;
19 tháng 6 Bính Thân là ngày húy nhật lần thứ nhất của cố đại lão Hòa thượng thượng Diệu hạ Tâm - tổ khai sơn chùa Phi Lai - Hòa Thịnh - Tây Hòa - Phú Yên, cũng là dịp lễ khai đại hồng chung và đại pháp cổ.
Ngoài chư Tăng Ni trong tông môn và tín đồ địa phương, từ Biên Hòa tháp tùng gần 30 người ra tham dự lễ. Đại hồng chung vừa hoàn thành, đồng sơn đen, hoa văn, chữ và những biểu tượng mật tông màu đồng làm nổi bật hẳn. Đối diện là chiếc trống tương xứng. Mặc dù chùa trong thời kỳ tái thiết, nhưng chúng đã có mặt thật sớm còn khiêm tốn ẩn mình trong hai ngăn Chung-cổ chật hẹp.
Khoa nghi húy nhật cũng như khai chung cổ thật đơn giản nhưng trang trọng. 73 năm trước, 1943, được sự chứng minh chú nguyện của bổn sư là Tổ Trừng Thành -Vạn Ân khai sơn Tổ đình Hương Tích, Hòa thượng đã lên phương án xây dựng chùa Phi Lai tại Hòa Thịnh -Tây Hòa - Phú Yên.
Căn nhà tranh mái lá đơn sơ nhưng không kém phần tao nhã, đầy đủ trai phòng, chánh điện, nhà Tổ, nhà trù. 21 năm sau, 1964 chiến tranh tàn phá toàn bộ. 1972 người dân địa phương đã dựng lập lại bằng vật liệu nhẹ, nhưng năm sau, một lần nữa bom đạn tiếp tục thiêu hủy, để rồi 1974 thêm một lần hồi sinh, mãi đến 1975, hòa bình lập lại, Hòa thượng bổn sư chỉ định Hòa thượng Thiện Đạo đảm nhận vai trò trụ trì để chăm lo kiến thiết bổn tự.
Do hội tụ duyên lành, mái chùa quê ẩn mình trong làng, bao bọc bởi ruộng lúa và núi xa, Hòa thượng đương kiêm trụ trì kêu gọi Tăng tín đồ phát tâm trùng tu ngôi Tam bảo rộng lớn hơn cho tương xứng với lượng số tín đồ mỗi ngày một gia tăng.Từ quốc lộ 1A vào đến chùa phải hơn 30km; xóm làng yên ả, quanh năm gió núi mưa nguồn đã bồi đắp ruộng đất phì nhiêu, cuộc sống cư dân có phần sung túc.
Chùa chưa hoàn chỉnh, trong đồ án tái thiết, phần thô cơ bản đã có dáng vẽ uy nghi. Như bao chùa quê khác, Phi Lai có mấy công ruộng đủ lo lễ lộc hàng năm. Túi gạo, bịch nếp, nắm lá được người dân trong thôn đem đến mỗi rằm nguơn giổ chạp. Chùa quê cũng còn giữ được nếp sống truyền thống pháp quyến huyết hệ truyền từ đời nầy sang đời khác nên có sự gắn kết sâu đậm và tôn ti trật tự, vừa là gia tộc, vừa là thầy trò. Vì vậy, sinh hoạt chùa quê có phần ấm cúng hơn nơi phố thị đông người.
Ngoài chùa Phi Lai tại quê hương Phú Yên, còn một Phi Lai chi nhánh tại Biên Hòa, cũng do Hòa thượng Thích Thiện Đạo chăm nom quản lý. Đạo cách của một tu sĩ được đào tạo từ trường lớp thiền môn xa xưa, đã giúp cho Hòa thượng có một phong cách tao nhã, hòa hợp, khiêm cung, chính vì thế mà đồ chúng tại phố thị đã thủy chung với người, góp tay trùng hưng Phi Lai nơi miền thôn dã. Một thời, anh em văn nghệ sĩ tại Phú Yên, Bình Định cũng gần gủi cho đến ngày nay bên vị sư già tuổi đời bằng tuổi đạo của một ngôi chùa ra đời cách đây 73 năm.
Liệu qua năm mới, theo dự tính của Hòa thượng, chùa Phi Lai Phú Yên sẽ hoàn thành để quần chúng miền Nam và miền Trung một lần nữa gặp gỡ, mừng nhau một Phật sự vuông tròn; có lẽ, lúc ấy, ruộng cũng đã phả hương lúa chín trong không gian mênh mông như cái mênh mông của dãy núi xanh biếc Trường sơn tô điểm thêm nét đẹp thơ ngây của ngôi chùa làng thôn dã chơn chất.
73 năm tuổi đời gắn liền Phật sự của Hòa thượng trụ trì với 73 năm ngôi chùa vẫn tồn tại, 73 năm qua đi, chùa Phi Lai vẫn chưa nhòa nhạt phai màu nơi tâm thức của người con xa xứ, Phi lai vẫn chưa phai li tí nào chăng ???
26/7/2016
Phuoc dai Hoang
Trang Phật giáo mà đặt tít đùa cợt.
Thích Trả lời 7/29/2016 6:56:24 PM