;
Bài kinh về phép chú tâm dựa vào hơi thở
Anapanasati Sutta (MN 118, PTS M iii 78)
và những biến đồi trong Giáo Huấn của Đức Phật qua dòng Lịch Sử
Lời giới thiệu của người chuyển ngữ
Trong cuộc sống thường nhật chúng ta luôn bị bủa vây bởi những sự biến động của thế giới hiện tượng, nói một cách khác là bị thu hút và chi phối bởi bản chất vô thường của chính sự sống.
Trong thế giới đó - gồm chung tâm thức và cả thân xác của chính mình - các hiện tượng liên tục hiện lên và biến mất. Những gì liên quan đến thân xác và ngoại cảnh thì nào là ốm đau, khỏe mạnh, người thân, kẻ thù, bạn hữu, lợi lộc, được thua, danh vọng, mất mát, công ăn việc làm, sinh hoạt xã hội, giải trí, tiệc tùng, đình đám, súng đạn, cướp bóc, khủng bố, tai ương, thảm họa, sát nhân, tín ngưỡng, chính trị, lễ lạc, cầu xin, ma chay, cưới hỏi, sinh đẻ, v.v...
Bên trong tâm thức thì nào là lo buồn, sợ hãi, hy vọng, tiếc nuối, si mê, thương yêu, thất vọng, hạnh phúc, ghen tuông, khổ đau, hận thù, giận dữ, mưu mô, tính toán, v.v... Tất cả những thứ ấy thay phiên nhau diễn ra trong cuộc sống hằng ngày, không buông tha chúng ta một giây phút nào cả.
Các thứ xúc cảm bấn loạn hiện ra trong tâm thức và những biến động không ngừng trong bối cảnh chung quanh là nguyên nhân sâu xa nhất mang lại mọi thứ lo buồn và khổ đau. Thế nhưng chúng ta thì lại cứ nghĩ rằng mình có thể thích ứng được với mọi cảnh huống, cải thiện được số phận mình, biến cải được cục diện bên ngoài, chủ động được các xúc cảm và tư duy trong nội tâm, hoạch định đúng đắn được mọi ý đồ, tìm được hạnh phúc và những thú giải khuây, những phút vui nhộn.
Nghĩ cho cùng thì tất cả những cố gắng đó cũng chỉ là cách mà mình vật lộn với khổ đau mà thôi - ít nhất là theo quan điểm của Phật giáo. Chúng ta nào có khác gì con mồi của mọi thứ bất toại nguyện, phải sống trong một hoàn cảnh lúc nào cũng căng thẳng và lệ thuộc; những thoáng hạnh phúc hay vui sướng nếu có, thì cũng chỉ là hời hợt, giả tạo và tạm bợ mà thôi. Vậy phải làm thế nào để tìm một lối thoát tốt đẹp nhất cho mình trong bối cảnh biến động không ngừng đó của thế giới hiện tượng?
Vào một đêm trăng rằm cách nay hơn 2500 năm, một vị hoàng tử đã từ bỏ gia đình, danh vọng cùng những thứ hạnh phúc phù du, và Ngài đã tìm được một giải pháp giúp mình thoát ra khỏi cái thế giới trói buộc đó, mang lại cho mình một sự Tự Do đích thật và tuyệt đối.
Thế nhưng Ngài quyết tâm không thụ hưởng sự Tự Do đó một mình mà đã hy sinh phần còn lại của kiếp nhân sinh cuối cùng của mình để hệ thống hóa sự khám phá đó, biến nó trở thành một Con Đường quang đãng, giúp mọi người bước theo vết chân mình hầu cùng nhau chia sẻ bầu không gian Tự Do đó.
Qua không biết bao nhiêu thế hệ, Con Đường ấy đã từng giúp không biết bao nhiêu người thoát khỏi những khổ đau của mình, và ngày nay chúng ta vẫn còn tiếp tục được thừa hưởng. Con Đường ấy thật nhẹ nhàng, sâu xa và hiệu nghiệm, nhất là bất cứ ai cũng có thể bước theo.
Trên con đường đó, chúng ta không cần đến vũ khí để tự vệ, bởi vì kẻ thù nếu có thì không ai khác hơn là chính mình. Chúng ta cũng không cần đến một thứ chủ nghĩa hay thể chế chính trị nào khích động hay cổ vũ mình; cũng không cần phải ngoan ngoãn hay van xin một đấng thiêng liêng nào.
Hành trang duy nhất mà mình mang theo trên Con Đường đó chỉ vỏn vẹn là sự ý thức sâu xa về những khổ đau của mình và kẻ khác, và nếu muốn bước đi nhanh hơn nữa thì cũng nên gói ghém mang theo với mình một tấm lòng từ bi vô biên, một ý chí sắt đá và một tinh thần phi-bạo-lực thật sâu xa và không hề lay chuyển.
Trên dòng lịch sử nhân loại, ngoài Đức Phật cũng từng có rất nhiều các vị thầy đã vạch ra những con đường khác. Thế nhưng dường như tất cả các con đường của các vị ấy đưa ra đều liên hệ và tương quan với thế giới hiện tượng, dù cho các con đường ấy có nhắm vào một cõi thật cao tận trên trời cũng vậy.
Cái thế giới ấy chỉ là một cách nói lên sự yếu đuối, mong cầu và thèm khát, phản ảnh những sự thúc dục bản năng của con người. Dù các thế giới ấy, các con đường ấy thuộc bối cảnh bên ngoài hay bên trong tâm thức thì tất cả cũng chỉ là hiện tượng. Những đoàn người ra đi đã gặp nhau trên những nẻo đường đó, để rồi bất đồng chính kiến với nhau, sinh ra hận thù, mang lại không biết bao nhiêu đau thương và đổ vỡ.
Thật vậy dấn thân vào những con đường trong thế giới hiện tượng - dù là bước theo hướng nào cũng vậy - đều sẽ đưa chúng ta vào những cuộc phiêu lưu đau thương bất tận không bao giờ chấm dứt.
Trái lại Con Đường mà Đức Phật vạch ra cho chúng ta trông thấy là một Con Đường ngược chiều với sự xoay vần và đảo điên của thế giới hiện tượng, đưa chúng ta trở về với chính mình. Con Đường đó nằm trong tâm thức mỗi con người và thuộc vào tầm tay của tất cả mọi người.
Trong rất nhiều bài kinh, Đức Phật đã chỉ cho chúng ta thấy Con Đường đó và giải thích cho chúng ta hiểu là phải làm thế nào để đi trọn Con Đường đó. Trước khi tịch diệt, hơn một lần, Ngài cũng đã nhắc lại với chúng ta về Con Đường đó:
- "Hãy nương tựa vào chính mình, tự xem mình là ngọn đuốc soi đường cho mình, là nơi an trú cho mình"
- "Hãy tự xem mình là một hòn đảo, một nơi an trú cho mình, không bất cứ ai có thể làm nơi an trú cho mình được"
(Kinh Đại-bát Niết-bàn bằng tiếng Pa-li, Trung Bộ Kinh, DN 16, xin nhắc thêm là bản kinh này cũng có một phiên bản khác bằng tiếng Phạn trước tác về sau này vào thế kỷ thứ I)
Thật hết sức rõ ràng là Con Đường mà Đức Phật vạch ra cho chúng ta bước theo không ở một nơi nào cả trong vũ trụ, mà ở trong tâm thức của mỗi người chúng ta. Nếu đi tìm Con Đường ấy ở bên ngoài thì nó sẽ rất xa và cũng chỉ là một thứ ảo giác, phát sinh từ trí tưởng tượng và được nuôi dưỡng bởi các thứ bản năng sâu kín của mình mà thôi. Nếu Con Đường nằm trong tâm thức mình thì nó sẽ rất gần, bởi vì điểm khởi hành và mức đến cũng chỉ là một điểm duy nhất mà thôi.
Thế nhưng tâm thức thì cũng là cả một thế giới, tràn ngập bởi vô số các thứ tư duy, xúc cảm và tác ý: lo buồn, sợ hãi, yêu thương, hạnh phúc, ghen tuông, hy vọng, tính toán, v.v., như đã được nói đến trên đây. Các thứ xúc cảm đó che khuất tâm trí không cho chúng ta trông thấy Con Đường, vì thế nếu cứ đuổi bắt những thứ ấy, tức là những gì hiện lên và biến mất bên trong nội tâm mình, thì cũng chẳng khác gì chạy theo các sự biến động trong thế giới bên ngoài.
Vậy phải làm thế nào để trông thấy được Con Đường bị che khuất phía sau những thứ xúc cảm luôn dấy lên trong tâm thức mình và bên ngoài là các hiện tượng trong thế giới luôn mê hoặc và tấn công mình từ mọi hướng?
"Bài kinh về phép chú tâm dựa vào hơi thở" (Trung Bộ Kinh, MN 118) được chuyển ngữ dưới đây là một trong số rất nhiều bài kinh mà Đức Phật đã trực tiếp nêu lên và thuyết giảng về Con Đường đó. Ngoài ra cũng có một bài kinh khác khá tương tự với bài kinh này là "Bài kinh về phép chú tâm tỉnh giác" còn gọi là "Kinh Niệm Xứ" hay "Kinh Tứ Niệm Xứ" (Trung Bộ Kinh, MN 10).
Thật ra cả hai bài kinh này đều bổ sung cho nhau và cùng nói đến Con Đường trên đây với mục đích giúp mỗi người trong chúng ta trở về với chính mình, với tâm thức mình, để an trú nơi hòn đảo của chính mình.
Qua 2 500 năm đã có không biết bao nhiêu người thành công trong mục đích đó, tức là tự mình làm đuốc soi đường cho mình. Soi đường ở đây không có nghĩa là để bước đi đâu cả mà đơn giản chỉ là một cách giúp mình trông thấy (bodhi/giác ngộ) và ý thức được là phải dừng lại (nirodha/đình chỉ) đúng lúc và kịp thời, không lao mình vào thế giới hiện tượng nữa.
Thế nhưng sau này người ta lại thường gọi lối thoát đơn giản đó bằng một thuật ngữ khá cầu kỳ và mới lạ là "thiền định" (jhana, dhyana, samadhi, Chan-na, Zen, Thiền, Thiền-na, meditation, v.v…) và đưa ra rất nhiều cách giải thích cũng như các phương pháp luyện tập thật đa dạng và khác biệt nhau. Vậy con đường luyện tập cụ thể và thiết thực đó mà ngày nay các tông phái và học phái Phật giáo gọi là "thiền định" thật sự là gì?
Thắc mắc này có vẻ rất quen thuộc nhưng cũng thật bất ngờ, bởi vì có một số người tự nhận mình là Phật tử nhưng lại không hề biết đến phép luyện tập này, và cũng không hề bận tâm tìm hiểu xem đấy là gì. Trong khi đó một số khác trên dòng lịch sử phát trển của Phật giáo kể cả ngày nay, thì lại cho rằng mình biết "rất nhiều", đứng ra giảng dạy, đề nghị nhiều phương pháp và đường hướng tu tập thật đa dạng, nhưng cũng hết sức phức tạp, đưa đến sự hình thành của nhiều học phái và chi phái khác nhau, gọi chung là "Thiền Tông".
Thật vậy, trên dòng lịch sử phát triển của Phật giáo nói chung có nhiều tông phái và học phái không xem thiền định là một kỹ thuật luyện tập chủ yếu và có xu hướng biến Giáo Huấn của Đức Phật trở thành một tôn giáo với các nghi lễ đầy màu sắc.
Trái lại một số các tông phái và học phái khác thì lại đề cao một cách quá đáng phương pháp luyện tập thiền định, khiến đôi khi có thể che lấp cả cứu cánh của nó chính là sự Giác Ngộ và Giải Thoát.
Có hai nguyên nhân chính yếu đưa đến tình trạng đa dạng và phức tạp trên đây. Nguyên nhân thứ nhất liên quan đến lãnh vực nội tâm: thiền định là một một phương pháp nội quán (introspection), dựa vào các kinh nghiệm cảm nhận trong tâm thức của mỗi cá thể, do đó thật hết sức khó để kiểm chứng và so sánh các kinh nghiệm và các sự cảm nhận mà mỗi cá nhân trải nghiệm qua.
Vì thế thật khó hình dung ra một phương pháp duy nhất thích nghi và hiệu quả cho tất cả mọi người, và đó chính là lý do đã làm phát sinh ra không biết bao nhiêu thể loại thiền định.
Nguyên nhân thứ hai là sự chuyển động của môi trường bên ngoài: mọi hiện tượng trong thế giới đều biến đổi không ngừng qua không gian và thời gian. Giáo Huấn của Đức Phật là một hiện tượng, mà đã là hiện tượng thì không sao tránh khỏi được vô thường, nên cũng đã không ngừng tiến hóa hầu thích nghi với các nền tư tưởng và văn minh khác nhau cùng các trình độ tiến bộ xã hội khác nhau.
Lấy một thí dụ điển hình là cách nay hơn mười thế kỷ, một đưởng hướng tu tập của Thiền Tông Trung Quốc gọi là "Nam Phái" chủ trương "trực chỉ chân tâm, kiến tánh thành Phật", trong khi đó thì một số các khoa học gia, bác sĩ và các nhà giáo dục Tây Phương ngày nay lại biến thiền định thành một phương pháp chữa trị bệnh tật, hoặc giúp trẻ em chú tâm hơn vào việc học hành.
Trước tình trạng đa dạng đó nếu muốn tìm hiểu những gì do Đức Phật giảng dạy thì không có cách nào khác hơn là phải trở về với các bài kinh nguyên thủy bằng tiếng Pa-li trong Kinh Tạng, và đấy cũng là chủ đích của bản dịch bài kinh Anapanasati Sutta/Bài kinh về phép chú tâm dựa vào hơi thở dưới đây.
Nội dung của bài kinh trực tiếp nêu lên một trong các kỹ thuật luyện tập cụ thể và thiết thực nhất về thiền định, đó là sự chú tâm thật mạnh dựa vào hơi thở.
Bài kinh này được dịch sang các ngôn ngữ Tây Phương với rất nhiều phiên bản khác nhau, trong khi đó các bản Việt dịch dường như khá hiếm hoi. Ngoài bản dịch "chính thức" của Hòa Thượng Thích Minh Châu trong Đại Tạng Kinh (tập III, tr. 249-264) với tựa là "Kinh Nhập tức, Xuất tức niệm", thì chỉ thấy một bản dịch khác đã được rút ngắn của thiền sư Thích Nhất Hạnh là "Kinh Quán Niệm Hơi Thở".
Ngoài ra cũng thấy có một vài bản dịch khác nhưng thật ra cũng chỉ là bản dịch của Hòa Thượng Thích Minh Châu với một vài hiệu đính nhỏ. Dầu sao tất cả các bản dịch này đều cho thấy ảnh hưởng nặng nề của Hán ngữ và dường như việc dịch thuật cũng đã được trực tiếp dựa vào các bản tiếng Hán (!).
Mong rằng bản dịch dưới đây có thể đóng góp một chút gì mới mẻ hơn trong việc tìm hiểu một bài kinh thật căn bản và chủ yếu về phép luyện tập sự chú tâm dựa vào hơi thở.
Ngoài ra Bài kinh này còn nêu lên một số chi tiết đáng lưu ý về sự sinh hoạt của Đức Phật và Tăng Đoàn vào thời bấy giờ, các chi tiết này sẽ được trực tiếp giải thích và ghi chú trong bản dịch.
Một số nhận xét quan trọng hơn sẽ được nêu lên trong phần ghi chú bên dưới bản dịch, nhằm nêu lên các sự chuyển hướng và một số các biến đổi quan trọng trong Giáo Huấn của Đức Phật xuyên qua không gian và thời gian, đưa đến sự hình thành của các tông phái và học phái khác nhau.
Trên dòng phát triển đó, Giáo Huấn của Đức Phật đã từng thử thách cũng như hòa mình với không biết bao nhiêu nền văn hóa, tư tưởng và truyền thống xã hội rất khác biệt nhau. Dòng phát triển đó phản ảnh cả một cuộc "phiêu lưu" vô cùng ngoạn mục và kỳ thú.
Một vài nhận xét và ghi chú dưới đây là nhằm phác họa lại cuộc du hành đó hầu mang lại một tầm nhìn bao quát hơn về một Con Đường tâm linh đã từng vượt qua không biết bao nhiêu khúc quanh, thăng trầm và thử thách của lịch sử nhân loại suốt hơn 25 thế kỷ, và ngày nay đang đặt chân vào thế giới Tây Phương đầy hứa hẹn.
Hơn nữa trong suốt cuộc phiêu lưu đó, Phật giáo hậu Giáo Huấn của Đức Phật cũng đã từng khám phá ra nhiều điều mới lạ mang lại một vài đổi mới, giúp cho Phật giáo thích ứng với mọi hoàn cảnh xã hội và các cấp bậc tiến hóa trong các lãnh vực tư tưởng, văn minh và xã hội con người.
Trước khi lật lại những trang sử, những kỷ niệm cũng như những khám phá kỳ thú trong cuộc phiêu lưu kéo dài hơn 2 500 năm trên đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu dưới đây một phương pháp biến cải tâm linh vô cùng thiết thực đã có từ ngàn năm mà ngay nay hàng triệu người trên khắp hành tinh này vẫn còn tiếp tục mang ra luyện tập.
Bài kinh về phép chú tâm dựa vào hơi thở
Mindfulness of Breathing
Anapanasati Sutta
(Trung Bộ Kinh MN 118, PTS M iii 78)
Tôi từng được nghe như vầy, lúc bấy giờ Đấng Thế Tôn đang ngụ tại thị trấn Savatthi (Xá-vệ, kinh đô của xứ Kosala/Kiều-tát-la một trong sáu đô thị lớn nhất trong thung lũng sông Hằng vào thời đại của Đức Phật, ngày nay thuộc tiểu bang Uttar Pradesh), nơi khu vườn phía đông, tại trang viên của bà mẹ vị Migara (bà mẹ của vị Migara - Migaramata - là một cư sĩ dòng dõi hoàng tộc, rất nhiệt thành và gương mẫu, được Đức Phật xem là đứng hàng đầu trong Tăng Đoàn nữ giới.
Bà sống đến 120 tuổi), cùng với các đại đệ tử kỳ cựu và nổi tiếng - chẳng hạn như ngài Sariputra (Xá-lợi-phất), ngài Maha-Moggallana (Ma-ha Mục-kiền-liên), ngài Maha-Kassapa (Ma-ha Ca-diếp), ngài Maha-Kaccana (xuất thân từ một gia đình quyền quý Bà-la-môn, từng đảm trách các nghi lễ của tôn giáo này trong triều đình của vua Candapajjota tại kinh đô Avanti. Vua Candapajjota nghe tin Đấng Thế Tôn đang ngụ tại Savatthi, bèn sai Maha Kaccana cùng với bảy vị khác đến đây để thỉnh Đấng Thế Tôn đến viếng kinh đô Avanti.
Sau khi đến Savatthi và được nghe Đấng Thế Tôn thuyết giảng, tất cả tám người trong phái đoàn đều xin được làm đệ tử của Ngài), ngài Maha-Kotthica (một đại đệ tử của Đức Phật, rất uyên bác về luận lý học, trong Tăng Nhất Bộ Kinh, AN I, 24 có nói đến vị này), ngài Maha-Kappina (một đại đệ tử của Đức Phật đã đạt được cấp bậc Arahant/A-la-hán. Kinh Jataka/Bổn sanh kinh có nói đến vị đệ tử này), ngài Maha-Cunda (Ma-ha Thuần-đà, một đại đệ tử, em của Xá-lợi-Phất, nói đến trong nhiều bài kinh như Tăng Nhất Bộ Kinh AN 6.46, Tương Ưng Bộ Kinh, SN 1.5, v.v.., vị này không phải là người thợ kim hoàn hay thợ rèn (?) cũng mang tên Cunda/Thuần đà nói đến trong Kinh Đại-bát Niết-bàn), ngài Revata (Lý-bà-đa, em út của Xá-lợi-phất, một đại đệ tử của Đức Phật đã đạt được cấp bậc Arahant/A-la-hán), ngài Ananda (A-nan-đà, đệ tử hầu cận và phụ tá Đức Phật), cùng đông đảo các đệ tử lão thành và nổi tiếng khác (bài kinh thuật lại sự hiện diện của các đệ tử uyên bác và nổi tiếng trong Tăng Đoàn trong buổi thuyết giảng này của Đức Phật là có ý nêu lên tính cách xác thực của bài kinh.
Trong lần kết tập thứ nhất tổ chức chín tháng sau khi Đức Phật tịch diệt, một số lớn các đệ tử trên đây đều có mặt như là các nhân chứng cho sự xác thực của bài kinh này, chỉ trừ hai vị Sariputra và Moggalana đã tịch diệt trước Đức Phật không lâu).
Vào dịp này các tỳ-kheo lão thành đứng ra đảm trách việc giảng dạy và chỉ dẫn. Vài vị thuyết giảng và chỉ dẫn một nhóm khoảng mười tân tỳ-kheo; vài vị khác thuyết giảng và chỉ dẫn một nhóm khác khoảng hai mươi tân tỳ-kheo; vài vị khác thuyết giảng và chỉ dẫn một nhóm khác khoảng ba mươi tân tỳ-kheo; vài vị khác thuyết giảng và chỉ dẫn một nhóm khác khoảng bốn mươi tân tỳ-kheo.
Được các vị tỳ-kheo lão thành giảng dạy và chỉ dẫn, các tỳ-kheo mới gia nhập dần dần đạt được các cấp bậc nhận thức thật tuyệt vời (cách mô tả trên đây cho thấy bầu không khí giảng dạy và học hỏi rất hăng say giữa các tỳ-kheo kỳ cựu và các tỳ-kheo mới gia nhập Tăng Đoàn).
Cũng vào dịp này và cũng đúng vào ngày rằm Uposatha, tức ngày mười lăm trăng tròn, và cũng là ngày lễ Pavarana (Uposatha nguyên nghĩa là ngày "Rằm" và cũng là ngày quan trọng nhất trong tháng đối với Phật giáo vì là ngày Đức Phật đạt được Giác Ngộ. Trong mỗi tháng ngày trăng tròn Uposatha là ngày lễ, và lễ này có thể kéo dài từ một đến bốn ngày.
Trong các ngày này người tu tập tại gia phải giảm bớt các công việc chân tay hầu để thì giờ chăm lo cho đời sống tinh thần, chẳng hạn như phải giữ gìn giới luật nghiêm túc hơn, nếu nguyện giữ năm giới thì trong các ngày này phải giữ tám giới, và phải lên chùa lễ Phật.
Người xuất gia nơi tu viện và chùa chiền - vào thời Đức Phật là các hang động hoặc các nơi tạm trú do ngưởi thế tục dựng lên giúp những người "từ bỏ" gia đình che mưa che nắng - thì phải làm lễ sám hối, nhằm tự cảnh giác và nhắc nhở nhau về việc giữ gìn giới luật. Lễ sám hối thật ra chỉ là một buổi họp, mọi người luân phiên xướng lên các giới luật và tự kiểm thảo, mỗi người phải ôn lại từng tư duy, xúc cảm, tác ý, ngôn từ và hành động của mình xem có phạm vào giới luật nào hay không?
Trong năm thì mỗi ngày rằm đều mang một tên gọi riêng, và tên gọi này cũng được dùng để gọi mỗi tháng, hoặc để gọi các dịp lễ trùng hợp với các ngày rằm ấy. Thí dụ trong bản kinh trên đây có nói đến ngày rằm Pavarana, là ngày rằm cuối cùng đánh dấu ngày chấm dứt của mùa kiết hạ, nghĩa từ chương của chữ này là "Ước nguyện được viên mãn".
Ngày rằm tiếp theo sau đó tức là của tháng thứ tư sau ba tháng kiết hạ là ngày rằm Komudi, trùng hợp với lễ Kathina còn gọi là lễ Dâng Y), Đấng Thế Tôn ngồi ngoài trời, vây quanh là Tăng Đoàn. Nhìn các tỳ-kheo đang yên lặng lắng nghe, Đấng Thế Tôn cất lời với họ như sau:
"Này các tỳ-kheo, Ta thật hài lòng với phép luyện tập này, Ta rất mãn nguyện từ trong thâm tâm về phép luyện tập này. Vậy các tỳ-kheo cũng nên kiên trì và hăng say mang ra thực hành, hầu thấu triệt những gì chưa thấu triệt, đạt được những gì chưa đạt được, thực hiện những gì chưa thực hiện được. Ta sẽ còn lưu lại thị trấn Savatthi này thêm một tháng đến ngày Rằm "Hoa sen trắng", tức là hết tháng thứ tư [sau ba tháng kiết hạ] của mùa mưa này".
(Theo trong nguyên bản tiếng Pa-li thì Đức Phật nói như sau: “Ta sẽ lưu lại đến ngày lễ Komudi". Chữ Komudi do chữ kumuda mà ra và có nghĩa là "hoa sen trắng", nhiều bản dịch sang các ngôn ngữ Tây Phương gọi là tháng "hoa súng trắng/white waterlily", lý do có thể là vì người Tây Phương thường không phân biệt được giữa hoa súng và hoa sen.
Ngày lễ Komudi cũng là ngày rằm của tháng "thứ tư" sau ba tháng kiết hạ, tức là tháng "thứ tư" sau ba tháng mùa mưa, khoảng tháng 10 hay 11 Dương Lịch. Trong bản Việt dịch của Hòa Thượng Thích Minh Châu thì câu này được dịch như sau: "Ta sẽ ở đây, tại Savatthi cho đến tháng tư, lễ Komudi...". Bản dịch của thiền sư Thích Nhất Hạnh thì tóm lược câu này như sau: "Bây giờ đây, đã đến ngày trăng tròn tháng tư...". Cả hai câu dịch này không được chính xác, vì tháng tư chưa đến mùa mưa trong thung lũng sông Hằng, nơi này có khí hậu gió mùa tương tự như miền Nam Việt Nam, do đó không thể nào là sau mùa kiết hạ được.
Tất cả các bản dịch sang các ngôn ngữ Tây Phương đã được tham khảo đều dịch là tháng thứ tư. Ngoài ra theo câu dịch của thiền sư Thích Nhất Hạnh thì Đức Phật cho biết "...đã đến ngày rằm tháng tư" có nghĩa là đã quá mùa kiết hạ một tháng. Thế nhưng Đức Phật nói lên câu trên đây vào dịp lễ Pavarana, và cũng là ngày rằm cuối cùng của mùa kiết hạ, là để thông báo với Tăng Đoàn là mình sẽ lưu lại Savatthi thêm một tháng sau ba tháng kiết hạ.
Quyết định này của Đức Phật đã tạo ra một tiền lệ và sau đó đã trở thành một tục lệ là lễ Kathina còn gọi là lễ Dâng Y - sẽ giải thích thêm trong phần ghi chú dưới đây. Trong đoạn kinh trên đây Đức Phật cho biết về tầm quan trọng của bài kinh mà mình sẽ giảng và thông báo quyết định của mình sẽ lưu lại Savatthi thêm một tháng).
[Các bài kinh nguyên thủy là các bài giảng truyền khẩu, do đó thường mang tính cách liên tục, không ngắt ra từng phân đoạn, do đó rất khó theo dõi. Các dịch giả Tây Phương thường phân đoạn các bài kinh và đặt thêm các tiểu đề nhằm giúp người đọc dễ theo dõi hơn. Bản dịch dưới đây mượn cách phân đoạn và các tiểu đề trong các bản dịch của các nhà sư Bhikkhu Thanissaro, Bhikkhu Nanamoli và Bhikkhu Bodhi]
Đức Phật và Tăng Đoàn
Các tỳ-kheo khắp nơi trong xứ sau khi nghe tin: 'Đấng Thế Tôn sẽ lưu lại Savatthi trọn tháng "Hoa sen trắng" (Komudi), có nghĩa là hết tháng thứ tư sau ba tháng mùa mưa', bèn rủ nhau kéo đến Savatthi để đích thân được gặp Đấng Thế Tôn. Các đệ tử lão thành (các đệ tử kỳ cựu và uyên bác thường xuyên bên cạnh Đức Phật cũng ở lại theo) lại tiếp tục thay nhau thuyết giảng và chỉ dẫn [cho các tỳ-kheo mới kéo đến], hăng say hơn cả trước đây.
Vài vị trong số họ thuyết giảng và chỉ dẫn cho khoảng mười tỳ-kheo, vài vị khác thuyết giảng và chỉ dẫn cho một nhóm khác khoảng hai mươi tỳ-kheo, vài vị khác thuyết giảng và chỉ dẫn cho một nhóm khác khoảng ba mươi tỳ-kheo, vài vị khác thuyết giảng và chỉ dẫn cho một nhóm khác khoảng bốn mươi tỳ-kheo. Được các vị tỳ-kheo lão thành giảng dạy và chỉ dẫn các tỳ-kheo mới đến đạt được các cấp bậc nhận thức cao hơn trước.
Vào dịp này - tức ngày rằm Uposatha và cũng là ngày mười lăm trăng tròn trong tháng "Hoa sen trắng" (Komudi), tức là ngày rằm của tháng thứ tư sau ba tháng mùa mưa - Đấng Thế Tôn ngồi ngoài trời - vây quanh là Tăng Đoàn. Nhìn vào toàn thể Tăng Đoàn đang yên lặng lắng nghe, Đấng Thế Tôn cất lời với họ như sau:
"Này các tỳ-kheo, trong buổi họp này không được ba hoa những chuyện vô ích, phải loại bỏ những chuyện phù phiếm, nhất thiết chỉ bàn thảo với nhau về những gì tinh khiết và cốt lõi (trong nguyên bản tiếng Pa-li là chữ "sara", có nghĩa là phần lõi rắn chắc, chẳng hạn như "lõi" của một "thân cây") mà thôi: một Tăng Đoàn như vậy mới đúng là một Tăng Đoàn, một buổi họp như vậy mới đúng là một buổi họp.
Một Tăng Đoàn như vậy mới đúng là một món quà xứng đáng, một sự chăm lo xứng đáng, một sự hiến dâng xứng đáng, một sự kính trọng xứng đáng, đấy là cách tạo ra cho thế giới này một bầu không gian đạo đức không có gì sánh bằng: đấy chính là Tăng Đoàn trong buổi họp hôm nay.
Dù buổi họp chỉ là một món quà nhỏ bé, thế nhưng khi mang ra để hiến dâng thì nó sẽ trở thành to tát hơn, khi đã trở thành to lớn hơn thì nó sẽ còn tiếp tục trở thành to lớn hơn nữa: đấy chính là Tăng Đoàn trong buổi họp hôm nay.
Một buổi họp như thế quả khó tìm thấy trên thế gian này: thế nhưng đấy cũng chính là buổi họp của Tăng Đoàn ngày hôm nay. Một buổi họp như thế quả hiếm hoi trong thế giới này, phải mang theo lương thực và ra đi nghìn dặm mới mong tìm thấy nó" (phải chăng vào thế kỷ thứ VII nhà sư Xuanzang/Huyền Trang phải lặn lội sang Ấn Độ, và sau đó vào các thế kỷ XVIII và XIX những người Tây Phương đóng tàu ra đi nghìn dặm để xâm chiếm thuộc địa, đã khám phá ra món quà vô giá lưu lại từ một buổi họp cách nay hơn hai mươi lăm thế kỷ? Dưới một góc nhìn khác thì những lời giảng trên đây phải chăng cũng là những lời báo trước của Đức Phật về sự trường tồn và lớn mạnh của Giáo Huấn của mình sau này, dù phải trải qua không biết bao nhiêu thử thách?).
Các cấp bậc giải thoát
Cấp bậc Arahant (A-la-hán)
"Trong Tăng Đoàn này có những tỳ-kheo đã đạt được thể dạng Arahant/A-la-hán, những gì luân lưu trong tâm thức họ đã dừng lại, họ đã hoàn tất những gì cần phải làm, đã đặt cái gánh nặng ấy xuống, đã đạt được mục tiêu đích thật, đã cắt đứt được các mối dây xiềng xích của sự hình thành, đã đạt được sự giải thoát bằng sự nhận thức đúng đắn: đấy cũng chính là các tỳ-kheo trong Tăng Đoàn này.
Cấp bậc Anagami hay "Bất Lai" (còn gọi là A-na-hàm)
"Trong Tăng Đoàn này có các tỳ-kheo đã hoàn toàn loại bỏ được năm thứ gông cùm đầu tiên (tức là 5 nguyên nhân trói buộc sơ đẳng nhất: 1- tin vào cái ngã hay "cái tôi"/sakkaya-ditthi; 2- nghi ngờ, không nhận thấy được giá trị siêu việt của Đạo Pháp/vicikiccha; 3- tin tưởng và bám víu vào màu mè, lễ lạc/silabbata-paramata; 4- thèm khát dục tính/kama-raga; 5- thù ghét/vyapada), và họ sẽ được tái sinh [vào các cõi tinh khiết], không còn phải quay lại với thế giới này nữa: đấy cũng chính là các tỳ-kheo trong Tăng Đoàn này.
Cấp bậc Sakadagami hay "Chỉ còn quay lại thêm một lần" (Tư-đà-hoàn/Nhất lai)
"Trong Tăng Đoàn này có các tỳ-kheo đã hoàn toàn loại bỏ được ba thứ gông cùm [đầu tiên] (các tỳ-kheo ở cấp bậc Anagami/Bất lai nói đến trên đây đã loại bỏ được tất cả năm thứ gông cùm hay xiềng xích, trái lại trong cấp bậc kém hơn là Sakagami này - tức còn phải tái sinh thêm một lần nữa - thì người tỳ-kheo chỉ loại bỏ được ba thứ gông cùm đầu tiên: còn tin vào sự hiện hữu của cái tôi, chưa tin tưởng một cách vững chắc vào con đường Đạo Pháp, vẫn còn bám víu vào lễ lạc), tuy nhiên họ cũng đã làm giảm bớt được các sự thèm khát (bám víu), ghét bỏ và "ảo giác" (các ảo tưởng), nhờ đó dù họ có phải quay lại với thế giới này thì cũng chỉ thêm một lần, bởi vì [sau đó] họ sẽ hội đủ khả năng làm cho mọi thứ khổ đau phải chấm dứt: đây cũng chính là các tỳ-kheo trong Tăng Đoàn này.
Cấp bậc Sotapanna hay "Tu-đà-hoàn" (còn gọi là Nhập lưu)
"Trong Tăng Đoàn này có các tỳ-kheo đã hoàn toàn loại bỏ được ba thứ gông cùm [đầu tiên] (đã nói đến trên đây) đã bước vào dòng chảy (có nghĩa là đã ý thức được Đạo Pháp và đã hoàn toàn bước hẳn vào con đường tu tập), đã thật sự quyết tâm, họ sẽ không còn rơi vào những cảnh khổ đau và đã bắt đầu bước hẳn vào con đường đưa đến Giác Ngộ: đấy cũng chính là các tỳ-kheo trong Tăng Đoàn này.
[Trên đây là bốn cấp bậc thành đạt mang lại từ việc tu tập, xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp, kinh sách Hán ngữ gọi là "tứ thánh quả". Tiếp theo dưới đây là các phương pháp và các đường hướng tu tập]
"Trong Tăng Đoàn này có các tỳ-kheo chăm lo luyện tập về bốn lãnh vực chú tâm (thân xác, cảm giác, tâm thức, các hiện tượng tâm thần, kinh sách Hán ngữ gọi là "Tứ niệm xứ". Câu trên đây vô cùng quan trọng, cho thấy là "Bốn lãnh vực chú tâm" hay "Tứ niệm xứ" cũng chỉ là một phương tiện hay một phẩm tính trong số các phẩm tính khác, không phải là cứu cánh của toàn bộ việc tu tập, không nên hiểu rằng thực hiện được "bốn lãnh vực chú tâm" là đã giác ngộ.
Chú tâm hay "chánh niệm" chỉ là giai đoạn đầu tiên mà thôi)..., về bốn nỗ lực đúng đắn (1- cố gắng không làm phát sinh ra các tư duy xấu và vô ích trước khi chúng hiện lên với mình, 2- cố gắng loại bỏ các tư duy xấu và vô ích khi chúng chẳng may đã hiện lên với mình, 3- cố gắng khơi động các tư duy tốt và bổ ích khi chúng chưa hoàn toàn hiện lên với mình, 4- cố gắng duy trì các tư duy tốt và bổ ích khi chúng đã hiện lên với mình. Kinh sách Hán ngữ gọi khái niệm này là "Tứ chánh cần")..., về bốn nền tảng của sự thành công (1- quyết tâm, 2- nghị lực, 3- sự tập trung tâm thần, 4- sự nhận thức. Kinh sách Hán ngữ gọi là "Tứ như ý túc")..., về năm khả năng tâm thần (1- tin tưởng, 2- kiên trì, 3- cảnh giác, 4- giữ sự bình lặng trong tâm thức, 5- sự sáng suốt. Kinh sách Hán ngữ gọi là "Ngũ căn")..., về năm sức mạnh tâm thần (1- sức mạnh của sự tin tưởng, 2- sức mạnh của sự kiên trì, 3- sức mạnh của sự cảnh giác, 4- sức mạnh của sự bình lặng, 5- sức mạnh của sự sáng suốt. Kinh sách Hán ngữ gọi là "Ngũ lực")..., về bảy yếu tố của sự giác ngộ (1- tỉnh giác hay tỉnh thức, 2- học hỏi, 3- nỗ lực, 4- hân hoan, 5- thanh thản, 6- bình lặng, 7- buông xả. Kinh sách Hán ngữ gọi là "Thất giác chi")..., về con đường của tám sự đúng đắn (1- quan điểm đúng, 2- suy nghĩ đúng, 3- ngôn từ đúng, 4- hành động đúng, 5- phương tiện sinh sống đúng, 6- cố gắng đúng, 7- chú tâm đúng, 8- tập trung tâm thần đúng. Kinh sách Hán ngữ gọi là "Bát chánh đạo")...: đấy cũng chính là các tỳ-kheo trong Tăng Đoàn này.
"Trong Tăng Đoàn này có các tỳ-kheo chăm lo luyện tập về tình nhân ái..., lòng từ bi, niềm hân hoan [mang lại từ sự ý thức và kính trọng]..., sự bình thản (kinh sách Hán ngữ gọi chung bốn phẩm tính này là "Tứ vô lượng tâm")..., [sự nhận thức về] sự ô uế [của thân xác]..., [sự nhận thức về] vô thường: đấy cũng chính là các tỳ-kheo trong Tăng Đoàn này.
[Đến đây bài kinh bắt đầu nêu lên phần chủ yếu là phép luyện tập về sự chú tâm tỉnh giác dựa vào hơi thở]
Sự chú tâm tỉnh giác dựa vào hơi thở vào và ra
"Trong Tăng Đoàn này có các tỳ-kheo chuyên cần luyện tập về sự chú tâm tỉnh giác (mindfulness/"chánh niệm") dựa vào hơi thở vào và ra.
"Sự chú tâm tỉnh giác dựa vào hơi thở vào và ra nếu được phát huy và duy trì thường xuyên sẽ mang lại các kết quả to lớn và nhiều lợi ích. Sự chú tâm tỉnh giác dựa vào hơi thở vào và ra nếu được phát huy và duy trì thường xuyên sẽ giúp thực hiện được "Bốn lãnh vực chú tâm" (còn gọi là "Tứ niệm xứ" trong các kinh sách Hán ngữ, gồm: chú tâm vào thân xác, cảm giác, tâm thức và các hiện tượng tâm thần. Khái niệm này được nêu lên trong bài kinh về "Sự chú tâm tỉnh giác"/Satipatthana Sutta, Trung Bộ Kinh MN.10) ở cấp bậc tột đỉnh.
"Bốn lãnh vực chú tâm" nếu được phát huy và duy trì thường xuyên sẽ mang lại "Bảy yếu tố của sự Giác Ngộ" (Thất giác chi/Bojjhanga) ở cấp bậc tột đỉnh. "Bảy yếu tố của sự Giác Ngộ" nếu được phát huy và duy trì thường xuyên sẽ mang lại "Sự hiểu biết minh bạch" (Trí tuệ) và sự "Giải Thoát" ở cấp bậc tột đỉnh.
"Vậy phải làm thế nào để phát huy và duy trì sự chú tâm dựa vào hơi thở vào và ra, hầu mang lại "Bốn lãnh vực chú tâm" ở cấp bậc tột đỉnh?
"Đấy là trường hợp người tỳ-kheo tìm một nơi vắng vẻ, dưới bóng cây hay trong một túp lều hoang phế, tréo chân ngồi xuống, giữ thân người thật thẳng, tập trung sự chú tâm vào phía trước mặt (tại sao lại phải tìm nơi yên tĩnh, tréo chân và ngồi yên? Chẳng qua là vì ngoại cảnh, thân xác và tâm thức luôn liên hệ với nhau, bối cảnh tĩnh mịch, thân xác bất động sẽ giúp cho tâm thức bớt xao lãng và tập trung dễ dàng hơn). Phát huy sự tỉnh giác mỗi khi hít vào, phát huy sự tỉnh giác mỗi khi thở ra.
1- Khi hít vào dài thì người tỳ-kheo ý thức được: 'Tôi hít vào dài', khi thở ra dài thì cũng ý thức: 'Tôi thở ra dài'.
2- Khi hít vào ngắn thì người tỳ-kheo ý thức được: 'Tôi hít vào ngắn', khi thở ra ngắn thì cũng ý thức được: 'Tôi thở ra ngắn'.
3- Người tỳ-kheo hít vào và tập nhận biết được hơi thở vào ấy trên toàn thân thể, và khi thở ra thì cũng tập nhận biết được hơi thở ra ấy trên toàn thân thể (hô hấp cũng được xem như là một hình thức cảm giác/feeling hay một "sự tạo tác của thân thể"/body fabrication, cảm giác hay sự tạo tác đó tạo ra một sự nhận biết hay cảm nhận trên thân thể).
4- Người tỳ-kheo tập hít vào và ý thức: 'Tôi hít vào hầu làm lắng xuống các sự tạo tác trên thân thể' (chẳng hạn như ngứa ngáy, khó chịu v.v. là các sự tạo tác trên thân thể, chú tâm thật tỉnh giác vào hơi thở sẽ làm giảm bớt các sự tạo tác đó), khi thở ra thì cũng tập ý thức: 'Tôi thở ra hầu làm lắng xuống các sự tạo tác trên thân thể'.
5- Người tỳ-kheo tập hít vào và ý thức: 'Tôi hít vào hầu cảm nhận được sự hân hoan' (rapture, phấn khởi, sung sướng), khi thở ra thì cũng tập ý thức: 'Tôi thở ra hầu cảm nhận được sự hân hoan' (chẳng hạn như nhận thấy là mình đang "sống", đang trao đổi sự sống đó của mình với sự chuyển động của thiên nhiên và vũ trụ.
Sự ý thức đó nói lên sự kính trọng và yêu quý sự sống của mình và của tất cả chúng sinh, phản ảnh sự tương giao và tương kết giữa mình và vũ trụ, sự ý thức đó sẽ mang lại cho mình một niềm vui sướng, thanh thản và thoải mái: hãy liên tưởng đến phẩm tính thứ hai trong số bốn phẩm tính của tâm thức - còn gọi là "Tứ vô lượng tâm" - là "sự hân hoan").
6- Người tỳ-kheo tập hít vào và ý thức: 'Tôi hít vào hầu cảm nhận được sự thích thú' (pleasure/vui thích), khi thở ra thì cũng tập ý thức: 'Tôi thở ra hầu cảm nhận được sự thích thú' (chẳng hạn như cảm nhận được sự êm ái và dễ chịu - mang lại một sự sảng khoái và sức sống qua sự trao đổi giữa các thứ ô nhiễm bên trong thân xác mình với không khí trong lành của vũ trụ chẳng hạn)
7- Người tỳ-kheo tập hít vào và ý thức: 'Tôi hít vào hầu cảm nhận được các sự tạo tác tâm thần' (tức là các tư duy, xúc cảm, tác ý hiện lên trong tâm thức), khi thở ra thì cũng tập ý thức: 'Tôi thở ra hầu cảm nhận được các sự tạo tác tâm thần'.
8- Người tỳ-kheo tập hít vào và ý thức: 'Tôi hít vào hầu làm lắng xuống các sự tạo tác tâm thần', khi thở ra thì cũng tập ý thức: 'Tôi thở ra hầu làm lắng xuống các sự tạo tác tâm thần' (chú tâm tỉnh giác vào hơi thở - "chánh niệm" - sẽ làm lắng xuống các tác động gây ra bởi các sự tạo tác tâm thần, tức là các tư duy, xúc cảm và tác ý đang khuấy động trong tâm thức mình)
9- Người tỳ-kheo tập hít vào và ý thức: 'Tôi hít vào hầu cảm nhận được tâm thức' (tức nhận biết được tâm thức mình đang hiện hữu và vận hành), khi thở ra thì cũng tập ý thức: 'Tôi thở ra hầu cảm nhận được tâm thức'.
10- Người tỳ-kheo hít vào và tập ý thức: 'Tôi hít vào hầu mang lại sự hài hòa (an bình) cho tâm thức', khi thở ra thì cũng tập ý thức: 'Tôi thở ra hầu mang lại sự hài hòa cho tâm thức'.
11- Người tỳ-kheo hít vào và tập ý thức: 'Tôi hít vào hầu mang lại sự vững vàng (bình thản, thăng bằng, không xao động và hoang mang) cho tâm thức', khi thở ra thì cũng tập ý thức: 'Tôi thở ra hầu mang lại sự vững vàng cho tâm thức'.