Ngày xưa trong làng Nội Mang (Nội Hoàng) có người làm nghề đánh dậm bắt cá. Mỗi lần anh đi đánh dậm không thấy cá đâu chỉ thấy được một tảng đá trong dậm của mình. Nhiều lần như vậy thấy làm lạ, người đánh cá kia bèn đem tảng đá đó lên núi chôn và "khấn tảng đá phù hộ" cho đánh được nhiều cá, quả nhiên từ đó ngày nào anh ta cũng đánh được nhiều cá. Có điều tuổi đã cao mà anh vẫn không có con, thường ngày anh hay lên chỗ tảng đá kể lể sự tình và khấn cầu hòn đá cho xin đứa con nối dõi. Sau đó, vợ chồng anh có con trai. Thấy hòn đá linh nghiệm, vốn không hiểu biết lại tưởng rằng "tà ma" nên hai vợ chồng bèn đào hòn đá vứt đi, hôm sau lên núi lại thấy hòn đá mọc lên như cũ. Hai vợ chồng sợ hãi xin xưng tội, dựng chùa ngày đêm cầu khấn thờ phụng. Dần dần nhiều người qua lại lễ bái cầu việc gì cũng hiển ứng, đặc biệt là lễ cầu con. Từ đó dân gian gọi là chùa Bụt Mọc, chùa ở chân núi Dâu nên cũng gọi là chùa Dâu.
Qua sự tích chùa Dâu - chùa Bụt Mọc cho thấy tín ngưỡng thờ đá ở Nội Hoàng là Linh Thạch. Tục thờ này gợi sự liên tưởng tới tín ngưỡng thờ đá ở chùa Dâu, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Cả hai ngôi chùa đều có tín ngưỡng bản địa là tục thờ đá, rồi hòa nhập với tôn giáo ngoại lai để có đá thiêng thờ trong chùa mang bản sắc tôn giáo tín ngưỡng của người Việt sau này. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Trần Văn Lạng sự có mặt ngôi chùa Dâu ở Nội Hoàng, Yên Dũng đã chứng tỏ vùng đất này vào thời Hán (sau Công nguyên) dân cư khá ổn định và đã có sự du nhập đạo Phật theo mô tuýp đạo Phật du nhập vào Luy Lâu (Bắc Ninh) một trung tâm kinh tế, chính trị văn hóa của đất Giao Châu thời Bắc thuộc. Đây là ngôi chùa cổ hiếm hoi và độc đáo trên đất Bắc Giang, không ai còn nhớ ngôi chùa có từ bao giờ chỉ biết năm Chính Hòa 24 (1703) thời Lê, chùa đã được sửa chữa lớn, ghi theo lời văn trên bia đá.
Chùa Dâu hiện nay mang nét văn hóa, kiến trúc đan xen của hai thời đại: thời Lê và thời Nguyễn. Chùa có các hạng mục công trình gồm tòa tiền đường 5 gian nối tòa thượng điện 3 gian tạo kiểu chữ đinh, nhà khách 3 gian, nhà tổ 3 gian cùng nằm trong một quần thể di tích uy linh cổ kính. Phần liên kết các vì mái theo lối kiến trúc cổ truyền thống, kiểu chồng rường giá chiêng, xà cộc. Vì nách tạo kiểu cốn mê chạm trổ đẹp hình vân mây, đao mác, hình linh thú, hoa văn khắc vạch, hình ô trám… Hệ thống cột chùa vẽ hình rồng leo mang phong cách thời Nguyễn (thế kỷ XIX) có giá trị nghiên cứu mỹ thuật cổ truyền dân tộc.
Chùa còn bảo lưu hệ thống tượng Phật quý giá cùng nhiều tài liệu, hiện vật có giá trị khoa học như: Hòn đá thờ gắn liền với sự tích "Chùa Bụt Mọc", bát hương, bia đá… Chùa Dâu còn là nơi sinh hoạt văn hóa tôn giáo, nơi tổ chức lễ hội truyền thống của nhân dân địa phương từ xưa tới nay. Hội lệ hàng năm được tổ chức vào ngày 11, 12 tháng Hai âm lịch. Lễ hội có nhiều trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Di tích còn là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử gắn liền với lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân xã Nội Hoàng. Trong những năm kháng chiến chống Pháp giai đoạn từ 1949-1951, chùa là nơi tập kết của dân quân du kích và bộ đội chủ lực tiểu đoàn 61, quân khu Việt Bắc 434…
Như vậy, chùa Dâu không những là ngôi chùa cổ của tỉnh mà còn ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử gắn liền với sự du nhập đạo Phật vào Việt Nam từ buổi ban đầu trong đó có vùng đất Bắc Giang. Câu chuyện dân gian sự tích chùa Bụt Mọc ở xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng phần nào nói lên được điều đó.
Đồng Ngọc Dưỡng
Theo BGO