo lực,
là bổn phận mà tập thể toàn cầu (các quốc gia trên thế giới) không thể thoái thác được.
(lời phát biểu của Đức Đạt-lai Lạt-ma tại Nghị viện Âu châu tháng 10, 2001)
Câu 137
Nếu muốn việc giải trừ vũ khí bên ngoài có thể thực hiện được,
thì trước hết phải bắt đầu bằng sự giải trừ vũ khí bên trong tâm thức mình.
(trích từ bài diễn văn tại vận động trường Bercy tại Pháp, tháng 10, 2003)
Câu 138
Hòa bình không phải là một thứ gì đó phát sinh từ bên ngoài,
mà là từ bên trong nội tâm mình, bên trong con người của mình.
Vì thế mỗi người trong chúng ta phải có bổn phận
khơi động và phát huy nền Hòa bình đó từ bên trong chính mình,
trước khi có thể tạo ra một nền Hòa bình tỏa rộng khắp muôn nơi.
''trích trong quyển Sagesse du coeur: Le Dalai-Lama par lui même / Trí tuệ của con tim: Đức Đạt-lai Lạt-ma nói về chính mình, dịch giả Carisse Bousquet, nxb Seuil, 2010)
Câu 139
Trách nhiệm không phải chỉ dành riêng
cho những người lãnh đạo đạo quốc gia, hay những người được chỉ định hoặc được bầu lên
để làm một công việc đặc biệt nào đó.
Trách nhiệm là của từng mỗi cá thể trong chúng ta.
Nền hòa bình chẳng hạn chỉ có thể bắt đầu từ bên trong mỗi con người chúng ta.
Khi nào tạo được nền hòa bình đó trong nội tâm mình,
thì khi đó mình mới có thể tạo được sự thân thiện
với những người chung quanh mình.
Câu 140
Tôi tin và tự nhủ một ngày đó,
mỗi người đều ý thức được trọng trách của mình
là phải giúp đỡ và hướng dẫn gia đình toàn cầu (global family) của mình
theo một đường hướng đúng đắn hơn.
Những lời nguyện cầu thành kính chưa đủ,
điều chủ yếu là phải ý thức được trách nhiệm toàn cầu của mình.
Không nên quên là nền hòa bình trên thế giới
bắt đầu từ sự an bình bên trong con tim của mỗi con người chúng ta.
Câu 141
Trước sự thách đố lớn lao của thời buổi ngày nay,
chúng ta phải phát huy thật cao độ cảm tính trách nhiệm toàn cầu của mình.
Mỗi người trong chúng ta phải tận lực, thế nhưng không phải là vì mình,
gia đình mình hay tổ quốc mình,
mà vì sự an vui của tất cả nhân loại.
Trách nhiệm toàn cầu là chiếc chìa khóa đảm bảo sự tồn vong của tất cả chúng ta,
và cũng là nền tảng tốt nhất để xây dựng nền hòa bình trên toàn thế giới.
Bures-Sur-Yvette, 24.09.21
Hoang phong chuyển ngữ
(còn tiếp)