;
Từ giữa tháng 5 năm 2015 tôi nhận được lời mời của sư cô Thích Đàm Hòa, trụ trì chùa Thao Chính, huyện Phú Xuyên, Thủ đô Hà Nội mời về chia sẻ và hướng dẫn cho các Phật tử trẻ trong khóa tu mùa hè lần đầu tiên tổ chức ở đây. Sư cô nói rằng cô muốn các em nơi vùng quê nhận được nguồn năng lượng và sự hướng dẫn đúng đắn để trở thành những người có ích cho đất nước và xã hội. Khóa tu diễn ra từ ngày 27 tháng 6 đến 03 tháng 7. Tôi giật mình, sự chuẩn bị của sư cô thật là sớm.
Tôi chia sẻ với mọi người về chương trình này và tôi nhận được nhiều lời khuyên của bạn bè và bạn đạo là nên về những vùng quê hướng dẫn các em tu tập. Vấn đề là ở chỗ, tại nhiều nơi, người dân vẫn còn cổ hủ và lạc hậu nên tin rằng, đến chùa chỉ là người già và nữ. Hơn nữa, qua tìm hiểu tôi lại biết thêm: chùa Thao Chính có một mình sư cô lo tổ chức khóa tu kéo dài đến 7 ngày mà dự kiến có đến gần 600 bạn tu sinh trẻ tham dự.
Thế là, đến ngày đến giờ, thầy trò chúng tôi lên đường về vùng quê Phú Xuyên góp sức chung tay cùng sư cô Đàm Hòa mang Phật Pháp đến với các bạn trẻ. Tôi đưa theo 5 em Phật tử trẻ của CLB yêu sách Thái Hà là sinh viên các trường Đại học Ngoại thương, Đại học FPT, Học viện Chính sách và Chiến lược, Kinh tế. Các em là các sinh viên thuần thành, đã tham gia nhiều khóa tu và là những bạn trẻ muốn phụng sự và giúp các phật tử ít tuổi hơn – các em học sinh phổ thông.
Nội dung của các chủ đề mà các em được nghe thuyết giảng và thảo luận trong 7 ngày bao gồm:
1. Đức khiêm từ, pháp hoá giải xung đột giữa cha mẹ và con cái.
2. Bốn pháp hiếu kính cha mẹ.
3. Làm tốt mối tương giao giữa thầy và trò.
4. Phước điền cao thượng.
5. Đạo đức nhân bản qua lời Phật dạy.
6. Mở cửa trái tim trong vòng tay nhân loại.
7. Nuôi dưỡng tâm lượng tốt, kỹ năng sống, làm mới cho chính mình.
Chúng tôi cho rằng việc lựa chọn từng chủ đề cho mỗi ngày của khóa tu là rất hay và mang lại những lợi ích thiết thực cho các em. Các em có cơ hội nắm rõ nội dung những bài giảng, có thời gian của khóa tu đủ dài để thực tập để có sự chuyển biến trong thân và tâm.
Ngoài các bài giảng, các em được hướng dẫn ngồi thiền. Bạn có thể tưởng tượng cảnh đẹp vô cùng khi gần 600 bạn trẻ, tuổi từ 13 đến 25 nhưng chủ yếu là các em học sinh phổ thông, cùng ngồi thiền không. Các em được chúng tôi hướng dẫn cho ăn cơm trong im lặng, ăn cơm trong sự biết ơn. Một pháp môn khác luôn không thể thiếu khi hướng dẫn các em tu tập là thiền buông thư. Hình như em nào cũng thích được buông thư, được thả lòng tòan thân, được “ru ngủ”, được thảnh thơi trong buổi trưa hè nóng nực.
Tôi muốn nói về con số hơn 500 tu sinh trẻ: khi bước vào thiền đường tôi hơi bị choáng ngợp bởi số lượng tu sinh so với thiền đường. Các em ngồi rất đông, sát nhau, đủ lứa tuổi. Có lẽ thiền đường này chỉ hợp lý nhất cho quãng hơn 300 em nhưng vì số bạn trẻ muốn tu đông quá, nên sư cô Đàm Hòa và BTC không nỡ từ chối. Nhìn những khuôn mặt còn rất trẻ, như những tờ giấy trắng tinh, tôi chỉ muốn vẽ lên đó những gì đẹp nhất, thánh thiện nhất. Thấy những tâm hồn tinh khôi, trong sáng, tôi muốn tìm mọi cách để đưa những tư duy tích cực nhất, truyền nhiều nhất niềm tin và nhiệt huyết cho các em. Hơn một ngàn con mắt giữa cái nóng mùa hè 40 độ hướng về mình, tôi thấy trách nhiệm của mình càng lớn lao hơn nhiều.
Sư cô Đàm Hòa chia sẻ rằng tuổi trẻ là giai đoạn hình thành tâm sinh lý nói chung và định hướng tương lai của chính mình. Ngày nay trong thời đại phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật và xu thế toàn cầu hóa, con người càng trở nên bận rộn, chịu nhiều áp lực mọi mặt khi đối diện với thách thức, những trở ngại và cạnh tranh tất yếu với cuộc sống. Với ưu điểm phát triển kinh tế thị trường, song vẫn tồn tại mặt trái của nó là môi trường bị đe dọa cùng với đạo đức bị ảnh hưởng đã tác động không nhỏ đến đời sống tinh thần con người.
Hòa chung dòng chảy của cuộc đời, con người lao mình theo tiếng gọi của lợi danh. Những ham muốn tầm thường đó như vô hình đưa ta vào ngõ cụt bế tắc. Tìm một lối thoát và hướng đến mục đích cao cả để thăng hoa những giá trị tinh thần là mong muốn chung của con người trong cuộc sống hiện tại. Vậy nên khóa tu dành riêng cho thanh thiếu niên là rất cần thiết.
Sư cô Đàm Hòa nói rằng, trong xu thế phát triển của toàn thế giới con người đang phải đối mặt với nhiều thách thức của đời sống thực dụng. Mối lo ngại lớn nhất trong các gia đình và nhà trường là việc suy thoái đạo đức của rất nhiều thanh thiếu niên hiện nay. Có rất nhiều kết cục bi thảm do các em gây ra khiến cho cha mẹ, thầy cô, bè bạn, và cả cộng động phải đau lòng. Cá nhân sư cô Đàm Hòa rất muốn các con sớm biết đến và thực tập những lời Phật dạy để bước đi thật vững, thật bình an.
Cuộc sống đời người giống như một vở tuồng trên sân khấu. Lúc sinh ra, được cha mẹ yêu thương, chăm sóc, lớn lên cắp sách đến trường, để rồi rời khỏi trường học bước vào trường đời với nhiều gian lao, khó nhọc, vui buồn nên phải đấu tranh để sống. Cho nên, khóa tu 7 ngày để nhắc các em, đế hướng dẫn các em đừng sống dửng dưng như gió thoảng, như nước chảy qua cầu. Gió phải biết gió thổi về đâu cho câu thơ bay bổng. nước phải biết nước chảy về đâu cho cái mênh mông của biển thẫm xanh, cần phải có một khoảng trống cho chân trời lọt vào, hoàn thiện một con người. Hoài bão của các em sẽ được thực hiện, khát vọng sẽ mãi vươn xa, đời sống an lạc, hạnh phúc sẽ được thiết lập nếu như các em được trở về với tiến trình thăng hoa đời sống tâm linh, thăng hoa những giá trị tinh thần cao quý thông qua tiến trình tu tập của bản thân. Tuổi trẻ là quãng thời gian tiếp thu cái mới nhanh nhất. Được hướng thiện, được cho thăng hoa, các em sẽ đi đúng, đi nhanh và đi xa.
Tôi thật sự xúc động trước tấm lòng của BTC, nhất là của sư cô trụ trì Thích Đàm Hòa. Sư cô còn trẻ như vậy, một mình lo gánh vác bao nhiêu công việc mà vẫn quyết tâm khích lệ tinh thần tu học, nâng cao kiến thức Phật pháp và tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, thiết thực cho hơn 500 bạn trẻ. Ngôi chùa Thao Chính với diện tích khá nhỏ, sân chùa cũng không lớn, đất của chùa đã được sử dụng hết, đến vườn cây cũng không có, vậy mà sư cô đã tự mình tổ chức khóa tu mùa hè 2015 dành cho tuổi trẻ, trang bị cho Phật tử trẻ tuổi những kiến thức Phật pháp, những phương pháp thực tập cơ bản cần thiết giúp các em có một đời sống tốt đẹp trong môi trường xã hội hiện nay. Ôi quý hóa và xúc động làm sao.
Tôi rất muốn hướng dẫn các em tu trọn vẹn nhiều pháp môn nhưng với điều kiện cơ sở vật chất như vậy và tu sinh nhiều quá nên mới chỉ cho các em thiền tọa, thiền hát, thiền ăn trong sự biết ơn và im lặng, thiền buông thư. Tôi rất muốn cùng các em đi thiền hành, muốn chia các em ra các nhóm để cùng pháp đàm và sẻ chia, muốn cùng các em thiền uống trà, thiền ăn bánh, ăn trái cây, thiền rửa bát,…. Nếu như chỉ có quãng 300 em trong khuôn khổ ngôi chùa này thì chắc là làm được.
Đối với các bạn trẻ, tuổi thích vui chơi, thì trong khuôn khổ khóa tu hè này tại chùa Thao Chính, các trò chơi luôn cuốn hút các em tham dự và các em chơi rất nhiệt tình. Được nhìn thấy các em vui chơi hồn nhiên và hết mình, người lớn vui vô cùng. Hình như tất cả được quay lại với tuổi thơ của mình. Hình như chính các em đang là những người thầy dạy lại cho người lớn cách sống hồn nhiên, vô tư, yêu đời, và hết mình. Người lớn và ban tổ chức rất vui. Vui lắm.
Trong lúc nghỉ giải lao, một số phụ huynh và các bác lớn tuổi tìm đến tâm sự với chúng tôi. Nhìn những khuôn mặt vui tươi tôi biết ngay rằng họ rất hài lòng về khóa tu. Ai cũng khen nội dung khóa tu tốt, các bài giảng hay, các trò chơi hấp dẫn. Có những bác kể cho tôi nghe sự tiến bộ của con mình, cháu mình. Có những bác rất xúc động bởi con đã thay đổi hoàn toàn. Có những cháu đã nhận ra những “con quỷ” trong mình là lười biếng, là ham chơi games, là tư duy tiêu cực, là chưa biết yêu thương,… nay đã lột xác thành con người mới, thành con của Phật. Các bác bảo, nay họ ngày càng lớn tuổi, chỉ mong sao con cháu mình sống tốt và được sống trong môi trường tốt.
Ở miền bắc Việt Nam, trong những năm gần đây, nhiều địa phương, nhiều chùa đã mở được khóa tu 1 – 3 ngày mang lại nhiều lợi ích rất lớn cho các phật tử nói chung và phật tử trẻ nói riêng. Một ví dụ điển hình là chùa Hưng Khánh, huyện Mỹ Đức, Thủ đô Hà Nội đã mở khóa tu 2 ngày cuối tuần liên tục mấy năm nay vào mỗi thứ 7, chủ nhật tuần thứ 3 hàng tháng và thu hút mỗi lần vài trăm em sinh viên về dự. Tuy nhiên để tổ chức một khóa tu dài ngày, nhất là đến 1 tuần mà lại cho số lượng hơn 500 em thì tôi chưa hề biết đến.
Tôi rất thích mô hình tổ chức khóa tu của chùa Hoằng Pháp, huyện Hóc Môn, TP HCM, nơi thường xuyên tổ chức khóa tu 7 ngày cho cả người lớn và tuổi trẻ. Tuy nhiên việc tổ chức ở chùa Hoằng Pháp đã diễn ra đều đặn, chuyên nghiệp nhiều năm. Hơn nữa, số lượng quý thầy tại chùa cũng lên đến con số gần 100, không kể tại đây luôn có vài chục quý vị cư sỹ thường trực hỗ trợ.
Giờ đây, khi đã ngồi ở nhà, hình ảnh sư cô Thích Đàm Hòa hoàn toàn mất giọng nói, trẻ trung, cười tươi luôn hiện ra trong đầu tôi. Có lẽ sư cô là người mở đường cho phong trào tổ chức khóa tu dài ngày tại miền bắc Việt Nam, nơi mà hủ tục còn nhiều, nơi mà cả sự học lẫn sự hành của Phật pháp còn khá hạn chế.
Khóa tu dài ngày tại Việt Nam nói chung và đặc biệt ở miền bắc cho các bạn trẻ luôn là mong ước của tôi. 7 ngày là quãng thời gian đủ dài để các bạn trẻ thay đổi nhận thức, thực tập thói quen tốt mới, để nạp năng lượng cho mình. Nhất là khi các con được nghỉ hè. Tôi luôn nghĩ các khóa tu mùa hè là quãng thời gian vô cùng quý giá cho các con.
Tôi rất mong quý thầy, quý sư cô ở mọi miền của đất nước cùng chung tay góp sức tổ chức thật nhiều khóa tu cho tuổi trẻ. Tôi cũng muốn các doanh nhân Phật tử, các nghệ sỹ Phật tử, các qúy vị cư sỹ thiện tâm của mọi thành phần cùng chung tay góp sức với các địa phương, với mỗi ngôi chùa để ngày càng có thật nhiều khóa tu như khóa tu tại chùa Thao Chính, huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
Nếu bạn biết hoặc được tham gia các khoa tu như thế này, hãy viết lên những cảm nhận của mình, để tất cả chúng ta cùng được đọc, cùng được vui và học tập lẫn nhau. Mong phong trào tổ chức khóa tu mùa hè lan nhanh, thật nhanh, thật xa.
Kết thúc bài viết tôi muốn ghi lại cảm nhận của em Lê Việt Anh - sinh viên Học viện Chính sách và Phát triển - thành viên CLB yêu sách Thái Hà, 1 trong 5 bạn đã đi cùng tôi tham gia hỗ trợ khóa tu này.
“Tôi tự hỏi: Điều gì đọng lại sau chuyến đi này? Đó chính là một môi trường giáo dục thu nhỏ mà chúng tôi đã có dịp chứng kiến. Khóa tu bảy ngày tại chùa Thao Chính cùng sư cô Thích Đàm Hòa, ngôi chùa với kiến trúc hai tầng với những cuộc trò chuyện ngắn cùng những bạn học sinh phổ thông nơi đây về ước mơ và những dự định trong tương lai và những tâm sự chốc lát của sư trụ trì.
Khi mà những sinh viên như chúng tôi còn chưa có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển của đất nước, tôi chỉ biết thầm cám ơn sư cô Thích Đàm Hòa. Giữa miền quê Phú Xuyên, ngoại thành Hà Nội ngôi chùa Thao Chính đã được dựng lên không chỉ nhằm hoàng dương Phật pháp, phổ độ chúng sinh mà còn là góp phần nuôi dưỡng cả đời sống về vật chất và tinh thần của con em địa phương.
Quả thật, chính tôi đã trau dồi cho mình thêm vốn nhận thức, năng lực quan sát, có cơ hội ngắm nhìn những ánh mắt hồn nhiên, vô ưu của các em nhỏ, thêm phần cảm thông với những nỗ lực, trăn trở và sự khó khăn của sư trụ trì trong quá trình trùng tu, xây mới lại ngôi chùa.
Những cảm xúc xin lưu lại trong tâm, để phấn đấu nhiều hơn, mong sau mai này ghé vai gánh vác nước nhà. Tôi nhớ lại lời sư cô Đàm Hòa đã nói: “Sư cô chẳng mong có thể làm được điều gì để thay đổi đất nước Việt Nam này, chỉ mong có thể làm đẹp hơn, tốt hơn, từng chút một”.
Tôi lại tự vấn chính mình: Sư cô Thích Đàm Hòa và biết bao nhiêu người đã và đang nỗ lực góp sức mỗi ngày với hy vọng về một tương lai tươi sáng của thế hệ trẻ Việt Nam, từ những khóa tu mùa hè đến nền giáo dục của một quốc gia,… trong khi đó tôi và những người bạn của mình đang làm gì?”
Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty sách Thái Hà