;
HỎI: Tôi đọc kinh thấy có đề cập đến Biên Kiến và Sở tri chướng , tôi có tra tự điển và một số tài liệu nhưng hiểu chưa rõ vậy, xin giải thích cho tôi biết rõ về hai từ nầy?.
TRẢ LỜI
1/ - Biên kiến là một trong năm ác kiến, gồm có: Thân kiến, Biên kiến, Tà kiến, giới cấm thủ kiến, Kiến thủ kiến .
Theo như đạo hữu hỏi trong thư, chúng tôi xin trích đoạn "Những Mộng Đàm về Phật Giáo Thiền Tông" của Quốc sư Mộng Sơn do Huỳnh Kim Quang dịch, (Viện Triết Lý Việt Nam và Triết Học Thế Giới ấn hành) nhằm nói rõ biên kiến như sau:
"Người chưa giác ngộ nghĩ rằng những niềm tin mà họ tưởng là thật, chính là căn nguyên, do đó, một khi họ đặt niềm tin vào bất cứ giáo nghĩa của trường phái nào, họ đều bác bỏ tất cả các trường phái khác. Một khi họ đặt niềm tin vào một người nào đó như là bậc đạo sư của họ, họ nghĩ rằng giáo nghĩa của mọi người khác đều là thấp kém, và ngay cả từ chối nghe bất cứ điều gì khác.
Những người như vậy là những kẻ khờ dại nhất trong những người khờ dại .
Cũng có người ôm giữ mãi do dự và không quyết đoán, bởi vì những giáo nghĩa của nhiều trường phái và các vị đạo sư khác biệt nhau .
Thức ăn có nhiều mùi vị; cái nào có thể được xác định như là tinh chất? Như thể chất của con người khác nhau, vị giác của họ cũng vậy . Một số người thì thích ngọt bùi; một số người khác thì ưa thức ăn cay . Nếu các ngài nói rằng mùi vị mà các ngài thích là mùi vị tinh chất và phần còn lại là vô dụng, các ngài chính thật là kẻ khờ dại .
Như thế, theo giáo lý đạo Phật thì: bởi vì các ý thú tự nhiên của con người khác biệt nhau, có thể là, một giáo nghĩa đặc biệt nào đó, là giá trị đặc thù đối với một cá nhân nào đó được ban cho, nhưng nó trở thành sai lầm nếu người ta chấp chặt lấy nó như là điều duy nhất và chân lý duy nhất, để loại bỏ tất cả những giáo nghĩa khác ..."... (Trang 152)
Trong Kinh Tăng Chi (Anguttara Nikaya) có một kinh gọi là Kinh Kamala. Đức Phật có nói với một Bà La Môn khi đến hỏi Phật :"Đừng tin tưởng một điều gì vì phong văn . Đừng tin tưởng điều gì vì nó là tập quán lưu truyền. Đừng tin tưởng điều gì vì được nhiều người nói đi nhắc lại . Đừng tin tưởng điều gì vì là bút tích của thánh nhân. Đừng tin tưởng những thói quen đã có từ lâu khiến ta cho là đúng. Đừng tin tưởng một điều gì do ta tưởng tượng nhưng lại nghĩ rằng do một vị thần linh đã khai thị cho ta . Đừng tin tưởng bất cứ một điều gì do các thầy có uy tín dạy . Chỉ tin tưởng cái gì mà chính các người đã từng trải, kinh nghiệm và nhận là đúng, đồng thời có lợi cho mình và kẻ khác. Chỉ có điều đó mới làm cho con người và cuộc đời được thăng hoa . "
2/ Sở Tri Chướng: Sở Tri Chướng (chỗ biết là chướng ngại), cũng còn gọi là Trí Chướng (Trí khôn là chướng ngại: Sự chấp nệ chỗ biết, chỗ chứng của mình ngăn biết cái Tánh Trí Huệ ....) là tất cả những điều hiểu biết do tâm ý thức, dù được cho là đúng, hoặc sai, đều thuộc phạm vi nhị biên , tương đối, không phải là bổn tâm thanh tịnh bất nhị, nếu còn giữ lại một mảy may tri kiến nào thì đều là còn có sở trụ, tâm còn bị vướng mắc, chưa giải thoát. Trong kinh Kim Cang ,đức Phật dạy :"...Pháp còn phải xả bỏ, huống là phi pháp", là nghĩa này vậỵ
Hòa thượng Thích Hành Trụ giảng rằng:
- "Sở tri chướng" cũng gọi là Trí chướng, bởi ngu si mê ám, không hiểu thấu được sự tướng và thực tánh của các pháp, nên bảo là Trí chướng. Cái chướng này do bệnh "Pháp chấp" sanh ra ...(A Di Đà Sớ Sao, trang 246)
Hòa thượng Thích Duy Lực giảng rằng:
- "Sở tri chướng" : Tri kiến do bộ óc nhận thức được đều làm chướng ngại sự kiến tánh . (Danh Từ Thiền Học Chú Giải, trang 43)
Chúng tôi thiết nghĩ , chúng ta đang sống trong thế giới tương đối, có quy luật, có đúng, có sai, chúng ta cần có "sở tri" để biết đúng mà làm, biết sai mà tránh. Chỉ khi nào chúng ta giác ngộ lại bản thể chân tâm tuyệt đối (chư Tổ dùng chữ "tạm nói" để chỉ cái chuyện "tuyệt đối" này, vì có nói ra được là có "năng, sở" có đối đãi, làm sao mà mô tả "tuyệt đối", chư Tổ gọi tình trạng này là"gãi ngứa qua giầy"), thì lúc đó chúng ta đã" tuyệt kiến văn", đã bừng tỉnh khỏi cơn mê mụ của "kiến, văn, giác, tri" này, lúc đó chắc chắn chúng ta hết sở tri chướng, đạo hữu ạ.nguoiphattu.com
Tất cả chúng ta đều đang sống trong đời sống tương đối, đều đang ôm trong tâm đủ loại sở tri, chướng nhiều hay ít thì tùy người, không ai không bị sở tri chướng ngại đâu, chỉ có khác nhau ở sự chấp trước, người chấp chặt vào điều mình biết (sở tri) quá, thì bị cái "sở tri" nó "chướng" ngại nhiều . Buông xả bớt, thì cuộc đời nhẹ nhàng, trong đạo, ngoài đời đều nhẹ bớt mà thôi, đạo hữu ạ .
Chư Tổ nói rằng còn để trong tâm một chữ "tri", là còn cái cửa tai họa, không giải thoát , vì còn bị "sở tri" chướng ngại . Cho nên thôi thì đạo hữu và tôi, chúng ta cứ buông xả bớt cái " sở tri" nào có thể buông xả được, cho nó nhẹ bớt được tí nào hay tí ấy, gọi là " kiến dọn lâu cũng sạch tổ", hy vọng sở tri chướng sẽ giảm dần, cho đến khi nào tu hành tinh tấn đến bừng tỉnh khỏi cơn mê, sẽ chấm dứt sở tri chướng. Và ngay cả chấp vào Sở Tri cũng là chuyện phải xảy ra, chỉ khi nào chấp "chặt" thì mới trở thành Chướng
Vậy làm cách nào để bỏ được thói quen chấp "chặt"?
Có hai vấn đề đặt ra :
1- Về tu hành, nếu muốn giải thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi, mà trong tâm còn lại một niệm "biết" (tri), thì theo chư Tổ Thiền Tông, cũng còn là cửa tai họa, còn là " sở tri chướng", còn lưu lạc, luân hồi trong đời sống nhị biên, tương đối .
2- Về đời sống hàng ngày, tương đối, thì đã gọi là "tương đối", mọi người cư xử với nhau tuỳ theo " vọng tâm sinh diệt nhị biên", có người thiện tâm, có người ác tâm, người muốn chuyển hóa dòng nghiệp lực, hoặc vâng lời dậy dỗ của gia đình, trường học, tôn giáo, thì "tu tâm", tự mình cải hóa dần, từ tâm ác chuyển thành tâm thiện, đó là đời sống tương đối, đời sống đầy ắp sở tri, đạo hữu ạ .Vấn đề tình yêu khác tôn giáo cũng như khác chính kiến, khác giai cấp, là những vấn đề muôn thuở . Nên để đương sự tuỳ theo tâm họ mà giải quyết vấn đề. Niềm tin chính của chúng ta, những người theo đạo Phật, là tin sâu nhân quả . Nếu hai người yêu nhau quá, không thể bỏ nhau, là họ đã có nhân duyên với nhau từ những kiếp trước.Nếu họ dùng tâm từ bi và tình yêu để xử với nhau, họ sẽ không làm cho nhau đau khổ đâu . Cổ nhân có cái thí dụ rằng mỗi người đều có hai tay . Nhưng khi đứng cạnh nhau, mỗi người phải tự đưa một tay về phía sau, thì đứng cạnh nhau mới thoải mái . Người Việt Nam chúng ta có từ ngữ " tế nhị" nếu mọi người đều hành xử tế nhị thì cuộc đời sẽ bớt nhiều đau khổ, đạo hữu ạ .Sống chung, mọi người đều phải nhường nhịn bớt, thì mọi sự sẽ trở nên tương đối ổn định, đời sống tương đối mà .
Trên đây là những lý thuyết, nhưng nếu ai đem lý thuyết ứng dụng được vào đời sống hàng ngày thì người ấy sẽ tránh được nhiều phiền não và có được hạnh phúc. Có một câu nói của một tác giả nào đó mà chúng tôi không nhớ rõ tên. Tác giả viết rằng: "Nếu đời cho ta một trái chanh, thì ta pha thêm nước và thêm một ít đường vào rồi hãy uống cho đỡ chua". Đúng như vậy, nếu chúng ta muốn bớt chấp trước, thì chúng ta nghe theo những lời khuyên này . Còn nếu chúng ta cứ nhất định phải " ăn quả chanh nguyên chất", thì cũng đành tùy duyên vậy .
Ban Biên tập thuvienhoasen.org