;
Đức Đạt-lai Lạt-ma
1- Tình thương yêu
2- Tiền bạc
3- Hạnh phúc
4- Lòng tốt
5- Sự đổi thay
6- Sự giận dữ và xung đột
7- Lòng từ bi
8- Các thể dạng tâm thần
9- Nhân loại
10- Sự u mê
11- Thế giới nội tâm
12- Hòa bình
13- Sự liên hệ giữa con người.
14- Tôn giáo
15- Trí tuệ
16- Tự biến cải chính mình
17- Khổ đau
18- Tâm linh
19- Sự sống
20- Bạo lực
21- Các câu trích dẫn khác của Đức Đạt-lai Lạt-ma
Bài 5
Câu 93 đến 116
8) Các câu trích dẫn của Đức Đạt-lai Lạt-ma về các thể dạng tâm thần
Câu 94
Chủ động tâm thức đòi hỏi rất nhiều thời gian.
(thế nhưng việc luyện tập tâm thức giúp mình chủ động nó thì lại là bước đầu tiên trong việc tu tập Phật giáo)
(trích trong quyển L'Art de la compassion, id)
Câu 95
Rơi vào sự trầm cảm (depressive / trầm uất) là một thể dạng vô cùng trầm trọng
Phải tìm mọi cách để ra thoát tình trạng đó.
Câu 96
Mọi sinh hoạt mang lại lợi ích cho kẻ khác
đều là các hành động giúp cho tâm thức kiên cường hơn.
Câu 97
Chiếc chìa khóa mang lại một cuộc sống hạnh phúc và tròn đầy
chính là thể dạng tâm thức mình.
Điểm chủ yếu là chỗ đó.
Câu 98
Nếu rơi vào một cảnh huống hay một tình trạng
khó khăn nào đó nhưng không có cách nào làm cho nó biến đổi khác hơn được,
thì lo lắng để mà làm gì?
Câu 99
Sự phát lộ xúc cảm (emotionality) của chúng ta
tạo ra tình trạng mất thăng bằng thường xuyên trong tâm thức,
nếu tình trạng đó trở nên quá mạnh thì nó sẽ ảnh hưởng tai hại đến sức khoẻ tâm thần của mình.
(trích trong quyển L'art de la compassion, id)
Câu 100
Trong cuộc sống thường nhật sự khoan dung và kiên nhẫn
sẽ mang lại thật nhiều lợi điểm,
giúp củng cố và duy trì sự tỉnh táo (presence / không xao động) trong tâm thức mình.
Câu 101
Các thể dạng tâm thần tích cực là các liều thuốc hóa giải các xu hướng tiêu cực
và các thể dạng tâm thần gây ra ảo giác trong tâm thức mình.
(trích trong quyển L'art du bonheur, id)
Câu 102
Nếu muốn mang lại cho mình một niềm hạnh phúc thật sự
thì phải tạo được cho mình một tâm thức an bình.
Và sự an bình trong tâm thức đó
chỉ có thể thực hiện được nhờ vào lòng từ bi.
(trích trong quyển Sur la voie de l'éveil / Trên đường giác ngộ, Lời tựa Fabrice Midal, nxb Archipoche, 2017)
Câu 103
Nếu càng lương thiện và càng cởi mở thì bạn sẽ càng bớt lo sợ.
Bạn sẽ không còn cảm thấy một chút lo lắng nào
khi phải phơi bày hay tỏ lộ lòng mình với kẻ khác.
Nếu bạn lương thiện với chính mình
thì sự tự tin nơi bạn cũng sẽ trở nên vững chắc hơn.
Câu 104
Đối với tôi vấn đề tâm linh cũng chỉ đơn giản là sự biến cải tâm thức mình.
Và phương pháp hữu hiệu nhất để biến cải tâm thức
thật ra cũng chỉ đơn giản là cách tập cho mình biết suy nghĩ vị tha hơn.
Đạo đức thế tục áp dụng cho tất cả mọi người,
không phải chỉ là để dành riêng cho một nhóm người
tin vào tôn giáo này hay tôn giáo nọ.
Câu 105
Không có bất cứ ai có thể ép buộc chúng ta
phải biến cải tâm thức mình, kể cả Đức Phật.
Chúng ta làm việc đó với tư cách là chủ nhân của chính mình.
Và cũng chính vì thế mà Đức Phật đã từng tuyên bố:
"Chính bạn là người thầy của bạn".
(trích trong quyển L'art du bonheur, id)
Câu 106
Các gương mặt lớn trong lãnh vực tâm linh
là những người tự nguyện xóa bỏ mọi thể dạng tâm thần tiêu cực
hầu giúp mình hội đủ sức mạnh giúp đỡ chúng sinh hàm chứa giác cảm
đang mong cầu tìm được hạnh phúc.
Họ trông thấy được điều đó và ước vọng đó nơi tất cả chúng sinh,
thế nhưng sự thực hiện cần phải có một sự tự tin vô cùng to lớn.
Sự tự tin đó thật hết sức cần thiết,
bởi vì nó sẽ mang lại cho các bạn sự dũng cảm trong tâm thức,
giúp các bạn thực hiện được các tham vọng vô cùng to lớn đó.
9) Các câu trích dẫn của Đức Đạt-lai Lạt-ma về nhân loại
Câu 107
Tất cả chúng ta đều cùng là thành viên trong một gia đình nhân loại.
Câu 108
Khơi động được tiềm năng và sự tự tin nơi mình,
thì mình sẽ kiến tạo được một thế giới tốt đẹp hơn.
Câu 109
Không có bất cứ ai sinh ra dưới một ngôi sao xấu cả,
mà chỉ có những người không biết đọc các vì sao trên trời.
Câu 110
Người ta xem chân tay mình là thành phần của thân thể mình,
thế nhưng tại sao lại không đối xử với con người như là thành phần của nhân loại?
Câu 111
Thế giới là của nhân loại, không phải là của bất cứ một vị lãnh tụ nào cả,
dù cho vị ấy là một vị vua, một hoàng thân hay một vị lãnh tụ tôn giáo cũng vậy.
Thế giới là của toàn thể nhân loại.
Câu 112
Nhu cầu về tình thương yêu là nền tảng của nguyên lý tương liên (interdependence)
buộc chặt người này với người kia.
Dù cho một người nào đó có thật nhiều năng khiếu và khôn khéo đến đâu đi nữa
thì cũng không thể nào sống còn một cách đơn độc được.
Câu 113
Khi nào các bạn cảm thấy nghi ngại chính mình,
mất hết sự tự tin nơi mình,
thì hãy cứ nghĩ đến tiềm năng tuyệt vời của con người
và thật ra thì cũng chính là của các bạn.
Tiềm năng đó chỉ chờ được nẩy nở mà thôi.
Khám phá ra kho báu đó bên trong các bạn,
thì các bạn tất sẽ tạo được hạnh phúc cho mình.
Câu 114
Tôi tin nơi sự ích lợi của giáo dục.
Điều đó có nghĩa là phải nêu cao tính cách đồng nhất của toàn thể nhân loại.
Trên thực tế tương lai của một lục địa tùy thuộc vào các lục địa khác.
Đất nước tôi, xứ sở tôi, là một khái niệm sai lầm.
Tinh thần dân tộc đã lỗi thời.
(trích trong bài phỏng vấn Đức Đạt-lai Lạt-ma của ký giả H. Thibault trên nhật báo Le Monde)
Câu 115
Với tư cách là con người ý thức được sự tự do,
chúng ta hãy sử dụng trí thông minh mà chỉ con người mới có
để tìm hiểu chính mình và thế giới chung quanh mình.
Thế nhưng nếu chúng ta bị ngăn chận,
không được phép sử dụng tiềm năng sáng tạo của mình,
thì điều đó có nghĩa là chúng ta bị tước đoạt
một trong các đặc tính căn bản nhất của con người.
Câu 116
Tôi nói với các bạn với tư cách một con người,
và cũng xin các bạn không bao giờ nên quên là các bạn cũng là những con người,
trước khi trở thành một người Mỹ, một người Tây phương, một người Phi châu,
một thành viên của nhóm tôn giáo này hay nhóm tôn giáo khác,
thuộc chủng tộc này hay chủng tộc kia.
Các đặc tính đó chỉ là những gì thứ yếu.
Không nên đặt chúng lên trên tất cả.
(trích trong quyển Faites la révolution, id)
Bures-Sur-Yvette, 24.09.21
Hoang Phong chuyển ngữ
(còn tiếp)