;
Mỗi sự xảy ra trong đời đều là do quy luật nhân quả mà chiêu cảm nên. Quy luật nhân quả là quy luật của vũ trụ nhân sinh, nó vận hành và biến đổi tùy thuộc thông qua nghiệp thức.
Nhân quả nghiệp thức thì do tâm tạo tác mà thành. Ai được nhân quả tốt lành là do tâm tốt lành nhân quá khứ tạo nên nghiệp thiện lương; ai thọ nhận nhân quả không thuận cũng là do tâm đã tạo ra những việc bất thiện từ quá khứ mà chiêu cảm quả hiện tại.
Trong kiếp sống vô thường của nhân sinh là sinh, lão, bệnh tử hay có còn được mất, thành trụ hoại không đó thì đạo lại là con đường giải thoát khổ đau, đưa tâm hành giả tiến tới trực ngộ chân lý là sự giải thoát mọi buộc ràng của thân tâm. Để kiến đạo hay thấy đạo thì tâm hành giả phải luôn chánh tâm, trực tâm ngay thẳng.
Chánh tâm hành đạo là bên ngoài không chấp sự, bên trong không động tâm. Vì động tâm ắt tạo nghiệp, loạn tâm ắt bất thiện, sân tâm ắt tổn phước, tham tâm ắt đắm nhiễm, si tâm ắt vô minh. Trong sự chân thật của tâm thì chánh tâm là con đường dẫn tới tâm bình an, tâm giải thoát, tâm thanh tịnh, tâm an nhiên. Chánh là không tà, không khởi niệm ác hay bất thiện là không tà, không động tâm loạn tâm là an định tâm, không tham sân si thì sáng tâm, bình tâm, giải thoát tâm.
Trong sự chánh trực của tâm, thì tâm tròn đầy sáng rỡ bởi sự điềm đạm và ngay thẳng. Để được tâm điềm đạm và ngay thẳng thì hành giả tu tập giữ năm giới dành cho người phật tử là không sát sanh, không tà dâm, không nói dối, không rượu chè hút xách. Lại tu tập thiện nghiệp đạo, thập nhị nhân duyên, bát chánh đạo, tứ diệu đế, lục độ vạn hạnh, niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Tâm luôn chánh định thì hiển bày trí huệ sáng của tâm trí. Chánh trí từ đó sinh lại bổ trợ cho chánh tâm tròn đầy. Tu hành là đem tâm trở lại trạng thái bổn nguyên ban đầu vốn có của tâm.
Vì tâm không chánh cũng không tà, tâm không sinh cũng không diệt, tâm vô vi an tịnh. Nhưng chỉ vì vô minh che đầy, thần trí mê mờ nhận ngũ dục lục trần làm niềm vui, nhận đau khổ làm bạn đường, nhận sinh diệt làm huynh đệ, nhận tham sân si mạn nghi tà kiến điên đảo thị phi làm người thân nên vòng bánh xe vô thường kéo trôi lăn trong sanh tử luân hồi đưa tâm thức đi sáu nẻo đạo là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a tu la, người, trời.
Trong sáu nẻo nếu nghiệp thiện nhiều thì may được theo đạo thiên, còn lại thì nhận thọ khổ đau phiền não nhiều hay ít tùy phước thiện đã gieo. Phước từ thân khẩu ý sinh, nhưng thân khẩu ý lại bị chi phối ràng buộc ở tâm. Tâm chánh thì tạo nghiệp thiện, tâm tà tạo nghiệp bất thiện. Muốn tu đạo thì không từ đâu xa phải nơi tâm mà trực ngộ, nơi tâm mà trực kiến, nơi tâm mà chánh tâm, nơi tâm mà an định không động tâm. Vậy đạo là con đường quy về tâm, từ tâm ắt thấy đạo, từ đạo ắt được an vui.
Tu hành cốt ở tâm
Tà lại não phiền hiện
Chánh đến diệt ưu phiền
Lòng luôn chánh trực định
Trực ngộ kiến đạo thành.