;
Ngoài cổng khu chung cư tôi nơi tôi dang sống có 2 bác xe ôm thường trực. Một bác lớn tuổi khoãng gần 70, người còm nhom. Một bác trẻ hơn quãng hơn 60 nhưng một mắt bị kém. Tôi hay dùng dịch vụ của 2 bác này và có cả số di động, khi cần có thể gọi. Hai bác xe ôm đi rất cẩn thận, rất chăm chút cho xe và khách. Mỗi bác có một mũ xe máy cho khách luôn để trong bao ni lông. Khi có khách, bác bóc ra và trao cho khách. Hai bác lấy tiền cũng rất mềm làm nhiều khi tôi rất xúc động và cho thêm.
Sáng hôm qua tôi cần đi tọa đàm. Thế là bác gầy chạy ra. Tôi bước lên xe và xe chạy. Bác hỏi đi đâu. Tôi nói đến thư viện Tổng hợp TP HCM. Bác dừng xe lại nói tôi chuyển sang xe của bác kia vì bác ấy sẽ tiện đường đón khách ở khu đó luôn.
Tôi sang xe bác mắt chột. Hỏi chuyện mới biết mấy bữa nay ít khách. Hóa ra có cuốc đi xa bác gầy nhường cho bác chột. Hóa ra nhà bác chột kinh tế khó khăn nhiều hơn. Hóa ra họ rất thương nhau và nhường nhau công việc. Tôi xúc động đến muốn rớt nước mắt.
Buổi chiều tôi đưa người bạn đi khám tại một bệnh viện quốc tế. Đến đó gặp đến tận 3 bạn nhỏ được đưa đi khám bệnh mà người đưa đi khám không là cha hay mẹ mà là người bảo mẫu, nói cách khác là ô sin. Trong lúc chờ đợi, tôi bắt chuyện và biết rằng bố mẹ các cháu rất bận công chuyện nên giao con mình cho các cô, bác bảo mẫu chăm dùm. Tiền của họ nhiều lắm. Nhìn số tiền mà các bé có trong ví hay số tiền mà các cô ô sin cầm là biết ngay.
Tôi giật mình vì cách giáo dục của người giàu thời nay. Con mình là tài sản vô giá của mình mà lại đi giao khoán tron gói cho mấy cô bác ở quê, không được học hành tử tế, không biết cách nuôi dạy trẻ. Và với cách tiêu tiền như vậy, liệu các cháu có biết quý đồng tiền do mình không làm ra. Rồi tương lai của các cháu sẽ như thế nào.
Cuối chiều, tôi ngồi chơi và ăn tối với một đồng nghiệp. Bạn này đang thuê nhà ở thành phố và hàng ngày chứng kiến cách ứng xử của bà chủ nhà với 2 cặp vợ chồng chính là con mình. Tầng 3 và trệt cho thuê. Tầng 2 bà chủ và cặp vợ chồng con trai thứ ở. Vợ chồng anh này làm ở ngân hàng, lương cao lên được bà rất yêu chiều. Bà luôn khen ngợi con dâu, chăm chút cho con trai. Ngay đứa cháu gái cũng được chăm sóc chu đáo.
Cậu trai lớn làm lái xe và vợ làm tạp vụ tại 1 cơ quan thì được phân ở tầng trệt để lo mở đóng cửa, dắt xe, trông coi nhà… Bà thường xuyên mắng chửi cậu con trai này cùng cô vợ tội nghiệp một cách vô cớ. Ngay đứa cháu trai nội cũng bị bà hắt hủi. Lạ nhất là chuyện nhà vệ sinh trên tầng 2 luôn khóa cửa. Chỉ có bà và vợ chồng cậu con trai làm ở ngân hàng là có chìa khóa, còn gia đình cậu cả làm lái xe và tạp vụ thì dùng chung nhà vệ sinh và nhà tắm với những ai thuê trọ.
Đồng nghiệp kể chuyện rằng, bà chủ nhà đêm qua to tiếng với vợ chồng cậu cả nghèo cả đêm. Rằng hình như bà muốn đuổi họ đi lấy chỗ cho thuê. Mắng con, la cháu nghèo cả đêm đến khi quá mệt bà mới đi ngủ. Đồng nghiệp tôi mất ngủ đến sáng. Bạn ấy bảo, lẽ ra bà phải thương và ưu tiên cho anh cả nghèo và thiêt thòi, không được học hành mới đúng
Tôi về nhà thấy anh bảo vệ nhìn tôi cười rất tươi. Anh hỏi chuyện tôi rất ân cần và khen cuốn sách tôi tặng bữa trước rất hay. Anh tranh thủ nói về mấy câu chuyện mà anh tâm đắc tìm thấy trong cuốn sách. Anh cười tươi lắm làm tôi có cảm giác ít ai có nụ cười đẹp và tự nhiên như anh. Tôi dắt xe vào nhà xe và lại nhận thấy nụ cười rất dẹp của bạn trẻ giữ xe. Bạn vừa ngồi trông xe vừa nhai ổ bánh mì rất ngon lành. Bên cạnh là một ly trà đá. Tôi lại có cảm giác rằng có lẽ không mấy ai ăn ngon như bạn này. Nhìn cách ăn cẩn thận, nhẹ nhàng, kỹ lưỡng và ngắm cảm xúc khi ăn của bạn mà tôi thấy có lẽ chính tôi cũng ăn chưa chánh niệm bằng bạn ấy, chưa biết thưởng thức đồ ăn như vậy.
Tôi tắm rửa, ngồi thư giãn, uống trà, đọc sách. Đêm qua tôi ngủ 1 giấc rất ngon, rất sâu, không hề mộng mỵ. Sáng ngủ dậy rất khỏe. Sáng nay tôi phát hiện ra một bông lan nữa ngay cửa sổ phòng tôi đã nở. Đẹp lắm.