;
Những tên trộm lịch lãm
Lần bị mất cắp tượng phật gần đây nhất là vào ngày 18/2 vừa qua (nhằm mùng 9 Tết Quý Tỵ). Hôm ấy, tại chùa Long Hoa nằm trên địa bàn thị trấn Ngô Mây (huyện Phù Cát) có lễ phật, phật tử trong vùng đổ về chùa đi lễ rất đông.
Buổi lễ phật diễn ra bình thường, sau lễ, các thầy trong chùa đều về phòng nghỉ ngơi. Đầu giờ chiều cùng ngày, Đại đức Thích Quảng Dũng, trụ trì chùa Long Hoa có cuộc họp phải đi dự. Mới rời chùa chừng 15 phút, thì 1 một chú tiểu gọi điện thoại hốt hoảng thông báo tin dữ: 3 pho tượng phật cổ ở chánh điện đã “không cánh mà bay”.
Theo Đại đức Thích Quảng Dũng, những pho tượng bị mất đều bằng đồng đen, chiều cao khoảng 30cm, mỗi pho nặng khoảng 2kg, có niên đại trên 200 năm.
“Từ trước đến nay, việc canh phòng tại chùa luôn được các tăng sư thực hiện nghiêm cẩn. Đó là nhằm đề phòng kẻ gian trà trộn với phật tử đến lễ chùa vào trộm tượng phật quí. Dù là người quen hay lạ, ai vào chùa dâng hương, viếng phật hoặc đi kiếm con gà, con lợn đi lạc cũng đều được các sư tăng trong chùa giám sát cẩn thận. Vậy mà lần này kẻ gian cũng đột nhập được vào chánh điện để trộn tượng”. Đại đức Thích Quảng Dũng buồn bã chia sẻ.
Mới đây, chùa Thiên Ân nằm trên địa bàn xã Cát Chánh (Phù Cát) cũng vừa bị mất 1 tượng đồng 300 năm tuổi. Thầy Thích Quảng Nghiêm, trụ trì chùa Thiên Ân rầu rầu kể lại: “Quãng thời gian trước đó, có 2 thanh niên tướng tá lịch lãm, đi xe Attila, nhiều lần đến viếng chùa. Lần nào đến chơi, 2 thanh niên kia cũng trầm trồ, ngưỡng mộ pho tượng phật cổ trong chùa.
Có lần 2 thanh niên này ngỏ ý muốn mua tượng phật nói trên với giá 500 triệu đồng. Tuy nhiên, nhà chùa nào lại đi bán tượng phật, chúng tôi từ chối thẳng thừng. Hôm khác, 2 thanh niên này lại ghé nhà chùa, xin vào cúng đường 100.000 đồng và nhờ tôi mở cửa chính điện để dâng hương lễ phật. Sau khi mở cửa chính điện, tôi xuống nhà dưới lấy hộp diêm thì hai thanh niên đã lấy trộm pho tượng phật cổ đi mất”.
Đi về đâu những tượng phật cổ?
Cuối năm 2010, tại ngôi chùa lớn Long Khánh nằm giữa lòng thành phố Quy Nhơn bị mất 1 pho tượng Địa Tạng bằng đồng đỏ nặng khoảng 70kg-80kg. Vào tháng 4/2012, chùa Long Hòa (xã Cát Tân - Phù Cát) cũng bị mất pho tượng phật cổ. Hai tháng sau (tháng 6/2012), chùa Viên Quang (xã Cát Trinh - Phù Cát) lại bị mất 2 tượng phật Quan âm. Vào đầu năm 2013, chùa Hưng Long nằm trên địa bàn xã Nhơn An (TX.An Nhơn, Bình Định) bị mất pho tượng gỗ có niên đại khoảng 300 - 400 năm. Chùa Phước Hải (xã Cát Minh - Phù Cát) cũng đã từng bị mất 3 pho tượng phật. Những pho tượng bị mắt đều được chế tác bằng đồng đen, có niên đại từ 200 - 300 năm.
Theo phản ánh của các nhà chùa bị mất tượng phật cổ, trước những vụ mất cắp xảy ra, ngôi chùa nào cũng được 2 hai thanh niên tướng tá lịch lãm, đi xe attila, khoảng trên 30 tuổi đến viếng và xin dâng hương lễ phật. Sau đó lén trộm những pho tượng quí.
Đại đức Thích Quảng Dũng bức xúc: “Việc trộm tượng phật cổ có chọn lọc hẳn hoi, bởi khi thực hiện hàng loạt các vụ trộm kể trên, bên cạnh những tượng phật cổ bị mất còn có các vật dụng khác bằng đồng, có niên đại cũng đến vài chục năm nhưng không bị kẻ cắp lấy. Điều này chứng tỏ kẻ trộm rất sành cổ vật.
Tình hình nghiêm trọng là vậy nhưng chưa được lực lượng chức năng quan tâm, tổ chức điều tra. Khi ngôi chùa của chúng tôi báo mất tượng phật cổ, lực lượng công an có đến làm việc hiện trường nhưng mãi đến nay vẫn chưa tìm ra thủ phạm. Do đó, trong thời gian sau này, còn nhiều chùa khác cũng bị mất tượng phật cổ nhưng các sư thầy không báo cáo, vì nghĩ rằng có báo cũng không tìm ra”.
“Những vụ việc mất cắp tượng phật cổ vẫn đang được chúng tôi điều tra. Có 1 số vụ mất tượng phật trong năm 2012 nhưng các nhà chùa không báo cáo nên công an chưa nắm thông tin. Hiện lực lượng công an đang tập trung điều tra một vụ cướp giật vừa xảy ra trên địa bàn nên chưa thể truy tìm các pho tượng phật cổ đã bị mất” - Đại tá Nguyễn Đức Nam, Trưởng Công an huyện Phù Cát |