;
Tất cả chúng ta phải tri ân các khoa học gia vì nhờ có nghiên cứu của họ mà loài người chúng ta được thừa hưởng rất nhiều tiện nghi trong cuộc sống : nhà cửa đẹp đẽ để ở, quần áo, giày dép, cơm thực phẩm để ăn, nước uống, xe cộ đi lại, phương tiện thông tin liên lạc tiện lợi, dịch vụ y tế để trị bệnh, phương tiện giải trí…nói chung là nhiều không thể kể xiết. Nhiều người tin rằng chỉ có khoa học là phương tiện duy nhất có thể giải quyết tất cả mọi nhu cầu của loài người, nên chỉ cần dựa dẫm vào khoa học là đủ.
Có lẽ đó là quan điểm của phần lớn các nhà khoa học và những người theo triết học duy vật. Họ cho rằng có một thế giới khách quan nằm ngoài tâm thức, đó là một thế giới bao gồm vật chất và năng lượng. Vật chất và năng lượng có thể biến hóa lẫn nhau theo công thức nổi tiếng của Einstein E=MC2 (E là năng lượng. M là khối lượng vật chất. C là tốc độ ánh sáng, là một hằng số qui tròn là 300.000 km/giây). Vật chất và năng lượng nằm trong một cái nền là không gian và thời gian. Mức độ nhiều hay ít của vật chất và năng lượng được tính bằng số lượng. Thông thường số lượng được biểu thị bằng hệ đếm thập phân gồm 10 số hạng cơ bản (0, 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9) còn trong máy tính thì số lượng chỉ cần 2 số hạng cơ bản để biểu thị, gọi là hệ đếm nhị phân, chỉ có số 0 và 1. Hai số 0 và 1 chẳng những biểu thị số lượng, mà còn biểu thị được rất nhiều thứ khác như chữ viết, âm thanh, hình ảnh, độ sáng, màu sắc, video, chương trình tin học điều khiển mọi hoạt động mà chúng ta đang thấy hiện nay trên máy vi tính, điện thoại di động và nhiều thiết bị khác. Khoa học bao gồm hai ngành : Khoa học tự nhiên có đối tượng nghiên cứu là vật chất, năng lượng và những cái có sẵn trong thiên nhiên. Thành quả nghiên cứu được ứng dụng trong sản xuất, xây dựng, giao thông, y tế, thông tin…đem lại kết quả vô cùng rực rỡ khiến nâng cao đời sống của con người khác hẳn loài vật mà chúng ta đã và đang thừa hưởng nói trên. Khoa học xã hội và nhân văn có đối tượng nghiên cứu là những sáng tạo của con người thuộc lãnh vực phi vật chất như triết học, tôn giáo, văn học, lịch sử, giáo dục, nghệ thuật, pháp luật, xã hội học… Gần đây có một lãnh vực phi vật chất mới đang phát triển rất mạnh mẽ, đó là phần mềm tin học (software) là những chương trình điều khiển và ứng dụng điện tử (electron) hoặc quang tử (photon) và sắp tới có thể là cả lượng tử (quantum) để thông tin, liên lạc, quan hệ giữa con người với nhau thông qua các vi mạch, các thiết bị vô cùng tinh vi. Sản phẩm làm ra là các hệ điều hành (operation system) để điều khiển các máy tính điện tử, như Windows, Linux… hoặc điều khiển các điện thoại di động thông minh (smartphone), như Symbian, Android và vô số những phần mềm khác, như Photoshop để chỉnh sửa hình ảnh, Word để đánh văn bản, Excel để tính toán, các phần mềm để làm kế toán, tra từ điển v.v…Hai ngành khoa học cơ bản thường kết hợp với nhau để sáng tạo ra rất nhiều phương tiện đem lại các tiện ích cho con người vô cùng phong phú.
Tuy nhiên khoa học cũng không phải là vạn năng, nó cũng có những hạn chế nhất định. Như trong bài đối chiếu giữa khoa học và Phật giáo, tôi có đề cập tới những mặt hạn chế của khoa học, ở đây xin nhắc lại và phân tích kỹ càng thêm. Xin nhắc lại và bổ sung những mặt hạn chế đã đề cập của khoa học :
1/ Khoa học không thể làm chủ được thiên tai. Gió bão, núi lửa, động đất, sóng thần hay thiên thạch lớn rơi vào trái đất hoặc thiên thể lớn đụng vào trái đất…đều nằm ngoài khả năng khống chế của khoa học. Khoa học chỉ có thể dự đoán, đề phòng, làm giảm thiệt hại về nhân mạng và tài sản chứ không thể ngăn chặn thiên tai được. Bởi vì lý giải của khoa học về thiên tai còn ở mức thô thiển, chỉ thấy hiện tượng, không hiểu bản chất, nguồn gốc sâu xa của thiên tai. Khoa học không thể thấy, không thể nhận biết được nguyên nhân sâu xa của thiên tai vì nó vô hình, vô tung tích. Chỉ những người có thần thông như Phật, Bồ Tát mới thấy thiên tai là cộng nghiệp của chúng sinh. Nghiệp đã tạo thì hậu quả là hiện chúng sinh đang bị thiên tai để trả nghiệp, nghiệp đang tạo thì tương lai sẽ bị thiên tai, không bao giờ hết được. Trong thế giới vật chất, nếu tạo ra một lực thì sẽ có một phản lực tác động ngược trở lại gọi là lực quán tính. Máy bay phản lực chính là ứng dụng lực quán tính để đẩy máy bay đi. Lực và quán lực (lực quán tính) là một cặp đối xứng. Bất cứ lãnh vực nào cũng đều có cặp đối xứng như vậy, triết học gọi là cặp phạm trù mâu thuẫn, như : tối sáng, cao thấp, đúng sai, tốt xấu, vật chất phản vật chất, electron positron…Trong thế giới vô hình cũng có những cặp đối xứng như vậy, trong đó nghiệp và phản nghiệp là một cặp, sắc và không, tồn tại và không tồn tại là những cặp khác. Triết lý Đạo Phật nói rằng các cặp mâu thuẫn là một, đồng thời cũng không phải là một, nên miễn cưỡng gọi là bất nhị. Bất nhị là không phải hai nhưng cũng không phải một. Thế nên số lượng chỉ thể hiện phần nổi, còn phần chìm thì bỏ qua nên không có số lượng nào là thật đúng, số lượng chỉ là cái thấy được, cảm nhận được, chứ không phải toàn bộ sự thật. Nhưng con người vô hình trung qui ước với nhau, khi nói một số lượng là chỉ nói phần nổi, phần thấy được, còn phần chìm không thấy được thì bỏ qua, do đó không thể thấy được toàn bộ sự thật. Thí dụ một bài viết ở trên mạng, nó không chỉ xuất hiện ở một nơi duy nhất, mà có thể xuất hiện ở bất cứ nơi nào trên thế giới miễn có đủ điều kiện. Do đó khi tính số lượng, ta thật sự không thể xác định được. Nếu thống kê số lần bài đã và đang được mở ra xem trên khắp thế giới, thì đó chỉ là số lượng của quá khứ và hiện tại, còn tương lai thì chưa thể biết và chưa được thống kê. Vậy làm sao biết được số lần một bài được mở ra xem ? bởi vì cái tiềm năng số lần được mở ra xem là vô lượng. Ấy là còn chưa kể bài được lấy lại đăng ở những website hoặc blog khác. Như vậy số lượng chỉ là qui ước tạm tính chứ không bao giờ đúng được. Tôi đã nhiều lần đề cập hiện tượng rối lượng tử (quantum entanglement ), một photon có thể xuất hiện ở vô số vị trí khác nhau, cho nên nói có một photon cũng không đúng, mà nói có nhiều photon cũng không đúng vì các photon đều giống hệt nhau. Đó chính là ý nghĩa bất nhị của Phật giáo. Hiện tượng rối lượng tử còn biểu thị cho ta biết rằng không gian, thời gian và số lượng chỉ là tâm thức chứ không phải thật có. Vì không gian vô tận, thời gian vô cùng, số lượng vô hạn, nên những con số chúng ta nêu ra là chỉ biểu thị số lượng có hạn của không gian hạn chế, thời gian hạn chế. Mặt khác, có nhiều vũ trụ tồn tại đồng thời, có nhiều hệ qui chiếu đang vận hành cùng lúc, nên mọi con số đều mang tính chủ quan. Thí dụ nói : Tôi đang đi bộ trên đường với tốc độ 3km/giờ. Đó chỉ là chủ quan của tôi. Chứ thực ra tôi còn chuyển động theo chiều quay của trái đất với tốc độ khoảng 1600km/giờ, còn di chuyển trên quỹ đạo trái đất quanh mặt trời với tốc độ khoảng 108.000 km/giờ , còn di chuyển theo thái dương hệ, theo dải ngân hà, với tốc độ không biết bao nhiêu nữa. Rồi còn vô số hình hài của tôi đang di chuyển trong những vũ trụ khác mà con người không thấy được, nhưng biết là có, vì Đức Phật đã khai thị rằng một vật hay một người có thể xuất hiện đồng thời ở nhiều thế giới khác nhau, và hiện tượng rối lượng tử đã chứng minh rằng một photon có thể xuất hiện đồng thời ở vô số vị trí khác nhau.
2/Khoa học không thể giải quyết được những nỗi khổ cơ bản là sinh, lão, bệnh, tử.
Các nhà khoa học có khuynh hướng cho rằng sinh lão bệnh tử là qui luật tự nhiên, không thể thay đổi, không làm sao có thể thay đổi được. Khoa học chỉ có thể làm giảm bớt đau khổ của sinh lão bệnh tử chứ không thể xóa bỏ được. Trong Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh, Phật nói “phi nhân duyên, phi tự nhiên” tức là mọi sự vật ở thế gian kể cả sinh lão bệnh tử không phải là nhân duyên, cũng không phải là tự nhiên. Nhân duyên là lối giải thích sự vật theo khoa học. Tức là 3 quark hợp lại thành proton, 3 quark hợp lại theo kiểu khác thành neutron. Proton cấu kết với neutron thành hạt nhân nguyên tử, hạt nhân cấu kết với electron thành nguyên tử. Nhiều nguyên tử hợp lại thành nguyên tố vật chất như hydrogen (H), oxigen (O), carbon (C), nitrogen (N), sắt, đồng, chì, kẽm v.v…Các nguyên tố H, O, C, N là những thành phần cơ bản tạo ra chất sống, tức tạo ra cơ thể của sinh vật. Nhiều nguyên tử tạo thành phân tử, nhiều phân tử hợp thành tế bào, nhiều tế bào hợp thành cơ thể sinh vật. Thuyết thập nhị nhân duyên của Phật giáo tuy không giải thích tường tận như khoa học khi nói về nhân duyên hay duyên khởi, nhưng lại đi xa hơn, thấy xa hiểu rộng hơn khoa học rất nhiều. Phật thấy rằng quark, electron, và những hạt cơ bản hạ nguyên tử (subatomic particles) khác chỉ là những hạt ảo chứ không phải thực thể, chúng không thể độc lập tồn tại, điều này thì mãi đến thế kỷ 20, các khoa học gia hàng đầu thế giới mới hiểu ra.
Niels Bohr (1885-1962, nhà vật lý người Đan Mạch, giải Nobel vật lý 1922) nói “Isolated material particles are abstractions” (1) (Hạt vật chất cơ bản cô lập là những sự vật trừu tượng- tức không phải vật thật).
Von Neumann (1903-1957 nhà toán học người Mỹ gốc Hungary, có nhiều đóng góp cho vật lý lượng tử và khoa học máy tính) phát biểu : “Nothing would be real unless consciousness exists, that all real things are constituents of consciousness – which is a complete reversal of materialism” (2) (Không có cái gì là thật trừ phi ý thức hiện hữu, tất cả vật thật đều cấu thành từ ý thức- điều này hoàn toàn trái ngược với chủ nghĩa duy vật).
Những hạt cơ bản của vật chất chỉ là những hạt ảo chứ không phải thực thể, do đó cấu trúc của chúng như nguyên tử, phân tử, sinh vật, con người, sơn hà đại địa…cũng chỉ là cấu trúc ảo không có thật (Thiền gọi là vô thủy vô minh hay thoại đầu), chúng chỉ hiện hữu trong tâm thức, trong nhất niệm vô minh của chúng sinh. Cần có vô minh để tưởng tượng cấu trúc ảo đó thành vật thể như sông núi, nhà cửa, cây cối, sinh vật, đồ dùng…Chính vì lẽ đó, mắt xích đầu tiên của Thập nhị nhân duyên Phật giáo là Vô minh, phải có vô minh mới thấy có vật. Bậc giác ngộ như Huệ Năng không khởi lên nhất niệm vô minh thì không thấy có vật gì cả, vì vậy Huệ Năng nói “Bổn lai vô nhất vật” (xưa nay không có vật gì cả). Phật nói phi nhân duyên cũng là ý nghĩa đó, chỉ là tưởng tượng không có thật. Còn phi tự nhiên đích thực là cái thấy sâu xa của Phật, không phải tự nhiên mà có sinh lão bệnh tử hay có vật chất, vì nhất niệm vô minh kết hợp với vô thủy vô minh mới thấy có sự vật, có không gian, thời gian. Vô thủy vô minh và nhất niệm vô minh đều do tâm thức tạo ra. Tâm lực là lực tổng hợp của 4 lực cơ bản của vật chất, nếu làm chủ được tâm lực thì làm chủ được cả vô thủy vô minh và nhất niệm vô minh, tức làm chủ được cả vũ trụ vạn vật. Người giác ngộ chính là Thượng đế. Cái thấy của Phật sâu xa, rốt ráo hơn Einstein rất nhiều. Vì vậy trong một bài trước, tôi mới bầu chọn Đức Phật là nhà khoa học vĩ đại nhất mọi thời đại.
Khoa học không thể giải quyết được sinh lão bệnh tử. Các nhà khoa học cũng không làm chủ được bản thân và hoàn cảnh của mình. Max Planck (1858-1947) người sáng lập ra cơ học lượng tử, hằng số Planck, Giải Nobel Vật lý 1918, vinh quang về mặt khoa học, nhưng bất hạnh về gia đình và cuộc đời. Người vợ thứ nhất của ông, Marie Merck mất sớm vì bệnh lao, cả 4 đứa con của ông với người vợ này đều chết sớm, con trai lớn Karl đi lính chết trong thế chiến thứ nhất, hai cô con gái Grete và Emma đều chết lúc sinh con, con trai còn lại Erwin bị tử hình vì ám sát Hitler bất thành. Cuối đời ông chết vì tai biến mạch não.
Sigmund Freud (1856-1939) nhà phân tâm học nổi tiếng thế giới, danh tiếng có thể sánh ngang với Einstein và Karl Mark, về cuối đời bệnh nặng, khốn khổ với 33 lần phẫu thuật trong 16 năm cuối của cuộc đời.
Nhà khoa học nổi tiếng nhất thời nay là Stephen Hawking, sinh năm 1942, hiện còn sống, nhưng bị tật nguyền, cổ bị vẹo, mất khả năng cử động, không thể nói ra tiếng được vì phải phẫu thuật cắt khí quản, phải dùng một thiết bị kết hợp với máy vi tính mới nói thành lời được, suốt đời phải ngồi xe lăn.
Các ví dụ trên cho thấy rõ ràng rằng khả năng của khoa học là có hạn chế, nó có thể đem lại kiến thức và sản phẩm cải thiện đời sống cho nhiều người nhưng không đủ sức giải quyết những nỗi khổ cơ bản là sinh lão bệnh tử, không thể giúp con người làm chủ được bản thân và hoàn cảnh riêng của mình, cũng như làm chủ được cộng đồng mà mình là thành viên, khiến bản thân nhiều nhà khoa học phải chịu bó tay.
3/ Khoa học không thể giúp mang lại hòa bình cho thế giới.
Lý do khiến khoa học không thể mang lại hòa bình cho thế giới là vì tính chất cục bộ, phần mớ, không thấu triệt của kiến thức. Một kiến thức nửa vời thiếu sót thậm chí rất nguy hiểm vì có người tin vào đó, hành động cuồng tín, mang lại tai họa cho nhân loại. Chẳng hạn để giành lấy ưu thế, người ta chế tạo vũ khí nguyên tử, vì tưởng rằng nắm được vũ khí này trong tay, là nắm được quyền lực, khiến mọi nước khác phải tuân theo sự sắp xếp trật tự của mình. Kết quả là chạy đua vũ trang, kho vũ khí nguyên tử của nhân loại ngày càng lớn, ngày càng có nhiều nước tìm cách sở hữu loại vũ khí này. Thậm chí có nước để dân chết đói miễn sao có được vũ khí này. Và nguy cơ diệt vong của nhân loại vì vũ khí nguyên tử, một sản phẩm thượng thặng của khoa học, là rất lớn, rất gần kề.
Tại sao nói khoa học chỉ có kiến thức cục bộ, không thấu triệt ? Đối với việc này, định lý bất toàn của Kurt Gödel (1906-1978, nhà toán học người Áo) là câu trả lời thích đáng. Ý nghĩa của định lý bất toàn là trong bất cứ hệ thống lô gích nào cũng có hàm chứa mâu thuẫn, ngay cả trong toán học hay hệ thống máy tính điện tử là những hệ thống lô gích chặt chẽ nhất vẫn có mâu thuẫn. Mâu thuẫn trong toán học như phần trên đã nói, số lượng là không đúng, là không thật, nó chỉ có giá trị qui ước trong một phạm vi giới hạn về không gian, thời gian, hệ qui chiếu như đã nói ở phần trên. Chúng ta cũng có thể kiểm chứng điều này. Thí dụ, ta chỉ có một tấm hình, nhưng qua internet, ta có thể gởi cho vô số người, đây là điều hoàn toàn có thể kiểm chứng. Một tấm ảnh scandal của minh tinh màn bạc nổi tiếng được tung lên mạng, thì lập tức nó không còn là một tấm ảnh nữa mà trở thành vô số tấm ảnh.
Mâu thuẫn trong máy tính là sự cố dừng máy hay treo máy, do khi thi hành một câu lệnh, theo đúng lô gích, máy không tìm được một nghiệm số thích hợp nên nó bị treo luôn. Điều đó biểu thị là có mâu thuẫn trong hệ thống lô gích nên không có lời giải.
Bây giờ xin nói rõ hơn, trực tiếp hơn tại sao khoa học không thể xây dựng hòa bình.
Nói khoa học chỉ hiểu cục bộ, thô thiển, không thấu triệt là như thế nào ?
Khoa học chỉ hiểu ta là ta, người là người, đó là hai thực thể khác nhau. Trong khi huệ nhãn của Phật thấy rằng ta chính là người, người chính là ta, thực tế là vô ngã. Thực tế vũ trụ vạn vật là không có thật, chỉ là ảo hóa, ta không có thật, người không có thật. Hiểu được như vậy thì không có lý do gì tranh giành chém giết lẫn nhau, không có lý do để chiến tranh xảy ra. Các bậc giác ngộ thấy rõ như vậy, chứng thực như vậy, mà chúng ta dùng tư duy để quán chiếu cũng có thể thấy và hiểu được. Cái ta của mỗi người là do lầm tưởng, do ảo hóa, do duyên khởi chứ không phải thật, các vật khác cũng vậy. Thế nên Kinh nói nhân vô ngã (người không có cái tôi) pháp vô tự tánh (sự vật không có bản tánh của riêng nó). Khoa học ngày nay cũng thấy như vậy. Niels Bohr nói rằng các hạt cơ bản nếu tách riêng ra thì chỉ là hạt ảo, trừu tượng, không có thật (“Isolated material particles are abstractions”)
Vì không thấu triệt nên khoa học là con dao hai lưỡi, một mặt, nó có thể giúp con người có cơm ăn, áo mặc, nhà cửa để ở, xe cộ để đi lại, vật dụng để xài. Nhưng mặt khác nó có thể tiêu diệt cả loài người trong một thời gian rất ngắn ngủi. Điều này chắc là hiện nay nhiều người đều có thể hiểu, một khi vũ khí nguyên tử lọt khỏi sự kiểm soát.
Trong thế giới hiện nay, khoa học rất phát triển nhưng thế giới không có một ngày bình yên vì đủ thứ tranh giành giữa các nước, giữa các chủng tộc, giữa các nhóm người. Họ không phải không có kiến thức khoa học, nhưng kiến thức phiến diện, không tới nơi tới chốn, khiến cho mâu thuẫn luôn luôn xuất hiện và không thể giải quyết bằng hòa bình, chẳng hạn vấn đề tranh giành lãnh thổ, biển đảo, tài nguyên, không ai có thể nhường ai, nên xung đột, chiến tranh luôn chực chờ.
4/ Khoa học không thể giúp con người chu du khắp vũ trụ
Mặc dù khoa học có thể giúp chế tạo phi thuyền không gian để có thể du hành trong vũ trụ, nhưng con người hiện nay chỉ mới đi tới được vệ tinh duy nhất của trái đất là mặt trăng vào năm 1969. Từ đó đến nay đã hơn 40 năm nhưng con người cũng chưa đi được xa hơn. Phi thuyền không người lái thì đã có vài chiếc đáp được xuống Sao Hỏa, Sao Kim, vài chiếc khác thì đi đến rìa của Thái dương hệ. Xin tóm tắt vài nét chính về nỗ lực chinh phục không gian của con người thời gian qua như sau.
Ngày 4-10-1957 Liên Xô lần đầu tiên đưa được vệ tinh nhân tạo Sputnik1 lên quỹ đạo địa cầu. Vệ tinh này nặng 83.5 kg. Vệ tinh đã thực hiện thành công nhiệm vụ đơn giản của mình là truyền về trái đất qua sóng radio những tiếng beep beep đã được định sẵn. Tháng 4/1961, Liên Xô đưa phi công vũ trụ Yuri Gagarin vào quỹ đạo Trái Đất, đây là người đầu tiên vào không gian. Tàu đầu tiên thành công trong việc bay gần sao Kim là Mariner 2 của Mỹ, vào ngày 14-12-1962. Nó gửi về các thông tin đáng kinh ngạc về nhiệt độ bề mặt khá cao và mật độ không khí đậm đặc của sao Kim.
Ngày 20-7-1969 tàu Apollo 11 của Mỹ đã đáp xuống mặt trăng mang theo hai phi hành gia Neil Amstrong và Buzz Aldrin, đây là những người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng.
Phi thuyền Apollo 11 và phi hành gia Buzz Aldrin
Ngày 15-12-1970 tàu Venera 7 của Liên Xô đã đáp xuống Sao Kim, đây là tàu đầu tiên hạ cánh trên sao Kim. Năm 1974, phi thuyền Mariner 10 thăm dò Thủy Tinh, hành tinh gần Mặt Trời nhất. Năm 1976 phi thuyền Viking1 và Viking 2 lần đầu tiên đổ bộ xuống Hỏa Tinh những thiết bị tự động để thử nghiệm và phân tích chất đất của nó. Ngày 5-9-1977 tàu Voyager1 của Mỹ được phóng lên, đến năm 1979 nó đi ngang Sao Mộc và năm sau, nó đi ngang Sao Thổ, đến ngày 12-4-2010 nó đã đi xa trái đất được 17 tỉ km và hiện vẫn còn tiếp tục đi xa ra ngoài rìa của hệ mặt trời với tốc độ 13km/giây hay 46.800 km/giờ, nó là con tàu vũ trụ do con người chế tạo đi xa trái đất nhất từ xưa tới nay. Phi thuyền Voyager 2 được phóng lên không gian chỉ sau Voyager1 16 ngày, đã đi ngang Sao Thiên vương và Sao Hải vương, đưa chúng vào danh sách những hành tinh được NASA (National Aeronautics and Space Administration- Cơ quan quản trị hàng không và không gian của Mỹ) thăm dò. Voyager 2 phát hiện ra một số vành đai và nhiều mặt trăng nằm trong quỹ đạo của hai hành tinh đó. Tháng 9/1997 xe tự hành Mars Pathfinder được thả xuống Sao Hỏa, đây là lần thứ ba con người cho thiết bị đáp xuống Sao Hỏa, cung cấp nhiều hình ảnh xác thực hơn về hành tinh này.
Xe tự hành Pathfinder trên Sao Hỏa
Nói chung con người có khả năng chu du trong thái dương hệ. Nhưng thái dương hệ thì vô cùng nhỏ bé so với vũ trụ mênh mông. Với vận tốc hiện nay của phi thuyền không gian khoảng 50.000 km/giờ thì không thể đến được những hành tinh xa xôi hàng trăm, hàng ngàn năm ánh sáng.
Giả sử con người có thể chế tạo thiết bị để đưa được con người đi xa với tốc độ ánh sáng (chẳng hạn thực hiện được vô tuyến vận tải –wireless transportation- biến cơ thể con người thành lượng tử và gởi đi với tốc độ ánh sáng, sau đó tổng hợp lại thành người như cũ) cũng phải mất hàng chục tỉ năm để đi đến những nơi xa xôi nhất trong vũ trụ, và khi trở về thì quả địa cầu đã diệt vong, như vậy thì du hành chẳng còn ý nghĩa gì nữa.
Trong khi đó theo Phật pháp thì khoảng cách không gian cũng như thời gian và số lượng là không có thật, người giác ngộ không đi đâu cả mà đi khắp pháp giới, chỉ một niệm là đến. Chẳng những đi khắp Dục giới mà còn đến được bất cứ đâu kể cả Sắc giới và Vô Sắc giới, bất cứ vũ trụ nào, vì mọi vũ trụ đều là ảo hóa do tâm tạo.
Kết luận : Cuộc sống của con người chúng ta bắt buộc phải dựa vào khoa học, đó là văn minh của nhân loại. Nhưng không nên dựa hoàn toàn 100% vào khoa học vì bản thân khoa học cũng có những giới hạn nhất định như đã nêu trên. Do đó phải biết nêu lên một câu hỏi cho chính mình, câu hỏi đó lúc nào cũng canh cánh bên lòng, rằng có một sự thật nào đó vượt ra ngoài khả năng nhận biết của mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, thân thể tiếp xúc, ý thức suy nghĩ; nghĩa là bất khả tư nghị, hay không ? Câu hỏi đó dằn vặt suốt đời, ngay cả lúc ngủ cũng không quên. Chẳng hạn hỏi : “ Khi chưa có trời đất, ta là cái gì ?” Hỏi nhưng không tìm cách trả lời, bởi vì mọi giải đáp khoa học nhất đều nằm trong giới hạn của lục thức. Hỏi như vậy là để phát khởi nghi tình, do nghi sẽ có lúc ngộ. Làm như vậy cũng tức là tham thiền, tham thoại đầu. Đề khởi liên tục một câu thoại để phát khởi nghi tình. Câu thoại tức là câu hỏi dành cho chính mình, một câu rất khó hiểu, không thể hiểu được. Đề khởi như vậy liên tục lâu ngày thì có thể phát sinh nghi tình. Nghi tình ngày càng lớn mạnh, đến lúc nào đó bùng nổ tức là giác ngộ. Thiền sử có liệt kê hơn 7000 người đạt tới giác ngộ. Họ đạt được sinh tử tự do, thoát khỏi luân hồi, giải quyết được tất cả mọi vấn đề, vượt qua tất cả mọi giới hạn mà khoa học không thể vượt qua. Trong số những người giác ngộ, ngoài các thiền sư nổi tiếng như Huệ Năng, Đơn Điền, Hám Sơn, Lai Quả, Hư Vân, Nguyệt Khê…còn có những cư sĩ tại gia mà cả gia đình 4 người đều giác ngộ như trường hợp gia đình Bàng Uẩn mà Thầy Duy Lực đã kể như sau :
Câu 372 Hỷ xả và pháp xả khác nhau thế nào- Kể chuyện Bàng Uẩn
Trong cuộc sống đời thường, cũng có nhiều lúc chúng ta phải tự chủ, tự có niềm tin và quyết định riêng chứ không thể hoàn toàn dựa vào khoa học. Có những trường hợp bệnh nan y, y học bó tay nhưng có người vẫn chữa lành được bằng niềm tin, tuy hiếm hoi nhưng không phải không có. Ông Ohsawa sinh ngày 18/10/1893 tại Nhật trong 1 gia đỉnh nghèo khó. Đến 1908, ông 15 tuổi, bị rất nhiều bệnh nặng: lao phổi, lao ruột, cận thị, loạn thị, đau mắt hột, sa dạ dày, lao đại tràng, trĩ, ghẻ lở…Năm 1912, 19 tuổi, ông tự chữa lành tất cả các bệnh, nhờ áp dụng phương pháp tiết thực dưỡng sinh của Ishizuka Sagen (1850-1909). Ông đề xuất phương pháp ăn gạo lứt muối mè để trị nhiều chứng bệnh khác nhau một cách hiệu quả, nhưng phải có niềm tin. Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, năm 27 tuổi, bị bệnh lao phổi nặng, phải nằm viện trong 10 năm, lên bàn mổ 6 lần, bị cắt gần ba phần tư phổi. Lúc ra viện, sức thở của ông chỉ còn 1/3, dung tích sống chỉ có 1 lít. Hồ sơ bệnh lý ghi: “Thiếu thở trầm trọng, không được làm việc”. Các bác sĩ cho rằng ông chỉ có thể sống thêm nhiều lắm là 3 năm. Nhưng nhờ có lòng tin và kiên trì tập thở ông đã sống đến 85 tuổi. Ông đã tổng kết phương pháp thở bằng bài thơ ngắn :
Thót bụng thở ra
Phình bụng thở vào
Hai vai bất động
Chân tay thả lỏng
Êm, chậm, sâu, đều
Tập trung theo dõi
Luồng ra luồng vào
Bình thường qua mũi
Khi gấp qua mồm
Đứng ngồi hay nằm
Ở đâu cũng được
Lúc nào cũng được.
Nhưng điều quan trọng nhất là làm chủ được vận mệnh và hoàn cảnh của mình, làm chủ được sinh lão bệnh tử, thoát khỏi luân hồi, giác ngộ bản tâm. Đó là những điều mà khoa học không thể giúp được cho chúng ta, chúng ta phải tìm kiếm ở lãnh vực tâm linh, mà Phật giáo có thể hướng dẫn. Các thiền sư ngộ đạo là những người đi trước, đã làm được.
Truyền Bình