;
Bần sư từ vùng đất nghèo khó Madaguoil, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng đến nội trú Chùa Linh Sơn học trường Phật học này khóa 1, từ 1990-1994.
"Bần sư và pháp hữu thời học tại Trường Phật học Lâm Đồng"
Thời đó nếu ai viếng Chùa Linh Sơn, nhìn phía sau ngôi tháp tọa lạc bên phải của chùa nhìn từ ngoài vào thấy có một AM vách bằng ván cây thông cũ kỹ, mái lợp tôn, diện tích 4 mét vuông. Ở trong am này có một nhà sư với dáng người gầy gò, da dẻ hồng hào, tuổi đời trên 60.
Nhà sư đó có pháp danh Viên Ngộ, thế danh LÊ TRUNG TRANG, đệ tử của cố Hoà thượng Thích Từ Mãn, nguyên Trưởng ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Lâm Đồng, nguyên trụ trì Chùa Linh Sơn.
Tuy có pháp danh Viên Ngộ, nhưng phần đông người ta thường gọi nhà sư này bằng tên đời là Lê Trung Trang. Sở dĩ người ta gọi thế danh, mà không gọi pháp danh nhà sư này có lẽ vì ông là nhà nghiên cứu, tác giả nhiều bài viết đăng trên tạp chí TƯ TƯỞNG VẠN HẠNH nổi tiếng trước 1975 do cố Hòa thượng Tuệ Sỹ chủ biên. Ông là Giáo sư Đại học Vạn Hạnh và Đại học Dalat.
Về khả năng ngoại ngữ, ông nghe, nói, đọc, viết thông thạo các tiếng: Anh, Pháp, Nhật và đọc hiểu tiếng Hán, tiếng Tây Tạng. Tất cả kiến thức của ông có đểu do ông tự học. Ông có một ký ức tuyệt vời. Ông có thể đọc làu làu tất cả công thức Toán học từ lớp 1 đến lớp 12.
Ông xuất gia với cố Hoà thượng Thích Từ Mãn sau 1975. Sau khi xuất gia, ông xin Hoà thượng bổn sư cho phép ông được độc cư tu hành trong chiếc am nói trên.
"Cố Hòa thượng Thích Thanh Kiểm trao thưởng tăng sinh xuất sắc toàn khóa cho bần sư trong ngày tổng kết khóa 1 (1990 – 1994)"
Bần sư không biết ông hành trì theo pháp môn nào của nhà Phật. Bần sư biết chắc rằng ông ăn một tuần một bữa, mỗi bữa chỉ một chén cơm. Hằng ngày ông uống nước lọc thay cơm. Mỗi tuần ông đi khất thực một lần, ai cúng gì nhận nấy, không nhận tiền. Thức ăn khất thực dư thừa, ông dành để nuôi một con chó ở chung với ông. Thời tiết Dalat buổi sáng rất lạnh, nhưng cứ 05 giờ sáng mỗi ngày ông đều tắm bằng nước lạnh.
Suốt mấy mươi năm tu hành trong chiếc am 4 mét vuông này, ông chỉ NGỦ NGỒI, không nằm. Am của ông 2 mét vuông dành để chứa kinh sách tiếng nước ngoài, không có sách tiếng Việt; 01 mét vuông dành cho con chó như là người bạn đồng tu và 01 mét vuông còn lại dành cho ông ngồi tọa thiền. Đặc biệt, ông có thể thực hành tất cả các tư thế Yoga, kể cả tư thế khó nhất.
Trong thời gian ông tu hành ở Chùa Linh Sơn, phật tử người Việt ít biết nên ít tìm đến tiếp xúc với ông. Ngược lại, có lẽ do sách hướng dẫn du lịch bằng tiếng Anh có đề cấp về ông, nên du khách đến Dalat từ các nước phương Tây đều tìm đến ông để học hỏi lời Phật dạy. Nghe quý sư thầy Chùa Linh Sơn kể rằng, ông được Chính phủ Hoa Kỳ và Nhật Bản mời ông đi định cư nhưng ông từ chối không đi.
Cuộc sống độc cư tu hành của ông trong chiếc am này cứ lặng lẽ trôi qua cho đến ngày ông viên tịch. Sinh thời, ông thường nói sự viên tịch của ông cũng như con mèo già chết đi không để lại dấu tích.
"Bần sư và hai pháp hữu chụp hình lưu niệm với chư tôn Hòa thượng Hiệu trưởng và Hiệu phó Trường Cơ bản Phật học tỉnh Lâm Đồng trước ngày ra trường."
Hồi đó bần sư thầm nghĩ, nếu ông chứng đắc, viên tịch trong tư thế tọa thiền để lại xá lợi toàn thân thì thật là phúc duyên cho Phật giáo Lâm Đồng nói riêng, Phật giáo Việt Nam nói chung. Nhưng ông viên tịch như ông đã nói.
04 năm nội trú Chùa Linh Sơn tu học tại Trường Cơ bản Phật học tỉnh Lâm Đông, chứng kiến tận mắt sự thực hành lời Phật dạy của chân sư Lê Trung Trang, bần sư vô cùng kính ngưỡng ông.
Ngày nay, du khách đến viếng Chùa Linh Sơn –Dalat không còn thấy ngôi thảo am của nhà sư Lê Trung Trang vì nhà chùa đã phá dỡ sau khi ông viên tịch.
Thời đó công nghệ thông tin chưa phát triển nên ít người biết đến ông. Nếu công nghệ thông tin và điện thoại thông minh thời đó phát triển như bây giờ, biết đâu ông đã trở thành "HIỆN TƯỢNG NHÀ SƯ LÊ TRUNG TRANG" tu hạnh đầu đà chăng???
Viết tại Chùa Phúc Lâm, Đại lễ Phật đản PL. 2568, ngày 14/ 04/ Giáp Thìn (2024).
Nhớ lại và viết nhân "hiện tượng Minh Tuệ"
Thích Minh Trí