;
Viết những dòng này trãi bày suy tư với tư cách người phàm phu, không phải nhà nghiên cứu hay tu sĩ được đào tạo căn bản. Dù vậy, tôi đã có những trãi nghiệm tâm linh nghiêm túc trong hành trình tiếp thu giáo lý nhà Phật.
Người trẻ bây giờ - chỉ xin được nói đến người trẻ - gặp khó trong tiếp cận giáo lý Phật giáo, trớ trêu bởi chính vì họ mang hành trang học vấn quá nặng nề.
Những kiến thức đồ sộ về đủ lĩnh vực khoa học xã hội, nhân văn và tự nhiên khiến họ có cái nhìn có khi rất xa lạ trước giáo lý nhà Phật, chấp rất rõ. Với nhiều người trẻ bây giờ, muốn tin cái gì đấy phải trãi qua các thao tác chứng minh, có lý, lo gic. Và họ “đi vào” sự nhiệm mầu Phật pháp với tư duy được “lập trình” dành cho học các định đề khoa học hay phân tích tổng hợp các sự kiện, nan giải ghê gớm.
A Nan ngày trước khi đến với Thích Ca và lời dạy của Người dễ hơn người trẻ bây giờ rất rất nhiều, đầu óc A Nan không đầy ắp các công thức, nhận định, hướng dẫn mà chỉ có sự cảm nhận thống khổ kiếp nhân sinh trôi lăn trong sinh tử cùng khát khoa mãnh liệt tìm cầu chân lý, lòng ngưỡng vọng Phật vô điều kiện.
A Nan không qua khóa học sơ trung cao cấp nào về Phật pháp mà vẫn ngộ đạo rất nhanh, một thanh tựu tâm linh khiến chúng ta ngày nay nếu chiêm nghiệm nghiêm túc sẽ ngỡ ngàng, khâm phục.
Phật học và khoa học từng là hai phạm trù gây tranh cãi rất nhiều, cho đến bây giờ và có lẽ cả sau này, khi người ta đặt giữa hai phạm trù mâu thuẫn khó giải quyết như sự đối kháng trong quá trình tiến hóa về tư tưởng của nhân loại.
Nhưng nếu chúng ta không đặt thành mâu thuẫn đối kháng, mà nhìn nhận chân xác Phật học là khởi nguyên khoa học, và hành trình gian khó của các ngành khoa học làm rõ hơn, sáng tỏ hơn các phát hiện của Đức Thế Tôn có phải dễ chịu và khiến nan đề được giải quyết hay không?
Phật học và khoa học không tồn tại trong quan hệ đấu tranh tư tưởng một mất một còn như từng bị nhìn nhận như thế, mà cùng nằm trên hành trình nhận thức chân lý, hành trình nỗ lực thoát khỏi vô minh, Phật là khởi nguyên cho hành trình gian nan ấy.
Một câu chuyện được coi là điển tích Phật học thường dược nhắc đến để chỉ mối quan hệ Phật học và khoa học cũng như vị trí khởi nguyên: chúng sinh dâng một ly nước trắng (sạch), Phật niệm rất lâu và giải thích, trong nước có vẻ sạch ấy tồn tại rất nhiều vi trùng (một cách gọi), uống cũng là sát sinh, phải niệm sám hối…
Thời ấy nhân loại làm gì có phương tiện để quan sát nước ở cấp độ như kính hiển vi hiện đại ngày nay, nhưng Phật thấy tồn tại trong nước những sinh mệnh. Câu chuyện này không hề huyền hoặc, có trong kinh điển Phật giáo, và chỉ mới là một ví dụ nhỏ.
Tứ diệu đế chẳng phải là công trình vĩ đại nghiên cứu xã hội đó hay sao? Phật quan sát, suy niệm rốt ráo để thấy và phát biểu một cách khoa học nhất về sự thống khổ có tính tất yếu của đời sống nhân sinh cùng con đường giải quyết.
Nhận thức về các cõi, ngay trong đời sống xã hội hiện tại, cũng cho thấy góc nhìn khoa học về xã hội có tính biện chứng, vấn đề là ngôn ngữ thể hiện. ý nghĩa cấm sát sinh tron ngũ giới cấm là tiên phong trong việc nhận thức về bảo vệ môi trường, bảo vệ sự sống của động vật.
Thiền là đóng góp to lớn cho y học v.v… Đấy chỉ là chút xíu tính khoa học tiên phong của giáo lý Phật dưới góc nhìn ĐỜI, chưa nói đến sự quan yếu hơn về tâm linh, mục đích giải thoát rốt ráo…
Khi nhân loại chật vật tìm ra các châu lục (khi chúng vốn tồn tại sẵn từ rất lâu) theo cách Ác Si Mét: tìm ra rồi (a rơ ca!)! Các nhà khoa học cùng số đông cũng hét vang khi tìm ra trật tự tuần hoàn hóa học, định luật tương đối, các qui luật trong khí động học và thủy động học, bản đồ gen.. cũng giống như Ma gien lăng khám phá thế giới, thấy cái đã tồn tại từ lâu.
Theo đà suy nghĩ như vậy, chúng ta dễ dàng đồng ý: ngày mai ngày mốt, năm sau, thế kỷ.. nhân loại sẽ khám phá bao nhiêu qui luật trong vũ trụ, xã hội và tự nhiên? Vô cùng tận… Mỗi lần khám phá lại hét vang và càng đi xa niềm tin tôn giáo, càng thấy tôn giáo, trong đấy có Phật giáo, là cổ lổ sĩ, xa lạ, lỗi thời…
Và mỗi lần người học cao hiểu rộng có va vấp trong đời sống, gặp cơn bĩ cực hay nan đề không sao giải quyết được cho dù đã cho..máy tính chạy hết các chương trình tinh vi nhất, họ lại dong xe đến chùa chiền thắp hương cho..khuây khỏa! Bi kịch tư tưởng ở chỗ không hiểu sao nhiều bậc trí giả nhất loạt đặt Phật học và khoa học đối kháng nhau?
Nếu, như đã nói, xem các nhà bác học, các công trình phát minh như cách nhìn nhận tốt hơn chân lý, quá trình nghiên cứu và phát hiện cũng là qúa trình đi trên hành trình Phật đã đi, có sao đâu? Như vậy, sẽ nhẹ nhàng biết bao nhiêu…
Phật giáo không bao giờ có chủ trương chống khoa học, khoa học giúp nhân sinh bớt vô minh và đến gần chân lý Phật pháp hơn, lẽ ra là như vậy. Trên thế giới không ít các nhà khoa học tự nhiên lừng danh đã thấy gần gũi trong lời Phật, như nhà thiên văn học Nguyễn Quang Riệu – một Việt kiều Pháp.
Đấy là cách nhìn, cách nghĩ của một phàm phu, là tôi, về mối quan hệ Phật học và khoa học, mạo muội viết ra…