;
Ngày 11- 12- 13 tháng 6 năm 2015, lớp tập huấn TTTT của Phật giáo đã diễn ra tại chùa Ba Vàng –TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Với`sự hiện diện của HT. Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch HĐTS GHPGVN; HT Thích Thiện Pháp – Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS GHPGVN, kiêm Trưởng Ban Tăng sự; HT Thích Thanh Nhiễu - Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS GHPGVN; HT Thích Thiện Tâm, chứng minh Ban Hoằng pháp, TT T.Đức Thiện, Tổng Thư ký GHPGVN, Quý quan khách đại biểu đến từ các ban ngành Trung ương, tỉnh Quảng Ninh, Tp.Uông Bí....
Quảng Ninh cách Hà Nội trên 150km, là vùng địa đầu Đông Bắc Việt Nam, có 22 bộ tộc đồng cư; Quảng Ninh có nhiều địa danh như: Vịnh Hạ Long – núi Yên Tử - khu di tích nhà Trần ở Đông Triều- cụm di tích chiến thắng Bạch Đằng.
Đường lên chùa Ba Vàng.
Quang cảnh chùa Ba Vàng nhìn từ trước chánh điện.
Chùa Ba Vàng còn có tên là Bảo Quang Tự, được xây dựng năm Ất Dậu 1706, triều Lê Dụ Tông. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử chùa gốc hiện không còn. Năm 1988, chùa được trùng tu tôn tạo bằng gỗ. Năm 1993 chùa được xây dựng lại để phục vụ tôn giáo và tín ngưỡng của nhân dân địa phương. Năm 2014 khánh thành ngôi Đại Hủng Bửu Điện; chùa do Đại đức Thích Trúc Thái Minh tọa chủ. Từ ngày tái kiến trúc ngôi chùa Ba Vàng, nơi đây đã diễn ra nhiều sự kiện lớn của Phật giáo. Hàng năm đều có lễ hội mùa xuân. Tuy cách thành phố Uông Bí trên dưới 20km, nằm trên dãy núi bạt ngàn, các công trình kiến trúc rãi đều giữa màu xanh của núi, nổi bậc giữa nền trời lam bạc, từ xa, du khách có thể thấy rõ màu ngói đỏ ẩn hiện một quang cảnh thiền môn thật đẹp.
Điểm nhấn quan trọng trong ngày khai mạc là đạo từ của Hòa thượng Chủ tịch HĐTS GHPGVN. Trong đạo từ Hòa thượng nhấn mạnh đến tính chân thật của người làm TTTT, Ngài nói – Truyền thông và hoằng pháp là những phương tiện chủ yếu của Phật giáo Việt Nam qua các thời kỳ, sau những hoạt động thành công của Ban Hoằng pháp qua các nhiệm kỳ, Tiểu Ban TTTT cũng được thành lập vào năm 2011 qua quá trình tu chỉnh Hiến chương Ban TTTT chính thức đã được thành lập vào năm 2013 gồm có 99 thành viên.
Đạo từ cũng nêu rõ một số điểm trọng yếu trong công tác truyền thông, trong đó có báo viết, báo hình và các trang mạng website Phật giáo khi phản ảnh đúng tính chân thật theo tinh thần nhà Phật thì không còn vấn đề tranh cải. Vấn đề sự thật là vấn đề mấu chốt đã là sự thật thì không còn gì phải nói ngược, nói xuôi nó biểu hiện một chân lý tương đối, hay tuyệt đối tùy theo sự hiểu của mọi người. Như Đức Phật đã khẳng định trong Kinh A Hàm và Kinh Nikaya "Này thế gian ta không tranh luận với ngươi đâu, chỉ vì các ngươi muốn tranh luận với ta thôi..."
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn ban đạo từ - ảnh Hoàng Tuấn.
Truyền thông cũng vậy, khi nói lên sự thật thì không còn vấn đề gì phải nói ngược nói xuôi, chỉ sợ rằng không phải sự thật mà thôi. Điều thứ hai là phải chân thật, không nói điêu ngoa, không nói thêm bớt..thể hiện chơn thật ngữ, như vậy sẽ được mọi người tin tưởng. Điều thứ ba là thấy, nghĩ, và hiểu đúng sự thật đó là có chánh kiến, nếu không có chánh kiến sẽ bị bóp méo sự việc. Người làm báo cần nói đúng nghĩ đúng thì hành động đúng, đó cũng là pháp tu trên tinh thần bát chánh đạo.
Cũng tại buổi khai mạc, Tiến sĩ Trần Đăng Tuấn đảm trách với chuyên đề “Truyền thông và những tác động của truyền thông tới dư luận xã hội”. Buổi thứ hai do Tiến sĩ Nguyễn Thanh Xuân với chuyên đề: “các tôn giáo tại Việt Nam”.
Tiến sĩ Trần Đăng Tuấn - ảnh Hoàng Tuấn.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Xuân - ảnh Hoàng Tuấn.
Tiến sĩ Bùi Hữu Dược.
Và cuối cùng, ông Vụ trưởng vụ Phật giáo của BTG Chính phủ - Tiến sĩ Bùi Hữu Dược: “Truyền thông và những đặc thù trong truyền thông Phật giáo”. Qua ba buổi chia sẻ trong hơn một ngày, ai cũng ngỡ chỉ là cưỡi ngựa xem hoa, nhưng không ngờ, những nội dung của các bài giảng sâu sắc, bổ ích đã cũng cố và bổ sung thêm những kiến thức về lĩnh vực truyền thông, những kinh nghiệm xử lý các tình huống cho giới làm truyền thông Phật giáo, vốn có những đặc thù, khó khăn và trước sự đòi hỏi ngày càng cao của xã hội.
Hòa thượng Thích Gia Quang - Đại đức Thích Trúc Thái Minh - Trưởng và phó ban tổ chức khóa bồi dưỡng - ảnh Hoàng Tuấn.
Thượng tọa Thích Giác Tâm nêu một số vướng mắc trong quá trình hoạt động Phật sự với lãnh đạo Ban Tôn giáo Chính phủ.
Số UV TTTT chỉ có 99 người, hiện diện trực tiếp trên 70 vị, ngoài ra là các cộng tác viên và báo chí được mời tham dự. Mọi chi phí trong ba ngày tại chùa Ba Vàng đều do Đại đức trụ trì, các mạnh thường quân và Phật tử của chùa đài thọ rất chu đáo.
Ngoài chương trình tập huấn để các UV TTTT của Phật giáo cũng như các cộng tác viên nắm vũng nguyên tắc và kiến thức truyền thông, sự đón tiếp của chùa Ba Vàng và cảnh trí cùng lối kiến trúc của chùa trãi đều trên núi cao cũng để lại một ấn tượng khó phai cho người tham dự.
Có lẽ trong các ban ngành của Phật giáo hiện nay, Ban TTTT tuy còn non trẻ, nhưng có một bước đi khá vững, một hoạt động và khóa tập huấn khá bài bản, báo hiệu một hiệu quả của ngành TTTT Phật giáo trước những nhiêu khê, phức tạp hiện nay đang hướng về Phật giáo, sẽ được hóa giải theo chiều hướng tích cực mà theo ông Bùi Hữu Dược – phải có tâm từ và trí tuệ để tác động lên mọi vấn đề.
Thay mặt Ban TTTT, HT. Thích Gia Quang đã cám ơn ban giảng huấn, cám ơn Đại đức trú trì và Phật tử đã giúp cho lớp tập huấn thành công viên mãn; ngài cũng không quên nhắc nhỡ các UV TTTT Phật giáo sẽ có trách nhiệm để hoàn thành tốt nghiệp vụ được giao phó.
Hòa thượng Thích Gia Quang phát biểu cảm tạ - ảnh Hoàng Tuấn.
Mô hình Chùa Đồng tại bảo tàng Quảng Ninh.
Các phóng viên, biên tập viên, khóa sinh chụp hình lưu niệm.
Được thiên nhiên ưu đãi, những ngày trước miền Bắc khí hậu trên 40 độ, nhưng ba ngày qua, trời mát dịu, vài cơn mưa nhẹ làm tươi mát núi rừng và thảnh thơi lòng người có mặt tại Ba Vàng trong thời gian qua.
Hy vọng các ban ngành còn lại của Phật giáo cũng cần có những lớp tập huấn sâu sắc để Phật giáo Việt Nam có một sắc thái tươi nhuận hơn và đạt kết quả tốt đẹp hơn.
14/6/2015