;
Sách: Bài Kinh Về Đặc Tính Vô Ngã
Thiền sư Mahashi Sayadaw
Người dịch: Diệu Pháp (Sudhamma).
LỜI NGƯỜI DỊCH
Với các bạn trẻ thời nay nghiên cứu Phật pháp và cách thức hành thiền, “những từ ngữ nhà Phật thật là khó hiểu”. Vì lý do này, người dịch chọn dung những lời lẽ đơn giản, mộc mạc, dễ đọc và dễ hiểu trong khi dịch quyển sách nổi tiếng của ngài cố hoà thượng thiền sư Mahasi.
Mong cuốn sách này đến tay các bạn đạo Việt Nam như những hướng dẫn quý báu về cách thức hành thiền Minh Sát, giúp ích cho việc tu tập của các bạn.
Phước báu nào phát sinh trong công việc dịch thuật, xin được hồi hướng đến tất cả chúng sinh. Nguyện những ai chưa có đức tin nay phát niềm tin nơi Tam Bảo. Nguyện tất cả chúng sinh đều hành theo lời chư Phật: làm điều thiện lành, tránh làm điều xấu ác và giữ tâm trong sạch.
Nguyện chúng ta sớm nếm được hương vị giải thoát. Vì là tác phẩm dịch thuật đầu tay, người dịch xin đón nhận mọi ý kiến đóng góp gửi về địa chỉ: dieuphap02@ gmail.com.
Chân thành cảm ơn Tăng Phấn và Bảo Châu đã đánh máy bản thảo.
Diệu Pháp (Sudhammā)
LỜI TỰA
Với các Phật tử thiền sinh, tên tuổi ngài Mahasi không cần phải giới thiệu. Giáo lý và những hướng dẫn hành thiền của Ngài được nhiều người trên thế giới biết đến và hành theo. Ngày nay, Hiệp Hội Phật Pháp Buddhadhamma Foundation trân trọng giới thiệu Bài Giảng Về Đặc Tính Vô Ngã, quyển sách đầu tiên trong một loạt những bài giảng của vị thầy danh tiếng này.
Bản dịch đầu tiên của U Ko Lay đã được hiệp hội Buddhasasana Nuggaha Foundation tại Yangon, Miến Điện in. Giờ đây, bản dịch này được sửa lại cho hoàn chỉnh hơn, những đoạn lặp lại được giảng lược và nhiều thuật ngữ Pāḷi được dịch sang tiếng Anh.
Tuy nhiên, bài giảng vẫn giữ được những chi tiết và có phần lặp lại bởi lẽ đây là những hướng dẫn hành thiền dành cho các thiền sinh đang tham dự khóa thiền tích cực. Chúng tôi hy vọng rằng những quyển sách nầy sẽ giúp nhiều người phương Đông hứng thú hành thiền hơn và muốn tìm hiểu những lời Phật dạy hơn.
Buddhadhamma Foundation Bangkok, Thái Lan
LỜI NÓI ĐẦU
Trong tâm mỗi chúng sinh, những ô nhiễm như tham lam, dính mắc sinh trưởng. Những ô nhiễm này bám vào những đối tượng tiếp xúc nơi sáu căn như hình ảnh đẹp đẽ, quyến rũ…
Khi tham đắm, dính mắc, bám níu có thể phát sinh với bất kỳ đối tượng nào đem đến sự thỏa thích hài lòng, sự dính mắc vào một bản ngã, linh hồn là điều không thể tránh và khó dẹp bỏ.
Với nỗ lực và trí tuệ của mình, các vị Phật Độc Giác (Pacceka Buddha) có khả năng tự loại trừ sự bám níu, dính mắc vào tà kiến về bản ngã. Nhưng các vị không thể hướng dẫn người khác làm như vậy. Chỉ khi có khả năng ngoại hạng chỉ ra sự thật và phẩm chất của bốn sự thật cao thượng (Diệu Đế), ai đó mới có thể giúp dọn sạch những tham ái, dính mắc trong tâm người khác. Không thể làm được điều này, các vị Phật Độc Giác tự thành Phật và nhập Niết Bàn. Không phải là bậc Toàn Giác, các ngài không thể dạy bảo, hướng dẫn ai hành giáo pháp.
Hơn hẳn các vị Phật Độc Giác, vị Phật Toàn Giác (Sammāsambuddha) có khả năng này. Cũng giống như các vị Phật Độc Giác, vị Phật Toàn Giác tự mình hiểu rõ Tứ Diệu Đế, nhưng ngài còn có thể dạy người khác cách thức tu tập để kinh nghiệm Tứ Diệu Đế như mình. Với khả năng này, ngài được gọi là vị Phật Toàn Giác (Chánh Đẳng Chánh Giác).
Đức Phật giảng bài pháp đầu tiên liên quan đến Tứ Diệu Đế cho năm đạo sĩ. Bài pháp Dhammacakkappavattana Sutta này được hiểu là kinh Chuyển Pháp Luân – kinh chuyển bánh xe giáo pháp. Bài kinh này được Đức Thế Tôn giảng vào đêm rằm tháng sáu, tối thứ bảy, đúng hai tháng sau khi ngài đắc đạo.
Đến cuối bài pháp, vị trưởng nhóm tên Kondañña (Kiều Trần Như) trở thành Thánh Nhập Lưu Tu Đà Hườn. Trở thành Thánh Nhập Lưu, ngài loại bỏ được mọi hoài nghi liên quan đến chánh pháp và hiểu biết sai lầm về bản ngã hay thực thể sống (sakkāya diṭṭhi). Nhưng ngài vẫn chưa loại bỏ được ngã mạn. Bốn vị đạo sĩ còn lại vẫn chưa kinh nghiệm được giáo pháp ngoại hạng, một sự chứng ngộ phát sinh từ một loại tâm thức cao.
Vì ngã mạn vẫn còn trong tâm ngài Kondañña và vì Vappa cùng với ba vị trong nhóm năm đạo sĩ này vẫn chưa có được pháp nhãn trong sạch và thuần khiết, Đức Thế Tôn tiếp tục giảng pháp và thúc giục các vị hành thiền Minh Sát quán chiếu và ghi nhận (đề mục).
Nỗ lực hành thiền, các vị lần lượt trở thành Thánh Nhập Lưu, không còn bám níu vào tà kiến sai lầm về bản ngã hay thực thể sống. Ngài Vappa đắc đạo vào ngày mười sáu tháng sáu âm lịch, ngài Bhaddiya đắc đạo vào ngày mười bảy tháng sáu âm lịch, ngài Mahānāma đắc đạo vào ngày mười tám tháng sáu âm lịch và ngài Assaji đắc đạo vào ngày mười chin tháng sáu âm lịch.
Rồi Đức Phật tiếp tục dạy cho nhóm năm vị này bài pháp thứ hai vào ngày thứ năm, hai mươi tháng sáu âm lịch. Lắng nghe Bài Kinh Về Đặc Tính Vô Ngã (Anattalakkhaṇa Sutta) này, các vị đắc đạo quả A La Hán, loại trừ mọi tham dục, luyến ái và ngã mạn. Bài Kinh Về Đặc Tính Vô Ngã, đúng như tên gọi của nó, giảng giải rõ ràng, cặn kẽ học thuyết “vô ngã” vốn đối nghịch với tà kiến tin vào sự hiện hữu của một bản ngã, linh hồn.
Kinh Về Đặc Tính Vô Ngã không dài. Bản gốc được ghi lại trong Hội Nghị Kết Tập Tam Tạng Kinh Điển lần thứ sáu chỉ gắn gọn trong một trang. Bài kinh không nói đến cách thức hành thiền hay quán tưởng, mà chỉ chú trọng nhiều đến bản chất tự nhiên của các pháp.
Do vậy, những ai chưa biết cách thức hành thiền Minh Sát sẽ khó lòng hiểu được bản chất vô ngã mô tả trong bài kinh này. Năm vị đạo sĩ hiểu được điều này bởi vì bài kinh do chính Đức Phật giảng và vì người nghe có sự hiểu biết vững vàng. Nghe bài kinh Chuyển Pháp Luân, không những năm vị này có được trí tuệ chin muồi mà còn đắc được đạo quả Thánh Nhập Lưu. Vì lẽ đó, các vị nhanh chóng đạt đến quả vị A La Hán (sau đó).
Vào thời Đức Phật, với trí tuệ cao và ba la mật đầy đủ như nhóm năm đạo sĩ, các vị có thể thành tựu Thánh đạo và Thánh quả trong khi lắng nghe bài giảng của Đức Phật. Dĩ nhiên là các vị không thể thành tựu đạo quả nếu không hành thiền Minh Sát.
Giáo pháp thâm sâu chỉ có thể kinh nghiệm khi các vị bỏ hết công sức vào việc hành thiền, phát triển được sức định tâm cao và có khả năng quán sát thuần thục. Một số ít người có được trí tuệ cao và đã vun bồi đầy đủ ba la mật trong quá khứ mới có thể thành tựu điều này. Nhiều người không nhanh chóng lĩnh hội được như vậy.
Dù vậy, những người biếng nhác làm ra vẻ hiểu biết nói rằng: “Nếu hiểu được bản chất vô ngã qua các bài kinh, ta chẳng cần hành thiền. Nghe giảng thôi cũng có thể đạt Thánh đạo quả.”
Nghĩ như thế là họ đặt mình ngang hang với các bậc Thánh. Những suy tưởng như thế làm vui lòng những ai lười biếng. Không ít những người tự phong mình là Thánh chỉ nhờ nghe pháp! Trí tuệ hiểu biết vô ngã qua nghe giảng mà không hành thiền không phải là trí tuệ thực sự, không phải là kinh nghiệm thực chứng cá nhân, mà chỉ là loại hiểu biết qua sách vở.
Nếu Thánh đạo quả có thể dễ dàng kinh nghiệm như thế thì có lẽ mọi Phật tử hiểu biết học thuyết vô ngã đều là A La Hán rồi! Nhưng vì những người này không có phẩm chất của một vị A La Hán, họ không phải là A La Hán thật sự. Nhận thấy có những hiểu biết sai lầm như thế, ngài thiền sư Mahasi đã có những hướng dẫn rõ ràng và chi tiết khi giảng giải Bài Kinh Về Đặc Tính Vô Ngã này để đưa mọi người về với chánh đạo.
Bài Kinh Về Đặc Tính Vô Ngã mô tả bản chất và đặc tính vô ngã, nhưng không nói đến các cách thức quán tưởng hay ghi nhận đề mục trong khi hành thiền. Tuy nhiên, trong quyển sách này, các phương pháp quán tưởng được nói đến đầy đủ và cách thức quán tưởng vô ngã dẫn đến chứng ngộ Niết Bàn được giải thích thật cặn kẽ, chi tiết. Bài kinh không được giảng giải tùy hứng mà không dựa theo Chú giải trong kinh điển.
Bài Kinh không được giảng giải bằng cách nói suông, không đề cập đến những kinh nghiệm thiền Minh Sát. Nơi đây, bài kinh được giảng giải dựa trên kinh nghiệm hành thiền và sự hiểu biết có được nhờ hành thiền dưới sự hướng dẫn của vị thầy lỗi lạc và có sự đối chiếu tham khảo kinh điển và Chú giải.
Trong các bài giảng của mình, với long bi mẫn lớn lao, ngài thiền sư giảng chi tiết Bài Kinh Về Đặc Tính Vô Ngã mà Đức Phật giảng ngắn gọn. Khi các bài giảng (của ngài Mahasi) đã được thu âm này được vị thẩm phán nghỉ hưu U Thein Han đánh máy, bản thảo dài đến 420 trang. Khi ông xin phép ngài thiền sư in sách, bản thảo được tóm gọn trong 152 trang, có lẽ vì giấy in khan hiếm.
Hiển nhiên, ngài (Mahasi) rất thành thạo trong việc chọn giảng rộng để làm rõ nghĩa những lời quá ngắn gọn cũng như tóm lược những phần dài dòng. (Trong quyển sách này), không những ngài có thể tóm tắt những đoạn giảng dài trong Bài Kinh Về Đặc Tính Vô Ngã và phương pháp hành thiền Minh Sát, mà ngài còn đưa kinh Chuyển Pháp Luân vào để giảng thêm. Bằng cách này, ngài làm cho người nghe hay người đọc có thể hiểu được giáo pháp ngắn gọn, đem lại lợi lạc cho mọi người.
Khi giảng hay viết sách, ngài chú trọng ý nghĩa hơn là cấu trúc văn phạm. Khi chữ “Bārāṇasiyaṁ” thường được dịch là “ở Benares” vốn chẳng có gì sai, ngài Mahasi dịch là “gần Benares” cho sát nghĩa, vì lúc ấy, Đức Phật tạm trú tại vườn Lộc Uyển gần thành phố Benares.
Dù chú trọng đến ý nghĩa, ngài không vì thế mà bỏ quên phần văn phạm. Ngài quan tâm đến cấu trúc văn phạm nhưng đặc biệt chú trọng đến ý nghĩa. Vì lý do này, bản dịch của ngài không theo sát phương pháp cổ điển. Ngài chú trọng làm rõ ý nghĩa giáo pháp và thẳng thắn nêu lên quan điểm của mình như thế.
Phật tử rất quen thuộc với học thuyết vô thường – khổ – vô ngã (anicca – dukkha – anattā) và họ thường thốt ra những từ như thế. Khi có điều không hay xảy ra, họ thường lẩm bẩm như thế. Như vậy giáo lý vô thường, khổ, vô ngã đã trở nên phổ biến và được nhiều người biết đến, và rõ rang rằng đây là sự hiểu biết qua sách vở hay nghe ai nói.
Trong thực tế, sự thật này khó có thể hiểu biết trọn vẹn, dù nó có vẻ giản đơn. Trong ba đặc tính này, giáo lý vô ngã là thâm sâu và khó hiểu nhất. Vì thế, Đức Thế Tôn đã gặp sự chống đối mạnh mẽ từ những người như đạo sĩ Saccaka và phạm thiên Baka, ngườithỏa thích tin vào sự có mặt của linh hồn hay bản ngã.
Trước khi Phật pháp xuất hiện trên thế gian, người ta tin rằng có một bản ngã, một cái “tôi” có mặt, đan xen trong thân và tâm này. Đối nghịch với tà kiến này, Đức Phật tuyên bố rằng thân và tâm chẳng phải là linh hồn hay bản ngã. Khó có thể chỉ ra bản chất vô ngã là có thật, vì ý tưởng về một cái “tôi”, một “bản ngã” đã ăn sâu trong tâm của chúng sinh từ vô lượng kiếp.
Nếu sự thật về vô ngã dễ hiểu thì Đức Phật chẳng cần phải xuất hiện trên thế gian. Và các đệ tử của ngài, như ngài Mahasi, cũng chẳng cần phải nhọc công giảng dạy và viết Chú giải cho bài Kinh Về Đặc Tính Vô Ngã! Những cố gắng không hề mệt mỏi để làm sáng tỏ giáo lý này là bằng chứng cho sự thâm sâu, vi diệu của sự thật về vô ngã.
Trong số những người không là Phật tử, ít ai hiểu bản ngã, linh hồn hay cái “tôi” (atta) là gì, đừng nói đến chuyện hiểu giáo lý vô ngã. Ngài Mahasi đáng kính giải thích thật rõ ràng giáo lý vô ngã trong bài Kinh Về Đặc Tính Vô Ngã nhằm giúp những ai bám níu vào ảo tưởng sai lầm (rằng có linh hồn, bản ngã) trở về với chánh đạo.
Lần đầu tiên, khi sư đến tang viện Wetlet Masoyein, ngài Mahasi đến. Wetlet để giảng pháp. Trong cuộc nói chuyện với ngài, sư hỏi ngài: “Học thuyết Uccheda tin rằng chẳng còn gì sau khi chết và Niết Bàn – vốn có phẩm chất đặc biệt, là như nhau?” Ngài trả lời: “Dĩ nhiên là khác nhau. Niết Bàn có phẩm chất và đặc tính riêng, làm sao Niết Bàn không đặc biệt cho được?” Nhưng cuộc đối thoại bị cắt ngang giữa chừng, cho nên sư không có cơ hội để hỏi ngài rằng: “Vậy phẩm chất đặc biệt ấy là gì?” Sư nghĩ ngài không còn nhớ câu chuyện không mấy quan trọng này.
Tuy nhiên, khi đọc qua bản thảo, sư bắt gặp phần giảng giải liên quan đến “uccheda” và Niết Bàn. Ở trang 35 của quyển sách này, sự khác biệt giữa ucchedadiṭṭhi tin rằng chẳng còn gì sau khi chết (con người tiêu tan, biến mất, không bao giờ tái sinh nữa) và Niết Bàn (có bản chất không sinh không diệt) được làm sang tỏ. Những ai tin vào tà kiến ucchedadiṭṭhi sẽ lầm lẫn rằng thuyết đoạn tuyệt này và Niết Bàn là một. Trong thực tế, thuyết đoạn tuyệt và Niết Bàn thật khác xa nhau.
Nói về thuyết đoạn tuyệt ucchedadiṭṭhi, năm 1971, sư tổ chức buổi nghe giảng pháp. Sư mời ngài Mahasi, sư Samvara và sư Zawtika giảng kinh Tứ Niệm Xứ (Satipaṭṭhāna Sutta) cho bè bạn và thân quyến ở làng sư nghe. Buổi giảng được tổ chức tại làng Inchaung, nơi có nhiều thân quyến của sư đang sống.
Trong số người nghe có Maung Kyi, lãnh tụ Đảng Cộng Sản Cờ Ðỏ, người tin vào thuyết đoạn tuyệt rằng chết là hết, chẳng có tái sinh. Vì là thân quyến của sư, anh đến chỉ để nghe giảng. Mọi người tỏ ra rất hoan hỷ lắng nghe sư Samvara và vị kia giảng pháp.
Maung Kyi được nhờ phụ giúp một tay cho buổi lễ. Và mọi người ngạc nhiên khi thấy anh, vì ai cũng biết rằng anh chỉ tin vào thuyết đoạn tuyệt rằng “không có kiếp sống nào nữa sau khi chết”. Sáng sớm hôm sau, Maung Kyi có mặt tại nhà thí chủ mà sư được mời đến dung cơm. Anh nói với sư rằng: “Thưa sư, con đồng ý với những điều sư Samvara giảng tối qua.
Nhưng sư đừng có nghĩ rằng con đổi đạo, tin vào học thuyết tâm linh. Người theo đạo Phật tin có kiếp sống sau nên làm nhiều điều thiện lành vì muốn được tái sinh. Phần chúng con, vì không tin vào điều này nên không tham ái, dính mắc vào kiếp sống nào cả. Do vậy, chúng con (những người tin vào thuyết đoạn tận) đã loại bỏ mọi tham ái vào kiếp sống.”
Sư giải thích: “Điều này tùy thuộc vào quan điểm của mỗi người. Theo Phật giáo, tham ái và dính mắc chỉ bị loại trừ khi người này trở thành A La Hán. Chưa thoát ra khỏi tham ái, bám níu vào kiếp sống, nếu ai đó cho rằng cuộc sống này chấm dứt sau cái chết, người này sẽ tái sinh vào địa ngục trong kiếp sau. Điều này xảy ra đúng như lời Phật dạy.”
Dù Maung Kyi tin như ậy, nhưng người vợ thì khác. Cô chuẩn bị làm lễ xuất gia sa di (sāmaṇera) cho các con đã lớn của họ. Chấp chặt vào đức tin của mình, Maung Kyi nói với vợ rằng: “Bà chẳng cần làm điều (tốt lành) gì cho tôi hưởng ở kiếp sau. Muốn làm lễ xuất gia cho chúng, bà hãy tự làm một mình.
Nhưng khi chúng được hộ tống đến chùa xuất gia, tôi không thể làm người chủ lễ, ôm quạt và bát cho chúng.” Vợ ông trả lời: “Không có người đỡ đầu, tôi không thể dẫn các sa di sắp xuất gia này. Nếu ông không làm được việc này, tôi sẽ thuê người làm chủ lễ và những nghi lễ vậy.” Nghe vậy, Maung Kyi, người cuồng tin vào thuyết đoạn tuyệt khó chịu không yên và trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan, vì không thể chấp nhận sự có mặt của một người chủ lễ được thuê. Sư nghe Phật tử trong làng kể lại như thế.
Sư tin tưởng rằng cũng giống như bao bài kinh mà ngài Mahasi đã giảng, bài Kinh Về Đặc Tính Vô Ngã quý giá này sẽ làm cho đức tin của người đọc tang trưởng và đem đến lợi lạc cho nhiều người.
Sư Teiktha (Wetlet Masoyein Sayadaw)
Người dịch U Min Swe (Min Kyaw Thu)
MỤC LỤC: ( Bấm vào các chương để đọc nội dung )
Nguồn Gốc Bài Kinh
Mở Đầu Bài Kinh
Lầm Tưởng Thân Này Là Bản Ngã, Linh Hồn Hay Thực Thể Sống
Vì Sao Thân Này Không Phải là Bản Ngã, Linh Hồn hay Thực Thể Sống?
,Jīva Attā và Parama Attā
Nguồn Gốc Về Niềm Tin Có Đấng Tạo Hóa
Bám Víu Vào Linh Hồn, Bản Ngã
Bốn Hình Thức Bám Víu Vào Bản Ngã, Linh Hồn hay Thực Thể Sống
Quán Tưởng Đặc Tính Vô Ngã Nơi Thân
Cảm Thọ Trong Vi Diệu Pháp Và Tạng Kinh
Lầm Tưởng Thọ Uẩn là Bản Ngã, Linh Hồn hay Thực Thể Sống
Những Đau Khổ Do Thọ Uẩn Gây Ra
Không Thể Điều Khiển Thọ Uẩn
Quán Tưởng Các Cảm Thọ
Công Cuộc Tìm Kiếm Trí Tuệ Cao Siêu của Ngài Xá Lợi Phất
Kinh Dīghanakha
Tuệ Nhàm Chán Sinh Khởi Nhờ Quán Thọ
Đạo Quả Sinh Khởi Do Nhàm Chán
Đại Đức Xá Lợi Phất Đạt Đạo Quả A La Hán
Chương III: Tưởng Uẩn và Hành Uẩn
Tưởng Uẩn và Vô Ngã
Hành Uẩn và Vô Ngã
Ý Nghĩa của Saṅkhāra Trong Bài Kinh
Sự Áp Đảo của Hành Uẩn
Câu Chuyện về Một Ngạ Quỷ Bị Kim Nhọn Đâm
Tuệ Vô Ngã Phát Sinh
Tâm Thức Áp Đảo Chúng Ta
Sinh Khởi Tùy Thuộc Vào Điều Kiện
Câu Chuyện Của Tỳ Khưu Sāti
Chánh Pháp Tóm Lược
Năm Uẩn và Những Ẩn Dụ
Sắc Uẩn Ví Như Đống Bọt Nước
Thọ Uẩn Ví Như Những Bong Bóng Nước
Tưởng Uẩn Ví Như Ảo Ảnh
Hành Uẩn Ví Như Cái Cây Không Có Lõi
Thức Uẩn Ví Như Trò Ảo Thuật
Tóm Tắt
Không Dễ Dàng Lĩnh Hội Được Thuyết Vô Ngã
Hiểu Vô Ngã qua Đặc Tính Vô Thường
Hiểu Vô Ngã qua Đặc Tính Khổ
Hiểu Vô Ngã qua Đặc Tính Vô Thường và Khổ
Cuộc Thảo Luận với Đạo Sĩ Saccaka
Bác Bỏ Niềm Tin Linh Hồn Tồn Tại Bên Ngoài Năm Uẩn
Đặc Tính Vô Thường
Hai Loại Đau Khổ (Dukkha)
Phát Triển Tuệ Khổ Dukkha – Nupassanā Ñāṇa
Vì Tham Ái, Nên Có Sự Bám Níu Cho Rằng “Cái Này là của Tôi”
Vì Ngã Mạn, Nên Có Sự Bám Níu Cho Rằng “Cái Này là Tôi”
Vì Tà Kiến, Nên Có Sự Bám Níu Cho Rằng “Cái Này là Linh Hồn của Tôi”
Chương VI: Phân Tích Đặc Tính Vô Thường
Bản Chất Vô Thường Của Thọ Uẩn
Bản Chất Vô Thường Của Tưởng Uẩn
Bản Chất Vô Thường Của Hành Uẩn
Bản Chất Vô Thường Của Thức Uẩn
11 Cách Phân Tích và Quán Tưởng Sắc Pháp
Các Vị Tu Đà Hườn Được Hướng Dẫn Quán Tưởng Vô Ngã
Chương VII: 11 Cách Quán Tưởng Các Uẩn
Quán Tưởng Sắc Uẩn
Quán Tưởng Thọ Uẩn
Quán Tưởng Tưởng Uẩn
Quán Tưởng Hành Uẩn
Quán Tưởng Thức Uẩn
Tiến Trình Tái Sinh
Định Luật Phát Sinh Tùy Duyên
Thức Uẩn Sinh Khởi Trong Ba Thời
Quán Tâm Dựa Theo Hướng Dẫn của Kinh Đại Niệm Xứ
Chương VIII: Tuệ Minh Sát Chín Mùi
Làm Thế Nào Để Phát Triển Tuệ Minh Sát
Tuệ Chán Nản Nibbidāñāṇa Sinh Khởi Khi Thấy Rõ Dukkha
Tuệ Chán Nản Sinh Khởi Khi Thấu Hiểu Bản Chất Vô Ngã
Định Nghĩa Tuệ Chán Nản
Khao Khát Kinh Nghiệm Niết Bàn
Hướng Tâm Đến Niết Bàn
Sáu Đặc Tính Của Tuệ Xả Hành
Phát Triển Tuệ Vượt Thoát Vuṭṭhānagāminī Vipassanā
Chán Chường Đưa Đến Sự Thành Tựu Thánh Đạo Quả
Mô Tả Trong Kinh Điển Trùng Khớp Kinh Nghiệm Thiền Tập
Sự Quán Tưởng của Vị A La Hán
Tóm Lược
Thành Kính Đảnh Lễ Sáu Vị A La Hán
Lời Kết
KINH VỀ ĐẶC TÍNH VÔ NGÃ
(Anattalakkhaṇa Sutta, Saṁyutta Nikāya XXII, 59)
“Tôi có nghe như vầy.” Đại đức Ānanda bắt đầu: “Vào một thuở nọ, Ðức Thế Tôn ngự trong vườn Lộc Uyển tại Isipatana, gần thành Varanasi.”
1- “Nầy chư Tỳ Khưu, Rūpa (Sắc, thân) không phải là ta, không phải là linh hồn hay một thực thể sống. Nầy chư Tỳ Khưu, nếu thân này là ta, là bản ngã, thì nó không có khuynh hướng làm cho ta đau khổ buồn phiền, và ta có thể sai bảo thân này rằng: ‘Hãy như thế này, và đừng như thế kia.‘ Ta có thể điều khiển thân này theo ý ta muốn.
Nầy chư Tỳ Khưu, trong thực tế thân nầy không phải là ta. Vì không phải là ta nên nó có khuynh hướng làm cho ta đau khổ buồn phiền, và ta không thể sai bảo thân này rằng: ‘Hãy như thế nầy, và đừng như thế kia.’ Ta không thể điều khiển thân này như vậy.”
2-“Nầy chư Tỳ Khưu, Vedanā (Thọ) không phải là ta, không phải là linh hồn hay một thực thể sống. Nầy chư Tỳ Khưu, nếu Thọ là ta, là bản ngã[1], thì nó không có khuynh hướng làm cho ta đau khổ buồn phiền, và ta có thể sai bảo Thọ rằng: ‘Hãy như thế này (an lạc, thoải mái), và đừng như thế kia (đau đớn, khó chịu).‘ Ta có thể điều khiển Thọ này theo ý ta muốn.
Nầy chư Tỳ Khưu, trong thực tế Thọ nầy không phải là ta. Vì không phải là ta nên nó có khuynh hướng làm cho ta đau khổ, buồn phiền, và ta không thể sai bảo Thọ: ‘Hãy như thế nầy, và đừng như thế kia.’ Ta không thể điều khiển Thọ như vậy.”
3-“Nầy chư Tỳ Khưu, Saññā (Tưởng) không phải là ta, không phải là linh hồn hay một thực thể sống. Nầy chư Tỳ Khưu, nếu Tưởng là ta, là bản ngã, thì nó không có khuynh hướng làm cho ta đau khổ buồn phiền, và ta có thể sai bảo Tưởng rằng: ‘Hãy như thế này, và đừng như thế kia.‘ Ta có thể điều khiển Tưởng này theo ý ta muốn.
Nầy chư Tỳ Khưu, trong thực tế Tưởng nầy không phải là ta. Vì không phải là ta nên nó có khuynh hướng làm cho ta đau khổ buồn phiền, và ta không thể sai bảo Tưởng: ‘Hãy như thế nầy, và đừng như thế kia.’ Ta không thể điều khiển Tưởng như vậy.”
4-“Nầy chư Tỳ Khưu, Saṅkhārā (Hành) không phải là ta, không phải là linh hồn hay một thực thể sống. Nầy chư Tỳ Khưu, nếu Hành là ta, là bản ngã, thì nó không có khuynh hướng làm cho ta đau khổ buồn phiền, và ta có thể sai bảo Hành rằng: ‘Hãy như thế này, và đừng như thế kia.‘ Ta có thể điều khiển Hành này theo ý ta muốn.
Nầy chư Tỳ Khưu, trong thực tế Hành không phải là ta. Vì không phải là ta nên nó có khuynh hướng làm cho ta đau khổ buồn phiền, và ta không thể sai bảo Hành: ‘Hãy như thế nầy, và đừng như thế kia.’ Ta không thể điều khiển Hành như vậy.”
5-“Nầy chư Tỳ Khưu, Viññāṇā (Thức) không phải là”tôi”, không phải là linh hồn hay một thực thể sống. Nầy chư Tỳ Khưu, nếu Thức là ta, là bản ngã, thì nó không có khuynh hướng làm cho ta đau khổ buồn phiền, và ta có thể sai bảo Thức rằng: ‘Hãy như thế này, và đừng như thế kia.‘ Ta có thể điều khiển Thức này theo ý ta muốn.
Này chư Tỳ Khưu, trong thực tế Thức không phải là ta. Vì
không phải là ta nên nó có khuynh hướng làm cho ta đau
khổ buồn phiền, và ta không thể sai bảo Thức: ‘Hãy như
thế nầy, và đừng như thế kia.’ Ta không thể điều khiển
Thức như vậy.”
6-“Này Tỳ Khưu, các ông nghĩ sao? Sắc uẩn tồn tại dài lâu hay thay đổi vô thường?” “Thưa Ðức Thế Tôn, là vô thường.”
“Cái gì có bản chất vô thường, cái ấy là khổ, không như ý nguyện (dukkha) hay an lạc, hạnh phúc (sukha)?” “Thưa Ðức Thế Tôn, là khổ.”
“Với cái gì vô thường, luôn luôn biến đổi, ta có thể (sáng suốt) cho rằng: ‘cái nầy là của tôi, cái nầy là tôi, cái nầy là bản ngã của tôi’?” “Thưa không thể được.”
7-“Nầy chư Tỳ Khưu, Vedanā (Thọ) là thường còn hay vô thường?” “Bạch Ðức Thế Tôn, là vô thường.”
“Cái gì là vô thường, cái ấy là khổ, bất toại nguyện (dukkha) hay lạc (sukha)?” “Bạch Ðức Thế Tôn, là khổ.”
“Với cái gì vô thường, bất toại nguyện và luôn luôn biến đổi, ta có thể (sáng suốt) cho rằng: ‘cái nầy là của tôi, cái nầy là tôi, cái nầy là bản ngã của tôi’ ?” “Bạch Ðức Thế Tôn, không thể được.”
8- “Nầy chư Tỳ Khưu, Saññā (Tưởng) là thường còn hay vô thường?” “Bạch Ðức Thế Tôn, là vô thường.”
“Cái gì là vô thường, cái ấy là khổ, bất toại nguyện (dukkha) hay lạc (sukha)?” “Bạch Ðức Thế Tôn, là khổ.”
“Với cái gì vô thường, bất toại nguyện và luôn luôn biến đổi, ta có thể (sáng suốt) cho rằng: ‘cái nầy là của tôi, cái nầy là tôi, cái nầy là bản ngã của tôi’ ?” “Bạch Ðức Thế Tôn, không thể được.”
9-“Nầy chư Tỳ Khưu, Saṅkhārā (Hành) là thường còn hay vô thường?” “Bạch Ðức Thế Tôn, là vô thường.”
“Cái gì là vô thường, cái ấy là khổ, bất toại nguyện (dukkha) hay lạc (sukha)?” “Bạch Ðức Thế Tôn, là khổ.”
“Với cái gì vô thường, bất toại nguyện và luôn luôn biến đổi, ta có thể (sáng suốt) cho rằng: ‘cái nầy là của tôi, cái nầy là tôi, cái nầy là bản ngã của tôi’ ?” “Bạch Ðức Thế Tôn, không thể được.”
10- “Nầy chư Tỳ Khưu, Viññāṇā (Thức) là thường còn hay vô thường?” “Bạch Ðức Thế Tôn, là vô thường.”
“Cái gì là vô thường, cái ấy là khổ, bất toại nguyện (dukkha) hay lạc (sukha)?” “Bạch Ðức Thế Tôn, là khổ.”
“Với cái gì vô thường, bất toại nguyện và luôn luôn biến đổi, ta có thể (sáng suốt, hợp lý) cho rằng: ‘cái nầy là của tôi, cái nầy là tôi, cái nầy là bản ngã của tôi’ ?” “Bạch Ðức Thế Tôn, không thể được.”
11- “Nầy chư Tỳ Khưu, vì cho rằng: ‘Sắc (uẩn) này là của tôi, nó là tôi, nó là bản ngã của tôi,’ là không hợp lý, cho nên tất cả những loại sắc pháp, dầu ở quá khứ, vị lai hay hiện tại, bên trong hay bên ngoài, thô kịch hay vi tế, thấp hèn hay cao thượng, xa hay gần, đều phải được quan sát một cách đúng đắn rằng: ‘Nó không phải là của tôi, nó không phải là tôi, nó không phải là bản ngã của tôi’.”
12- “Nầy chư tỳ khưu, vì cho rằng: ‘Thọ (uẩn) này là của tôi, nó là tôi, nó là bản ngã của tôi,’ là không hợp lý, cho nên tất cả những cảm thọ, dầu ở quá khứ, vị lai hay hiện tại, bên trong hay bên ngoài, thô kịch hay vi tế, thấp hèn hay cao thượng, xa hay gần, đều phải được quan sát một cách đúng đắn rằng: ‘Nó không phải là của tôi, nó không phải là tôi, nó không phải là bản ngã của tôi’.”
13- “Nầy chư Tỳ Khưu, vì cho rằng: ‘Tưởng (uẩn) này là của tôi, nó là tôi, nó là bản ngã của tôi,’ là không hợp lý, cho nên tất cả các loại Tưởng, dầu ở quá khứ, vị lai hay hiện tại, bên trong hay bên ngoài, thô kịch hay vi tế, thấp hèn hay cao thượng, xa hay gần, đều phải được quan sát một cách đúng đắn rằng: ‘Nó không phải là của tôi, nó không phải là tôi, nó không phải là bản ngã của tôi’.”
14- “Nầy chư Tỳ Khưu, vì cho rằng: ‘Hành (uẩn) này là của tôi, nó là tôi, nó là bản ngã của tôi,’ là không hợp lý, cho nên tất cả Hành (uẩn), dầu ở quá khứ, vị lai hay hiện tại, bên trong hay bên ngoài, thô kịch hay vi tế, thấp hèn hay cao thượng, xa hay gần, đều phải được quan sát một cách đúng đắn rằng: ‘Nó không phải là của tôi, nó không phải là tôi, nó không phải là bản ngã của tôi’.”
“Nầy chư Tỳ Khưu, vì cho rằng: ‘Thức (uẩn) này là của tôi, nó là tôi, nó là bản ngã của tôi,’ là không hợp lý, cho nên tất cả Thức (uẩn), dầu ở quá khứ, vị lai hay hiện tại, bên trong hay bên ngoài, thô kịch hay vi tế, thấp hèn hay cao thượng, xa hay gần, đều phải được quan sát một cách đúng đắn rằng: ‘Nó không phải là của tôi, nó không phải là tôi, nó không phải là bản ngã của tôi’.”
15- “Nầy chư Tỳ Khưu, quan sát như thế, các vị Thánh đệ tử (đang lắng nghe) bỗng nhàm chán Sắc (uẩn), Thọ (uẩn), Tưởng (uẩn), Hành (uẩn), Thức (uẩn). Vì nhàm chán, người này không còn ham thích (các uẩn) và do đó, tâm được giải thoát (khỏi lậu hoặc và ô nhiễm). Khi tâm được giải thoát, trí tuệ sinh khởi và người này hay biết rằng ô nhiễm đã được lọai trừ. Quán tưởng (lần nữa), người này hiểu rằng: ‘Tái sanh đã chấm dứt. Đời sống Thánh Thiện đã được chứng nghiệm. Điều cần phải làm nay đã làm xong và không còn điều gì để làm thêm nữa’.”
16- Ðức Thế Tôn nói như thế, và năm vị Tỳ Khưu (đang lắng nghe) vô cùng hoan hỉ với những lời dạy của Ðức Thế Tôn. Lại nữa, trong lúc nghe giảng (hay sau khi nghe xong) tâm của năm vị Tỳ Khưu này vượt ra khỏi mọi tham ái và đạt đến giải thoát.
— o0o —
[1] Theo Chú giải, “anatta” is not self, inner substance or living entity