;
Trước đây, một số bài báo vẫn coi đây là một hình thức ướp xác cổ xưa của người Việt. Người ta dùng từ “tượng táng”, tức là tống táng bằng hình thức làm tượng.
Nói ướp xác, hay lấy thân làm tượng, thì các vị thiền sư lưu nhục thân sau khi viên tịch có vai trò thụ động trong hoạt động kỳ bí này. Vì ướp xác là công việc của người sau tác động lên thi thể của người đã khuất. Do đó, thành quả giữ gìn nhục thân là từ bên ngoài, không phải của chính các vị thiền sư. Các vị thiền sư chỉ là những người được ướp xác. Cái đáng nói chỉ là vấn đề kỹ thuật. Từ “tượng táng” cũng có ý như thế, một kiểu táng như địa táng, hỏa táng, lâm táng…
Không đồng ý với quan điểm như trên, trước đây, chúng tôi đã có bài viết đề xuất dùng cụm từ “toàn thân xá lợi” để chỉ việc các nhà sư đắc đạo cố ý lưu gửi nhục thân của mình để gửi một thông điệp khuyến tu cho hậu thế. Như vậy, đây không phải là vấn đề kỹ thuật, mà là chuyện mầu nhiệm, do tác động từ việc tu tập của các vị thiền sư, những người lưu giữ nhục thân chỉ có vai trò phụ.
Khi đó chúng tôi đã nêu câu hỏi với các nhà khoa học nghiên cứu bảo quản phục chế nhục thân các vị thiền sư, rằng bây giờ, nếu làm lại kỹ thuật như người xưa đã làm trong việc lưu gửi nhục thân các vị thiền sư thế kỷ XVII-XVIII, đối với một người vừa mới mất, thì kết quả sẽ có lưu giữ được thi thể hay không, lưu giữ được trong bao lâu?
Tại sao nếu chỉ dùng sơn ta với lụa, thì sao kỹ thuật ướp xác như thế đã không phổ biến rộng rãi, mà chỉ giới hạn ở vài nhà sư Phật giáo?
Chúng tôi cho rằng nếu hiểu đây chỉ thuần túy là ướp xác hay một cách an táng, kết quả công việc của người sau, sau khi các nhà sư đã viên tịch, là đã biến một việc mầu nhiệm, có thể gọi là một phép lạ, thành một việc thuần túy kỹ thuật. Như thế là không thấy được sự mầu nhiệm của đạo Phật, đánh mất thông điệp của các nhà sư muốn gửi lại hậu thế về việc tu tập, làm mất hẳn ý nghĩa thiêng liêng của sự kiện.
Nếu chỉ do kỹ thuật mà có thể lưu thân xác sau khi chết nhiều trăm năm, thì các vị thiền sư chỉ là người thụ hưởng kỹ thuật một cách thụ động. Vấn đề được hạ thấp xuống mức độ kỹ thuật một cách đơn giản như thế.
Sẽ còn những câu hỏi khác, mà chúng tôi chưa có dịp nêu, bên cạnh câu hỏi tác dụng bảo quản xác chết của sơn ta và lụa. Đó là:
- Vì sao trong lịch sử Việt Nam chỉ có 4 vị thiền sư lưu giữ được thân thể, mà không có một người thường (không phải thiền sư, không theo đạo Phật) nào?
- Vì sao những người tiến hành ướp xác không sử dụng kỹ thuật đó để ướp xác chính họ?
- Vì sao các xác ướp lại đều ở tư thế ngồi thiền, mà không ở các tư thế khác?
Mới đây, tháng 6/2014, Đài Truyền hình Việt Nam trong chương trình “Những mảnh ghép của cuộc sống”, đã trình chiếu phim tài liệu “Bí mật từ những bức tượng Phật” trên kênh VTV1, trong đó tập 2 đã thể hiện những quan điểm mới về việc lưu giữ nhục thân của các vị thiền sư Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII. Trong đó, ngoài quan điểm của những người làm phim, quan điểm của vị tu sĩ Phật giáo được mời phát biểu là Thượng tọa Thích Đức Thiện, quan điểm của một nhà nghiên cứu cận tâm lý còn là quan điểm của những nhà khoa học tham gia bảo quản, phục chế nhục thân các vị thiền sư.
Bên cạnh yếu tố kỹ thuật vẫn được miêu tả, yếu tố tâm linh đã được tất cả các phía nêu bật.
Như thế, vai trò của các vị thiền sư, trong việc lưu giữ xác thân, từ thụ động, đã được nhìn nhận một cách chủ động, tích cực. Từ “tu chứng” đã được nói đến và việc lưu giữ được xác thân được bộ phim thể hiện như là một kết quả tu chứng, đắc đạo, thay vì chỉ là nhờ kỹ thuật ướp xác bị động.
Một họa sĩ, thành viên nhóm bảo quản, phục chế nhục thân các vị thiền sư, đã nói đến việc chủ động lưu giữ nhục thân như là việc tạo các “cọc tiêu” hướng dẫn việc tu hành.
Một vị Phó giáo sư tiến sĩ thành viên nhóm bảo quản, phục chế nhục thân các vị thiền sư đã nói đến khả năng các vị thiền sư cố ý lưu giữ nhục thân trong tư thế pho tượng nhằm mục tiêu giáo hóa.
Nếu những nhìn nhận như vậy là từ vị tu sĩ Phật giáo hay từ nhà nghiên cứu cận tâm lý thì không có gì lạ, nhưng khi từ những nhà khoa học, nó có ý nghĩa lớn.
Đã có sự xác nhận khách quan và thuyết phục từ các nhà khoa học về sự linh thiêng trong Phật giáo qua việc lưu giữ các nhục thân thiền sư. Mục tiêu của việc lưu giữ xác thân này cũng được hiểu từ tầm cao mới, không phải chỉ là một cách tống táng hay ướp xác, mà là một sự mầu nhiệm kỳ lạ, một thông điệp từ việc tu hành.
Cũng cùng là nhận định về việc lưu giữ nhục thân của các vị tiền sư, nhưng đến đây đã hoàn toàn khác trước. Tên của bộ phim cũng đã xác nhận điều này. Tượng các vị thiền sư được coi là tượng Phật.
Kỹ thuật đã được coi là không giải thích nổi, nhất là khi các nhà khoa học đề cập đến việc tự xử lý ngũ tạng của các vị thiền sư, nguyên nhân việc gây thối rửa ở những trường hợp tử vong bình thường.
Bên cạnh cụm từ tượng táng, đã có một cụm từ mới được nhắc đến, là “thiền táng” dù chưa nhắc đến “toàn thân xá lợi”.
Giới Phật tử chúng ta có thể qua việc ghi nhận chuyển biến nhận thức về việc lưu giữ nhục thân các vị thiền sư mà củng cố lòng tin của mình đối với đạo pháp.
Quả thật, không phải chết là hết, mà tu hành đắc đạo đã có kết quả rõ ràng, hiển nhiên, đã được thừa nhận tuyệt đối nhất trí.
Bộ phim của Đài Truyền hình Việt Nam quả thật đem đến một cái nhìn mới về sự linh thiêng mầu nhiệm của việc tu tập Phật giáo. Các pho tượng Phật là nhục thân được các vị thiền sư chủ động lưu giữ hàng trăm năm có giá trị như một lời sách tấn tu học Phật giáo, hiển nhiên và đầy thuyết phục, có giá trị một cách triệt để.
Tu chứng, như thế, không phải là chuyện mơ hồ, chủ quan trong ý tưởng của riêng một số ít người, mà là điều được chứng thực bằng sự phi thường, mầu nhiệm, có thể nhìn thấy, sờ thấy.
Có lúc nào đó, chúng ta sinh tâm thối thất, tiêu cực, mất lòng tin vào việc tu hành, thì hãy nghĩ đến sự mầu nhiệm trong việc lưu giữ nhục thân của các vị thiền sư. Đây rõ ràng là một hình thức làm chủ sinh tử, vượt qua sinh tử.
Cách lưu giữ xá lợi này cũng tương tự như cách Bồ tát Quảng Đức đã làm. Một quả tim thiêu trong lửa đỏ không cháy thì cũng như là một nhục thân tồn tại qua mấy thế kỷ mà chỉ bọc bằng lụa.
Sự chuyển biến trong nhận thức của các nhà khoa học phụ trách bảo quản, chỉnh trang nhục thân của các vị thiền sư Việt Nam cũng là diễn tiến tự nhiên, tất yếu, hợp lý trước sự thuyết phục của hiện thực mầu nhiệm rõ ràng.
Về phía các nhà lãnh đạo Phật giáo Việt Nam, chúng tôi nghĩ rằng, nên tổ chức biên soạn một quyển sách về nhục thân được lưu giữ qua nhiều trăm năm của các vị thiền sư Việt Nam được sự xác nhận rộng rãi, nhất là từ các nhà khoa học là một sự mầu nhiệm. Đây không phải chỉ là tài liệu thuyết minh về một bảo vật Phật giáo, mà trước hết, sẽ là một tài liệu hoằng pháp khuyến tu có tác động mạnh mẽ, thuyết phục.
Ở các tôn giáo khác, những phép lạ mơ hồ, mập mờ còn được họ ghi nhận và cường điệu, khuếch đại nhằm mục tiêu truyền đạo. Còn đối với Phật giáo Việt Nam, nếu không chú trọng và vận dụng đúng mức sự kiện mầu nhiệm về nhục thân hàng trăm năm của các vị thiền sư vào mục tiêu hoằng pháp chính đáng. thì đó là điều hết sức đáng tiếc, không đánh giá đúng mức ý nghĩa và khả năng của sự mầu nhiệm mà chư vị thánh tăng tiền bối đã cố ý truyền lại cho hậu thế.
MT
Thông tin riêng: vinasat132@yahoo.com hoặc www.facebook.com/cusiminhthanh