;
Danh hiệu Quan Thế Âm, nghĩa là quan sát tiếng kêu than của chúng sanh trong thế gian để độ cho họ thoát khổ.Theo Kinh Bi Hoa thì ở vào đời quá khứ có đức Phật ra đời hiệu là Bảo Tạng Như Lai. thời đó có vua Chuyển Luân Thanh Vương là Vô Chánh Niệm. Vua có quan đại thần là Bảo Hải, phụ thân của đức Bảo Tạng khi chưa xuất gia đối trước Đức Phật Bảo Tạng phát ra 48 đại nguyện.
Do đó, Đức Bảo Tạng thụ ký cho Vua (khi đó đã là Pháp Tạng Tỳ Kheo) sau này thành Phật hiệu là A Di Đà ở vào thế giới cực lạc.
Vua Chuyển Luân có nhiều con. Con cả là Thái Tử Bất Tuấn cũng do ngài Bảo Hải khuyến tiến. Thái Tử cũng đi xuất gia theo cha và đối trước Đức Bảo Tạng Như Lai phát ra bảo nguyện đại bi thương xót, cứu độ tất cả các loài chúng sanh bị khổ não.
Vì vậy Đức Bảo Tạng thụ ký cho Thái Tử thành Bồ Tát hiệu là Quan Thế Âm, còn Bảo Hải là tiền thân của Đức Thích Ca Mâu Ni. Đức Bảo Tạng thụ ký cho Thái Tử rằng: “Vì lòng đại bi Ông muốn quán niệm cho tất cả chúng sanh được cùng về cõi an lạc (cực lạc). Vậy từ nay đặt tên cho Ông là Quan Thê Âm….
Bồ Tát Quan Thế Âm là hiện thân của Từ Bi, Ngài phát đại nguyện thực hiện từ bi cùng tận trong đời vị lai, nếu chúng sinh còn đau khổ. Vì chỉ có từ bi mới giải trừ đau khổ, cũng như chỉ có trí tuệ mới diệt được ngu si. Do đó, Bồ Tát Quan Thế Âm thiết lập tâm đại từ, đại bi mà thực hiện đại thệ nguyện độ sanh của Ngài.
TỪ là đem niềm vui đến cho kẻ khác. Chữ Từ như người ta thường nói: Từ thiện, từ ái, từ mẫu, từ tâm. Từ tâm đối với ác tâm, sân tâm, ích kỷ tâm….BI là phương châm, là cách thức hành động để cứu khổ.Từ là lòng yêu thương, Bi là ra tay giải quyết và dấn thân nỗ lực làm việc để cứu giúp thực tế.
Tóm lại Tu Bi: Thương yêu chúng sinh, mang lại cho họ niềm an lạc vui sướng gọi là Từ (maritrya, maitri). Đồng cảm nỗi khổ và thương xót chúng sinh, trừ bỏ nỗi khổ cho họ gọi là Bi.
Quán Thế Âm xưa kia Ngài đã thành Phật hiệu là “Chánh Pháp Minh Như Lai”. Ngài thị hiện làm Bồ Tát vì muốn đảm đương công tác cứu khổ ban vui cho chúng sanh. Đức Bồ Tát quán thấy Phật và chúng sanh đồng chung một bản thể, đồng chung một giác tánh duy nhất, nhưng Phật đã giác ngộ mà chúng sanh thì còn mê.
Do đó, Đức Quan Thế Âm tức là một vị Phật tương lai sẽ bổ vào ngôi của Đức Phật A Di Đà, thì ngài cùng với ngài Đại Thế Chí (kiếp xưa là em ngài, con thứ vua Chuyển Luân cũng cùng Ngài đồng thời được Đức Bảo Tạng thụ ký) giúp việc giáo hóa độ sanh cho Đức Phật A Di Đà và 2 Ngài cũng ứng thân xuống sa bà trợ giáo cho Đức Thích Ca Mâu Ni.
Theo Kinh Thủ Lăng Nghiêm có chép lời Ngài bạch với Đức Thế Tôn rằng:
“Con nhớ cách đây vô số hằng hà sa kiếp về trước có Đức Phật ra đời hiệu là Quan Thế Âm, từ Đức Phật kia dạy con, do nghe, nghĩ và tu mà vào Tam Ma Đề” Do đó nên biết: Ngài đã phát tâm Bồ Đề từ đời Đức Phật Quan Thế Âm trong vô số hằng hà sa kiếp về trước do nghe Phật truyền pháp, Ngài đã nhận định pháp tu Viên Thông về nhĩ căn là hơn tất cả, do ngài khó chứng viên thông ở nhĩ căn nên được Đức Phật thụ ký cho ngài danh hiệu Quán Thế Âm, một danh hiệu mà chúng sanh ở mười phương cung kính chấp trì, nhất là trong những lúc nguy hiểm, đau khổ.
Ngoài ra, Kinh Quán Âm Tam Muội nói: “Xưa kia Ngài Quán Thế Âm đã thành Phật hiệu là “Chính Pháp Minh Như Lai”. Tiền thân Đức Thích Ca hồi ấy đã từng ở dưới pháp tòa, sung vào trong số đệ tử khổ hạnh để gần gũi”. Ngày nay Đức Thích Ca thành Phật, thời Ngài trở lại làm đệ tử để gần gũi lại:” Một Đức Phật ra đời thì hàng ngàn Đức Phật phù trì”.
Trong Kinh Đại Bi Tâm Đà Na Ni thì chép lời Ngài bạch Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn ! con nhớ vô lượng ức kiếp trước có Đức Phật ra đời hiệu là Thiên Quan Vương tĩnh trụ Như Lai” Đức Phật ấy vì thương đến con và tất cả chúng sanh nên nói ra môn Đại Bi Tâm Đà La Ni.
Ngài lại dùng cánh tay sắc vàng xoa đầu con mà bảo:”Thiện Nam Tử ! Ông nên trụ trì tâm chú này và vì khắp tất cả chúng sanh trong cõi trược ở đời vị lai mà làm cho họ được sự lợi ích yên vui lớn.”
Lúc đó con mới ở ngôi Sơ Địa, vừa nghe xong thần chú này liền vượt lên chứng đại Bát Địa”.
Mật tông thì theo trong Kinh Đại Bản Như Ý nói có 8 vị đại Quan Âm là:
1) Viên Mãn Ý, Nguyệt Minh Vương Bồ Tát.
2) Bạch Y Tự Tại.
3) Cát La Sát Nữ.
4) Tứ Diện Quán Âm.
5) Mã Đầu La Sát.
6) Tỳ Cầu Chi.
7) Đại Thế Chí.
8) Đà La Quan Âm (Quán Âm Chuẩn Đề).
Ngài có đức uy thần công đức và lòng từ bi rất lớn. Ngài vốn không phải là nữ tướng, nhưng vì ngài thường cứu khổ cứu nạn cho chúng sinh (mà phụ nữ thường nhiều khổ nạn hơn so với nam giới) cho nên giới phụ nữ đặc biệt tín ngưỡng về Ngài.
Nên chúng sanh mới tưởng tượng ra Ngài là nữ tướng để tiện hoá độ cho phụ nữ. Theo Kinh A-Di-Đà nói: Người sanh về cõi cực lạc tuy chưa chứng quả Thánh, vẫn không có tướng nam, tướng nữ. Kinh A Hàm nói người nữ có 5 chướng không thể thành Phật…..Thế mà Bồ Tát Quan Thế Âm lại hiện thân người Nữ ư?
Bồ Tát Quan Thế Âm hiện thân của Đức Từ Bi, muốn nói lên tình Mẹ thương con, Mẹ đối với con là tình thương chân thành, tha thiết nhất không có tình thương nào sánh bằng. Cho nên, Đức Quan Thế Âm hiện thân là một người mẹ hiền của nhân loại, hay của tất cả chúng sinh.
Căn cứ theo hình tướng đã thể hiện và đức tính Quan Thế Âm đã cứu khổ cứu nạn cho chúng sinh, nhân loại được thoát khổ đau ở sa bà này to lớn biết chừng nào !
Chân như đạo Phật rất mầu
Tâm trung chữ hiếu niệm đầu chữ nhân
Hiếu là độ được song thân
Nhân là cứu vớt trầm luân muôn loài
Tinh thông nghìn mắt nghìn tay
Cũng trong một điểm linh đài hóa ra
Xem trong biển nước nam ta
Phổ môn có Đức Phật Bà Quan Âm.
Cho nên, Phật Tử chúng ta dù tu theo pháp môn nào: Mật Tông, Tịnh Độ hay Thiền Tông cũng phải thường xuyên niệm hồng danh của Ngài. Ngài gia hộ, độ trì cho mới thoát khỏi tai nạn, khổ ách mỗi khi đến với mọi người chúng ta đều phải niệm “Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quan Thế Âm Bồ Tát” thì được giải thoát, tai qua nạn khỏi và sự nghiệp tu hành mới mau chóng thành tựu theo sở cầu như nguyện
1.Nam Mô hiệu Viên-Thông, danh Tự Tại, Quan-Âm Như Lai quảng-phát hoằng thệ nguyện. (Lạy)
Được xưng tặng là hiểu biết đầy đủ thông dong hoàn toàn, Ngài đem pháp tu hành mà khuyên độ khắp cùng.
Nguyện Thứ Nhất:
Khi thành Bồ Tát
Danh hiệu tôi: Tự Tại Quán Âm
Mười hai lời nguyện cao thâm
“Nghe tiếng cứu khổ” Quán Âm thề nguyền.
2.Nam-mô vô quái ngại, Quan-Âm Như Lai thường cư Nam Hải nguyện. (Lạy)
Ở trong một niệm tâm được tự tại vô ngại, Ngài nguyện thường ở biển phương Nam (Nam Hải)để cứu độ chúng sanh.
Nguyện Thứ Hai:
Không nài gian khổ
Quyết một lòng cứu độ chúng sanh
Luôn luôn thị hiện biển đông
Vớt người chìm đắm, khi dông gió nhiều.
3. Nam-mô trú Ta-Bà U-Minh giới Quan Âm Như-Lai tầm thanh cứu khổ Nguyện. (Lạy)
Luôn ở cõi Ta Bà và cõi U-Minh, Ngài cứu độ kẻ nào kêu cầu tới Ngài
Nguyện Thứ Ba:
Ta Bà ứng hiện
Chốn U Minh nhiều chuyện khổ đau
Oan oan tương báo hại nhau
Nghe tiếng than thở, mau mau cứu liền.
4. Nam-mô hàng tà ma, trừ yêu quái Quan Âm Như-Lai năng trừ nguy hiểm nguyện. (Lạy)
Trừ khử loài tà ma, yêu quái, Ngài có đủ sức cứu người gặp nguy hiểm.
Nguyện Thứ Tư:
Hay trừ yêu quái
Bao nhiêu loài ma quỉ gớm ghê
Độ cho chúng hết u mê
Dứt trừ nguy hiểm, không hề nhiễu nhương.
5. Nam-mô thanh tịnh bình thùy dương liễu, Quan Âm Như-Lai cam-lộ sái tâm nguyện. (Lạy)
Ngài nhành dương liễu dịu dàng nhúng vào nước ngọt mát trong cái bình thanh tịnh để rưới tắt lửa lòng của chúng sanh.
Nguyện Thứ Năm:
Tay cầm Dương Liễu
Nước cam lồ rưới mát nhân thiên
Chúng sanh điên đảo, đảo điên
An vui mát mẻ, ưu phiền tiêu tan.
6. Nam-mô Đại-Từ bi năng hỉ xả, Quan Âm Như-Lai thường hành bình đẳng nguyện. (Lạy)
Thương xót người đói và sẵng lòng tha thứ, Ngài không phân biệt kẻ oán người thân, tất cả đều coi như nhau.
Nguyện Thứ Sáu:
Thường hành bình đẳng
Lòng từ bi thương xót chúng sanh
Hỷ xả tất cả lỗi lầm
Thường hành bình đẳng, chúng sanh mọi loài.
7. Nam-mô trú dạ tuần vô tổn hoại, Quan Âm Như-Lai thệ diệt tam đồ nguyện.(Lạy)
Đêm ngày đi khắp đó đây để cứu giúp chúng sanh ra khỏi các sự tổn hại, Ngài nguyện cứu vớt chúng sanh ra khỏi ba đường ác: địa ngục, ngạ quỷ, và súc sanh.
Nguyện Thứ Bảy:
Dứt ba đường dữ
Chốn ngục hình, ngạ quỉ, súc sanh
Cọp beo . . ., thú dữ vây quanh
Quán Âm thị hiện, chúng sanh thoát nàn.
8. Nam-mô vọng Nam nham cầu lễ bái, Quan Âm Như-Lai, già tỏa giải thoát nguyện. (Lạy)
Nếu ai quay về núi hướng nam mà hết lòng cầu nguyện thì dầu có bị gông cùm xiềng xích cũng được thoát khỏi
Nguyện Thứ Tám:
Giải thoát còng la
Nếu tội nhân sắp bị khảo tra
Thành tâm lễ bái thiết tha
Quán Âm phò hộ, thoát ra nhẹ nhàng.
9. Nam-mô tạo pháp-thuyền du khổ hải, Quan Âm Như-Lai độ tận chúng sanh nguyện. (Lạy)
Dùng phép tu hành để làm chiếc thuyền, Ngài đi cùng trong biển khổ để độ hết chúng sanh.
Nguyện Thứ Chín:
Cứu vớt hàm linh
Trên con thuyền Bát Nhã lênh đênh
Bốn bề biển khổ chông chênh
Quán Âm độ hết, đưa lên Niết Bàn.
10. Nam-mô tiền tràng phan, hậu bảo cái, Quan Âm Như-Lai tiếp dẫn Tây Phương nguyện. (Lạy)
Nếu ai cầu nguyện và tu hành theo Ngài chỉ dẫn, khi rời bỏ xác thân này thì sẽ có phướng dài đi trước, tàng lọng quý giá theo sau, để rước về Tây Phương.
Nguyện Thứ Mười:
Tây Phương tiếp dẫn
Tràng hoa thơm, kỹ nhạc, lộng tàn
Tràng phan, bảo cái trang hoàng
Quán Âm tiếp dẫn, đưa đàng về Tây.
11. Nam-mô Vô Lượng Thọ Phật cảnh giới, Quan Âm Như-Lai Di Đà thọ ký nguyện. (Lạy)
Ở giới của Đức Vô Lượng Thọ (tức Phật A Di Đà), Ngài đã được cho biết trước là về sau Ngài sẽ thay thế Đức Phật A Di Đà ở ngôi vị đó.
Nguyện Thứ Mười Một:
Di Đà thọ ký
Cảnh Tây Phương, tuổi thọ khôn lường
Chúng sanh muốn sống miên trường
Quán Âm nhớ niệm, Tây Phương mau về.
12. Nam-mô đoan nghiêm thân vô tỉ trại, Quan Âm Như-Lai quả tu thập nhị nguyện. (Lạy)
Được thân hình nghiêm trang không ai so sánh được với Ngài, ấy là kết quả của sự tu theo mười hai lời nguyện lớn ấỵ.
Nguyện Thứ Mười Hai:
Tu hành tin tấn
Dù thân nầy tan nát cũng đành
Thành tâm nghiêm chỉnh thực hành
Mười hai câu nguyện độ sanh đời đời.
Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát