Dưới đây là một số hành vi đáng xấu hổ mà nhiều người gây ra lúc người khác gặp nạn:
Ngày 28/7, khi xe tải BKS 47P-2149 lưu thông trên Km 648 thuộc Quốc lộ 1A (đoạn qua xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình),
thì bất ngờ lật nghiêng giữa đường. Tuy không gây thiệt hại về người
nhưng do toàn bộ thùng hàng chứa trái cây (chủ yếu là chôm chôm) rơi
tung tóe ra đường, nên nhiều người dân lợi dụng cơ hội, tranh nhau quyết
liệt hôi của, tạo nên cảnh tượng hỗn loạn, khiến đoạn đường bị ách tắc
hơn 4 giờ.
Nhiều người dân tham gia "cướp" trái cây... Ảnh: IE |
Ngày 9/7, xe tải mang BKS 89K-3682 do tài xế Nguyễn Văn Hải (34 tuổi) trú Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An lưu thông hướng Hà Nội - TP.Vinh. Khi về đến Km415+100 thuộc địa phận xã Diễn Hồng (huyện Diễn Châu - Nghệ An) đã bị lật nghiêng, toàn bộ tương ớt trên thùng xe tràn xuống đường. Sau khi tai nạn xảy ra, một số người dân đã lợi dụng "hôi" tương ớt. Tài xế phải gọi điện nhờ chính quyền hỗ trợ, bảo vệ tài sản.
Sau khi xe bị lật, nhiều người dân qua đường đã chạy đến để “hôi” tương ớt. Ảnh: IE |
Ngày 20/6, cũng diễn ra cảnh “hôi” của lúc xảy ra vụ cháy chợ Vinh-Nghệ An. Dù đã 20 giờ nhưng ngoài những người bạn hàng bảo vệ tài sản, công an chữa cháy còn có rất đông kẻ nhân lúc tranh tối tranh sáng đã chen vào, giành giật và cướp hàng của tiểu thương. Họ tranh thủ lấy bất cứ thứ gì có thể, bỏ mặc người bị nạn với nỗi đau mất tiền, mất tài sản. Nhiều người bức xúc nhưng rồi cũng cho qua trước sự vô cảm của những kẻ nhanh tay lẹ mắt như trộm này.
Trong lúc cháy chợ thì nhiều người dân khác lại lợi dụng để "hôi của". Ảnh: IE |
Ngày 16/6, tại giao lộ An Dương Vương - Trần Phú - Sư Vạn Hạnh (quận 5
- TP.HCM), một người đàn ông đã bị hai tên cướp đi xe máy từ phía sau
giật giỏ xách. Sau khi chống cự với bọn cướp anh đã may mắn giành lại
được giỏ xách bị cướp.
Tuy nhiên, chỉ sau 2 phút giành được chiếc giỏ xách bị mất ấy, người nọ
đã bị cướp lần nữa bởi những người “hôi” của khi thấy tiền của anh rơi
ra ngoài chiếc giỏ bị rách. Người đi đường chen chân nhau giành lấy
những đồng tiền này, không thèm nhìn đến ánh mắt cầu khẩn và van xin,
bất lực của nạn nhân.
Những người đi xe máy và xe đạp chung quanh tranh nhau lượm tiền. Ảnh: IE |
Ngày 14/4, chiếc xe biển số 54N-6476 chở dưa hấu chạy hướng Vinh-Hà Nội
đến km 447+450 trên Quốc lộ 1A, đoạn qua xã Nghi Long, Nghi Lộc, Nghệ
An, đã va quệt chiếc xe tải 37V-1851 chạy ngược chiều rồi lật ngang, nằm
chắn trên Quốc lộ. Điều đáng nói nhiều người dân từ già trẻ, trai gái
đổ xô ra "hôi" dưa hấu.
Thậm chí nhiều người đang trên đường đi làm cũng tranh thủ xuống nhặt.
Vụ tai nạn xảy ra vào thời điểm học sinh đến trường nên nhiều học sinh
cũng tham gia. Nhiều người có ý thức nhắc nhở nhưng họ vẫn bỏ ngoài
tai.
Một thanh niên khi bị nhắc nhở trả lời: Không nhặt thì họ lại mất công
kêu xe khác đến chở. Ngay sau đó công an huyện Nghi Lộc có mặt tại hiện
trường điều tiết giao thông và can thiệp người dân không được lấy dưa
của chủ xe.
Người dân đổ xô ra nhặt dưa hấu. Ảnh: IE |
Sáng ngày 26/1, một chiếc xe tải chở bia mang BKS 76C-00137 khi đi qua địa phận cầu Bến Thủy (Nghệ An) đột nhiên bị lật. Hàng trăm người dân đổ ra “hôi” bia khiến giao thông tê liệt cục bộ.
Xe lật, rất nhiều người dân "tranh thủ" xuống nhặt bia. |
Ngày 7/10 vừa qua, sau khi xảy ra vụ tai nạn liên hoàn do xe "điên"
gây ra làm 2 người chết, 13 người bị thương trên đường Lý Thái Tổ (quận
10, TP.HCM ) rất đông người dân xung quanh chạy ra. Có người thì cứu
giúp nạn nhân nhưng cũng có những kẻ xấu lợi dụng thảm cảnh để hôi của.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, mẹ nuôi của chị Nguyễn Thị Hồng Hà
(quận 10, TP.HCM), người bị thương nặng nhất trong số những người bị
thương trong vụ tai nạn cho biết trên VnExpress, vài ngày trước khi tai
nạn xảy ra, nhà của chị Hồng Hà bị trộm đột nhập. Quá lo sợ nên còn bao
nhiêu tiền tiết kiệm dành dụm trước đến giờ, chị Hồng Hà bỏ hết vào cốp
xe vì nghĩ "người đi đâu của ở đó".
Chị Hồng Hà sau khi bị tai nạn đã bị người ta lấy sạch tiền và vàng. (Ảnh: VnE) |
"Ai ngờ hôm định mệnh đó trên đường đi mua quà sinh nhật cho đứa
cháu, lúc con bé dừng đợi đèn đỏ thì bất ngờ chiếc xe hơi từ phía sau
lao tới. Nhìn người ta đưa con vào bệnh viện, toàn thân nó máu me, tôi
chỉ biết khóc. Lúc tỉnh dậy, câu đầu tiên nó hỏi tiền trong cốp xe còn
không, tôi không dám nói là mất hết mà chỉ bảo công an đang giữ dùm", bà Thu Hà tuổi ngoài 60 tuổi nghèn nghẹn kể.
Hiện người nhà cũng chưa xác định được bao nhiêu tiền, vàng trong cốp xe
của chị Hồng Hà, chỉ biết đó là toàn bộ gia sản còn lại sau vụ trộm đột
nhập.
Trước đó, trong một phản hồi gửi cho Báo Người Lao Động ngày 11/10 một
bạn đọc đau đớn cho biết: Chị của mình - nạn nhân của vụ tai nạn - đã
chết.
Đau lòng hơn, gia đình nạn nhân chỉ biết tin sau 3 ngày vì trước đó, lúc
tai nạn xảy ra đã có kẻ nhanh tay “chôm” mất túi xách của người bị nạn,
trong đó có giấy tờ tùy thân khiến chẳng ai biết danh tính, địa chỉ của
người phụ nữ này để bệnh viện liên lạc.
Nghe chị than “phải chi họ lấy hết tiền rồi để lại giấy tờ cũng được. Đằng này...” lại thấy đau cho chị.
Trong khi đó trên các diễn đàn xã hội đã đăng tải một đoạn clip trong đó có cảnh được các thành viên cho biết là hôi của.
Đoạn clip có tên: "TP.HCM: hiện trường vụ ôtô điên gây tai nạn" kèm với chú thích:
"Khi tai nạn ập đến thì rất đông người dân xung quanh chạy ra, có người
thì cứu giúp nạn nhân nhưng cũng có những kẻ xấu lợi dụng thảm cảnh để
hôi của. Xem đoạn clip này kỹ sẽ thấy, vào giây thứ 30 cái bà đi sau
người phụ nữ bồng con, trên tay bà ấy cầm 1 nắm tiền nhặt được, vừa đi
vừa cười".
Rất nhiều cư dân mạng bày tỏ thái độ phẫn nộ trước hành động trên.
"Nếu ai nỡ cầm... nhầm của người thì mau trả. Một đồng vốn bốn đồng
lời. Sau này không có cơ hội để mà trả nợ gấp 4 đâu. Nhân quả báo ứng.
Tôi chỉ chờ sự công bằng của cái luật này thôi, chứ nhìn toàn cảnh chẳng
biết hy vọng vào cái luật nào hết, kể cả cái luật... lương tâm", một cư dân mạng viết.
Nhảy vào hôi của vì thiếu lòng tin?
Lý giải về những hành động này, PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện cho biết trên báo SGTT đơn giản vì thiếu lòng tin. Nếu không ai tin ai, thì chuẩn mực sẽ bị xếp xó.
Hiện tượng số đông đi “hôi của” được lặp đi lặp lại tất yếu sẽ làm hình
thành định kiến xấu của dư luận về một nhóm người, một cộng đồng.
Thấy người gặp nạn không ứng cứu thì thôi, lại còn khai thác điều kiện
khó khăn của người ta để trục lợi cho bản thân, thì đúng là không thể
chấp nhận. Hành vi đó rất sai, đáng lên án, tẩy chay.
Song, thử bỏ qua một bên các khía cạnh phân tích xã hội, pháp lý hoặc
đạo đức đối với hành vi, thì còn lại một góc nhìn cho phép nhận ra một
điều quá đơn giản: người ta nhặt dưa, bia về để ăn, uống hoặc để bán lấy
tiền, nói chung là để đáp ứng các nhu cầu cho cuộc sống của mình.
Suy cho cùng, mỗi hành vi có ý thức của con người, kể cả việc làm bậy,
đều được thực hiện dưới sự thôi thúc của lợi ích. Con người ta, theo
đúng bản năng, muốn lấy bất kỳ thứ gì mình thích và muốn thụ hưởng mọi
thứ theo ý mình.
Trong xã hội nguyên sơ, để thoả mãn mong muốn cá nhân trong điều kiện có
những cá thể cùng quan tâm chiếm giữ một thứ gì đó, thì tất nhiên phải
có sự tranh giành và ai mạnh hơn thì thắng. Chính trong quá trình vươn
lên từ sự mông muội, con người mới dần dần nhận ra sự cần thiết của việc
tổ chức phân phối lợi ích cho phép mỗi người thoả mãn hợp lý các nhu
cầu mà không cần phải loại trừ nhau bằng vũ lực.
Cảnh tượng người dân lao vào "hôi" hoa quả |
Nhờ có lòng tin mà trong trường hợp có nhiều người cùng quan tâm tìm
kiếm một lợi ích, người ta có đủ kiên nhẫn chờ đợi đến lượt mình. Nó lý
giải việc những nạn nhân động đất và sóng thần tự nguyện xếp hàng nhận
lương thực trong vòng trật tự. Nó cũng giúp người ta hiểu tại sao có em
bé (người Nhật) đã từ chối nhận phần bánh mì trước những người lớn
tuổi: đơn giản, em tin chắc rằng mình sẽ không bị bỏ đói, bỏ rơi.
Cả việc thực thi pháp luật, muốn đạt được kết quả tốt nhất, ổn định
nhất, cũng phải dựa chủ yếu vào lòng tin, chứ không phải vào sự cưỡng
chế của bộ máy nhà nước. Niềm tin đối với sức mạnh của luật thể hiện
thành ý thức tự giác tuân thủ pháp luật và ý thức phê phán đối với hành
vi vi phạm pháp luật.
Nếu không ai tin ai, thì chuẩn mực sẽ bị xếp xó. Khi đó, theo đúng quy
luật tự nhiên hoang sơ “mạnh được, yếu thua”, mọi người sẽ xông lên phía
trước để giành thế thượng phong trong quá trình tìm kiếm lợi ích. Người
ta sẽ giẫm đạp nhau ở nơi công cộng để mua vé, mua bánh mì, sẽ giành
đường bằng mọi cách, kể cả lấn làn, vượt đèn đỏ, leo lên lề, cũng như sẽ
tìm cách thu gom của cải nhiều nhất về cho mình để phòng hậu hoạn. Với
kiểu sống đó, thì ai chậm chân đến sau sẽ chẳng còn gì mà hưởng.
Tóm lại, lòng tin hỗ tương, chứ không phải là thứ gì khác, là cái thúc
đẩy con người ta tìm đến nhau, dựa vào nhau để sống và mưu cầu hạnh phúc
trong không gian chung trên cơ sở tuân thủ một hệ thống chuẩn mực
chung.
Là người chịu trách nhiệm tổ chức cuộc sống xã hội, nhà chức trách, nhà
quản lý phải là người đi đầu trong việc xây dựng và củng cố lòng tin đó,
trước hết bằng cách tỏ ra mẫu mực trong việc tôn trọng các chuẩn mực
được xã hội đề ra, cũng như trong việc xử lý nghiêm minh các vụ vi phạm
pháp luật.
Tấm gương của người nắm quyền lực sẽ tạo sức mạnh cổ vũ để toàn xã hội làm theo.
"Hôi của" có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Trong khi đó, Luật sư Nông Thị Hồng Hà,
ở Công ty Luật Hồng Hà cho biết trên VnExpress: Hành vi lợi dụng việc
người bị tai nạn bị ngã, choáng, ngất, thậm chí đã chết… để nhặt, lấy đồ
đạc, tiền bạc (hôi của) của người bị tai nạn giao thông không chỉ là
hành vi đáng lên án về mặt đạo đức mà còn là hành vi vi phạm pháp luật
và sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Tùy từng trường hợp cụ thể, người có hành vi
“hôi của” có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Công nhiên
chiếm đoạt tài sản” hoặc tội “Trộm cắp tài sản”.
Trong trường hợp hành vi “hôi của” chưa đến mức phải truy cứu trách
nhiệm hình sự thì người thực hiện hành vi “hôi của” sẽ bị xử phạt vi
phạm hành chính.
Trộm cắp tài sản là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác. Theo quy định tại Điều 138 BLHS thì: “Người
nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến
dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả
nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã
bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi
phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu
tháng đến ba năm”. Tội “Trộm cắp tài sản” cũng có ba khung hình
phạt nặng hơn; trong đó mức hình phạt cao nhất cho tội này có thể là tù
chung thân; người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến
50 triệu đồng.
Trường hợp nạn nhân có khả năng nhận biết tài sản của mình bị chiếm đoạt
nhưng không có điều kiện ngăn cản vì đau, chấn thương… do tai nạn giao
thông thì người “hôi của” có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội
“Công nhiên chiếm đoạt tài sản”. Trường nạn nhân không có khả năng nhận
biết tài sản của mình bị chiếm đoạt vì choáng, ngất … do tai nạn thì
người “hôi của” có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Trộm cắp
tài sản”.
Đâu rồi đạo đức?
Choáng váng trước hình ảnh cướp bia, cướp dưa hấu… khi người khác gặp
nạn, rất bạn đọc đặt câu hỏi: Đâu rồi đạo đức, liêm sỉ? Đâu rồi tinh
thần tương thân tương ái của người Việt Nam? Tại sao không nghĩ đến
người bị nạn…Đừng làm mất mặt Việt Nam thêm nữa!
Một bạn độc giả cho biết: "Thật buồn, không giúp người ta thì thôi
cứ sao lại lấy đi mồ hôi nước mắt của người ta tạo ra. 1 người như vậy, 2
người như vậy và nhiều người như vậy, liệu đất nước Việt Nam mình sao
phát triển được chứ".
Trong khi đó, một bạn độc giả khác thì thở dài: Còn đâu khí phách hiên
ngang hi sinh vì nước vì đồng bào của các cụ ngày xưa nữa... Con người
bây giờ làm hoen ố hình ảnh đẹp ngày xưa mất rồi.
Theo Bắc Lưu
Bee