;
>Tìm hiểu giá trị “Cư trần lạc đạo phú” của Phật hoàng Trần Nhân Tông
>Phật giáo Việt Nam 30 năm nhìn lại
>30 năm GHPGVN: Phút nói thật lòng
>Từ An Nam Phật học đến GHPGVN
Đây là nhận định của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, chức sắc, nhân sỹ Phật giáo tại hội thảo khoa học những vấn đề lý luận và thực tiễn trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, do Ban Tôn giáo Chính phủ tổ chức ngày 29/2.
Phó trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Phạm Huy Thơ khẳng định: "Hơn 30 năm qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã trưởng thành về nhiều mặt, tích cực đóng góp cho đời sống xã hội trên nhiều lĩnh vực, động viên khích lệ tín đồ và nhân dân thực hiện xây dựng cuộc sống mới: xoá đói giảm nghèo, giúp đỡ người gặp hoàn cảnh khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, người già cả neo đơn, các gia đình thương binh, liệt sĩ... Xây dựng nếp sống văn hoá, thực hiện những giá trị nhân văn tốt đẹp trong đời sống xã hội, góp phần bảo vệ giữ gìn bản sắc dân tộc và con người Việt Nam".
Phật giáo đang là tôn giáo gương mẫu thực hiện đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo để xây dựng đất nước theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, ông Thơ nhấn mạnh.
Đạo Phật trong lòng dân tộc
Đọc tham luận tại hội thảo, Hoà thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, khẳng định: "Với tinh thần dân tộc Việt Nam cùng nòi giống, 30 năm qua, Giáo hội đã thể hiện tình đoàn kết, hoà hợp với các dân tộc anh em, nhất là dân tộc Khmer, dân tộc Hoa, các dân tộc ít người".
Hoà thượng cho biết tổng trị giá công tác từ thiện xã hội của toàn Giáo hội trong 30 năm qua ước tính đạt hơn 2000 tỷ đồng. "Bên cạnh chăm sóc hỗ trợ vật chất cho đời sống của đồng bào nghèo, là chăm lo đời sống tâm linh cho đồng bào các giới, trong đó có đồng bào dân tộc vùng sâu vùng xa", Hoà thượng nói.
Giáo hội đã xây dựng các ngôi chùa tâm linh ở vùng đồng bào dân tộc ít người, hải đảo, biên cương như chùa Hộ Pháp (đảo Phú Quốc, Kiên Giang), chùa Vân Sơn - Núi Một (huyện Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu), chùa Bạch Long (đảo Bạch Long Vĩ, Hải Phòng), Phật đài Quan Âm (đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi), chùa Trường Sa Lớn, Sinh Tồn và Song Tử Tây (huyện đảo Trường Sa, Khánh Hoà)...
Giáo hội còn tổ chức kỳ siêu anh hùng liệt sĩ trên khắp các vùng miền Tổ quốc và các hải đảo, thể hiện tinh thần tri ân, báo ân của đạo Phật, đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc.
Giáo hội cũng có quan hệ tốt đẹp với các tôn giáo bạn, tạo được sự đoàn kết hoà hợp, chung lưng đấu cật xây dựng đạo, phát triển đất nước, như lời Hồ Chủ tịch nói: "Các vị trước khi là người có đạo, các vị đã là người Việt Nam".
Hoà thượng Thích Thiện Nhơn: Giáo hội đã xây dựng các ngôi chùa tâm linh
ở vùng đồng bào dân tộc ít người, hải đảo, biên cương. Ảnh: Chung Hoàng
Chiến lược đào tạo con người đạo Phật
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Thảo, nguyên Viện trưởng Viện tín ngưỡng và Tôn giáo, khẳng định Phật giáo đóng góp nhiều cho công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước trong suốt chiều dài lịch sử là do "đã tham gia với tất cả tài năng, trí tuệ và trách nhiệm cao cả". TS. Thảo nhận định trong giai đoạn hiện nay, các tăng ni Phật giáo vẫn có vai trò xã hội to lớn, nhất là đối với đời sống tâm linh của người dân.
"Phật tử tôn trọng, mến mộ, nhất là những người đạo cao đức trọng", TS. Thảo nói và kiến nghị Giáo hội quan tâm nâng cao chất lượng đào tạo tăng ni.
Ông nhấn mạnh các giải pháp như hỗ trợ các Học viện Phật giáo (hiện có ở Hà Nội, TP.HCM, Huế và Cần Thơ) nâng cao trình độ Phật học về khoa học tự nhiên và xã hội, tương đương sinh viên các trường ĐH trong nước và các trường Phật giáo trong khu vực; tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để chức sắc sáng tạo các tác phẩm văn hoá Phật giáo có giá trị, góp phần đưa đạo đức Phật giáo vào đời sống xã hội.
TS. Thảo cũng kiến nghị tạo điều kiện để chức sắc Phật giáo tham gia tích cực hơn vào các hoạt động xã hội hoá trong lĩnh vực văn hoá, y tế, giáo dục, từ thiện và cả kinh tế.
"Cần có chủ trương thống nhất và cách thức để huy động tối đa nhân tài, vật lực từ cả các bậc xuất gia lẫn bậc tại gia, cả trong và ngoài nước", ông Thảo nói. "Các hoạt động này phi lợi nhuận, sinh lợi cho xã hội chứ không phải cho cá nhân, tiền của tài sản có được là để cứu tế nhân dân chứ không phải theo tinh thần cũ: bố thí".
TS. Thảo cũng kiến nghị nghiêm túc nghiên cứu mô hình Phật giáo Việt Nam trong lịch sử và của các nước trong khu vực để tiếp tục bổ sung những giá trị mới tốt đẹp cho Phật giáo Việt Nam.
"Cơ duyên của Phật giáo Việt Nam là gắn bó, đồng hành, tự biến thành dân tộc và đất nước, dân tộc Việt Nam cũng cưu mang, nâng đỡ Phật giáo qua các thời đại lịch sử, nên đông đảo người dân Việt Nam đương đại có hoài vọng rất cao đối với Phật giáo cũng là điều tự nhiên", TS. Ngô Hữu Thảo nói. "Cần đi sâu vào những tính quy định căn bản của nền đạo Phật, từ đó nhận thức và phát huy, chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả phát triển cao nhất".
Theo Chung Hoàng - VNN