;
Lời giới thiệu của người dịch
Satipatthana Sutta là một bản kinh quan trọng làm nền tảng cho một phép thiền định chủ yếu trong Phật giáo là Vipassana, nghĩa từ chương là "Sự quán thấy chuyên biệt" hay "sâu sắc", kinh sách Hán ngữ gọi là "Minh Tuệ" hay "Minh sát tuệ". Tuy với ít nhiều khác biệt trên phương diện ứng dụng và thực hành, nhưng phép luyện tập này luôn là căn bản của hầu hết các tông phái và học phái Phật giáo.
Do đó kinh Satipatthana Sutta (Majjhima Nikaya/Trung Bộ Kinh, MN 10) là một trong các bản kinh được đặc biệt quan tâm và dịch ra nhiều thứ tiếng, với khá nhiều phiên bản tiếng Việt khác nhau. Như vậy thì có thêm một bản dịch đề nghị dưới đây có khác gì đẩy một cánh cửa đã mở hay chăng? Thắc mắc này thật hết sức chính đáng, thế nhưng sự kiện có rất nhiều bản dịch khác nhau tự nó cũng đã nói lên một cái gì đó chưa được hoàn hảo, cần phải tìm hiểu và bổ khuyết thêm chăng?
Đức Phật thuyết giảng cách nay đã 2500 năm, và sau khi Ngài tịch diệt thì các môn đệ họp nhau và nhớ lại những lời thuyết giảng trước đây của vị Thầy mình để truyền khẩu cho nhau, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Phải đến 500 năm sau đó thì các lời truyền khẩu này mới bắt đầu được ghi chép trên các tờ lá bối, và từ đó đến nay lại thêm 2000 năm sao chép và dịch thuật! Được chuyển tải bằng các các ngôn ngữ khác nhau, ảnh hưởng bởi cá tính, khả năng và sự hiểu biết đa dạng của con người, xuyên qua không gian và thời gian, xuyên qua các nền văn minh và văn hóa, phải chăng những lời giáo huấn đó của Đức Phật cũng đã phải chịu ít nhiều sai sót? Dầu sao thì nền Giáo Huấn tuyệt vời đó vẫn còn lưu giữ được đến ngày nay với tất cả sự trong sáng, sâu sắc và siêu việt, và được quảng bá khắp nơi trên thế giới, không những đã nói lên một sự cố gắng phi thường của người xưa mà còn cho thấy cả một gia tài hiểu biết vô song của nhân loại. Bổn phận của chúng ta hôm nay là phải bảo vệ và giữ gìn gia tài đó luôn được tinh khiết hầu lưu lại cho các thế hệ mai sau.
Sau 2500 năm phát triển và lưu truyền, những sự sai sót trong Giáo Huấn của Đức Phật dù có xảy ra đi nữa, thì cũng hết sức khó để kiểm chứng một cách cụ thể. Vì thế nếu không thể xác định được các sự sai lệch theo chiều sâu tức là ngược về quá khứ, thì chúng ta hãy thử nhìn vào hiện tại tức là thu ngắn 2500 năm lịch sử Phật giáo thành 100 năm của thế hệ chúng ta ngày nay, để tìm hiểu xem có những sự lệch lạc nào xảy ra theo chiều rộng hay không? Thiết nghĩ đó cũng là một cách tương đối cụ thể nhất hầu mang lại cho chúng ta một ý niệm nào đó về những sự sai sót có thể đã xảy ra trong quá khứ.
Nhằm vào cố gắng trên đây khoảng hơn ba mươi bản dịch, sách và các bài bình giải bản kinh Satipatthana Sutta bằng các tiếng Anh, Pháp và Việt đã được tham khảo và đối chiếu. Thật hết sức bất ngờ, công việc này đã cho thấy một số dị biệt giữa các tư liệu này. Riêng đối với các bản Việt dịch thì một sự kiện nổi bật là tất cả đều chịu ảnh hưởng nặng nề của Hán ngữ qua các cách vay mượn và sử dụng các thuật ngữ vừa lỗi thời vừa thiếu chính xác trong Phật giáo Hán ngữ, dù rằng một số các bản dịch này được trực tiếp dựa vào các bản gốc bằng tiếng Pa-li hay tiếng Anh. Ảnh hưởng Hán ngữ này đã khiến các bản dịch - dù được gọi là Việt dịch - nhưng thật ra là đầy các thuật ngữ tiếng Hán, lại càng khó hiểu cho một số người.
Một số các dị biệt giữa các bản dịch tham khảo và nhất là ảnh hưởng Hán ngữ trong các bản Việt dịch sẽ được phân tích và nêu lên trong phần ghi chú dưới đây. Dầu sao cũng phải thú nhận rằng bản dịch đề nghị dưới đây cũng chỉ là một sự cố gắng gần như liều lĩnh, với hy vọng có thể góp phần, dù chỉ là nhỏ nhoi, vào việc tìm hiểu thêm về bài kinh quan trọng này.
Thật ra bản dịch này chủ yếu được dựa vào bản dịch tiếng Anh của Thanissaro Bhikkhu một nhà sư người Mỹ rất uyên bác, có một lối dịch thật trong sáng, minh bạch và chính xác. Ngoài ra nguyên bản bằng tiếng Pa-li trong Kinh Tạng thường có nhiều đoạn hoặc nhiều câu lập đi lập lại, mỗi lần chỉ thay đổi một chữ hay một ý, đó là cách giúp dễ nhớ và dễ học thuộc lòng. Cách lập đi lập lại này thì ngày nay không còn cần thiết nữa, do đó các bản dịch nói chung thường được rút ngắn bằng cách cắt bớt một số đoạn hay câu mang tính cách lập đi lập lại để tránh dài dòng và nhàm chán. Tuy nhiên trong bản dịch đề nghị dưới đây, trong một vài trường hợp cách lập đi lập lại cũng sẽ được giữ nguyên, bởi vì đôi khi sự lập đi lập lại đó cũng là một cách nhấn mạnh ý nghĩa và nội dung của một câu hay một đoạn kinh. Ngoài ra một vài lời ghi chú và giải thích cũng sẽ được ghép thêm vào bản dịch, và được trình bày bằng chữ nghiêng lồng trong hai dấu ngoặc kép, với hy vọng có thể giúp người đọc theo dõi bản dịch được dễ dàng hơn chăng?
Sau hết trong phần ghi chú dưới đây một số nhận xét về vấn đề dịch thuật nói chung cũng sẽ được nêu lên cùng với một vài đề nghị nhằm lưu ý tất cả chúng ta về ý thức trách nhiệm của mình đối với việc bảo tồn và quảng bá Giáo Huấn của Đức Phật.
Bài Kinh về sự Chú Tâm Tỉnh Giác
Satipatthana Sutta
(Majjhima Nikaya 10)
Tôi từng được nghe như vầy:
Thời bấy giờ Đấng Thế Tôn đang ở trong xứ của người Kuru, nơi thị trấn Kammassadhamma. Vào dịp này Đấng Thế Tôn đưa ra những lời thuyết giảng như sau:
- Này các tỳ-kheo!
Các tỳ-kheo vâng dạ và Đấng Thế Tôn nói tiếp:
"Đây là con đường trực tiếp mang lại sự tinh khiết hóa cho chúng sinh, giúp chúng sinh vượt lên trên mọi lo buồn và ta thán, xóa bỏ mọi đớn đau và khổ nhọc, hầu khám phá ra phương pháp hữu hiệu mang lại sự Giải Thoát cho mình - nói một cách khác thì đấy là một phép luyện tập gồm có bốn lãnh vực. Vậy bốn lãnh vực ấy là gì?
1- "Đấy là trường hợp khi người tỳ-kheo biết hướng sự chú tâm vào thân xác bên trong thân xác (kaya/thân xác vật chất), với tất cả sự hăng say, tỉnh táo và sáng suốt, gác sang một bên mọi sự bám víu và lo buồn của thế tục.
2- "Đấy là trường hợp khi người tỳ-kheo hướng sự chú tâm vào các cảm giác (vedana/các cảm giác hay cảm nhận phát sinh từ các giác quan) bên trong các cảm giác, với tất cả sự hăng say, tỉnh táo và sáng suốt, gác sang một bên mọi sự bám víu và lo buồn của thế tục.
3- "Đấy là trường hợp người tỳ-kheo hướng sự chú tâm vào tâm thức (citta/tâm thần, nội tâm) bên trong tâm thức, với tất cả sự hăng say, tỉnh táo và sáng suốt, gác sang một bên mọi sự bám víu và lo buồn của thế tục (trở về với tâm thức mình hầu ý thức được sự vận hành của nó và nhận biết được bản chất của nó).
4- "Đấy là trường hợp người tỳ kheo hướng sự chú tâm vào các hiện tượng tâm thần bên trong các hiện tượng tâm thần (dhamma/trong trường hợp này có nghĩa là các hiện tượng hay các sự tạo tác của tâm thức hiện lên bên trong tâm thức), với tất cả sự hăng say, tỉnh táo và sáng suốt, gác sang một bên mọi sự bám víu và lo buồn của thế tục.
(Xin lưu ý các cách diễn đạt: "thân xác bên trong thân xác", "cảm giác bên trong cảm giác", "tâm thức bên trong tâm thức", "các hiện tượng tâm thần bên trong các hiện tượng tâm thần" là nhằm nhấn mạnh sự kiện hướng thẳng sự chú tâm thật vững chắc vào các đối tượng này, không để cho nó bị xao lãng, và đây cũng là mấu chốt của toàn bộ bài kinh)
A- Chú tâm vào Thân Xác (Kayanupassana)
"Vậy người tỳ-kheo phải làm thế nào để chú tâm vào thân xác bên trong thân xác?
1- Thiền định hướng vào hơi thở (Anapanasati)
"Đấy là trường hợp người tỳ-kheo tìm vào một khu rừng, dưới bóng cây, hay một túp lều hoang phế, tréo chân ngồi xuống, giữ lưng thật thẳng, phát huy sự chú tâm hướng vào trước mặt (nguyên văn trong tiếng Pa-li là "trước ngực", có thể hiểu là không nhìn vào bất cứ gì thuộc môi trường chung quanh mà chỉ tập trung sự chú tâm vào trước mặt mình trước khi hướng nó vào bên trong chính mình). Người tỳ-kheo luôn giữ sự chú tâm thật tỉnh giác mỗi khi hít vào, luôn giữ sự chú tâm thật tỉnh giác mỗi khi thở ra.
"Mỗi khi hít vào dài thì người tỳ-kheo ý thức được: 'Tôi hít vào dài'; mỗi khi thở ra dài thì ý thức được: 'Tôi thở ra dài'. Mỗi khi hít vào ngắn thì người tỳ-kheo ý thực được: "Tôi hít vào ngắn"; mỗi khi thở ra ngắn thì ý thức được: 'Tôi thở ra ngắn'. Người tỳ-kheo sở dĩ luyện tập như thế là để ý thức được: 'Tôi hít vào qua sự cảm nhận của toàn thân thể tôi'. Người tỳ-kheo sở dĩ luyện tập như thế là để ý thức được: 'Tôi thở ra qua sự cảm nhận của toàn thân thể tôi'. Người tỳ-kheo sở dĩ luyện tập như thế là để ý thức được: 'Tôi hít vào nhằm làm lắng xuống các sự tạo tác (bodily fabrications/các sự cảm nhận phát sinh trên thân thể làm cho mình bị phân tâm) trên toàn thân thể tôi'. Nguời tỳ-kheo sở dĩ luyện tập như thế là để ý thức được: "Tôi thở ra nhằm làm lắng xuống các sự tạo tác trên toàn thân thể tôi".
"Tất cả cũng tương tự như một người thợ đồ gốm rành nghề hay một người thợ phụ khéo léo, mỗi khi quay mạnh chiếc bàn quay thì ý thức được: 'Tôi quay mạnh', hoặc khi quay nhẹ thì ý thức được: 'Tôi quay nhẹ'. Cũng thế, người tỳ-kheo hít vào dài thì ý thức được: "Tôi hít vào dài", hoặc thở ra dài thì ý thức được: 'Tôi thở ra dài'... Nguời tỳ-kheo sở dĩ luyện tập như thế là để ý thức được: "Tôi hít vào là nhằm làm cho các sự tạo tác trên toàn thân thể lắng xuống'. Người tỳ-kheo sở dĩ luyện tập như thế là để ý thức được: 'Tôi thở ra là nhằm làm cho các sự tạo tác trên toàn thân thể lắng xuống' (chú tâm vào hơi thở để nhận biết là dài hay ngắn là cách xóa mờ đi các cảm nhận khác. Người thợ rành nghề biểu trưng cho người hành thiền kinh nghiệm, người thợ phụ còn đang học nghề là người hành thiền mới bắt đầu luyện tập, cả hai đều có thể thực hiện được sự chú tâm. Người thợ đồ gốm thì chú tâm vào tốc độ của bàn quay, người hành thiền thì chú tâm vào hơi thở dài hay ngắn).
2- Thiền định hướng vào thân xác (Kayagata)
"Đấy là cách mà người tỳ-kheo chú tâm hướng vào thân xác bên trong thân xác (bên trong thân xác là ruột gan, phèo phổi...), hoặc những gì bên ngoài thân xác nhưng cũng thuộc vào thân xác (bên ngoài thân xác là hình tướng, các động tác..), hoặc cả hai: bên trong và cả bên ngoài thân xác nhưng vẫn thuộc vào thân xác bên trong thân xác. Hoặc người tỳ-kheo cũng có thể chú tâm vào các hiện tượng phát sinh liên quan đến thân xác và các hiện tượng tan biến liên quan đến thân xác, hoặc cả hai tức vừa là các hiện tượng phát sinh vừa là các hiện tượng tan biến liên quan đến thân xác (lúc thì hướng sự chú tâm vào những gì bên trong thân xác - ruột gan phèo phổi... - hoặc các hiện tượng bên ngoài thân xác - to béo, thấp lùn, co chân, duỗi tay... - nhưng tất cả các hiện tượng này đều là thân xác, thuộc vào thân xác; hoặc lúc thì hướng sự chú tâm vào các hiện tượng phát sinh và tan biến bên trong thân xác - sự co thắt của ruột và bao tử chẳng hạn - và cả các hiện tượng phát sinh và tan biến bên ngoài thân xác - các động tác chẳng hạn - nhưng cũng thuộc vào thân xác). Hoặc người tỳ-kheo tiếp tục duy trì sự chú tâm thật tỉnh giác là: 'Có một thân xác', cho đến khi nào ý thức và ghi nhận được điều đó (tức là nhận biết được sự "hiện hữu" của "một" thân xác. Chữ "có" trong câu "Có một thân xác" mang ý nghĩa rất tinh tế và sâu sắc - trong nguyên bản tiếng Anh là "There is a body", trong nguyên bản tiếng Pháp là "Il y a un corps" - có nghĩa là người hành thiền qua từng hơi thở vào ra cảm nhận được là quả đúng "có" một thân xác đang hô hấp, nhưng không liên tưởng đến ý nghĩ cho rằng thân xác ấy là "mình" hay "của mình", và "mình" thì là người đang thở). Và người tỳ-kheo luôn giữ được sự tự do (trên phương diện thân xác), không dựa vào (liên tưởng, nắm bắt hay căn cứ vào) bất cứ gì trong thế giới (chẳng hạn như không nghĩ đến "cái tôi", cái "của tôi" hay các đặc tính của thân xác như cao lớn, béo lùn, xinh đẹp, xấu xí, các thành tích thể thao, v.v., là những gì tùy thuộc vào thân xác, nhưng chỉ liên hệ đến các tiêu chuẩn, quy ước và các hình thức sinh hoạt trong xã hội, tức là những gì thuộc vào thế giới). Đấy là cách mà người tỳ-kheo chú tâm vào thân xác bên trong thân xác.
3- Thiền định hướng vào các tư thế và động tác của thân thể (Iriyapatha)
"Hơn thế nữa, khi đi thì người tỳ-kheo ý thức minh bạch là: 'Tôi đang đi'. Khi đứng thì người tỳ-kheo ý thức minh bạch là: 'Tôi đang đứng'. Khi ngồi thì người tỳ-kheo ý thức minh bạch là: 'Tôi đang ngồi'. Khi nằm thì người tỳ-kheo ý thức minh bạch là: 'Tôi đang nằm'. Dù thân xác đang trong bất cứ một tư thế nào khác cũng vậy, người tỳ-kheo cũng đều ý thức minh bạch mình đang ở trong tư thế ấy.
"Đấy là cách mà người tỳ-kheo chú tâm vào thân xác bên trong thân xác, hay các thể dạng bên ngoài thân xác nhưng thuộc vào thân xác (đi, đứng nằm, ngồi... là những gì tuy là bên ngoài thân xác nhưng vẫn thuộc vào thân xác, chúng phát sinh từ thân xác và hiện lên trên thân xác), nhưng không dựa vào bất cứ gì trong thế giới (không liên tưởng, nắm bắt hay căn cứ vào bất cứ gì trong thế giới dù là liên hệ trực tiếp hay gián tiếp với các động tác ấy của thân thể). Đấy là cách mà người tỳ kheo chú tâm vào thân xác bên trong thân xác.
4- Thiền định hướng vào các sự sinh hoạt của thân thể (Catusampajana)
"Hơn thế nữa, khi bước tới hay lùi lại thì người tỳ-kheo cũng hoàn toàn ý thức được điều đó thật tỉnh giác; khi nhìn vào hướng này hay quay sang hướng khác...; khi co hay duỗi chân tay...; khi mặc chiếc áo tăng già (tanghati/tăng già lê), khoác thêm chiếc áo ngoài (y thượng), ôm chiếc bình bát trong tay, thì người tỳ kheo cũng hoàn toàn ý thức được các việc ấy thật tỉnh giác. Khi ăn, uống, nhai hay thưởng thức (nuốt miếng ăn)...; khi tiểu tiện, phóng uế...; khi đi, đứng, ngồi..., khi nằm ngủ, thức giấc, nói năng hay im lặng, thì người tỳ-kheo cũng đều hoàn toàn ý thức được các việc ấy thật tỉnh giác.
(Có một giai thoại như sau: một vị thầy đang thuyết giảng cho các đệ tử, bỗng dưng ngưng lại, co tay lại và duỗi ra, rồi lại co tay lại và duỗi ra... Các đệ tử lấy làm lạ bèn cất lời hỏi, vị thầy giải thích rằng trước đó mình lỡ co tay nhưng không ý thức được động tác ấy, vì thế đành phải duỗi tay ra và co trở lại để ý thức được động tác mà trước đây vì xao lãng mình không ý thức được - thuật lại theo một câu chuyện do nhà sư Christian Maes kể)
"Đấy là cách mà người tỳ-kheo chú tâm vào thân xác bên trong thân xác, hay các thể dạng bên ngoài thân xác nhưng vẫn thuộc vào thân xác, nhưng không dựa vào bất cứ gì trong thế giới (thí dụ khoác chiếc áo tăng già nhưng không nhận thấy các vết bẩn hay vai áo bị rách, ôm chiếc bình bát nhưng không hy vọng là thực phẩm khất thực được hôm nay sẽ đủ ăn và thơm ngon chẳng hạn... Đấy là cách ý thức được sự sinh hoạt của thân thể nhưng không bám víu vào những gì trong thế giới. Nên hiểu sự ý thức đó không phải là một cách tự tách rời mình ra khỏi thế giới, mà đúng hơn là cách giải thoát mình ra khỏi nó). Đấy là cách mà người tỳ-kheo chú tâm vào thân xác bên trong thân xác (chỉ cần chú tâm vào những sự sinh hoạt bình dị của thân thể nhưng không liên tưởng và bám víu vào những gì liên hệ và tương quan với thế giới - dù là tầm thường hay nhỏ nhoi cách mấy - qua những sự sinh hoạt đó, thì cũng đủ mang lại cho mình một sự an bình và thanh thản. Thiền định trong cuộc sống xuyên qua từng hành động bình dị, nhỏ nhoi và tự nhiên của mình là như vậy).
5- Thiền định về tính cách ô uế của thân xác (Patikkulamanasikara)
"Hơn thế nữa, hãy hình dung ra một cái bọc hở trên và hở dưới, chứa đủ mọi thứ ngũ cốc: nào là lúa mì, thóc, đậu xanh, đậu trắng, mè, gạo, và nếu một người tinh tường trút các thứ cất chứa trong bọc ra thì tất sẽ nhận thấy: 'Đây là lúa mì, đây là thóc, đây là đậu xanh, đây là đậu trắng, đây là mè, đây là gạo' (cái bao hở hai đầu có nghĩa là miệng và hậu môn của một thân xác. Tất cả các loài động vật, từ côn trùng, rắn rết, ếch nhái, cá, chim, cho đến các con thú tiến hoá hơn, kể cả con người, đều có một thân xác với hai lỗ hổng: một để cho vào và một để thải ra, cái thân xác với hai lỗ hổng đó cũng chẳng khác gì như một cái bao hở trên và hở dưới. Một người "tinh tường" sẽ nhận thấy những gì thải ra cũng là những gì đã được cho vào bên trong cái bao ấy. Những gì cho vào được liệt kê trên đây toàn là ngũ cốc, không thấy nói gì đến thịt cá, phải chăng đây cũng là cách mà Đức Phật gián tiếp cho biết các đệ tử của Ngài và những người nghe giảng là những người ăn chay? Dưới một góc nhìn khác và nếu ý thức được việc cho vào và thải ra cũng chỉ là các nhu cầu và đòi hỏi của thân xác phản ảnh bản năng sinh tồn của nó nhằm duy trì sự hiện hữu của nó, thì sự thèm khát các món ngon vật lạ, ham thích tiệc tùng, rượu chè, đình đám biết đâu cũng có thể sẽ giảm bớt được phần nào chăng?). Này các tỳ-kheo, thân xác nào có khác gì với cái bọc ấy đâu, đã là một người tỳ-kheo thì phải nhận biết được cái thân xác ấy, từ gan bàn chân lên đỉnh đầu, từ đỉnh đầu xuống gan bàn chân, tất cả cũng chỉ là một cái bọc bằng da cất chứa đủ mọi thứ không tinh khiết: 'Bên trong thân xác đó nào là tóc, lông, móng chân, móng tay, răng, da, thịt, gân, xương, tủy xương, thận, tim, gan, màng nhầy, thận, phổi, ruột già, ruột non, cuống họng, phẩn, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, chất nhờn ở da, nước miếng, nước mũi, chất nhờn ở các khớp xương, nước tiểu'.
6- Thiền định hướng vào bốn thành phần căn bản của thân xác (Dhatumanasikara)
"Đấy là cách mà người tỳ-kheo chú tâm vào thân xác bên trong thân xác, hay các thể dạng bên ngoài thân xác nhưng vẫn thuộc vào thân xác, nhưng không dựa vào bất cứ gì trong thế giới (ruột gan, máu mủ, phẩn, nước tiểu là những thứ không hề biểu trưng hay đại diện cho tổng thể thân xác, nhưng vẫn thuộc vào thân xác, bên trong thân xác. Hơn nữa những gì tuy là bên ngoài thân xác, chẳng hạn như xinh đẹp, xấu xí, hấp dẫn, khêu gợi, duyên dáng, bảnh trai, v.v. không phải là thân xác nhưng vẫn thuộc vào thân xác, bên trong thân xác. Ngoài ra cũng có các thứ khác hoàn toàn bên ngoài thân xác nhưng cũng liên hệ mật thiết với thân xác là: quần áo, phấn son, nước hoa, trang sức, các thành tích thể dục, múa giỏi, hát hay, v.v., là những gì bên ngoài thân xác nói lên sự bám víu của nó vào thế giới, và tuy không phải là thân xác nhưng cũng mật thiết liên hệ đến thân xác từ bên trong thân xác). Đấy là cách mà người tỳ kheo chú tâm vào thân xác bên trong thân xác (không dựa vào hay bám víu vào những gì bên ngoài thân xác như vừa kể trên đây, dù những thứ ấy liên hệ đến thân xác).
"Hơn thế nữa, hãy hình dung một người đồ tể lão luyện hay một người còn đang học nghề, giết một con bò, xẻ thịt bày bán ở một ngã tư đường. Này các tỳ-kheo, hãy nhìn vào cái thân xác đích thật đó (của mình và của con vật) - dù nó đang là thế nào, trong tình trạng nào (toàn vẹn hay xẻ ra từng miếng nhỏ) - thì trên phương diện bản chất: 'Cái thân xác đó cũng chỉ mang các thể tính đất (các phần cứng), nước (máu, nước mắt, mồ hôi, nước tiểu...), lửa (hơi nóng, sinh lực, sinh khí) và gíó (hơi trong bao tử, trong ruột, hơi tống ra ở hai lỗ hở, gió tạo ra bởi sự chuyển động của thân thể... Dù người đồ tể lành nghề xẻ thịt con vật thật khéo léo, hay người thợ phụ còn đang học nghề cắt thịt vụng về, miếng thịt không đẹp mắt, trông không ngon, thì thân xác đó của con vật từ bản chất cũng chỉ là đất, nước, lửa và gió. Người hành thiền lão luyện cảm nhận được các thể tính ấy của thân xác mình một cách tự nhiên và trực tiếp, một người hành thiền tập sự thì phải chú tâm để tưởng tượng ra thân xác mình gồm các thể tính ấy).
"Đấy là cách mà người tỳ-kheo chú tâm vào thân xác bên trong thân xác, hay các thể dạng bên ngoài thân xác nhưng vẫn thuộc vào thân xác, bên trong thân xác, nhưng không dựa vào bất cứ gì trong thế giới (chẳng hạn như da thịt nõn nà hay nhăn nheo, thơm tho hay hôi hám, v.v., tất cả những thứ ấy sau khi phân tích đến chỗ tột cùng, thì cũng chỉ là đất, nước, lửa và gió mà thôi).
7- Thiền định hướng vào xác chết trong bãi tha ma (Sivatika)
"Hơn thế nữa, khi nhìn vào một thây ma trong một hố vứt xác - sau một ngày, hai ngày, ba ngày - xác phình lên, tái nhợt, sình thối, thì người tỳ-kheo tất sẽ phải liên tưởng đến sự thật về thân xác của chính mình: 'Cái thân xác này [của mình] nào có khác gì đâu: bản chất của nó là như thế, tương lai của nó là như thế, phần số tất nhiên của nó là như thế' (dù có trau chuốt nó, tô son trát phấn, mặc quần áo đắt tiền cho nó..., thì số phận của nó cũng chỉ là như thế).
"Hoặc trong trường hợp khác, người tỳ-kheo cũng có thể trông thấy một thây ma trong hố vứt xác, bị quạ, kên kên, chim ưng, chó, linh cẩu (hyena/loại chó rừng chuyên ăn xác chết) hay các sinh vật khác... (ruồi, bọ, kiến, giòi...) đang mổ, ăn hay đục khoét, chỉ còn trơ một bộ xương dính máu, thịt da mất hết, chỉ còn lại một ít gân nối các khớp xương..., hoặc là một đống xương ngổn ngang, gân cũng hư thối hết - chỗ thì xương bàn tay, chỗ thì xương bàn chân, chỗ thì xương ống chân, chỗ thì xương đùi, chỗ thì xương hông, chỗ thì xương sống, chỗ thì xương sườn, chỗ thì xương ức, chỗ thì xương vai, chỗ thì xương cổ, chỗ thì xương hàm, chỗ thì răng, chỗ thì xương sọ..., các mẩu xương đã hóa trắng, tương tự như vỏ sò ốc.., và sau một năm thì cũng sẽ mục nát hết. Trước cảnh tượng đó người tỳ-kheo tất sẽ phải liên tưởng đến sự thật về thân xác của chính mình: 'Thân xác này [của mình] nào có khác gì đâu: bản chất của nó là như thế, tương lai của nó là như thế, phần số tất nhiên của nó là như thế'.
"Đấy là cách mà người tỳ-kheo chú tâm vào thân xác bên trong thân xác, hoặc các thể dạng bên ngoài thân xác nhưng vẫn thuộc vào thân xác, bên trong thân xác, hoặc cả hai tức bên trong và cả bên ngoài thân xác (bên trong thân xác là ruột gan, phèo phổi, máu mủ; bên ngoài thân xác là thây ma sình thối, xương trắng ngổn ngang và mục nát). Hoặc người tỳ-kheo cũng có thể chú tâm vào các hiện tượng phát sinh liên quan đến thân xác và các hiện tượng tan biến liên quan đến thân xác, hoặc cả hai tức vừa là các hiện tượng phát sinh liên quan đến thân xác vừa là các hiện tượng tan biến liên quan đến thân xác. Hoặc người tỳ-kheo cũng có thể duy trì sự chú tâm thật tỉnh giác là: 'Có một thân xác' cho đến khi nào đạt được sự hiểu biết và ghi nhận được điều đó. Và người tỳ-kheo luôn giữ được sự tự do (trên phương diện thân xác), không dựa vào (nắm bắt hay căn cứ vào) bất cứ gì trong thế giới (dù là liên quan đến thân xác). Đấy là cách mà người tỳ-kheo chú tâm vào thân xác bên trong thân xác.
(Tóm lại phân đoạn trên đây cho thấy phép thiền định dựa vào hơi thở là một phương pháp giúp mình trở về với chính mình, với thân xác mình, hầu tìm hiểu và phân tích nó, và cũng là để khám phá ra bản chất "vô thường", "khổ đau" và "vô thực thể" của nó)
B- Chú tâm vào Cảm Giác (Vedananupassana)
"Vậy người tỳ-kheo phải làm thế nào để chú tâm vào các cảm giác bên trong các cảm giác? Đó là trường hợp khi cảm nhận một cảm giác đau đớn thì người tỳ-kheo ý thức minh bạch: 'Tôi cảm nhận một cảm giác đau đớn'. Khi cảm nhận một cảm giác thích thú thì người tỳ-kheo cũng ý thức minh bạch: 'Tôi cảm nhận một cảm giác thích thú'. Khi cảm nhận một cảm giác không-đau-đớn-cũng-không-thích-thú, thì người tỳ-kheo cũng ý thức minh bạch: 'Tôi cảm nhận một cảm giác không-đau-đớn-cũng-không-thích-thú' (xin lưu ý: bất cứ một sự cảm nhận nào phát sinh từ lục giác - mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thể và tâm thức - cũng đều tạo ra các cảm giác "đau đớn", "thích thú" hay "trung hòa", thí dụ một cơn ác mộng là một sự cảm nhận đau đớn của tâm thức, trông thấy một thân thể xinh đẹp là một sự cảm nhận thích thú của mắt; chạm vào một tấm lụa là một cảm nhận thích thú, sờ vào một vật cứng và nhám là một sự cảm nhận không thích thú; nhai và nuốt một miếng ăn nhưng không cảm nhận - với tất cả tỉnh táo - là ngon hay không ngon, là một sự cảm nhận trung hòa của vị giác, trái lại trong trường hợp khác, chẳng hạn như đang mải mê nói chuyện hoặc suy nghĩ miên man về các chuyện khác, nhưng vẫn ăn và nuốt, không ý thức được là mình đang nhai và đang nuốt những gì, ngon hay không ngon, thì đấy không phải là một cảm nhận trung hòa mà là một sự xao lãng, không chú tâm đúng mức vào các cảm giác (vedananupassana) hầu ý thức được sự vận hành của các giác quan. Dầu sao vedana cũng là m ột ột kh ái ni ệm phức tạp và được định nghĩa với đôi chút khác biệt giữa Phật giáo Theravada và Phật giáo Mahayana).
xxx Khi cảm nhận một cảm giác đau đớn trên da thịt thì người tỳ-kheo ý thức minh bạch: 'Tôi cảm nhận một cảm giác đau đớn trên da thịt' (có nghĩa là các cảm nhận xúc giác liên quan đến "thế giới" hay môi trường "bên ngoài", có thể mở rộng các sự cảm nhận này liên quan đến các giác quan khác như mắt, tai, mũi, lưỡi). Khi cảm nhận một cảm giác đau đớn không phải là trên da thịt (tức là trong tâm thần, liên quan đến giác quan thứ sáu là tâm thức, chẳng hạn như đau buồn, nhớ nhung, thương tiếc, tức giận, sung sướng, v.v.) thì người tỳ-kheo cũng ý thức minh bạch: 'Tôi cảm nhận một cảm giác đau đớn không phải là trên da thịt'. Khi cảm nhận một cảm giác thích thú trên da thịt thì người tỳ-kheo ý thức minh bạch: 'Tôi cảm nhận một cảm giác thích thú trên da thịt'. Khi cảm nhận một cảm giác thích thú không phải là trên da thịt thì người tỳ-kheo cũng ý thức minh bạch: 'Tôi cảm nhận một cảm giác thích thú không phải là trên da thịt'. Khi cảm nhận một cảm giác không-đau-đớn-cũng-không-thích-thú trên da thịt thì người tỳ-kheo ý thức minh bạch: 'Tôi cảm nhận một cảm giác không-đau-đớn-cũng-không-thích-thú trên da thịt'. Khi cảm nhận một cảm giác không-đau-đớn-cũng-không-thích-thú không phải là trên da thịt thì người tỳ-kheo cũng ý thức minh bạch: 'Tôi cảm nhận một cảm giác không-đau-đớn-cũng-không-thích-thú không phải là trên da thịt'.
"Đấy là cách mà người tỳ-kheo chú tâm vào cảm giác bên trong cảm giác, hoặc các cảm giác bên ngoài cảm giác ("các cảm giác bên trong cảm giác" là các cảm nhận "thích thú", "khó chịu" hay "trung hòa", có nghĩa là một sự "nhận biết" đơn thuần của giác quan. "Các cảm giác bên ngoài cảm giác" là cảm nhận nóng lạnh, cứng mềm chẳng hạn đối với da thịt, ánh sáng chói chang hay mờ ảo đối với mắt): hoặc cả hai - tức là bên trong và cả bên ngoài cảm giác. Tuy nhiên người tỳ-kheo cũng có thể chú tâm vào các hiện tượng phát sinh liên quan đến cảm giác, và cả các hiện tượng tan biến liên quan đến cảm giác, hoặc cả hai vừa là hiện tượng phát sinh vừa là hiện tượng tan biến liên quan đến cảm giác (đây là cách ý thức được tính cách vô thường của các cảm giác). Hoặc người tỳ-kheo cũng có thể duy trì sự chú tâm thật tỉnh giác là 'Có các cảm giác' cho đến khi nào đạt được sự hiểu biết và ghi nhận được điều đó (ý thức minh bạch về các cảm giác của mình và sự hiện hữu của chúng, nhưng không diễn đạt gì cả: thí dụ nhận biết được đúng là đang "có" các cảm giác nhưng không có "cái tôi" hay cái "của tôi" nào bên trong các cảm giác đó, cũng không gán cho các cảm giác ấy một ý nghĩa nào cả). Và người tỳ-kheo luôn giữ được sự tự do (không tạo ra cho các cảm giác của mình một ý nghĩa nào, cũng không liên kết chúng với bất cứ gì trong môi trường bên ngoài), nhưng không dựa vào (nắm bắt hay căn cứ vào) bất cứ gì trong thế giới. Đấy là cách mà người tỳ kheo chú tâm vào cảm giác bên trong cảm giác.
(Tóm lại sự chú tâm vào cảm giác - vedananupassana - gồm có sáu phương thức dựa vào sáu giác quan và mỗi phương thức - tức là đối với mỗi giác quan - sẽ gồm có ba thể loại cảm nhận là thích thú, khó chịu và trung hòa, và người hành thiền phải hiểu rằng cảm giác là chỉ có thế: "thích thú", "khó chịu", "trung hòa" ngoài ra không có gì khác, không được gán thêm cho các cảm giác của mình bất cứ một sự diễn đạt nào)
C- Chú tâm vào Tâm Thức
"Vậy người tỳ-kheo phải làm thế nào để chú tâm vào tâm thức bên trong tâm thức? Đấy là trường hợp khi tâm thức có một dục vọng (passion/sự đam mê, thèm khát, ham muốn) thì người tỳ-kheo ý thức minh bạch là trong tâm thức có một dục vọng. Khi tâm thức không có dục vọng nào thì người tỳ kheo cũng ý thức minh bạch là trong tâm thức không có dục vọng nào. Khi tâm thức có sự ghét bỏ (aversion/thù ghét, ác cảm) thì người tỳ kheo ý thức minh bạch là trong tâm thức có sự ghét bỏ. Khi tâm thức không có sự ghét bỏ nào thì người tỳ-kheo cũng ý thức minh bạch là trong tâm thức không có sự ghét bỏ nào. Khi tâm thức có một ảo tưởng (delusion/illusion/ảo giác, ảo ảnh, sự tưởng tượng) thì người tỳ-kheo ý thức minh bạch là trong tâm thức có một ảo tưởng. Khi tâm thức không có ảo tưởng nào thì người tỳ-kheo cũng ý thức minh bạch là trong tâm thức không có ảo tưởng nào (đó là cách ý thức được hai khía cạnh "tinh khiết" và "ô nhiễm" của tâm thức).
"Khi tâm thức bực bội (constricted/restrient/gò bó, khó chịu, bứt rứt, tiếng Pa-li là samkhita) thì người tỳ-kheo ý thức minh bạch là tâm thức bực bội. Khi tâm thức phân tán (enlarged/bung ra, tiếng Pa-li là vikkhitta, tiền ngữ vikiri có nghĩa là scattered/phân tán hay spread/trải rộng) thì người tỳ-kheo ý thức minh bạch là tâm thức phân tán. Khi tâm thức không phân tán thì người tỳ-kheo cũng ý thức minh bạch là tâm thức không phân tán. Khi tâm thức bị tràn ngập (unsurpassed/dépassé/ choáng ngợp, mất định hướng, tiếng Pa-li là anuttara có nghĩa là không vượt lên trên được) thì người tỳ-kheo ý thức minh bạch là tâm thức bị tràn ngập. Khi tâm thức tập trung (concentrated/giữ được sự chú tâm, tiếng Pa-li là samahita, có nghĩa là vững chắc, vững vàng) thì người tỳ-kheo ý thức minh bạch là tâm thức giữ được sự tập trung. Khi tâm thức không tập trung thì người tỳ kheo cũng ý thức minh bạch là tâm thức không giữ được sự tập trung. Khi tâm thức cởi mở (released/libéré/không vướng mắc, tiếng Pali là vimutta/freed, emancipated, có nghĩa là thoát khỏi các ý nghĩ chật hẹp) thì người tỳ kheo ý thức được tâm thức cởi mở. Khi tâm thức không cởi mở thì người tỳ kheo cũng ý thức minh bạch là tâm thức không cởi mở.
"Đấy là cách mà người tỳ kheo chú tâm vào tâm thức bên trong tâm thức, hoặc các thể dạng bên ngoài tâm thức (chẳng hạn như các thể dạng: bực bội, mở rộng, khép kín, v.v., không phải là tâm thức nhưng vẫn là tâm thức thuộc vào tâm thức) nhưng vẫn thuộc vào tâm thức bên trong tâm thức, hoặc cả hai tức vừa bên trong và cả các thể dạng bên ngoài tâm thức nhưng vẫn thuộc vào tâm thức từ bên trong tâm thức. Hoặc người tỳ-kheo cũng có thể chú tâm vào các hiện tượng phát sinh liên quan đến tâm thức, hoặc các hiện tượng tan biến liên quan đến tâm thức, hoặc cả hai tức vừa là các hiện tượng phát sinh vừa là các hiện tượng tan biến liên quan đến tâm thức (ý thức được bản chất vô thường của những gì hiện lên trong tâm thức). Hoặc người tỳ-kheo cũng có thể duy trì sự chú tâm tỉnh giác là 'Có một tâm thức' cho đến khi nào đạt đưọc sự hiểu biết và ghi nhận được điều đó (ý thức minh bạch quả đúng là "có" một tâm thức, nhưng không cảm nhận tâm thưc / thức ấy là "tôi" hay "của tôi", hay "cái ngã" cùa mình). Và người tỳ-kheo luôn giữ được sự tự do (trong lãnh vực tâm thức), không dựa vào (nắm bắt hay căn cứ vào) bất cứ gì trong thế giới. Đấy là cách mà người tỳ-kheo chú tâm vào tâm thức bên trong tâm thức.
(Phân đoạn trên đây cho thấy tâm thức là một giác quan, và các đối tượng cảm nhận của nó là: dục vọng, sự ghét bỏ, các ảo tưởng, sự bực bội, cởi mở, tập trung, xao lãng, hoang mang... Tâm thức cảm nhận được những thứ ấy qua sự tiếp xúc giữa nó và các đối tượng của nó, nhưng nó cũng có thể nhận biết được các đối tượng ấy của nó hiện ra như thế nào và sau đó sẽ tan biến như thế nào. Thí dụ đối với các cảm giác khác: nếu chạm tay vào một vật gì đó thì đấy là một sự cảm nhận của xúc giác, thế nhưng khi co tay lại thì sự cảm nhận đó chấm dứt, khi một âm thanh lọt vào tai thì đó là một sự cảm nhận thính giác, nếu sau âm thanh là sự im lặng thì đấy là sự chấm dứt của cảm nhận thính giác. Nếu giữa đêm khuya nghe một tiếng động thì hoảng hốt và thét lên, thì đó là những gì bên ngoài sự cảm nhận thính giác, nhưng vẫn liên hệ với thính giác. Một người chú tâm vào cảm giác tạo ra bởi thính giác và tiếp tục chú tâm vào bên trong cảm giác đó và dừng lại đó, không diễn đạt gì cả, thì có nghĩa là người này vẫn nghe thấy minh bạch một tiếng động trong đêm, nhưng không thét lên).