;
Chùa Quán Thế Âm - thánh địa Phật giáo ở Hòa Vang, Đà Nẵng
Tôi vẫn luôn luôn giữ mối tình yêu thương những ngôi chùa cũ kỹ nghèo nàn, những ngôi chùa nằm heo hút trong vắng lặng. Ngày nay bên tách trà sớm, khi cố tìm lại dấu vết của thời thơ ấu, những hình ảnh xuất hiện đầu tiên và rõ nét nhất vẫn là mái chùa rêu phong với những bức tường vôi loang lổ đã lẫn màu cùng đất cùng cây cùng cỏ. Ngôi nhà cha mẹ tôi nằm cạnh hai ngôi chùa trong một thị trấn nhỏ miền Trung. Một bức tường vôi thấp sụp đổ nhiều đoạn ngăn cách hai ngôi chùa.
Hình như cả hai chùa chỉ do một vị sư lớn tuổi và một đứa bé kêu ông bằng bác trông nom hương khói. Quanh năm suốt tháng sư ông chỉ bận một bộ nâu sồng, cái áo tứ thân bạc mầu. Ngôi chùa sống gần như tách biệt với bên ngoài, ngoại trừ ngày mồng một Tết hoặc vài ngày đặc biệt nào đó trong năm, bình thường hiếm có ai lui tới lễ bái.
Trong chánh điện nửa tối nửa sáng leo lắt ngọn đèn dầu, những bức tượng Phật tạc bằng gỗ, chiếc áo cà sa vàng bạc màu trở thành nâu nhạt đối với chúng tôi thật hồn nhiên gần gũi.
Khu vườn sau hai chùa trồng những hàng khoai sắn rau cải một dàn bầu hay bí làm lương thực quanh năm cho chùa.Trước sân dọc hai bên tường vôi lác đác vài gốc phượng ta cằn cỗi, trổ bông quanh năm tỏa hương thơm nhẹ.
Vào những ngày rằm mồng một, chú tiểu bắc chiếc ghế hái những nhánh bông phượng cúng Phật, những cánh hoa vàng tươi hoặc đỏ thẩm làm chánh điện sáng lên đôi chút.
Những buổi trưa hè êm ả, tôi thường thơ thẩn dưới hai gốc đa, kết cái vương miện bằng lá đa rơi rụng, hoặc nằm trước chánh điện chìm dần trong giấc ngủ giữa tiếng chim líu lo và tiếng mõ đều đều, dưới nụ cười từ bi của Phật. Không có gì là dấu vết trang trọng của sự giàu sang mà chỉ là sự êm đềm nhẹ nhàng như cuộc sống của tuổi thơ trong thuở thanh bình.
Hồi đó tôi ở trong đoàn thiếu sinh Hướng đạo, đi cắm trại nhiều nơi trong tỉnh.
Chúng tôi đi qua những ngôi chùa nằm chơ vơ trên ngọn đồi phong cảnh tuyệt đẹp, hoặc cắm trại bên ngoài khuôn viên ngôi chùa khuất bóng trong một rừng cây nhỏ.
Tôi không hiểu nhiều về Phật Pháp, hình như các ngôi chùa Việt Nam theo phái Thiền Tông mà Tổ Sư là Đức Đạt Ma vì trong các chùa đều thờ hình tượng ngài.
Thiền Tông lấy Tâm truyền Tâm, trực chỉ lòng người thấy Tánh là thấy Phật. Phật Tánh ở trong lòng người nhưng bị vẩn đục Vô Minh che lấp. Giữ Tâm thanh tịnh vẩn đục lắng xuống, Phật Tánh sẽ hiện ra. Vì vậy các ngôi chùa theo Thiền Tông vẫn lấy cảnh thiên nhiên vắng lặng làm nơi tu dưỡng để minh Tâm, kiến Tánh.
Chùa Linh Sơn Tự - Đồng Nai + Chùa An Xá - Lệ Thủy, Quảng Bình.+ Chùa Linh Ứng - Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng
Khi tôi lớn lên, chiến tranh bao trùm đất nước, tản cư chạy loạn dưới thời chống Pháp, di cư vào Nam năm 54, và sau đó chiến tranh tương tàn đổ nát kéo dài đến hè 75.
Tôi không còn gặp lại những ngôi chùa cũ kỹ khiêm nhượng lẻ loi tại những vùng xa xôi hẻo lánh. Có chăng là trên những con đường đi qua, tôi gặp những ngôi chùa đổ nát vì bom đạn chơ vơ vài bức tường và gốc đa cằn cỗi, héo úa.
Từ đó tôi sống với những ngôi chùa khang trang tại các đô thị lớn, luôn luôn có khói hương nghi ngút trên vạc lớn bày trước sân. Vào những năm 60, 70 tôi đến lễ nhiều ngôi chùa tại Đà Nẵng, và ở Sài Gòn mà những ngôi chùa xây dựng nguy nga nằm bên cạnh những cao ốc, những con đường tráng nhựa dẫn đến cổng chùa. Trước sân chùa bày các thố xưa quí giá trồng những cây cảnh cắt tỉa công phu.
Tôi quỳ lạy tụng kinh trước Đại hùng Bửu điện lát đá hoa cương mát lạnh, dưới chân dung Đức Phật thiếp vàng rực rỡ, hào quang lấp lánh phía sau. Nét mặt Đức Phật từ bi vẫn hiền hòa bao dung, khung cảnh thật trang nghiêm, trong lòng tôi kính ngưỡng nhưng thực sự tôi không có được cái cảm giác êm đềm cuả thuở ấu thời, cũng có lẽ vì tâm hồn của con người tôi đẫ cằn cỗi theo năm tháng, theo phiền muộn của cuộc sống và những đổ nát đau thương đã chứng kiến qua bao cuộc bể dâu.
Chùa Vĩnh Nghiêm, Quận 3, Sài Gòn.
Năm ngoái tôi tham dự đại hội thường niên cuả Tổng Hội Phật Giáo Đan Mạch tại Arhus. Đề tài thảo luận là làm thế nào để xây cất ngôi chùa Việt Nam trên thửa đất đã mua và viền đá xây dựng đã được đặt từ ba năm trước. Sự thảo luận đã đi vào bế tắc vì chúng ta không đủ khả năng để xây dựng một ngôi chùa mới. Một không khí xót xa bao trùm buổi họp.
Sau buổi họp, anh Minh đại biểu chi hội Liễu Quán nói riêng với tôi: “Kobenhavn sắp mua một ngôi nhà 3 tầng làm Niệm Phật Đường “Tôi cười và theo xã giao chia xẻ niềm vui với anh, nhưng thâm tâm tôi không tin đó là sự thật. Thú thật tôi không sao hình dung ra nổi một ngôi chùa hình thành từ ngôi nhà lầu 3 tầng sẽ ra thế nào.
Tuần trước tôi theo chân phái đoàn chi hội Odense đến thủ đô dự đại hội và lễ Vu Lan tại ngôi chùa mới Liễu Quán. Qua Đan Mạch gần 4 năm mà đây là lần đầu tiên tôi đến Kobenhavn. Chiếc xe đi qua vùng thị tứ sầm uất và tiến vào một khu gia cư với những biệt thự nhỏ xinh xắn. Bước xuống xe nhìn sang hai bên căn nhà mang số 52, tôi chẳng tìm ra ngôi chùa hoặc ngôi nhà lầu 3 tầng nào cả. Tôi theo chân phái đoàn đi vào một con đường đất lát sỏi đá, bên cạnh là một gò đất um tùm cỏ dại thật tương phản với cảnh “ Hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng cây trồng “ của khu vực chung quanh.
Bức tượng Quan Thế Âm dựng trước sân hiện ra trước tiên sau lối rẽ. Trước mặt tôi là một ngôi nhà cũ kỹ sừng sững thẳng đuột như một tháp cổ, không có gì là hình ảnh của ngôi nhà lầu 3 tầng mà tôi đã cố hình dung trong tưởng tượng.
Trước và sau là một sân đất lồi lõm, một hàng rào bằng gỗ đã bạc màu theo năm tháng ngăn cách chùa và thế giới bên ngoài. Bức tường gạch nâu đỏ chỉ trổ một khung nhỏ, cánh cửa đã mất được che lấp bằng một mảnh gỗ tầm thường ghi hai hàng chữ Nho “ Vạn pháp qui nhất – Nhất qui hà xứ “. Đó là hai câu kệ mà ngài Minh Hoàng Đại Sư đã truyền lại cho Thiền sư Liễu Quán, và ngài Liễu Quán đã tham cứu ròng rã 8, 9 năm trời, nhưng sau nhờ một nhân duyên mới ngộ được chân tâm.
Tôi bước vào chùa qua một cánh cửa hẹp độc nhất, chánh điện trống trải đơn sơ. Phía trước là tấm phông lớn vẽ Đức Bổn Sư ngộ đạo dưới gốc Bồ Đề. Tất cả chỉ có như vậy bình thản đơn sơ, nhưng bàng bạc cái không khí vừa trang nghiêm vừa ấm cúng toát ra từ nét mặt từ bi cuả các pho tượng Đức Phật, Bồ Tát cỡ trung trên bàn thờ, một đại hồng chung treo trên giá gỗ bên góc và bên kia một dãy tủ kính chứa đầy kinh sách.
Tôi thơ thẩn đi vòng quanh chùa, trên một khu đất nhỏ trồng mấy luống rau cải, một cây bí đao bò tự do trên đất trống trải, ba quả bí vàng lăn lóc, một quả đã khá lớn. Tôi bước lên gò đất dẫm qua hàng cỏ dại gai góc, nhìn lên khung trời qua đám lá cây bắt đầu đổi màu tiết đầu thu. Trong lòng tôi êm ả khác thường. Phải chăng đây là cái cảm giác mà tôi đã có, đã sống khi thơ thẩn trong vườn hai ngôi chùa nghèo của tôi trong thời thơ ấu.
Sau buổi họp, anh Minh trao cho chúng tôi xem tập ảnh ghi lại hình ảnh ngôi chùa khi mới nhận. Tôi thầm phục công lao vô lượng của các đạo hữu Kobenhavn đã từ cảnh đổ nát hoang tàn xây dựng được Niệm Phật Đường Liễu Quán tương đối khang trang hiện nay.
Nhưng thâm tâm tôi vẫn mong ước, ngày sau nếu có dịp trở lại đây, tôi vẫn còn tìm thấy luống rau cải, trái bí nhỏ lăn lóc sau vườn, gò đất um tùm cỏ dại cùng cái khung cảnh nghèo nàn đơn giản đang bao quanh Liễu Quán hôm nay
Odense cuối hè 1993 ‘Tùy bút”. Lê Bá Châu.
Copenhagen Denmark 2014: Vu Lan Thắng Hội tại chùa Liễu Quán - Đan Mach và lễ thọ bát quan trai.
Lễ Vu Lan Thắng Hội tại chùa Liễu Quán Đan Mach 2014
Bản đồ Đồng Hới năm 1960, chỉ khác năm 1950 là nhều đường phố đổi tên.
Ngã tư (lúc đó) đường Quan Thánh (đường Thanh Niên) với đường Huỳnh Côn (đường Cô Tám) - ngã tư này có 3 ngôi chùa.
Chùa Ông huyền thoại và cây Đa, ở góc đông nam, mặt tiền hướng bắc. Hai chùa kia thì một ở góc đông bắc, một ở góc tây bắc của ngã tư, cả 2 chùa mặt tiền hướng nam. Ba chùa này là trường hợp hãn hữu xưa nay vì có 2 mặt đường trên cùng một ngã tư.
Trong chiến tranh, thị xã Đồng Hới bị phá hủy hoàn toàn, cây đa chùa Ông là dấu tích duy nhất còn lại. (Ngã tư nơi có 3 ngôi chùa ở góc đầu đường là ngã tư trên chóp bản đồ, tô màu đỏ, cách cửa nam của thành cổ khoảng trên 200m theo đường thẳng, thuộc phường Đồng Đình)
Lê Bá Châu