;
I. MUỐN VÀ KHÔNG MUỐN, KHÁC VỚI THAM SÂN SI
Tham sân si, khác với muốn và không muốn.
Mình no rồi thì mình không ăn. Không muốn ăn thôi, chứ đâu phải sân. Mình đói thì mình ăn, chứ đâu phải tham.
Mình đói, mình muốn ăn thì đúng. Nhưng mình ăn nhiều quá, nên bị nặng bụng, thì đó là tham.
Muốn phân biệt được tham hay không tham, thì phải phân tích, điều đó có đưa đến tác hại gì hay không, điều đó có thật là nhu cầu cần thiết hay không.
Đói, muốn ăn, là tốt, là có lợi. Ăn nhiều đến mức đau bụng, là có hại.
Trong Tứ Thần Túc, một là muốn làm, hai là, cần phải nhiệt tâm để làm, ba là, phải nhất tâm làm, không bỏ nửa chừng, cuối cùng, mình phải rõ biết việc làm của mình.
Thí dụ, hôm nay, mình bị hạ đường huyết, mình thèm ngọt nên mình muốn đi nấu chè. Trong việc nấu chè này, mình rất nhiệt tâm và cả nhất tâm nữa, mình không bỏ dở việc nấu chè nửa chừng. Và cuối cùng, mình cũng phải biết cách nấu, thì chè mới ngon, mới thành công được.
Muốn làm việc gì thành công trong đời, đều cần đủ bốn yếu tố đó. Nên mới gọi là Tứ Như Ý Túc.
Tứ Như Ý Túc này, khởi đầu bằng muốn. Muốn này, phải là nhu cầu. Muốn này, không phải là tham.
II. TRI BẤT TRI THƯỢNG: BIẾT MÀ KHÔNG BIẾT, MỚI LÀ TỐI THƯỢNG
Thấy biết của mình, cần giản dị, tự nhiên, không cần cố gắng để thấy, không cần cố gắng giải quyết.
Tuệ Tri là gì? Tuệ Tri là trong thấy chỉ thấy, trong nghe chỉ nghe. Biết mà không biết. Cho nên Lão Tử mới nói là Tri Bất Tri Thượng, nghĩa là: biết mà không biết, mới là tối thượng.
Ví dụ, gió thổi tới thì mình biết gió thổi, mình thấy gió thổi, vậy thôi, không bận tâm, không phán đoán, không phê phán, không nhận định.
Biết mà không biết, nghĩa là như vậy.
Ví dụ, những bông hoa trước mặt thầy đây, chỉ là những bông hoa, vậy thôi.
Nhưng có người nhìn vô, họ sẽ cho rằng, hoa này có ý nghĩa này, hoa kia có ý nghĩa kia, phân tích đủ thứ. Khi phân tích đủ thứ, họ sẽ tạo ra những kiến thức khổng lồ. Kiến thức đó, gọi là Thức Tri. Mà Thức Tri, thì luôn kèm theo Tưởng Tri. Thậm chí, Tưởng Tri chiếm hơn một nửa trong Thức Tri.
Tâm phải rỗng lặng thì mới phản ánh trung thực mọi sự việc, hiện tượng.
Tuệ Tri, đơn giản chỉ là thấy nghe ngửi nếm xúc chạm và biết một cách tự nhiên, đơn giản.
Ví dụ, ngồi trên xe, nếu mình để tâm bình thản, tự nhiên, thì mình sẽ thấy hoa này màu vàng, hoa kia màu đỏ, màu xanh, hoặc cây khô trơ cành. Thấy, nhưng tâm mình vẫn hoàn toàn bình thản. Ngược lại, nếu mình chỉ thích cây phượng thôi, thì suốt cung đường đó, mình cứ phải để ý tìm phượng. Khi chủ tâm như thế, mình sẽ rất mệt. Đi một đoạn thôi, đã mệt lắm rồi. Bởi khi không thấy cây phượng nào, mình sẽ rất thất vọng, kèm theo những cảm xúc này nọ, đủ thứ.
Tuệ Tri khác. Tuệ Tri nghĩa là chỉ thấy thôi. Tuệ Tri là tấm gương trung thực, phản ánh đủ thứ.
III. THÀNH CÔNG HAY THẤT BẠI, CŨNG ĐỀU THẤU HIỂU ĐƯỢC BẢN THÂN, THẤU HIỂU VÔ THƯỜNG, VÔ NGÃ
Trong cuộc đời, thường có hai hướng nhận thức.
Hướng thứ nhất là những người muốn thực hiện được lý tưởng mà mình mong ước. Muốn mong ước ấy được thành công tốt đẹp, hoàn hảo, an lạc theo ý mình. Khi mong muốn không được như ý, mình sẽ sinh ra lo lắng, sợ hãi, buồn phiền. Mà được rồi, thì lại dính mắc vào đó.
Ví dụ, khi nhận thức việc chữa lành một cách tự nhiên, thì nó rất đúng. Nhưng nếu mình hiểu, chữa lành, là vì mình muốn luôn luôn lành, thì đó lại là cầu toàn rồi. Càng muốn lành chừng nào, thì càng sợ không lành chừng đó.
Hướng thứ hai là những người muốn được học hỏi, khám phá, trải nghiệm, chiêm nghiệm, để hiểu ra chính mình, để thấu hiểu được bản chất thực của sự sống, ý nghĩa đích thực của sự sống. Khi theo hướng này, thì thành công hay thất bại, được hay mất, vinh hay nhục, cũng đều là bài học.
Bài học này giúp ta phát huy trí tuệ và đạo đức.
Ví dụ, mình đầu tư vào việc làm ăn, nhưng vì mình luôn muốn, đầu tư thì phải có lợi nhuận, cho nên, mình luôn sống trong nỗi sợ, nỗi lo lắng, việc làm đó sẽ không thành công.
Khi nghĩ, mình phải thành công, nếu mình không thành công thì vợ con đói làm sao? Thế nên, mình sẽ bị lệ thuộc vào rất nhiều thứ. Mình phải toan tính để đạt được những mục đích theo ý mình, thì chắc chắn sẽ sinh ra lo lắng, sợ hãi.
Còn nếu, mình xem việc đầu tư đó là một trải nghiệm, để mình học ra chính mình, thì mình sẽ Giác Ngộ. Thành công hay thất bại gì, cũng Giác Ngộ. Thành công hay thất bại gì, thì mình cũng thấu hiểu ra được bản thân mình, thấu hiểu cuộc sống, thấu hiểu vô thường, vô ngã.
Đi theo hướng này, mình cũng vẫn làm việc và sống như bao nhiêu người khác, nhưng mình sẽ bớt đi những lo âu và sợ hãi.
IV. MUỐN BIẾT TA LÀ AI, THÌ PHẢI BIẾT, TA ĐANG LÀ NHƯ THẾ NÀO
Muốn biết TA LÀ AI, cũng giống như việc, đọc một cuốn sách, và mình muốn biết là cuốn sách đó nói gì.
Muốn biết cuốn sách nói gì, thì phải đọc từng chữ, từng câu, từng trang. Không có cách nào khác.
Mình cũng vậy, muốn biết MÌNH LÀ AI, thì mình phải trọn vẹn đọc mình từng khoảnh khắc, tại đây và bây giờ, như mình đang là.
Nietzsche có viết cuốn sách Zarathustra Đã Nói Như Thế (Also Sprach Zarathustra), trong đó, ông kể, có một người, muốn biết Thượng Đế là ai, và ông ta đã ra đứng giữa trời, rồi hét lên: Thượng Đế, Thượng Đế, ngài là ai?
Và lập tức, ông nghe một câu trả lời: TA LÀ CÁI TA LÀ.
Người Giác Ngộ cũng thế, người Giác Ngộ là người thấy được: TA LÀ CÁI ĐANG LÀ.
Nên, nếu như có người nào hỏi: Anh là ai? Thì mình chỉ cần trả lời: TÔI LÀ CÁI TÔI LÀ.
Tôi không có trong quá khứ, tôi cũng không có trong tương lai, mà: TÔI LÀ CÁI TÔI ĐANG LÀ.
Muốn biết TA LÀ AI, thì phải biết, TA ĐANG LÀ NHƯ THẾ NÀO.
Sư Viên Minh
Nguồn bài giảng:
Đây là văn bản được chuyển từ bài pháp của sư Viên Minh, trong video mang tên Hiểu Cho Tường Tận Tham sân Si - Hết Khổ Ngay Trong Hiện Tại - HT Viên Minh. Phát hành ngày 13.07.2025, trên kênh YouTube Phật Pháp Vấn Đáp.
Sài Gòn 13.07.2025
Phạm Hiền Mây ghi lại