;
Mới hôm qua, hôm kia hoặc ngày nọ không không xa, mình còn tiển đưa thân mẫu, người thân của những anh em bạn bè thân thiết, viết những lời ai điếu và những câu văn hay nhất về mẹ, vế cha, và chia buồn về sự mất mát quá to lớn nhất đời người.Cho đến khi gần xong mọi chuyện, về nhà lúc xế tà thì nhận ngay lẳng hoa hồng trắng thật to với câu thơ lững lơ giữa dòng “Trắng cả lòng con lúc nghĩ về…” Tôi chợt nhận ra: MÌNH CŨNG ĐÃ MẤT MẸ !
Lúc này, còn lại một mình, bỏ lại bên hông những om sòm đây đó, mình mới thấy cô đơn lạ lùng !
Phải rồi ! Xưa, trên phím đàn, trên mặt chữ văn chương mình chưa khi nào nói về mẹ của mình, một người mẹ cũng như bao người mẹ khác, cũng hy sinh tận cùng cho đàn con khôn lớn, thành đạt. Nhưng có lẽ mình phải là người ngậm ngùi nhất trong đám anh chị em đông đúc mà mẹ đã sinh ra, nuôi nấng trong gian khổ nghèo khó, Bà đã kỳ vọng về mình rất nhiều trên bước đường mở toang cánh cửa tri thức. Thế nhưng con đường vào nẻo đạo đã sẵn mở ra bên cạnh tuổi thơ trong trắng để mình không do dự bước vào và bền bỉ đi cho đến tận hôm nay. Tuy chưa phải là một người xuất gia, nhưng bằng một trái tim yêu đạo mến đời của một cư sĩ Phật tử, những va đập, ma sát với cuộc đời nó vẫn có những vết thương để đời.
Nhọc nhằn cơm áo, mẹ mình vẫn chưa hề hé môi than thở về một đứa con mà mình sinh ra, nuôi nấng từ tấm bé, cho ăn học đàng hoàng như ai để rồi chỉ đi lo chuyện đạo, chuyện đời trong thiên hạ, chưa bao giờ mua về cho gia đình một lon gạo, một củ khoai để gọi là giúp đỡ gánh nặng gia đình. Chưa hề!
Vậy mà mẹ mình nào có buồn đâu, bà cứ âm thầm như khi nào âm thầm chạy gạo, mượn tiền mua từng lon gạo về nấu nồi cháo lo cho đám con lót lòng đi học. Anh chị em cũng chẵng ai hỏi rằng mẹ ơi tiền ở đâu ra mà mua gạo vậy? Mình thì ăn xong lại tất tả đi chùa. Đi hộ niệm cùng các bác hàng xóm.
Khi bước vào tuổi thiếu niên, thèm lắm một chiếc áo lam đồng phục Gia Đình Phật Tử, rồi sau nữa là Học Sinh Phật Tử mà suốt nhiều năm liền mình chưa có để mặc dù đã phát nguyện trở thành đoàn sinh chính thức. Khi biết được chuyện đó mẹ mình cũng âm thầm đem bán đi hai xấp vải lụa đen Tân Châu dành để may quần cho bà và mẹ mà vẫn cố giữ bao lâu nay. Thậm chí chiếc áo tràng khi đó mẹ phải lấy tấm chăn Drap trắng trải giường dày cộm, tự tay cắt may thành chiếc áo tràng cho mình, rồi sau đó lội xuống bãi sình lúc nước cạn, đảo xuống thật sâu để nhồi chiếc áo tràng đó với bùn cho thành màu xám tro, rồi giặt sạch đem phơi khô, là đã có chiếc áo tràng màu xám đi chùa hay hộ niệm với người ta.
Cho đến ngày bà nhắm mắt xuôi tay, đứa con như mình vẫn chưa một lần may cho mẹ một chiếc áo hay mua cho bà một đôi guốc, đôi dép nào dù là rẻ nhất. Trong quá trình tu học và phụng sự chánh pháp, khi làm được một thành quả nào, dù nhỏ hay to mình đều nhất tâm hồi hường về cho mẹ mình. Đó là cách duy nhất mình chỉ có thể làm cho mẹ mình.
Mình chỉ đã làm hết những gì mình có được trong suốt quàng đời học đòi làm một Phật tử trên đường đạo; đó là những nghi lễ, những Chư tôn đức xuất gia vị tình đến chia sớt phúng tụng vài thời kinh cầu siêu thoát. Đến lúc này mới thấy được kết quả tu học của mình ra sao khi mọi người đến với mình.
Hôm nay, đúng ngày rằm tháng bày, ngày Vu Lan Báo Hiếu, sau khi thắp nhang bàn thờ Phật, mình lên bàn phím gỏ những dòng này để tưởng nhớ mẹ. Mình không muốn viết văn, thơ để ca ngợi về người mẹ như lâu nay vẫn thường hay viết, mình chỉ xem đây là những dòng tự sự khi chợt nhận ra mình cũng là người mất mẹ! Và chân thánh cảm ơn Hòa thượng Viện chủ và Chư tăng Thiền Viện Phước Hoa, đã nhắc nhở cho mình về điều ấy bằng một lẳng hoa hồng trắng, trắng cả đất trời ngày tình mẹ, như câu thơ Nhất Hạnh: Tôi thấy tôi mất mẹ/ mất cả môt bầu trời…
Sáng rằm tháng bảy Vu Lan PL 2559