;
Ngày 24/10/2012. Hội Người cao tuổi và các Phật tử 3 thôn đã mở cuộc họp mở rộng, có thỉnh Đại đức Thích Quảng Duyên trụ trì Chùa Xuân Đài, xã Thạch Bằng cùng quang lâm tham dự. Sau cuộc họp bế mạc đã trích biên bản và tờ trình xin tái thiết lại Chùa Giai Mỹ gửi:
- Ban Văn hóa - Mặt trận – UBND xã Thạch Châu;
- UBND huyện Lộc Hà;
- Phòng văn hóa huyện Lộc Hà;
- Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo VN huyện Lộc Hà;
- Sở văn hóa và du lịch Hà Tĩnh;
- UBND tỉnh Hà Tĩnh;
- Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Hà Tĩnh.
Đã được UBND huyện Lộc Hà phê duyệt, ký quyết định số 281/QĐ-UBND V/việc cấp đất trùng tu chùa Gia Mỹ, xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh ngày 25/09/2013.
Theo lời kể và ký ức làng Gia Mỹ của cụ Nguyễn Văn Từ thì chùa Gia Mỹ được xây dựng vào thời hậu Lê (thế kỷ thứ XV), hồi đó có một trận đại hồng thủy và ở đâu đó có một pho tượng Phật sơn son thiếp vàng bằng gỗ tuyệt đẹp trôi dạt vào lùm cây nơi đây. Sau cơn đại hồng thủy đó kẻ góp công, người góp của làm một gian thờ pho tượng Phật nói trên. Tiếng lành đồn xa, tại nơi có pho tượng bị trôi mất họ đến lễ bái nhiều lần xin rước về thờ mà không được, cuối cùng họ đã đem đài sen còn sót lại đến đây để cùng thờ chung. Từ đó trở đi Chùa ngày càng hưng thịnh lại được nơi vị trí phong cảnh đẹp, trên bộ dưới thuyền. Nơi kè bao bây giờ trước đó có một cái chợ họp ở đó, nhân dân quen gọi là chợ Chùa. Trong thúc ước làng Gia Mỹ của cụ Nguyễn Phi Tạo (Do cụ Nguyễn Đình Thanh sưu tầm) mấy câu đầu tiên có nói: “Mây rãnh Ngàn Hống, sống êm kình ngạc. Văn minh thêm một vẻ một vui. Phong cảnh thấy mỗi ngày mỗi khác. Lừng lẫy Cửa Không, Nhà Khổng, mở mang dân nước Văn Lang. Phất cờ gió Á mưa Âu... Lưỡng thủy giao thông. Nước canh tân lượn trước Minh Đường...” Thật là trù phú. Cổng Ngũ Lâu 3 cửa 2 tầng đồ sộ vừa khánh thành cũng là dịp Cách mạng tháng Tám (1945). Cây đa trước cổng chùa hiện còn do ông Lê Tử Lượng (Bí thư xã Thạch Châu hồi đó) lên cắm cây cờ đỏ sao vàng để kêu gọi nhân dân đứng lên giành chính quyền. Mãi đến năm 1970 đã phá toàn bộ để lấy vật liệu xây dựng trường học. Tượng Phật một số được rước lên Chùa Kim Dung – xã Thạch Bằng, còn mấy pho tượng trơ trơ trên nền cũ sau đó cũng chẳng biết đi đâu.
Trong bài thơ: Tiếng chuông Chùa của cụ Nguyễn Văn Từ có nói:
“...Chuông ơi nay ở đâu rồi.
Để cho làng xóm buồn ơi não nề.
Chim vỗ cánh không về làm tổ.
Cây đa làng khô để gốc trơ.
Qua đây lòng những ngẩn ngơ.
Tam tòa ngói óng Chùa giờ đi đâu...”
Chiến tranh và con người đã hủy hoại cái quý giá tối cao nhất của tổ tiên, ông cha đã dày công đắp bồi. Kẻ luyến tiếc , người ngẩn ngơ.v.v... Đau lòng người tâm thiện. Điều đáng buồn hơn là cả một địa giới linh thiêng tịnh tâm, giáo hóa con người tới đạo khoa học và trí tuệ mà chỉ để lại nền không đất trống, con em hậu thế chẳng biết được giáo lý Phật đà ở đâu và cũng chẳng hiểu được Quốc giáo là gì. Khôi phục Chùa là để: “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc” và cũng là ý nói trên. Nhưng việc tái thiết là cả một quá trình chứ không phải một sớm một chiều là xong được. Quy hoạch chùa đã có Đại đức Thích Quảng Duyên hướng dẫn nhưng nguồn đầu tư còn hạn hẹp và nhất là các thủ tục khác. Cũng rất mong các cấp lãnh đạo chính quyền địa phương quan tâm giúp đỡ nhanh chóng hơn nữa để phù hợp với lòng dân.
Mặt khác khi đã khởi công, chắc chắn sẽ gặp nhiều thí chủ hướng thiện. Điều đáng để ý nhất là Ban hộ tự phải nỗi lực hơn nữa để sớm được đi vào khởi công xây dựng, tái thiết nhanh chóng. Như đoạn cuối của bài thơ: Tâm niệm Chùa xưa của cụ Trịnh Võ Hà: “...Bao giờ Chùa được hồi sinh. Là nơi già trẻ chúng minh tu tâm. Lòng dân mang nặng nghĩa tình. Cây đa, bến nước Chùa – Đình là đây. Làng trên, xóm dưới sum vầy. Chuông Chùa vang vọng ngày ngày khói hương”. Hoặc ở đoạn cuối bài thơ Tiếng chuông Chùa của cụ Nguyễn Văn Từ cũng có nói: “...Nền Chùa – Đất Thánh ta thờ, ta xây... Lên Chùa niệm Phật tu thân. Cho đời thanh thản tịnh tâm yên bình”.
Năm Giáp Ngọ là năm cầm cương ngựa phi nước đại. Chúc con em xa quê cũng như các đại thí chủ an khang thịnh vượng trong ngày vui xuân đón tết hãy hướng về quê hương, nhớ về địa linh trù phú một thời.
Một số hình ảnh về chùa Gia Mỹ.
Nam mô A Di Đà Phật