;
Lịch sử chép – ngày này – 26 tháng 3:
Trên xứ Huế dân mình nhìn mặt dân ta,
Như hai kẻ vừa quen vừa lạ,
Quê hương ơi xao xuyến tấc lòng.
Ngoảnh mặt nhìn từ Bắc vô Nam;
Ngoái trông nhau từ Nam ra Bắc:
Có kẻ buồn, người vui; nỗi lòng còn mất,
Có bước chân về bén gót bước chân đi.
Tháng Tư: dân tản cư trở về,
Băng đèo Hải Vân dắt dìu nhau ra Huế,
Thành phố tản cư đìu hiu vắng vẻ,
Không có người nắng vẫn đỏ vàng hoe.
Đời mới bắt đầu khăn gói về quê:
Vườn ruộng ê chề quay lên phố chợ,
Sống giữa bạn bè đứa hăng, đứa sợ,
Đứa theo bộ đội miền Bắc, đứa đi lính miền Nam.
Đứa lon ton làm cách mạng 75,
Đứa trình diện tập trung cải tạo.
Dậy mà đi chưa thành cơm áo…
Ai nên khôn không khốn mấy lần.
Nghệ sĩ, văn nhân thế thời phải thế,
Trịnh Công Sơn gảy đàn hát kể:
“Gánh, gánh, gánh… gánh rau ra chợ,
Hôm nay đây thống nhất đã về!”
Miên Đức Thắng hát… cho dân ta nghe,
Gặp Trần Hoàn chì chiết khen chê:
“Giải phóng đưa ta lên tầm cao vũ trụ,
Sao gánh rau ra chợ kéo xe hề?!”
Nắng tháng ba mà Huế lạnh tanh,
Bửu Chỉ vẽ phông treo trước Mô Ranh,
Hình công nông lên đường sản xuất;
Lãnh đạo lắc đầu chê tranh chưa đạt:
“Nhà máy công trường sao ống khói không phun?!”
Đành trở về vẽ “Ngựa Đá Sang Sông”,
Dấu đá rạn điểm thêm dòng chia biệt!
Nguyễn Đính Trần Vàng Sao cười khan cay nghiệt:
Chưởi toáng… cuộc đời quá vô hậu,
Chung cuộc canh tàn vẽ thánh lang thang.
Thằng bạn dãi dầu thi sĩ Thái Ngọc San:
Nói bất chấp quá lề tê vị đắng!
Thầy thời Trung học Hoàng Phủ Ngọc Tường,
Về lại Huế xưa như người hái phù dung;
Mơ một thuở tên đường không ai đặt,
Quốc Học bơ phờ Đồng Khánh pha sương,
Thầy thuở Văn khoa: Tiến sĩ Giáo sư Lê Văn Hảo,
Từ núi về thành đường phượng bay mờ ảo,
Ôn Thiên Mụ mái chùa xưa nẻo đạo,
Tiếng kinh khuya thấm đẫm ba đào.
Trải nghiệm đầu đời hăm sáu tháng ba.
Đời lưu ly giấc ngủ yên hà,
Ra trận vào bưng những chàng trai xứ Huế:
Yêu nước, yêu quê lãng mạn rứa răng… “tề!”
Sông núi đó bỗng nhiên buồn vô kể,
Khát vọng, ước mơ, chung dòng thế hệ:
Những hư danh, ảo tưởng buổi giao thời,
Đường nhân văn tìm lại bóng con người?
Ngày du thủ trải vàng ra ái ngại,
Đêm tâm kinh nghe mãi chiếc loa rè,
Đốt nhiệt tình tuổi trẻ đam mê.
Dòng lịch sử mô tê đành hoang tưởng.
Những bi phẫn lạnh lùng treo cuộc sống,
Những bon chen, nông nổi gối lên nhau.
Không biết mai tê bầy đàn con cháu,
Vết cắt lòng thành sẹo có còn đau?
Mà thương về thế hệ mai sau,
Ai đi qua, ai ở lại bên cầu,
Trên Quê Mẹ chớ một đời đất khách;
Đá vàng phai sông núi bạc màu.
Tuổi trẻ lên đường em ở nơi đâu,
Mưa gió tháng Ba khi nào mới tạnh?!