;
Chùa Dạm - điểm du lịch tâm linh đặc sắc.
Theo các thư tịch cổ để lại thì chùa Đại Lãm nằm trên núi Lãm Sơn, sách Đại Nam nhất thống chí có chép: “Núi Lãm Sơn: ở địa phận tổng Lãm Sơn, cách huyện Quế Dương 7 dặm về phía Tây. Tương truyền Cao Biền làm cột đá để trấn áp. An Nam chí chép: Huyện Từ Sơn trong núi có chùa Đại Lãm, lại có chùa Thần Quang. Đằng trước trông ra sông Thiên Đức, cây thông, cây trắc xanh tươi, hằng năm đến ngày 8 tháng 4 trai gái thường tụ họp nơi đây cùng nhau hát múa. Người đời Trần có câu rằng:
Tục đa biến thái vân thương cẩu
Tùng bất tri niên tăng bạch đầu
(Mây biến sắc khác gì thói tục,
Sự bạc đầu chẳng biết tuổi thông).
Chùa Lãm Sơn được triều Lý cho xây dựng vào tháng 8, năm Bính Dần (1086). Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 3, mặt khắc 11 còn ghi chép về sự kiện này một cách ngắn gọn như sau: “Làm chùa ở núi Đại Lãm”.
Cũng theo Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư, thì quá trình xây dựng chùa Lãm Sơn rất công phu và kéo dài trong nhiều năm liền. Sau khi khởi công xây dựng hai năm, tức vào năm Mậu Thìn (1088), vua Lý Nhân Tông cho xây tháp ở chùa. Tháng 4, năm Giáp Tuất (1094), tháp ở chùa Lãm Sơn mới được xây xong. Đến mùa thu, tháng 9 năm Ất Dậu (1105), vua Lý Nhân Tông lại tiếp tục cho làm ba ngọn tháp chỏm đá. Như vậy, trải qua gần 20 năm xây dựng, chùa Lãm Sơn mới được hoàn thành. Chùa Lãm Sơn được xem là một trong những đại danh lam, trung tâm phật giáo của Việt Nam lúc bấy giờ.
Trong quá trình xây dựng chùa Lãm Sơn, có một sự kiện đáng chú ý là vào năm Đinh Mão (1087), tức là một năm sau khi khởi công,vua Lý Nhân Tông đã đến thăm chùa, mở tiệc và làm thơ “Lãm Sơn dạ yến”. Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 3, mặt khắc 45, 46 còn ghi chép sự kiện này như sau: “Tháng 10, mùa đông. Mở yến tiệc thết các bầy tôi tại chùa Lãm Sơn. Năm Quảng Hựu thứ 2 (1086), làm chùa này; đến đây ngự giá đến chơi, đêm mở yến tiệc thết quần thần. Nhà vua có làm thơ “Lãm sơn dạ yến”.
Trong suốt thời gian dài sau đó, chùa Lãm Sơn luôn nhận được sự chiếu cố đặc biệt của triều đình, chùa càng được gia công mở mang quy mô. Trải qua hơn 9 thế kỷ, chùa có nhiều tên gọi: chùa Dạm, Cảnh Long Đồng Khánh tự, chùa Tấm Cám. Gọi là chùa Tấm Cám vì đây chính là nơi bắt nguồn của truyền thuyết Tấm Cám, và cuối đời Nguyên phi Ỷ Lan đã về ở ẩn tu hành tại đây, trên núi hiện còn một cái giếng Tấm Cám. Sử sách ghi lại, chùa Dạm xưa được xây tứ cấp vô cùng nguy nga, với 100 gian, chiều dài nền chùa 120m, rộng 70m, tổng cộng diện tích ngôi chùa lên đến 8.400m2. Bốn lớp nền được bó ghép bằng đá tảng, mỗi viên có kích thước 50x60cm, được đặt choãi chân, chếch khoảng 70 độ và cao 5-6m. Dân gian lưu truyền rằng, ngôi chùa lớn đến mức, cứ sau ngày rằm hàng tháng người ta mới đóng cửa chùa, bắt đầu từ xẩm tối đến lúc trăng lên cao mới đóng hết tất cả các cửa.
Chùa đã bị phá hủy hoàn toàn trong kháng chiến chống Pháp, nên ngày nay chỉ còn lại những dấu tích: các lớp nền đá nguyên gốc, cột đá chạm hình rồng, gạch ngói, đất nung có chạm rồng và một số hình tượng các con thú bằng đất nung, giếng bống, pho tượng Hoàng Thái hậu Ỷ Lan và vua Lý Thánh Tông… Di vật trứ danh nhất ở chùa Dạm còn lại là một cột đá cao 5m (không kể phần ngọn đã bị gãy nát), kết cấu hai phần: khối hộp vuông ở dưới gắn với lớp đá mạ và khối trụ tròn ở trên có đường kính 1,5m.
Với những giá trị lịch sử và nghệ thuật đặc biệt, chùa Dạm đã được Bộ Văn hóa thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa từ năm 1962. Hiện nay, chùa Dạm đang được UBND tỉnh Bắc Ninh quan tâm đầu tư tôn tạo khang trang, tố hảo và trở thành điểm du lịch văn hóa tâm linh tiêu biểu.
----------------------------
Tài liệu tham khảo
1. Hồ sơ H31/12, Mộc bản triều Nguyễn - Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
2. Hồ sơ H60/3, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
Thơm Quang - Báo Bắc Ninh