;
Chùa Quỳnh Viên - núi Nam Giới nhìn từ hướng biển Cửa Sót
Tham dự buổi tọa đàm có Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ - UV HĐTS – Phó thường trực Ban trị sự GHPGVN tỉnh Hà Tĩnh; Đại đức Thích Thiện Nhơn – Trưởng ban trị sự Phật giáo huyện Thạch Hà; GSTS Nguyễn Huy Bằng – Hiệu trưởng trường Đại học Vinh; PGS TS Nguyễn Quang Hồng – Trường Đại học Vinh; Thạc sĩ Phan Quốc khánh – Trưởng ban tôn giáo tỉnh Hà Tĩnh; ông Đậu Tùng Lâm, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông; bà Trần Phương Hoa, Phó Giám đốc Đài phát thanh - truyền hình tỉnh; ông Nguyễn Bá Hà – Phó chủ tịch thường trực UBND huyện Thạch Hà; các ban nghành liên quan, đông đảo các nhà nghiên cứu khoa học cùng các Tăng ni, Phật tử và bà con nhân dân trong và ngoài tỉnh.
Toàn cảnh tọa đàm "Chùa Quỳnh Viên trong dòng chảy lịch sử - văn hóa Phật giáo Việt Nam”.
Báo cáo đề dẫn buổi tọa đàm cho thấy, Thạch Hà là vùng đất cổ, có lịch sử lâu đời, con người đã có mặt ở đây cách nay khoảng 4.800 năm. Sử liệu cũng nhắc đến nhân duyên học Phật của Chử Đồng Tử với nhà sư Phật Quang tại núi Quỳnh Viên. Sách Nghệ An chí của tiến sĩ Bùi Dương Lịch chép rằng:“Huyền sử đời Hùng Vương tương truyền rằng Chử Đồng Tử và nàng Tiên Dung tu tiên đắc đạo ở Rú Bể nên gọi là núi Quỳnh Viên và đó cũng là cái tên xưa nhất của dãy Nam Giới này”.
"Cửa Sót - núi Quỳnh Viên (Long Ngâm thuộc dãy Nam Giới) - chùa Quỳnh Viên - đền Chiêu Trưng,…gắn liền với dòng chảy lịch sử dựng nước, giữ nước, xây dựng, phát triển đất nước suốt mấy ngàn năm qua....." - GSTS Nguyễn Huy Bằng - Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh.
Chùa Quỳnh Viên được xây dựng trong khoảng thời gian nào? Sự kiện nhà sư Phật Quang truyền đạo cho Chử Đồng Tử tại đây…ra sao? Lịch sử hình thành và phát triển của Phật giáo Việt Nam, chùa Quỳnh Viên và vùng Nam Giới, Cửa Sót (Thạch Hà) có vị trí như thế nào? Làm gì để giữ gìn, phát huy giá trị lịch sử - văn hoá của Phật giáo nói chung và chùa Quỳnh Viên nói riêng, xứng tầm với những giá trị vốn có của nó; trở thành điểm du lịch tâm linh hấp dẫn?
"Với mục tiêu vì con người nên Phật giáo đã tham gia vào nhiều mặt của đời sống xã hội. Thông qua tư tưởng từ bi, Phật giáo đã cảm hoá được con người, dẫn dắt họ làm điều thiện, bỏ qua lối sống vị kỷ để quan tâm đến con người và xã hội..." -Thạc sĩ Phan Quốc Khánh - Trưởng ban Tôn giáo tỉnh Hà Tĩnh.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu, các nhà khoa học nhà nghiên cứu, Chư tăng Phật giáo huyện đã đóng góp 10 tham luận và nhiều ý kiến khác nhau trình bày, nhấn mạnh vai trò của Phật giáo trong đời sống xã hội Hà Tĩnh; vai trò của Phật giáo Hà Tĩnh trong dòng chảy lịch sử - văn hoá Phật giáo Việt Nam; Du lịch tâm linh - con đường Hoằng pháp, khẳng định du lịch tâm linh có lịch sử từ lâu và không thể thiếu trong đời sống xã hội từ xưa đến nay; Chử Đồng Tử - người Phật tử đầu tiên của Phật giáo Việt Nam và câu chuyện huyền sử liên quan đến địa điểm Quỳnh Viên, Cửa Sót…
Đáng chú ý, trong nguồn cứ liệu khảo cổ học do GSTS Nguyễn Huy Bằng trích dẫn từ Viện Khảo cổ học Việt Nam, Bảo tàng Nghệ Tĩnh và Khoa Lịch sử trường Đại học Vinh thu được từ hai đợt khai quật khảo cổ tại Di chỉ Khảo cổ Nhạn Tháp thuộc xã Hồng Long, huyện Nam Đàn trong những năm 80 của thế kỷ XX là lần đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay (2022) tìm thấy Hộp đựng Xá Lợi Đức Phật cùng hiện vật quý khác. Là có cơ sở để khẳng định về sự hưng thịnh của một trung tâm Phật giáo từ thế kỷ thứ VII - VIII tại lưu vực sông Lam.
"Những địa danh có truyền thống tốt đẹp cần chú trọng đến vấn đề tuyên truyền, quảng bá, vì đây cũng chính là việc bảo tồn phát huy giá trị lịch sử văn hóa và giáo dục cộng đồng. Cần phải quan tâm trùng tu xây dựng, mở rộng các di tích lịch sử với diện tích khuôn viên phù hợp điều kiện cảnh quan thiên nhiên nơi di tích, đáp ứng được số lượng du khách về tham quan, lễ bái..." -Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ - UV HĐTS – Phó thường trực Ban trị sự GHPGVN tỉnh Hà Tĩnh.
Và giả thiết khoa học mà Thiền sư Lê Mạnh Thát khẳng định về sự kiện Thiền sư Phật Quang truyền đạo cho Chử Đồng Tử trong công trình: Lịch sử Phật giáo Việt Nam tập 1,Từ Khởi Nguyên đến thời Lý Nam Đế (544), nhận được ý kiến sự đồng thuận từ các nhà Sử học, Phật học,…thì chùa Quỳnh Viên tọa lạc trên núi Ngâm thuộc dãy núi Nam Giới chính là nơi khởi nguồn của dòng chảy Lịch sử - văn hóa Phật giáo Việt Nam. Chính từ nơi khởi nguồn ấy, dòng chảy Phật giáo đã lan tỏa rộng khắp cả lưu vực sông Lam cũng như các vùng miền khác của cả nước suốt nhiều thế kỷ qua.
Đại đức Thích Chúc Giác - Phó ban Trị sự Phật giáo huyện Thạch Hà phát biểu.
PGS.TS. Nguyễn Quang Hồng - Khoa Lịch sử, Trường Sư phạm, Trường ĐH Vinh phát biểu.
Ngoài nguồn tư liệu từ Viện Khảo cổ học Việt Nam, Bảo tàng Nghệ Tĩnh và Khoa Lịch sử trường Đại học Vinh nói trên, cũng tại công trình Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 1, Từ Khởi Nguyên đến thời Lý Nam Đế(544), của thiền sư Lê Mạnh Thát cũng đã khẳng định: Phật giáo được truyền bá vào nước ta từ thế kỷ thứ III hoặc thế kỷ thứ II trước công nguyên và núi Long Ngâm, chùa Quỳnh Viên (núi Long Ngâm thuộc dãy Nam Giới, xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh ngày nay) là nơi đầu tiên Thiền sư Phật Quang truyền bá Đạo Phật cho Chử Đồng Tử. Chính Chử Đồng Tử và Tiên Dung là những Phật tử đầu tiên ở Việt Nam.
Tôn tượng Đức Phật đản sanh tại chùa Quỳnh Viên được tìm thấy năm 1973
Tại buổi tọa đàm, nhiều tham luận, ý kiến đánh giá cao về địa danh Quỳnh Viên, chùa Quỳnh Viên thiêng liêng lịch sử, có vai trò quan trọng trong việc hộ quốc an dân ở mọi thời đại, địa giới này có trên dưới 20 di tích, dấu tích đình, đền, chùa qua các thời kỳ phong kiến, quân chủ và đương đại, đặc biệt chùa Quỳnh Viên gắn liền với huyền sử Chử Đồng Tử - Tiên Dung một câu chuyện đầy tính hiếu đạo nhân văn trong “tứ bất tử” của văn hoá Việt (Tản Viên Sơn Thánh, Chử Đạo Tổ, Đức Thánh Gióng, Thánh Mẫu Liễu Hạnh). Địa danh này có Đền thờ Chiêu Trưng được xem là Tứ trấn của xứ Nghệ (Nhất Cờn, Nhì Quả, Tam Bạch Mã, Tứ Chiêu Trưng).
Ông Nguyễn Tùng Lĩnh - Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh.
Qua các tham luận và cứ liệu trong buổi tọa đàm, với lịch sử hàng ngàn năm gắn liền với văn hóa Phật giáo và đời sống người dân Việt, rất nhiều ý kiến đề xuất cần có định hướng xây dựng phát triển để địa danh Quỳnh Viên, chùa Quỳnh Viên phát huy tương xứng với tầm vóc, vị thế, giá trị lịch sử - văn hóa to lớn của quần thể di tích này không chỉ trong huyện, tỉnh, mà ở tầm quốc gia và khu vực.
"Ngôi chùa là nơi lưu giữ những tinh hoa triết lý từ bi - trí tuệ của đạo Phật, là mái ấm tình thương cho những ai không may bị hoạn nạn hay gặp khó khăn trong cuộc sống, là nơi hội tụ hồn thiêng sông núi, là nơi kết nối tinh thần dân tộc và hòa bình hữu nghị..." - Đại đức Thích Thiện Nhơn - Trưởng ban trị sự Phật giáo huyện Thạch Hà.
Những tham luận, ý kiến đóng góp tại buổi tọa đàm cũng là tiền đề cho những hội thảo hội nghị trong tương lai, cứ liệu quan trọng làm sáng tỏ thêm về lịch sử hình thành cũng như các câu chuyện, sự tích liên quan đến nhân vật Chử Đồng Tử - Tiên Dung, nhà sư Phật Quang, nhằm xây dựng, phát triển, hình thành nơi đây một Trung tâm văn hóa Phật giáo của cả nước gắn liền với lịch sử Phật giáo Việt Nam, trở thành một điểm đến du lịch văn hóa tâm linh với những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể và những giá trị tinh thần đặc biệt khác.
Ông Nguyễn Bá Hà – Phó chủ tịch thường trực UBND huyện Thạch Hà
Phát biểu tại buổi tọa đàm ông Nguyễn Bá Hà khẳng định, buổi tọa đàm là nội dung quan trọng, có nhiều ý kiến tham luận hay, sâu sắc về Phật giáo cũng như lịch sử trường tồn của dân tộc, huyện Thạch Hà xin tiếp thu các ý kiến đóng góp và sẽ quan tâm đồng hành để cùng phát huy dòng chảy văn hóa lịch sử Phật giáo tại khu vực núi Nam Giới và chùa Quỳnh Viên.
TS. Nguyễn Văn Tuấn - Khoa Lịch sử, Trường Sư phạm, Trường Đại học Vinh
Đúc kết buổi tọa đàm PGS TS Nguyễn Quang Hồng cho rằng, qua cuộc tọa đàm này, với nhiều cứ liệu phân tích của các tham luận và tư liệu đã được ấn hành, cũng như di tích di sản, những tín ngưỡng xa xưa của người Việt còn sót lại nơi đây, có thể nói Quỳnh Viên là nơi khởi nguồn của Phật giáo Việt Nam.
Hiện nay ở Hà Tĩnh số lượng chùa đã khôi phục được khá nhiều nhưng là chùa làng, chùa huyện, chùa tỉnh để có một trung tâm Phật giáo có quy mô lớn mang tầm quốc gia và khu vực thì phải là chùa Quỳnh Viên, khu vực núi Nam Giới.
Ông mong muốn lãnh đạo các cấp chính quyền trong thời gian tới tiếp tục đồng hành, hỗ trợ để có các hoạt động hội thảo, khảo sát ở cấp cao hơn đồng thời có định hướng quy hoạch để phát huy các giá trị di tích di sản văn hóa, xứng tầm, không chỉ phục vụ đời sống tinh thần, góp phần phát triển kinh tế đời sống cho địa phương mà cả xứ Nghệ và dân tộc Việt Nam.
Kết thúc buổi tọa đàm, Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ ghi nhận và cám ơn các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, quý cấp chính quyền đã có nhiều đóng góp quan trọng, cuộc toạ đàm hôm nay là “những viên gạch” là tiền đề quan trọng cho việc tổ chức một hội thảo quy mô lớn hơn, đặt cơ sở cho việc nghiên cứu tiếp theo về Phật giáo Thạch Hà nói chung, về chùa Quỳnh Viên nói riêng. Điều đó không chỉ góp phần thúc đẩy sự phát triển của Phật giáo huyện mà còn tạo cơ sở khoa học cần thiết cho việc hoạch định chính sách phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới.
Một số hình ảnh ghi nhận.
{youtube https://www.youtube.com/watch?v=p0e2S1gIU8A}