;
Tôi là Phật tử từ khi 10 tuổi, nay đã hơn 60. Tôi thường gần gũi phục vụ chư Tăng trong các dịp lễ hoặc họp hành nên được trao truyền ít nhiều Phật pháp. Điều mà tôi luôn trăn trở là một số quý thầy cứ thoải mái hút thuốc lá, trong khi cả xã hội người ta đang cố bỏ, thậm chí còn lên án. Một số ít vị thầy được mời bia cũng dùng rất tự nhiên. Tôi thấy và nghe thiên hạ chê bai, bức xúc... không thể nào chịu được.
Với khả năng của tôi, có thể góp ý cho quý thầy ở chùa mình thôi chứ tất cả thì không thể. Nhưng cũng không dễ quý thầy nơi chùa tôi thay đổi trong khi một số vị khác vẫn hút thuốc lá và uống bia. Chúng tôi rất buồn về thực trạng này vì hình ảnh quý thầy là tấm gương phản ánh hình bóng của Thế Tôn để mọi người tôn kính, noi theo.... Ngày ngày chúng tôi lễ lạy, xưng con với quý thầy mà nhiều đàm tiếu về chư vị quá thì thật không biết làm sao để khuyến khích người khác theo mình học đạo.
Qua Báo Giác Ngộ, tôi mong muốn được gửi tâm tư, nguyện vọng này đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GH), mong GH có những chấn chỉnh, cấm chư Tăng hút thuốc, uống bia để Phật tử chúng tôi trọn niềm kính tín.
(THỊ NGUYỄN, khiem2d@gmail.com)
ĐÁP:
Bạn Thị Nguyễn thân mến!
Đọc “tâm thư” của bạn, chúng tôi hiểu và đồng cảm với tâm thiết tha và lòng nhiệt thành, kính tín của bạn đối với Tam bảo. Một Phật tử trung kiên trải qua hơn nửa thế kỷ quy y Tam bảo, thân cận chư Tăng, gắn bó với nhiều Phật sự đã không ngại nói lên những ưu tư, bức xúc của mình nhằm góp ý, xây dựng Tăng. Thiết nghĩ, đây chính là tinh thần Bi-Trí-Dũng cần có của người Phật tử.
Thời Đức Phật tại thế, mỗi khi các Phật tử hay người dân nói chung, phê phán hoặc chê bai về một hành vi nào đó của chúng Tăng, Ngài xét thấy hợp lý liền thiết định giới luật. Luật tạng đã ghi lại nhiều giới luật được Đức Phật chế định theo cách này. Ngày nay chúng ta đang tu học trong xã hội hiện đại, cách thời Đức Phật đã lâu xa, một số vấn đề khiếm khuyết oai nghi nảy sinh trong chúng Tăng khiến Phật tử và quần chúng không đồng thuận thì GH (tổ chức đại diện cho Tăng-già) có thể chấn chỉnh.
Trước hết, vấn đề hút thuốc lá, uống bia vốn không có quy định cụ thể trong Giới luật. Bởi lẽ đơn giản thời Đức Phật, xứ Ấn Độ chưa có thuốc lá và bia (khoảng đầu Công nguyên, thuốc lá được bắt đầu nhai và hút bởi các thổ dân châu Mỹ). Bấy giờ, xứ Ấn Độ chỉ có rượu là chất say, gây nghiện, làm loạn tâm, mất tự chủ nên Đức Phật đã cấm chư Tăng và Phật tử không uống rượu (được phép uống thuốc rượu với quy định riêng). Bia là một dạng rượu nhẹ, ít độ cồn hơn nhưng vẫn gây say nghiện nếu như uống nhiều và thường xuyên, thiết nghĩ cũng không được dùng.
Thuốc lá theo chân những người phương Tây du nhập vào xứ ta khá muộn (khoảng thế kỷ XVII). Trước đây, một số vị xuất gia cũng có dùng theo cách dân dã và dường như không có nhiều phản ứng hay chỉ trích của xã hội. Ngày nay, phong trào chống hút thuốc lá diễn ra rầm rộ, quy mô toàn cầu, trong đó có nước ta. Cụ thể, hành vi hút thuốc lá bị cấm tuyệt ở các cơ quan y tế, giáo dục, công sở và một số nơi công cộng. Rất nhiều người Việt đã bỏ hút thuốc vì nhận thấy đó là thói quen xấu, có hại cho sức khỏe bản thân và cộng đồng, hao tốn tiền bạc. Dù pháp luật không cấm nhưng người hút thuốc lá hiện nay bị số đông phê phán, xem như chưa chuẩn; với những người khó tính hơn thì họ thẳng thắn chỉ trích hoặc tỏ thái độ xem thường, tránh xa người hút thuốc lá.
Nói tóm lại hiện xã hội và cộng đồng đã cực lực phê phán, thậm chí tẩy chay hành vi hút thuốc lá. Và như thế, một vị Tăng vốn đại diện cho các giá trị đạo đức xã hội, nếu hút thuốc lá thì không thể làm gương, bị đàm tiếu và khiến tín đồ bức xúc là điều dễ hiểu. Đành rằng, hút thuốc lá về nguyên tắc không vi phạm giới luật, chỉ khiếm khuyết về oai nghi nhưng hành vi này hiện đang bị cộng đồng phản đối nên thiết nghĩ, chư Tăng cũng nên lưu tâm sửa đổi.
Nương theo tinh thần chế giới của Đức Phật, mọi oai nghi của chư Tăng trong hiện tại nếu bị cộng đồng phản đối (như hút thuốc lá, uống bia) thì bắt buộc GH phải quan tâm thiết định thêm các nội quy Tăng sự nhằm giữ gìn sự tôn nghiêm của Tam bảo. Trong khi chờ đợi quan điểm chính thức của GH về vấn đề này, vị nào tự thân còn hạn chế thì nên chuyển hóa, nói không với thuốc lá và bia. Điều này chẳng những tốt cho sức khỏe, giảm tốn hao tiền bạc của tín thí, trọn vẹn oai nghi mà còn phù hợp với văn hóa, văn minh của nhân loại.
Chúc bạn tinh tấn!
TỔ TƯ VẤN
(tuvangiacngo@yahoo.com)
Nguồn: http://giacngo.vn/tuvansongdao/2016/12/21/72D68A/
Nguyên Bản
Ý kiến của vị phật tử kia là rất tốt. Cô đã sống đúng giới hạnh của Phật. Tiêu chuẩn để được tái sinh làm người là giữ gìn nghiêm 5 giới cư sĩ. Nhưng làm người cũng vẫn khổ.Chỉ có vượt qua luân hồi mới là bến bờ của Phật giáo. Tổ tư vấn hiểu lầm hoặc cố tình hiểu lầm ý Phật rồi. Điều cấm uống rượu nó bao hàm toàn bộ những chất kích thích gây nghiện. Thứ nhất là để ngăn chặn và ly gốc dục,cái gốc sâu nhất và căn bản nhất phải ly cho được. Thứ hai dù uống bia hút thuốc vẫn làm mất oai nghi tế hạnh của một tỳ kheo,mất sự oai nghiêm của tôn giáo lại huân thêm lòng tham, mà chủ trương của Phật giáo là buông xả. Thứ ba tổ tư vấn nói Phật chế lại giới luật là sai.Phật chế giới luật dựa vào kinh nghiệm tu tập của bản thân. Những gì thật sự cần thiết cho sự tu tập giải thoát thì ngài mới dạy, không thừa cũng không thiếu. Quí vị không nên nói sai để người khác hiểu sai...
Thích 4 Trả lời 1/5/2017 8:08:24 PM