;
Một hôm, có vị Bích-chi Phật đến nhà ông, được bà mẹ cúng dường, đức Bích-chi Phật vừa ôm bình bát đi ra, ông liền hỏi mẹ. Bà mẹ đáp là vừa cúng dường cho vị ấy xong. Ông liền chạy theo giật bình bát làm cơm đổ xuống đất và lấy chân chà lên trên.
Kiếp sau, ông sinh vào một làng kia ở gần bờ biển. Làng ấy trước đây làm ăn phát đạt, dân làng sống rất thoải mái. Nhưng từ khi ông sinh vào làng ấy, dân làng ngày càng đói kém, họ đoán chắc có một kẻ nào sinh vào làng này làm cho làng đói khó. Muốn tìm ra kẻ kia họ bèn chia làng ra làm hai. Phía làng trên có người ghét bố thí kia sinh vào thì vẫn nghèo đói, còn phía làng dưới thì lại no đủ. Nhưng dân làng vẫn chưa tìm ra người ấy. Họ bèn chia làng trên thành hai xóm. Cũng như lần trước, xóm có vị ghét bố thí kia thì đói kém xác xơ. Họ tiếp tục chia như vậy, cuối cùng đã tìm ra gia đình gây tai họa cho họ. Nên họ đuổi nhà ấy ra khỏi làng. Hai mẹ con dắt nhau đi ăn xin. Nhưng hễ bà mẹ đi một mình thì người ta cho, nếu dẫn theo đứa con thì không xin được gì cả. Lâu dần đói quá, bà mẹ không chịu nổi nên một hôm bà đưa con đến một nơi vắng rồi trốn đi một mình, bỏ lại đứa nhỏ bơ vơ. Tình cờ Ngài Xá Lợi Phất đi qua, thấy đứa nhỏ khôi ngô, Ngài đem về nuôi nấng dạy dỗ. Từ đó đến khi khôn lớn, lúc nào cũng hầu hạ bên Ngài nên lúc nào cũng được ăn đầy đủ.
Sau lớn lên, tự đi khất thực một mình thì không ai cúng dường cả: Hễ ông đi trước Tăng chúng thì người ta chưa đem đồ ra cúng dường, khi ông đi sau Tăng chúng thì người ta đã cúng dường hết vật thực rồi. Cứ như thế, ông bị đói dài dài, nhưng vị Tỷ-kheo này vẫn kiên trì tu tập, sau chứng được quả A-la-hán. Ngài Xá Lợi Phất cùng đi khất thực với vị Tỷ-kheo này cũng phải chịu ảnh hưởng của vị Tỷ-kheo là không ai cúng dường gì cả. Từ đó Ngài Xá Lợi Phất phải đi khất thực một mình đem về chia phần ăn của mình cho vị Tỷ-kheo ấy. Khi Ngài đưa bình bát cho vị này thì cơm trong bình bát đều bay hết, không còn gì để ăn nữa. Cuối cùng Ngài Xá Lợi Phất phải đích thân bưng bình bát cho ông ăn. Ăn xong, ông vào Niết-bàn.
Suốt đời cho đến khi sắp vào Niết-bàn mới được ăn no một lần.
Đó là quả báo của người đã không có tâm bố thí, lại không có tâm tùy hỷ bố thí mà còn cản trở việc bố thí, phí bỏ thức ăn của người cúng dường kẻ khác.
Trích sách "Ngũ uẩn vô ngã". HT Thích Thiện Siêu